MỘT ĐI CHUNG CÙNG NHAU
Nói chuyện
Với Tổng hội Dòng Xitô Thánh gia
05-05-2021
Trọng kính Viện phụ Hội trưởng
Quý Viện phụ, Viện mẫu
Quý Bề trên
Và tất cả Anh Chị Em
Con xin cám ơn Viện phụ Hội trưởng đã ưu ái dành cho con bài nói chuyện này đúng lý là của ngài. Ngài đã nêu gương khiêm nhường phục vụ. Tuy trong đời sống đan tu, con chỉ là “kẻ ngoại đạo”, cùng lắm cũng chỉ là em bé chập chững tập đi, người thợ đang mày mò học việc. Tuy nhiên cử chỉ này của Viện phụ Hội trưởng cũng nói lên tình thân thiết: xem con như người nhà. Đó là tinh thần gia đình của Hội dòng Xitô Thánh gia. Chính trong tinh thần gia đình mà con đơn sơ chân tình chia sẻ với Tổng hội hôm nay.
I.NGUY CƠ THỜI ĐẠI
Chúng ta đang sống trong một thời đại thay đổi chóng mặt. Những biến chuyển về xã hội, chính trị, kinh tế thế giới chưa từng có. (Vd: Đại dịch Covid-19. Phong trào BLM. Công nghị Giáo hội Đức. Nhóm Trừ Quỷ Bảo lộc…)[1]. Xu hướng toàn cầu hoá cộng thêm những tiến bộ về khoa học, đặc biệt trong lãnh vực công nghệ thông tin, cuốn theo những biến đổi trong đời sống con người. Từ sinh hoạt cá nhân đến thái độ ứng xử giao tiếp trong xã hội. Từ suy nghĩ đến hành động. Từ chuẩn mực xã hội đến những lựa chọn ưu tiên. Từ nhận thức đến lượng giá sự việc. Từ đời sống gia đình đến đời sống cộng đoàn. Từ đời sống tông đồ đến đời sống chiêm niệm.
Những biến chuyển quá nhanh và quá mãnh liệt đó có thể đưa đến nguy cơ đổ vỡ trầm trọng. Trong thông điệp Fratelli Tutti, Đức Thánh Cha Phanxicô ghi nhận ba nguy cơ.
1.Mất ký ức.
Trong thời đại nông nghiệp ổn định mọi giá trị quy về quá khứ. Các bậc tiền nhân đã đặt ra những chuẩn mực lý tưởng. Con người cứ theo đó mà hành xử.
Nhưng trong thời đại công nghiệp và công nghệ thông tin mọi thứ hướng về tương lai. Những ảnh hưởng của nếp sinh hoạt mới cuốn cả thế giới vào vòng xoáy mãnh liệt của nó. Cách đây 20 năm thôi ta không thể tưởng tượng được sao chỉ bấm một nút là có thể kết nối đến người ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Cách đây 10 năm ta chưa nghĩ đến, khi nói chuyện qua điện thoại, lại có thể nhìn thấy nhau, dù cách xa nhau vạn dặm.
Công nghệ mới vừa hấp dẫn vừa thúc đẩy ta chạy đuổi theo chúng. Ham thích những điều mới lạ khiến cho mọi người, nhất là giới trẻ, như lao mình vào tương lai. Không biết điều gì đang chờ đợi ở phía trước. Vì thế không xác định được hướng đi. Không định hình được đời sống. Và nhất là không có chuẩn mực nào.
Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo có một thế lực xúi giục người ta quên đi lịch sử và quá khứ để dễ thống trị và thao túng mọi người, nhất là giới trẻ, làm theo ý họ. Chỉ đuổi theo tương lai, con người dễ quên đi quá khứ. Đánh mất ký ức. Từ ký ức lịch sử đến ký ức văn hoá. Từ ký ức phong tục truyền thống đến ký ức tôn giáo sâu xa. Quên lãng “những kho tàng nhân bản và tâm linh thừa hưởng từ các thế hệ đi trước, … không ý thức gì về mọi sự đã xảy ra trước mình”[2]. Không nhớ người đi trước đã làm gì. Không ý thức những gì mình thừa hưởng hôm nay là kết quả của biết bao công lao khó nhọc của tiền nhân. Và như thế không còn nhớ nguồn gốc của mình. Tương lai chưa biết trước. Quá khứ bị lãng quên. Con người ngày nay lơ lửng. Đầu chẳng chạm trời. Chân chẳng chạm đất. Thật quá bấp bênh.
2.Suy yếu cộng đoàn
Thế giới ngày càng trở nên gần gũi với xu hướng toàn cầu hoá. Với phương tiện chuyên chở hiện đại, và đặc biệt với mạng internet, thế giới đã trở nên một ngôi làng. Thế nhưng thật trái ngược. Toàn cầu hoá lại chỉ tạo nên những người hàng xóm chứ không tạo nên một gia đình có tình huynh đệ[3]. Vì toàn cầu hoá thường chỉ trong lãnh vực thương mại. Chỉ đến với nhau để làm ăn buôn bán. Tạo nên những mối quan hệ dựa trên lợi nhuận.
