CHÚC LÀNH VÀ CHÚC DỮ

05/07/2022

CHÚC LÀNH VÀ CHÚC DỮ

“Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi;

Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa.

       Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc”  (St 12,3)


                                                             ­                                                                             

Mai Thương

Ngay từ đầu cuốn Kinh Thánh, Thiên Chúa được trình bày như là Đấng ban phúc lành. Từ khởi nguyên Ngài ban phúc lành cho công trình tạo dựng trời đất và ấn định một mục tiêu cho con người (x. St 1,28). Tuy nhiên, vì Ađam và Eva bất tuân đã kéo theo nhiều chúc dữ trên con cái loài người. Sự sa đọa của các thế hệ đầu tiên dẫn tới sự chúc dữ của Đại Hồng Thủy cho toàn thể nhân loại, ngoại trừ gia đình của Noe, người đẹp lòng Chúa (x. St 6,8). Sau những ngày u ám, một tia sáng của phúc lành lóe lên: giao ước của Đức Chúa với Noe: “Ta sẽ không bao giờ nguyền rủa đất đai vì con người… Ta sẽ không bao giờ còn sát hại mọi sinh vật như Ta đã làm… Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất” (St 8,21-9,1). Câu chuyện tháp Babel là sự nhắc nhở lại tội lỗi của con người. Trong bối cảnh này, lời chúc lành của Đức Chúa đối với Abraham, và qua ông mọi dân tộc trên mặt đất được chúc lành mang một tầm mức quan trọng đặc biệt[1].

Hình ảnh của Abraham nổi bật trong sách Sáng Thế Ký và tiếp tục phủ bóng trên toàn bộ Kinh Thánh. Ông là con người của niềm tin son sắt, làm mẫu gương cho những người tin. Chúa ban cho ông nhiều lời hứa được thực hiện trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước. Những lời hứa này bao gồm thiết lập nên dòng dõi đông đúc của Abraham như một dân tộc lớn lao, và chúc lành cho mọi dân tộc trên mặt đất xuyên qua vị vua cứu thế thuộc dòng dõi ông – Đức Giêsu Kitô.

Trong phạm vi hạn hẹp của bài này xin được trình bày:

  • Đức Chúa chúc lành cho dòng dõi Abraham
  • Chúc lành của Abraham trải dài qua các dân tộc
  • Đức tin, sự vâng phục, đức công chính của Abraham
  • Abraham chịu thử thách
  1. Đức Chúa chúc lành cho dòng dõi Abraham

Khởi đầu câu chuyện của Abraham, người ta được biết rằng vợ ông là bà Xara son sẻ không thể có con. Như thế là cản trở cho việc thực hiện lời chúc lành của Chúa. Bà Xara nghĩ đến giải pháp gán ghép nàng hầu Haga của bà để ông có thể có con. Quả thực sau đó, nàng Haga sinh ra một người con trai được ông Abraham nhìn nhận như là con của ông khi đặt tên cho nó là Ismael (x. St 16,16). Tuy nhiên, sau đó Thiên Chúa vẫn mặc khải hai lần cho ông biết rằng bà Xara sẽ sinh ông một con trai (x. St 17,15-21; 18,9-15). Đây mới là đứa con thừa tự chính thức của Abraham. Lời Chúa hứa đạt tới tột đỉnh của nó qua một nghi thức đặc biệt, qua đó Đức Chúa giao ước với Abraham và hứa sẽ cho dòng dõi của ông đất đai để cư trú: “Vùng đất trải dài từ sông Ai Cập đến sông Cả, tức là sông Êuphơrát” (St 15,18). Qua giao ước này, Đức Chúa bảo đảm sẽ thực hiện phúc lành dành cho Abraham về đất đai và dòng tộc đông đảo như sao trên trời, với điều kiện là ông tin một cách vô điều kiện vào Đức Chúa: ông đã tin Đức Chúa và vì thế Đức Chúa kể ông là người công chính (x. St 15,6).

