27/12, THÁNH GIOAN – TÔNG ĐỒ, THÁNH SỬ

26/12/2018

Trong số 12 Tông đồ của Chúa Giêsu, người đã nói nhiều nhất về “tình yêu” có lẽ không ai khác chính là thánh Gioan. Thánh Gioan là vị Tông đồ trẻ nhất, và là người được Chúa Giêsu yêu mến cách đặc biệt. Ngài đã đáp lại lời mời gọi của Chúa bằng đời sống đời sống trinh nguyên, thánh thiện. Thừa lệnh Chúa, ngài đã biên soạn cho kho tàng Đức Tin của Giáo Hội cuốn Tin Mừng thứ tư, sách Khải Huyền, và 3 Thánh Thư. Thánh nhân được kính nhớ trọng thể vào ngày 27/12 hằng năm. Ca nhập lễ ngày lễ kính ngài được mở đầu bằng những lời này: “Thánh Gioan ngả đầu vào ngực Chúa trong bữa tiệc ly. Hạnh phúc thay vị Tông Ðồ, đã được tỏ cho biết các mầu nhiệm trên trời, và đã phổ biến lời hằng sống trên khắp thế gian.”

Thánh nhân quê ở Bétsaiđa miền Galilê. Ngài là con trai thứ của ông Giabêđê, mẹ ngài là bà Salômê, và anh trai của ngài là Thánh Giacôbê Tiền. Gia đình ngài mưu sinh bằng nghề chài lưới. Trình thuật Chúa Giêsu gọi Thánh nhân do chính Thánh nhân kể lại là một trong những giai thoại đẹp nhất của các sách Kinh Thánh và trở thành đề tài suy niệm kinh điển trong phân định Ơn Gọi: “Hôm sau, ông Gioan lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Rápbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.” (Ga 1, 35-39)

Cùng với anh mình, và thánh Phêrô, thánh Gioan được có mặt trong nhiều biến cố quan trọng liên quan đến thần tính của Chúa Giêsu: Chúa làm phép lạ cho con gái ông trưởng hội đường Giairô sống lại, Chúa biến hình trên núi Tabo và Chúa hấp hối trong vườn Cây Dầu trước cuộc tử nạn. Trong bữa tiệc ly, Thánh nhân đã ngả đầu vào ngực Chúa Giêsu và khi Chúa chịu nạn, chỉ một mình Thánh nhân trong số 12 Tông đồ đứng dưới chân thập giá. Chính Chúa Giêsu đã phó thác Đức Maria cho ngài, và ngài đã đưa Mẹ về nhà sống với mình: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.” (Ga 19, 25-27)

Thánh nhân là một trong những người đầu tiên xác tín về mầu nhiệm Phục Sinh. Tin Mừng thuật lại: “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.” (Ga 20, 1-8)

Cũng trữ trình như trình thuật Chúa gọi, trình thuật Chúa Phục Sinh hiện ra cho các Tông đồ trên Biển Hồ Tibêria cũng góp mặt trong số những trình thuật Tin Mừng đẹp nhất mọi thời đại và cũng trở thành đề tài suy niệm Ơn Gọi kinh điển: “Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu. Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không.” Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: “Chúa đó!”… Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giêsu bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!” Ông Simôn Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Đức Giêsu nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa.” (Ga 21, 4-7. 9-12)

Theo truyền khẩu, Thánh nhân đã đi rao giảng Tin Mừng ở Antiôkia và miền Êphêsô. Hoàng đế Demitianô ra lệnh truy giết các tín đồ Kitô giáo nên Thánh nhân bị bắt giải về Rôma, dẫn tới cửa Latinh và ném vào vạc dầu đang sôi cho chết. Như vậy là ứng nghiệm lời Chúa Giêsu đã nói với Thánh nhân trong lần mẹ Thánh nhân đến xin cho ngài và anh ngài được ngồi bên hữu và bên tả Người trong Nước của Người: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” Đức Giêsu bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.” (Mt 20, 22-23) Tuy nhiên, giờ của Thánh nhân chưa đến, Chúa đã gìn giữa ngài khỏi chết trong biến cố đó. Không giết được Thánh nhân, triều đình Rôma đày Thánh nhân đi đảo Patnom. Tại đây, Thánh nhân tiếp tục rao giảng Lời Chúa và Rửa tội cho những người đồng cảnh khổ sai. Cũng chính trên đảo hoang vu này, Thánh nhân đã được nhận thị kiến Con Chiên và viết ra sách Khải Huyền. Khi hoàng đế băng hà, lệnh bách hại tín hữu Kitô được bãi bỏ. Thánh nhân được trở về Êphêsô. Lúc về già, Thánh nhân hay lặp lại:“Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con.” Có người kêu ca, sao cứ nói mãi một điều. Ngài trả lời: “Đấy là lệnh truyền của Chúa và như vậy là đủ.”

Chiêm ngắm hành trình dương thế của Gioan Tông đồ, chúng ta hãy xin Chúa, nhờ lời Thánh nhân chuyển cầu, ban cho chúng ta sức mạnh và can đảm sống như Thánh nhân đã sống: yêu mến Chúa tha thiết, sẵn sàng sống chết để làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa trong cuộc đời mình, “hãy yêu rồi làm gì thì làm” (thánh Augustinô), bởi chỉ có tình yêu mới làm cho những việc chúng ta nói và làm có giá trị mà thôi.

Nguồn: sưu tập

 

 

 


Liên quan khác