Thật nghịch lý. Chưa bao giờ con người có thể gần gũi nhau như bây giờ. Nhưng cũng chưa bao giờ con người lại xa nhau như hiện nay. Mạng internet có thể đưa những người ở rất xa về gần. Nếu ở trong vùng phủ sóng. Nhưng cũng có thể đẩy những người gần gũi ra xa muôn dặm. Nếu ở ngoài vùng phủ sóng. Sống ảo khiến con người đánh mất cuộc sống thực. Gặp gỡ ảo giết chết tình thân. Người ta thường đưa ra hình ảnh một bữa cơm gia đình. Trong đó mọi người ngồi cùng bàn. Nhưng không ai nói với ai. Vì mỗi người đều bận rộn với máy điện thoại của mình.
Thêm vào đó tự do và cá nhân chủ nghĩa được đề cao. Nên tinh thần cộng đoàn sẽ suy yếu. Nghĩ quá nhiều về bản thân sẽ thờ ơ lãnh đạm với người khác. Kể cả những người thân yêu nhất. Đuổi theo công việc sẽ ít có thời giờ cho gia đình. Chạy theo thành đạt và hiệu quả sẽ xao nhãng bổn phận với cộng đoàn.
3.Vất bỏ
Vấn đề rác thải đang là vấn đề lớn trong các nước phát triển. Vì người ta vất bỏ quá nhiều. Vất bỏ thực phẩm dư thừa và hết hạn. Vất bỏ quần áo, giầy dép lỗi thời. Vất bỏ đồ đạc và máy móc đã rớt đời. Nhưng nguy hiểm nhất là thói quen tiêu thụ, mua sắm, thời thượng đang tạo nên một văn hoá vất bỏ. Không còn phải là những hành động ngẫu nhiên rời rạc nữa. Nhưng đã trở thành một thói quen. Một nếp sống. Một văn hoá. Văn hoá vất bỏ. Người ta sẵn sàng vất bỏ những gì không thích. Dư thừa. Hoặc chỉ giản đơn là không phù hợp. Hoặc vướng bận. Từ đó tạo thành một nếp nghĩ. Một thái độ ứng xử. Nguy hiểm nhất là từ vất bỏ đồ vật dẫn đến vất bỏ con người và những giá trị thiêng liêng cao quý. Vất bỏ những đồ dùng khiến ta không thoải mái. Rồi sẽ vất bỏ những truyền thống xưa cũ có vẻ cổ hủ. Rồi sẽ vất bỏ những người khiến ta phải bận tâm, bận bịu. Không những không đem lại lợi nhuận mà còn cản trở ta trong hiệu quả và thành đạt. Vất bỏ người già. Vất bỏ người bệnh. Vất bỏ thai nhi. Vất bỏ gia đình. Vất bỏ cộng đoàn. Cho mục tiêu cá nhân. Cho lợi ích riêng tư. Vì quyền lợi một nhóm nhỏ lợi ích[4].
Thật là những nguy cơ trầm trọng đang tàn phá con người, huỷ diệt thế giới. Đáng sợ nhất là tất cả những thái độ đó thâm nhập cả vào các cộng đoàn tu trì. Ảnh hưởng cả trên đời sống tâm linh. Chi phối cả những giá trị thiêng liêng.
Hãy thử nhìn lại đời sống đan tu nói chung. Và đặc biệt Hội dòng Xitô Thánh gia Việt nam nói riêng.
Về ký ức lịch sử. Trong những năm qua mỗi nhà đều có xuất bản sách. Sáng tác và dịch thuật. Nhưng hiếm có quyển nào nói về linh đạo đan tu. Riêng về cha Tổ phụ Biển đức Thuận. Chúng ta đã kỷ niệm Bách chu niên lập dòng. Nhưng sách viết về ngài vỏn vẹn chỉ có hai quyển: Hạnh Tích của viện phụ Emmanuel Triệu và luận án tiến sĩ của viện phụ Gioan Thánh giá. Quá mỏng phải không?
Về suy yếu cộng đoàn. Điều này hơi khó nói. Nói về số lượng có lẽ đã tăng lên nhiều chục lần. Nhưng về tinh thần? Ta hãy thử so sánh tinh thần cộng đoàn hiện tại với tinh thần cộng đoàn tiên khởi được sống với cha Tổ phụ. Chắc chắn sẽ nhận ra nhiều khác biệt.