Sau thời gian mòn mỏi chờ đợi, cuối cùng bà Xara cũng hạ sinh cho ông một người con trai là Isaac, người con thừa tự chính thức của Abraham. Lúc ấy, bà Xara đã chín mươi tuổi. Đây là một sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa khi Xara không còn hy vọng gì để có con, và Abraham đã đạt tới tuổi một trăm. Điều nhấn mạnh của Kinh Thánh là Isaac là hồng ân Thiên Chúa ban cho ông vượt qua sự mong ước và khả năng sinh sản tự nhiên của con người.

  1. Chúc lành của Abraham trải dài qua các dân tộc

Nếu như chúng ta nhìn đến toàn bộ cuốn Sáng Thế Ký, thì lời Chúa trong những câu đầu của chương 12 có tầm mức quan trọng đặc biệt. Không những lời Chúa đề cập đến một giai đoạn mới trong mối tương quan giữa Ngài với nhân loại, nhưng còn nói tới căn nguyên của tất cả lịch sử dòng tộc của Abraham. Khi kêu gọi Abraham từ bỏ dân tộc và quê hương, Đức Chúa hứa: ông sẽ là một nguồn phúc lành của Đức Chúa, hay một cách ngẫu nhiên là sự nguyền rủa cho những ai nguyền rủa ông (x. St 12,1-3).

Ước muốn của Đức Chúa chúc lành cho Abraham và qua ông chúc lành cho những người khác đối lập một cách rõ ràng với những nguyền rủa cho những thế hệ trước đó. Lịch sử của Abraham đưa ra ánh sáng lòng nhân từ thứ tha của Đức Chúa. Chủ đích của Ngài – sau khi kêu gọi Abraham – chắc chắn là muốn chúc lành cho nhân loại và sửa chữa những hệ quả tai hại của sự bất tuân của nguyên tổ trong vườn địa đàng.

Tôn ý của Đức Chúa muốn cho mọi dân tộc được chúc lành nhờ Abraham được khai triển thêm bởi giao ước “cắt bì”: Đây là giao ước giữa Ta với ngươi: Ngươi sẽ làm cha của vô số dân tộc… Người ta sẽ không còn gọi tên ngươi là Abram (cha của dân) nhưng là Abraham (cha của nhiều dân tộc), vì Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc (x. St 17,4-5). Ý niệm về các dân tộc phát xuất từ Abraham có thể hiểu theo nhiều cách. Trước tiên, đây là những người thuộc huyết thống của Abraham. Nếu vậy thì chỉ có những người Israel và người Edom là con cháu dòng tộc của ông. Nhưng nếu hiểu về những ai chịu cắt bì để gia nhập giao ước của Đức Chúa với Abraham, thì đó là những dân tộc của giao ước “cắt bì”. Như thế qua Abraham, họ cũng được hưởng phúc lành của Thiên Chúa (x. St 34,14-23)[2]. Nếu hiểu theo nghĩa rộng rãi hơn, thì những ai tin vào Đức Giêsu Kitô miêu duệ của Abraham, họ cũng là con cái của ông – cha của những người tin. Những yếu tố này cho phép người ta nghĩ rằng qua giao ước với Abraham, Đức Chúa mong muốn thông truyền phúc lành của Người cho tất cả mọi dân tộc trên mặt đất. Nếu như giao ước lời hứa với Abraham trong chương 15 sẽ được thực hiện một cách vô điều kiện, thì giao ước “cắt bì” trong chương 17 phải được thực hiện tùy thuộc vào sự vâng phục của Abraham vào Thiên Chúa. Thiên Chúa nói với Abraham: “Ta là Thiên Chúa toàn năng. Ngươi hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo. Ta sẽ đặt giao ước giữa Ta với ngươi, và Ta sẽ cho ngươi trở nên đông, thật đông” (St 17,1-3). Sau khi nghe Chúa nói, Abraham không còn gì để nói, để yêu cầu thêm, và ông chỉ còn mỗi việc để làm là cúi rạp xuống để vui mừng nhận lãnh phúc lành của Đức Chúa.[3]