Về vất bỏ. Có lẽ chưa đi đến chỗ vất bỏ thẳng tay. Nhưng có nhiều giá trị bị coi thường. Chưa được trân trọng đúng mức. Hoặc đang đi vào lãng quên. Vd: Chúng ta đã có nhiều ban như Phụng vụ Thánh nhạc, Hiến pháp, Thói lệ. Nhưng hình như chưa có ban nghiên cứu Linh đạo đan tu, đặc biệt linh đạo Xitô. Càng chưa có ban nghiên cứu về cha Tổ phụ.
Trong tình hình đó chúng ta phải sống thế nào? Không thích nghi không thể sống trong hiện tại. Nhưng nếu chạy theo xã hội, ta có nguy cơ đánh mất căn tính của mình. Phải thích nghi. Chắc chắn rồi. Nhưng phải trung thành với căn tính. Nếu không ta sẽ chẳng còn là chính ta. Vất bỏ thì rất dễ. Giữ gìn mới khó. Điều này đòi hỏi nhiều cố gắng. Nhiều suy tư. Nhiều chắt lọc. Nhiều phân định.
Tổng hội chính là một dịp thuận tiện để chúng ta cùng nhau cầu nguyện xin Chúa soi sáng. Cùng nhận định những thực tế. Cùng đưa ra những phân định chính xác. Và cùng lựa chọn những quyết định đúng đắn. Sao cho mọi quyết định phù hợp thánh ý Chúa. Phù hợp thời đại. Nhưng vẫn giữ được truyền thống của tổ tiên trong đời sống đan tu. Đặc biệt trung thành với giáo huấn và nề nếp mà cha Tổ phụ Biển đức Thuận đã tâm huyết xây dựng và truyền lại cho chúng ta.
Khi không biết đi đâu, hãy trở về điểm xuất phát. Khi lạc lõng giữa ngã ba đường, hãy quay về nhà. Khi vong thân, phải trở lại với chính mình. Muốn xây nhà cao, phải xây nền móng kiên cố. Tựa trên nền móng vững chắc, ngôi nhà mới đứng vững qua giông tố bão táp. Cây càng đâm rễ sâu càng phát triển lớn mạnh. Vậy chúng ta hãy quay về nhà. Hãy gia cố nền móng ngôi nhà. Hãy trở về với cội rễ của mình. Hãy đâm rễ sâu trong nguồn mạch của tổ tiên. Chính vì thế Giáo hội luôn mời gọi ta: Hãy “Xuất phát lại từ Đức Kitô”[5]. Hãy trở về với “đoàn sủng của Đấng sáng lập”[6]…Đó là nền tảng cho mọi nhận định, mọi phân định, mọi dự định, và mọi quyết định của chúng ta.
II.TRỞ VỀ
Nguồn cội mời gọi chúng ta tiến hành ba cuộc trở về.
1.Trở về với Cha
Ngay trong Lời Mở Đầu của Tu luật, thánh phụ Biển Đức đã mời gọi chúng ta hãy trở về. “Trở về với Đấng con đã xa lìa vì ươn ái bất tuân”.[7] Vào đan viện là một cuộc trở về. Đặc biệt lời khấn “Canh Tân” càng khiến đan sỹ phải là người không ngừng trở về. Theo đức Tổng phụ Giuseppe Mauro Lepori, trong một lần viếng thăm Nho quan, giải thích rằng: Lời mời gọi của thánh phụ Biển Đức được hiểu là cuộc trở về của đứa con hoang đàng. Đã bỏ cha. Nay trở về với cha.
Đứa con hoang đàng là tiêu biểu cho con người hôm nay. Muốn tự do. Muốn hưởng thụ. Muốn tự quyết. Nó cho rằng người cha là cản trở.
Nó muốn tự do tự tung tự tác. Nhưng sự hiện diện của người cha khiến nó cảm thấy bị khống chế. Không được làm điều nó thích.
Nó muốn hưởng thụ tất cả mọi thú vui trên đời. Nhưng sự hiện diện của người cha khiến nó không được thoả mãn.
Nó muốn tự quyết lấy đời mình. Nhưng cha còn đó, nó phải sống dưới bóng của cha. Lại còn người anh cả còn đó. Làm sao nó có thể qua mặt anh.
Thế là nó quyết định bỏ nhà ra đi. Xa bóng ảnh hưởng của người cha. Xa áp lực chi phối của người anh. Đuổi theo khát vọng cá nhân. Hi vọng có thể được hạnh phúc.
Nhưng không ngờ rời cha nó mất tất cả. Muốn tự do không còn bị gia đình tổ tiên truyền thống khống chế. Nhưng nó lại trở thành nô lệ tồi tệ. Muốn hưởng thụ mọi thú vui trên đời. Không ngờ cuối cùng nó chỉ thấy đau khổ tủi nhục cay đắng. Muốn tự mình quyết định đời mình. Không ngờ nó bị lệ thuộc không những cả cuộc đời mà còn cả đến cơm ăn áo mặc cũng bị người khác kiểm soát, hạn chế. Nó đành phải nghĩ đến trở về. Không gì bằng nhà của cha.
Và lạ lùng chưa. Khi trở về nhà cha nó lập tức có tất cả. Đang đói khát lại được ăn tiệc thịt bê béo. Đang rách rưới lại được mặc áo mới. Đang bẩn thỉu lại được tắm rửa. Chân không bỗng được xỏ giầy. Tay suông lại được đeo nhẫn. Đang bị bạc đãi bỗng được yêu thương, được cha ôm chầm và hôn lấy hôn để. Đang bị khinh miệt hắt hủi bỗng được gia nhân hầu hạ. Đang buồn bã lại có dàn nhạc đến giúp vui. Phẩm giá đang bị hạ thấp xuống tận bùn đen bỗng được nâng lên, được kính trọng vì thuộc hàng thiếu gia, quí tử của đại gia tỷ phú.
Giờ đây nó cảm nhận được cha là tất cả. Trong nhà cha có tất cả. Bỏ nhà cha ra đi là mất tất cả. Về nhà cha nhận lại được tất cả. Những gì thế gian, dục vọng, ích kỷ cá nhân ban cho nó chỉ là thứ cám heo tồi tệ hèn hạ dơ bẩn nhất. Những gì được hưởng trong nhà Cha là linh thiêng tinh tuyền và cao quý nhất.
2.Trở về với chính mình
Khi đánh mất chính mình ta đánh mất tất cả. Cần phải trở về chính mình. Về với căn tính của người đan sỹ.
Đan sỹ nguồn gốc từ tiếng Hy lạp MONACHOS. Với tiếp đầu ngữ MONO có nghĩa là đơn độc.
Đan sỹ là đơn độc. Vì tách rời khỏi tất cả. Không dính bén vào tạo vật. Không lệ thuộc vào tạo vật. Không yêu mến tạo vật. Siêu thoát khỏi tạo vật.[8]
Đơn độc cũng có nghĩa là chỉ quy hướng về một mình Thiên Chúa. Thánh Tổ Théodore định nghĩa: Đan sỹ là con người chỉ nhìn một mình Chúa mà thôi, chỉ khao khát một mình Chúa mà thôi, chỉ hướng lòng về một mình Chúa mà thôi và chỉ muốn phụng sự một mình Chúa mà thôi.[9]
Như thế đan sỹ cũng là thống nhất. Khi siêu thoát tất cả, không còn bị tạo vật phân tán. Nhờ đó có thể kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa. Và khi kết hợp nên một với Thiên Chúa, đan sỹ trở nên con người thống nhất. Đó chính là định nghĩa của thánh Tôma Tiến sĩ: Monachus là thống nhất đối nghịch với phân tán[10].
Chính tạo vật làm cho tâm hồn phân tán. Đối kháng. Gây nên bất nhất. Như thánh Phaolô đau đớn thú nhận: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. Bởi đó tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm trong các chi thể tôi. Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” (Rm 7,19-24)
Khi siêu thoát khỏi mọi dính bén tạo vật, đan sỹ trở nên thống nhất. Thống nhất trong một thể trong suốt. Không vẩn đục chút dính bén trần gian. Thống nhất trong trật tự: Linh hồn tuân phục Thiên Chúa. Thân xác tuân phục linh hồn. Vũ trụ tuân phục con người.
Cũng như thánh Phaolô, sau khi siêu thoát mọi dính bén trần gian, đã nên một với Chúa Kitô. Nên ngài nói: “Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô.” (Pl 3,7-8)
Được Chúa Kitô là mối lợi tuyệt vời không gì so sánh được. Nên thánh Phaolô nên một với Chúa Kitô. Chỉ sống và chết cho Chúa. “Tôi cùng chiu đóng đinh vào thập giá làm một với Đức Kitô. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 19-20)
Và thật lạ lùng. Khi siêu thoát tất cả thì ta lại liên kết với tất cả. Khi con người đạt đến thống nhất trong chính mình. Con người hiệp thông với Thiên Chúa. Và trong Chúa hiệp thông với cả nhân loại. Nên Phaolô có thể nói: “Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người… Với người Do-thái, tôi đã trở nên Do-thái... Với những ai sống theo Lề Luật, tôi đã trở nên người sống theo Lề Luật… Tôi đã trở nên yếu với những người yếu…Tôi đã trở nên mọi sự cho mọi người” (1Cr 9,19-22).
Thánh Phanxicô Assisi đã đạt đến cảnh giới đó. Ngài đã nên một với Chúa Kitô, đã được in năm dấu thánh như Chúa. Nên có thể coi mọi người là anh em. Còn hơn thế nữa, ngài hiệp thông với cả vũ trụ. Coi tất cả là anh chị em. Nên ngài có thể gọi “Anh Mặt Trời, Chị Mặt Trăng, Anh Gió, Chị Nước, Chị Đất, và cả Chị Chết nữa”.