  1. Đức tin, sự vâng phục và đức công chính của Abraham

Câu chuyện cuộc đời Abraham minh họa rõ nét và thú vị về mối tương tác giữa Lời Chúa, đức tin, sự vâng phục và đức công chính của con người. Khởi đầu, Thiên Chúa đưa ra một loạt các lời hứa. Khi được kêu gọi từ bỏ quê hương đi đến nơi Ngài sẽ chỉ cho, Abraham tin vào lời Chúa, vâng phục một cách nhanh chóng, từ bỏ đất Kharan để đi đến Canaan. Lúc ấy, ông đã bảy mươi lăm tuổi, giai đoạn này trong cuộc đời người ta thích an cư ở nơi quê hương hơn là lập nghiệp ở phương xa với tương lai không chắc chắn gì. Về sau, Abraham sốt ruột vì chưa có người nối dõi, nên ông xin Chúa xác nhận về lời hứa và Đức Chúa bảo đảm cho lời Người phán bằng một giao ước về lời hứa (x. St 15,1-21). Tuy nhiên, Kinh Thánh vẫn tiếp tục nhấn mạnh vào niềm tin không lay chuyển và sự kiên trì của Abraham được biểu lộ qua việc chấp nhận giao ước “cắt bì” vĩnh cửu (x. St 17,1-27). Giao ước này một lần nữa nhấn mạnh đến phúc lành cho mọi dân tộc thông qua Abraham và “dòng dõi” của ông. Cuối cùng, phúc lành này được chuẩn nhận sau khi ông đã trung thành vâng phục Chúa trong cuộc thử thách. Từ đầu đến cuối, đức tin của Abraham được biểu lộ trong sự vâng phục của ông là dấu chỉ đặc trưng của mối tương quan giữa ông và Đức Chúa.

Kinh Thánh còn đưa ra một nhận định: “Ông tin Đức Chúa, vì thế Đức Chúa kể ông là người công chính” (St 15,6). Abraham được Đức Chúa coi như là người công chính bởi vì ông đã tin mà không hề nghi ngờ rằng Đức Chúa ban cho ông một người con và dòng dõi đông đúc như sao trời[4]. Abraham được coi như người công chính dựa theo niềm tin vào lời hứa của Đức Chúa, hơn là vì những công việc ông sẽ thực hiện[5].

  1. Abraham chịu thử thách

Khi Đức Chúa yêu cầu Abraham sát tế đứa con yêu dấu, ông không biết lý do tại sao, nhưng vẫn một mực tin tưởng phó thác để làm theo lời Chúa phán.

Trong Kinh Thánh, Đức Chúa thử thách ai là để tinh luyện và củng cố đức tin của người đó và để mặc khải cho họ biết thêm về Người[6]. Đấng quyền năng và trung tín không để họ phải chịu đựng quá khả năng của mình, để rồi ban những phúc lành to lớn hơn vượt quá sự mong ước của họ khi họ trung tín với Ngài. Trong trường hợp của Abraham, ông không hề biết Đức Chúa thử thách, Isaac con ông cũng không được biết, chỉ có Đức Chúa mới biết. Abraham vẫn tin tưởng vào Đức Chúa để thực hiện điều Đức Chúa truyền bảo. Trong sự vâng phục, ông không hề tỏ ra sự coi thường và khinh chê con của mình. Trái lại, tình thương của người cha Abraham đối với đứa con yêu dấu Isaac không lúc nào tinh tế cho bằng lúc ông tự mình cầm lấy lửa và con dao để tránh cho con có thể bị thương tổn. Rồi khi Isaac hỏi đến của lễ toàn thiêu, ông chỉ âu yếm trả lời: Cha đây con, chiên làm lễ toàn thiêu Chúa sẽ liệu con ạ (x. St 22,8)[7].

Khi hiến tế con mình, điều mà Abraham phải từ bỏ chính là lời hứa, ơn ban của Chúa, và sự kéo dài đời sống của ông trên trần gian qua dòng dõi của mình. Qua sự hiến tế, dường như Đức Chúa muốn phá bỏ tất cả những gì mà Người đã xây dựng trước đó. Sự vâng phục hoàn toàn của Abraham biểu lộ ra hình ảnh thấy được về sự tín thác của ông. Sự tín thác này không mù quáng, nhưng được nuôi dưỡng trong sự trung thành của ông đáp lại với lòng tín thành của Đức Chúa trải dài qua suốt cuộc đời của ông.