Cha Placido Trạch là một kiến trúc sư đại tài đã thiết kế ngôi nhà nguyện Châu sơn Nho quan. Khi xây ngôi nhà nguyện này, ngài không chỉ xây dựng một ngôi nhà thờ đẹp. Nhưng còn đậm chất đan tu. Chỉ việc lót gạch nền nhà thôi, ngài cũng trình bày được tiến trình đời đan tu. Đó là độc nhất và thống nhất.
Thánh giá lớn ở giữa nền nhà thờ là trung tâm của đời sống đan sỹ. Đó là mục tiêu người đan sỹ phải luôn tìm về và hướng đến. Là đối tượng duy nhất để yêu mến. Để không lấy gì làm hơn Chúa Kitô.
Từ cửa bước vào là khởi điểm của đời tu. Thoạt tiên con người bị tạo vật lôi cuốn nên phân tán. Vì thế thánh giá tản mác khắp nơi. Nếu mỗi thánh giá là một tình yêu thì tình yêu chập chững của người mới vào tu chỉ tản mạn, manh mún. Bị tạo vật chia sẻ, bẻ gẫy. Khi yêu khi không. Cuộc sống là một cuộc chiến đấu không ngừng và rất vất vả. Nhưng với cố gắng siêu thoát, đan sỹ tiến dần đến độc nhất và thống nhất. Nửa dưới nhà thờ là cuộc thống nhất đầu tiên. Thánh giá đã thu lại tại trung tâm đời sống. Tuy nhiên chưa trọn vẹn, vì vẫn còn ngả nghiêng.
Đến sát cung thánh, khi đan sỹ đi đến hoàn thành cuộc sống đan tu, sẽ là cuộc thống nhất trọn vẹn. Thánh giá nằm ngay ngắn giữa trung tâm đời sống. Đan sỹ đã hoàn toàn nên một với Chúa. Không còn tạo vật nào có thể chi phối cuộc kết hợp với Thiên Chúa. Thánh giá trở thành một bông hoa vì tình yêu kết hợp với Chúa đã đem lại hạnh phúc không thể tả xiết cho người đan sỹ. Tuy vẫn còn đó những gai nhọn đau khổ. Nhưng trong đau khổ gai đã nở hoa. Trong tình yêu đau khổ trở nên hạnh phúc. Như thánh Gioan Thánh Giá viết trong Ngọn lửa tình nồng:
Ôi ngọn lửa tình nồng
Thì ra Người đã
Đốt giữa lòng em
Vết phỏng thật êm ái
…………………………….
Ôi Người vừa giết em
Vừa đổi chết thành sống kìa[11]
Khi đó đan sỹ đã sẵn sàng tiến bước vào cung điện Nhà Chúa. Bước lên cung thánh có hàng chữ PAX nói lên bình an hài hoà vì đã thống nhất được đời sống. Thống nhất trong chính mình. Thống nhất với Thiên Chúa. Thống nhất với vũ trụ. Bước lên cung thánh để sống hiệp thông hài hoà với Thiên Chúa, với các thiên thần các thánh, với anh em, với cả vũ trụ.
Thật lạ lùng. Khi muốn nắm giữ tất cả thì lại mất tất cả. Khi siêu thoát tất cả thì lại được tất cả. Đó là con đường Chúa Giêsu Kitô đã đi qua. Chúa Giêsu đã từ bỏ tất cả. Ba cơn cám dỗ trong sa mạc nói lên Chúa Giêsu siêu thoát tất cả mọi dính bén trần gian. Khi từ bỏ mình hoàn toàn để làm theo ý Chúa Cha. Nhưng Thiên Chúa Cha lại đem tất cả đặt dưới chân Người. Như lời thư Corinto:
“Thật vậy, Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết, vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô. Mà khi nói “muôn loài”, thì dĩ nhiên không kể Đấng đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô. Lúc muôn loài đã quy phục Đức Kitô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài.” (1Cr 15,25-28)
Đan sỹ cũng thế. Khi từ bỏ tất cả ta được Chúa Kitô. Chúa Kitô là tất cả. Như lời thư 1 Côrintô: “tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa.” (1Cr 3,22-23)
Khi từ bỏ tất cả ta đạt tới Chúa Kitô. Khi đạt tới Chúa Kitô ta thống nhất với tất cả mọi người, mọi vật, trong Chúa. Như lời thư Êphêsô: “Nhờ đó, các thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của đức Kitô. Như vậy, chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỵ để làm cho kẻ khác lầm đường. Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái.” (Ep 4,12-16)
Từ bỏ tất cả. Nhưng được Chúa. Và trong Chúa lại có tất cả và hoà hợp với tất cả. Đó là độc nhất và thống nhất.
3.Trở về với gia đình
Khi chọn Thánh Gia làm bổn mạng của Hội Dòng, cha Biển đức Thuận đã muốn cho các đan sỹ sống thành gia đình. Lấy tình bác ái huynh đệ làm cốt lõi của cộng đoàn.
Gia đình là cộng đoàn tự nhiên sơ khởi của nhân loại. Con người tự nhiên gắn bó vì cùng chung huyết thống. Máu chảy ruột mềm. Khi tạo dựng người nữ, Chúa đã lấy xương thịt của người nam. Để tạo thành một gia đình. Gia đình là một xương một thịt. Một thân thể. Như Adam khi gặp Eva đã thốt lên: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2,23). Bởi thế “người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương thịt.” (St 2,24) Con cái sinh ra cũng bởi xương thịt của cha mẹ. Vì thế gia đình là một thân thể. Gắn bó với nhau.
Gia đình là cộng đoàn yêu thương. Thư Êphêsô dạy: “Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy phục tùng lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là Đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. Sách Thánh có chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng. Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 5,22 – 6,3).
Gia đình là cộng đoàn sinh mệnh. Sống chết có nhau. Cùng trên một con thuyền. Cùng rời bến. Cùng cập bến. Cùng sóng gió. Cùng gian nan. Cùng sống. Cùng chết. Không ai thoát ra một mình được. Ai ra khỏi thuyền trong lúc giông tố sẽ là người chết trước. Chỉ còn một cách là chung tay góp sức vượt qua bão gió. Đi chung cùng nhau.
III. MỘT ĐI CHUNG CÙNG NHAU
Tinh thần gia đình được cha Tổ phụ Biển đức Thuận ôm ấp, suy tư, chắt lọc đã lâu. Suốt đời xây dựng. Và đến giây phút cuối còn trối lại cho con cái trong lời MỘT ĐI CHUNG CÙNG NHAU.
Ai cũng biết lời trối thật quan trọng.
Quan trọng vì là lời cuối cùng của tổ tiên. Lời cuối là di ngôn. Là lời vàng ngọc.Trong những di sản tổ tiên để lại thường có di vật và di ngôn. Di vật cũng quý. Nhưng di ngôn quý hơn bội phần. Di vật là vật chất. Di ngôn là tinh thần. Di vật là quá khứ. Di ngôn là hiện tại. Di vật chạm vào thể xác. Di ngôn rót vào tâm hồn. Di vật là dụng. Di ngôn là tâm. Di vật để tưởng nhớ. Di ngôn để đào tạo. Di vật kêu gọi tình cảm. Di ngôn kêu gọi lý trí. Di vật để yêu. Di ngôn để sống.
Quan trọng vì giây phút cuối người sắp qua đời không còn nhiều thời giờ. Nên phải chọn lựa nói điều cần thiết nhất. Tâm huyết nhất. Cốt lõi nhất. Những điều cốt lõi của một đời. Cả một đời làm rất nhiều việc. Nhưng đây là việc cần nhất. Khi còn sống đã nói nhiều lời. Nhưng đây mới là lời quan trọng nhất. Khi còn sống đã làm nhiều. Nhưng đây mới là việc quan trọng nhất. Cả một đời tha thiết với cộng đoàn. Ước mong cộng đoàn tồn tại và phát triển. Nên truyền lại bí quyết duy nhất giúp cộng đoàn lớn mạnh.
Vì thế di ngôn lúc lâm chung được tất cả mọi dân mọi nước trên thế giới trân trọng. Coi đó là thiêng liêng. Và người sống có nghĩa vụ phải chu toàn.
Nên lời trối MỘT ĐI CHUNG CÙNG NHAU của cha Tổ phụ Biển đức Thuận là lời rất quan trọng đối với Hội dòng Xitô Thánh gia Việt nam. Quan trọng vì là lời của cha trối lại lúc lâm chung. Quan trọng vì lời trối đi vào linh đạo gia đình của Hội dòng. Vậy ta thực hành lời trối này thế nào?
- Đi chung cùng nhau là chấp nhận nhau.
Bạn bè ta tự lựa chọn. Nhưng gia đình là ân huệ Chúa ban. Ta không có quyền lựa chọn. Ta chỉ việc đón nhận và chấp nhận. Hội dòng Xitô Thánh gia là một gia đình. Ta phải đón nhận và chấp nhận nhau. Không thể chối bỏ anh em. Càng không thể chối bỏ gia đình. Cha mẹ có thế nào ta đón nhận và chấp nhận như thế. Đón nhận và chấp nhận khi cha mẹ danh giá và khỏe mạnh. Đón nhận và chấp nhận cả khi cha mẹ tầm thường và đau yếu. Anh chị em có thế nào ta đón nhận và chấp nhận như thế. Đón nhận và chấp nhận khi anh chị em thành công. Đón nhận và chấp nhận cả khi anh chị em thất bại. Đó là yêu thương thật sự.
- Đi chung cùng nhau là yêu thương nhau.