Kết quả của cuộc thử thách thật bất ngờ: khi Abraham cầm dao để sát tế con mình, thì thần sứ Thiên Chúa (chính Thiên Chúa) ngăn lại và nói: “Bây giờ ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa” (St 22,12). Kính sợ Đức Chúa theo Kinh Thánh là tin tưởng và vâng phục Ngài[8]. Đức Chúa chứng nhận lòng tin của Abraham: “Đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc” (St 22,12). Sự thử thách là cơ hội để Đức Chúa ban cho Abraham khả năng dâng lại cho Đức Chúa quà tặng lớn lao là chính con một của ông và không chiếm hữu làm của riêng cho mình[9].

Khi đọc lại trình thuật thử thách của Abraham, tác giả thư Do Thái chú thích: do bởi lòng tin, Abraham đã vâng phục hiến tế con mình vì “nghĩ rằng Đức Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy. Rốt cuộc ông nhận lại người con ấy như là một biểu tượng” (Hr 11,19). Biểu tượng nói đây là hình bóng về cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức Kitô.

Kết

Israel ý thức về căn tính của mình là dân tộc được Thiên Chúa chúc phúc: sự chúc phúc này đến từ lời chúc lành và lời Đức Chúa hứa ban cho họ qua Abraham. Lời chúc lành của Thiên Chúa vẫn luôn theo sát lịch sử dân tộc Israel. Sự hiện diện của họ xét như là một quốc gia là sự xác nhận cho việc Thiên Chúa giữ lời hứa của Ngài. Thiên Chúa tiếp tục làm công việc của Ngài nơi dân tộc của họ, để qua họ, Ngài chúc lành cho mọi dân tộc trên mặt đất. Thế nhưng, bên cạnh lời chúc lành, Kinh Thánh còn đề cập đến sự chúc dữ. Có thể nói lời chúc lành và lời chúc dữ là hai mặt của một thực tại trong mối tương quan liên lạc với Đức Chúa. Với tư cách là dân Thiên Chúa, dân của giao ước, nếu họ giữ được mối dây liên lạc tốt với Thiên Chúa, đó là chúc lành vì Ngài là nguồn mọi phúc lành. Còn sự chúc dữ không nguyên là một hình phạt nhưng phải nói đúng hơn là sự minh họa cho tình trạng liên lạc không tốt với Thiên Chúa, do đó, họ thiếu sự chúc lành của Ngài.

Thay vì nhận sự sống như là một hồng ân của Đức Chúa, Adam cũ qua cuộc thử thách đã theo lời xúi giục của tên gian ác “ăn trái cây biết lành biết dữ”, đã dám tiếm đoạt những gì chỉ dành riêng cho Đức Chúa, điều này dẫn đến việc ông đã cắt đứt mối tương quan với Thiên Chúa. Trái lại, Abraham vâng phục Thiên Chúa từ đầu đến cuối, nên sự liên lạc với Thiên Chúa vẫn còn được tiếp diễn.


[1] Dictionaire de Théologie Biblique, Excelcis, Benediction et malediction

[2] Dictionaire de théologie Biblique, Abraham. Ed. Excelsis Danh xưng dòng dõi thường được hiểu về số nhiều và cũng có thể về số ít: Một người thuộc về dòng dõi của ông là Đức Giêsu Kitô

[3] Nguyên ngữ của tiếng Hy Bá “Brk” (chúc lành) có nghĩa là nói tốt như Pháp ngữ đã chuyển dịch Benediction (bien-dire), nhưng còn có ý nghĩa là “đầu gối”, hay “cúi đầu gối xuống”, “cúi rạp mình xuống”. Hình ảnh này gợi lên thái độ của một người cúi rạp mình xuống để nhận phúc lành. (Théological Dictionary of the Old Testament, Vol II, berekh, beràkhàh)

[4] Có lúc vì không hiểu được Chúa sẽ thực hiện lời hứa của Người như thế nào vì tình trạng của hai ông bà đã quá già cho việc sinh sản, nên cả hai có cười… cười cho chính mình (St 17, 17-19)

[5] Dictionaire de théologie Biblique, Abraham

[6] Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, Abraham

[7] J. Skinner, Genesis, p. 329

[8] Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, Kính sợ Thiên Chúa

[9] André Venin, L’homme Bilbique, ed. du Cerf, 2004. p.74


Liên quan khác