Chấp nhận nhau không phải là thụ động chịu vậy cho qua. Nhưng là chủ động yêu thương. Yêu thương khi giống nhau là chuyện bình thường. Yêu thương khi khác nhau mới là bác ái thật sự. Yêu thương khi thành đạt giỏi giang là chuyện bình thường. Yêu thương cả khi thất bại yếu kém mới là bác ái và là gia đình thật. Đã coi nhau là anh em trong một gia đình thì phải yêu thương nhau. Anh em không chỉ là danh nghĩa. Anh em thật phải là tình nghĩa. Danh nghĩa có thể lừa dối. Nhưng tình nghĩa không thể lừa dối được. Tình nghĩa có thể không thật khi vui. Nhưng tình nghĩa khi buồn luôn là chân thật. Tình nghĩa khi gặp may có thể khó thấy. Nhưng tình nghĩa trong cơn hoạn nạn mới là chân thật.
- Đi chung cùng nhau là làm việc với nhau.
Tình yêu thương được biểu hiện qua làm việc. Trong một gia đình ai cũng làm việc. Không phải làm việc cho cá nhân. Nhưng đóng góp vào sự phát triển chung của gia đình. Với thời đại cá nhân chủ nghĩa người ta coi trọng thành đạt cá nhân. Nhưng vào thời xưa người ta coi trọng danh dự gia tộc. Và khi làm việc người ta không chỉ nghĩ đến phát triển bản thân mà còn nghĩ đến danh dự của gia tộc. Khi quan tâm đến sự phát triển chung người ta mới nghĩ đến những công việc chung. Mới cộng tác với nhau. Mới làm việc vì sự phát triển của cả gia tộc. Chẳng hạn chúng ta đã quan tâm đến sự phát triển của từng nhà nhưng chúng ta đã quan tâm đến việc phát triển của cả Hội dòng chưa? Chúng ta đã quan tâm đến việc xây dựng cơ sở vật chất nhưng đã quan tâm đến việc phát triển linh đạo chưa? Toàn thể Hội dòng đang cần điều gì? Cần xây dựng cơ sở vật chất nào? Và nhất là cần xây dựng tinh thần như thế nào? Làm sao để đào sâu linh đạo? Và làm sao có kế hoạch nhân sự chung để có thể làm những công việc chung, đặc biệt là việc đào tạo và linh đạo? Cần phải ngồi lại. Và làm việc chung với nhau.
- Đi chung cùng nhau là hợp nhất với nhau.
Antoine de Saint-Exupéry nói: yêu nhau không phải là ngồi nhìn nhau, nhưng là cùng nhau nhìn về một hướng. Nhìn nhau dễ sinh chia rẽ. Vì nhìn nhau sẽ so sánh. Sẽ ghen tị. Sẽ cạnh tranh. Từ đó dẫn đến chia rẽ. Nhìn nhau tầm nhìn sẽ hạn hẹp và thiển cận. Nhìn hẹp và gần sẽ khiến cái tôi lớn lên. Cái tôi càng lớn thì tâm hồn càng nhỏ nhen ti tiện. Tâm hồn càng nhỏ nhen ti tiện càng chia rẽ bất hoà. Nhìn về cùng một hướng sẽ hợp nhất. Khi có chung tầm nhìn, có chung thao thức, có chung việc làm, người ta sẽ hợp tâm, hợp lực và hợp nhất. Nhìn về lý tưởng tầm nhìn sẽ rộng rãi và cao xa. Khung trời rộng mở sẽ mở rộng tâm hồn. Sẽ vươn lên những lý tưởng cao đẹp. Sẽ hướng đến những việc làm quảng đại. Sẽ đạt đến những ích lợi chung lớn lao. Càng nhìn xa thì tâm hồn càng lớn. Tâm hồn càng lớn lên thì cái tôi càng nhỏ lại. Và càng tiến đến hợp nhất.
- Đi chung cùng nhau là sống chết với nhau.
Gia đình là một. Đã là gia đình là phải suốt đời gắn bó với nhau. Đã là anh em thì là anh em suốt đời. Sống chết với nhau. Như cha Tổ phụ dạy trong Di Ngôn số 97: “Trong trường hợp có anh em nào qua đời ngoài Đan viện, thì Bề trên hãy liệu sớm muộn đem hài cốt về, để anh em sống yêu nhau thì chết cũng chẳng lìa nhau”. Điều này cũng đã được quy định trong Hiến pháp II,229.
Xin kể lại câu chuyện thày Fidelis bị cọp bắt ngày 25-5-1952. Sách Hạnh Tích thuật lại.
Như đã nói ở phần II, Nhà Dòng có thói quen hàng tháng đi rú chặt củi… Cơm trưa xong các thầy ai nấy tìm nơi yên tĩnh, hoặc nghỉ hay xem sách tuỳ ý. Thường thì ai nấy đến chỗ mình đã chặt củi để khi lên hiệu thì bó củi vác về một nơi. Hôm ấy thầy Fidelis và thầy Giuse rủ nhau đi chặt cây Trầm ná (thứ gỗ cứng để làm giằm cối xay). Thầy Giuse đang chặt, thì thầy Fidelis nói:
– Sao mà em sợ lắm!
– Sợ chi mà sợ, cứ chặt đi, thầy Giuse trả lời vừa xong.
Tức thì con cọp vồ thầy Fidelis. Thầy Giuse liền cầm hai chân thầy Fidelis kéo lại và kêu la: “Cọp bắt anh Fidelis …! Cọp bắt…” Các thầy chung quanh, kẻ ngủ, người thức, nghe kêu, hoảng hồn, không biết ngả nào, vì rú cả… Ai nấy cũng la om sòm … Thầy Giuse dành nhau với con cọp được xác thầy Fidelis rồi, thì bỏ đó, chạy ra kêu các thầy để biết lối mà vào… Khi chạy trở vào thì cọp lại đã tha xác thầy Fidelis đi mất rồi… Ai nấy càng hoảng sợ… sẵn giao rựa, cứ gọng giao hai cái gõ một, thầy gõ thầy kêu, inh ỏi khu rừng, vừa kêu vừa chạy vô tìm; cọp ta cũng thấy thất kinh, đành phải bỏ mồi lại, chạy thoát sau khi đã công đi chừng mười thước.
Tìm thấy xác thầy Fidelis, các Thầy cấp tốc chặt cây làm “kiệu” sắp hàng khiêng thầy về, vừa đi vừa lần hạt to tiếng, cầu nguyện cho linh hồn thầy, và có ý cho cọp không dám tiếc mồi đuổi theo… mặc lòng, vừa đọc kinh vừa run sợ, về gần nhà rồi mới hoàn hồn.
Cha Bề trên Nhì Gilbert buồn lắm, lễ tang thầy xong, Ngài tự ra hình phạt cho mình: “ngồi ăn cơm dưới đất”; Cha Tập sư Silvester cũng bắt chước hình phạt ấy; Song ai mà chả biết cả hai Ngài không có lỗi chi. Mọi sự do Thánh ý Chúa. Thầy Fidelis là con mồ côi, nhà con trẻ Phước Viện Quảng Bình, tính nết đơn sơ thật thà, trung thành giữ luật, nên khi mặc áo Dòng, Cha Tập sư đặt cho tên Fidelis. Song trí khôn kém, học lời khấn lâu thuộc, học trước quên sau, nên thầy lo: nếu không thuộc đủ, không được khấn… đàng khác, thầy mộ mến ơn kêu gọi, thích ở Nhà Dòng lắm, chỉ sợ Nhà Dòng cho về…
Thường khi đi rú làm củi, thì sửa soạn ngày hôm trước, nên thầy Fidelis đã biết, chiều hôm ấy thầy gặp cha giải tội lâu giờ. Thế là thầy đã dọn mình kỹ… ơn Chúa thúc dục Thầy.
Được trọn phước nhà Dòng… an táng rồi, các thầy hát kinh “Te Deum” tạ ơn Chúa.
Câu chuyện quá đẹp và quá cảm động. Nói lên tất cả đời sống của những anh em lớp đầu tiên được cha Tổ phụ đích thân dạy dỗ. Đã thấm nhuần tinh thần của cha Tổ phụ. Đã sống nếp sống đan tu gương mẫu. Đã sống tình anh em sống chết có nhau. Đó cũng chính là điểm quy chiếu cho chúng ta hiện nay. Ước mong qua Tổng hội chúng ta lấy lại được tinh thần của cha Tổ phụ. Và xây dựng được tình hiệp nhất yêu thương trong Hội dòng. Đó chính là sức sống của chúng ta.
[1] Bài này dự kiến đọc vào Tổng hội tại Nho quan vào tháng 5/2021. Nhưng vì đại dịch nên bị hoãn. Nay còn thêm nhiều biến cố như cuộc chiến Nga – Ukrain, vụ cha Thanh OP bị sát hại…
[2] Fratelli Tutti 13
[3] Ibid. 12
[4] Ibid. 18-20
[5] Huấn thị của Thánh Bộ Đời sống Thánh hiến và Hoạt động tông đồ, ban hành ngày 19-5-2002
[6] Vat. II. PC 2b
[7] TL 2
[8] DOM COLUMBA MARMION, Chúa Kitô lý tưởng đan sĩ, bản dịch Châu sơn, Lhnb, tr.26
[9] DN 138, footnote
[10] ST THOMAS D’AQUIN, S. v. II-II, q. 88, a. 11
[11] THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ, Khúc linh ca, bản dịch Trăng Thập Tự và Nguyễn uy Nam, NXB Tôn giáo 2003, tr.483-484