“CÁC CON LÀ HIỆN TẠI CỦA THIÊN CHÚA”
Trong tinh thần Á Đông “tu thân, tề gia, trị quốc”, Giáo hội Việt Nam đã đề ra hướng đi mục vụ giới trẻ cho ba năm 2020 – 2022 với những điểm nhấn lần lượt là: đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện; đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình; và đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội. Hướng mục vụ đó cũng xuất phát từ quan điểm nhân học Kitô giáo: con người là một hữu thể trong thời gian, sống với ba chiều kích không thể tách rời: hồn và xác thống nhất, khác biệt tính dục nam – nữ, và tương quan xã hội giữa cá nhân – cộng đồng; được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Con một Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “chúng ta không thể chỉ nói rằng người trẻ là tương lai của thế giới. Họ là hiện tại của thế giới; họ góp phần làm cho thế giới được phong phú. Người trẻ không còn là trẻ con, họ ở trong giai đoạn bắt đầu đảm nhận những trách nhiệm, khi cùng với người lớn tham gia vào việc phát triển gia đình, xã hội và Hội Thánh” (Christus vivit (CV) 64).
Tâm hồn người trẻ là “đất thánh”
Thượng Hội Đồng Giám mục Thế giới 2018 vừa qua nhìn nhận, trong quá khứ cũng như hiện nay, các tín hữu trong Hội Thánh không phải bao giờ cũng có thái độ như Đức Giêsu, thay vì sẵn sàng lắng nghe chúng ta lại có khuynh hướng đưa ra những câu trả lời có sẵn và đề nghị những cách nghĩ sẵn, mà không để người trẻ đặt ra những câu hỏi mới mẻ. Hội Thánh nếu biết mở lòng “ân cần lắng nghe người trẻ, niềm thấu cảm này sẽ làm cho Hội Thánh nên phong phú, vì cho phép người trẻ mang lại điều gì đó cho cộng đồng, ví lắng nghe giúp cộng đồng nhận ra những khuynh hướng mới và biết đặt ra cho mình những câu hỏi mới” (CV 65).
Trong khi đồng hành và hướng dẫn người trẻ, người lớn đừng để mình rơi vào nguy cơ dựng nên một bản liệt kê những vấp váp, những thất bại của người trẻ, tỏ ra mình có tài trong việc tìm ra những điểm tiêu cực và nguy hiểm. Thái độ đó dẫn đến hệ quả càng xa cách, ít gần gũi, ít hỗ trợ nhau hơn. Mục tử, người hướng dẫn, và các người cha người mẹ sáng suốt là kẻ đi tìm ra được ngọn lửa còn cháy leo lét, cây sậy bị dập (x. Is 42,3) nhưng chưa bị bẻ gãy. Đó là khả năng tìm thấy con đường mà người khác chỉ thấy bức tường đường cùng, là tài năng nhận ra tiềm lực ở nơi mà người khác chỉ thấy hiểm họa. “Cái nhìn của Thiên Chúa Cha là cái nhìn trân trọng và nuôi dưỡng những hạt giống thiện hảo đã được gieo trong tâm hồn người trẻ. Vì vậy tâm hồn của mỗi người trẻ phải được xem là “đất thánh”, nơi mang các hạt giống sự sống thần linh; chúng ta phải “cởi giày ra” để có thể đến gần và đi sâu vào Mầu Nhiệm” (CV 67). Nơi người trẻ có thể có nhiều va vấp, thất bại và những ký ức buồn hằn sâu trong tâm hồn, có cả những thương tích tinh thần, tức là sức nặng của những lỗi lầm đã phạm, của mặc cảm tội lỗi sau khi phạm sai lầm. Nhưng giữa những thập giá người trẻ đang vác lấy này, có Đức Giêsu đang sống ở đó cho họ tình bạn, niềm an ủi và đồng hành có sức chữa lành. Còn Hội Thánh muốn trở nên là khí cụ của Đức Giêsu trên con đường này (hiệp hành), con đường dẫn đến phục hồi nội tâm và bình an cho tâm hồn.
Ba đề tài lớn về người trẻ
Hội Thánh cần quan tâm đến các mối quan tâm của các người trẻ ngày nay. Đức Thánh Cha đề ra tóm lược ba đề tài lớn sau đây mà hầu hết các người trẻ hằng quan tâm: thế giới kỹ thuật số, di dân, và mọi hình thức lạm dụng người trẻ.
Thế giới kỹ thuật số là đặc trưng của thế giới hôm nay. Thường, hằng ngày có rất nhiều người đang triền miên đắm chìm trong thế giới ấy. Internet và các mạng xã hội đã tạo ra một cách thức mới để truyền thông và thiết lập tương quan. Các trang mạng đang tạo nên một cơ hội đặc biệt để đối thoại, gặp gỡ và trao đổi với nhau, cũng như để tiếp cận thông tin và tri thức. “Tại nhiều quốc gia, Internet và các mạng xã hội giờ đây là nơi không thể thiếu để tiếp cận giới trẻ và mời gọi họ tham gia, đặc biệt vào những sáng kiến và hoạt động mục vụ” (CV 87). Nhưng cũng như mọi thực tại nhân văn khác, nó cũng có những giới hạn và khiếm khuyết. Làm sao để đừng lẫn lộn giữa truyền thông và giao tiếp hoàn toàn “ảo”. “Thế giới kỹ thuật số cũng là một không gian đầy cô đơn, thao túng, khai thác và bạo lực, đến cực điểm là trường hợp các trang web đen. Các phương tiện truyền thông kỹ thuật số có thể khiến mọi người bị lệ thuộc, cô lập và mất dần sự tiếp xúc với đời sống thực tế cụ thể, và như thế chúng cản trở sự phát triển của các mối quan hệ đích thực giữa người với người” (CV 88).
Người trẻ hôm nay phải đi tìm và khẳng định tính cách của mình đang khi đương đầu với một thách đố mới: đó là việc tương tác với một thế giới thực và ảo ở đó họ bước vào một mình, như bước vào một lục địa xa lạ.
Hiện tượng di dân. Nhiều người trẻ bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này, cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Các cuộc di dân có thể diễn ra trong cùng một quốc gia hay giữa các quốc gia khác nhau. Đề tài này chúng ta cần suy nghĩ và bàn đến sâu rộng hơn ở một lúc khác. Dù sao di dân “nhắc chúng ta nhớ lại thân phận của những kẻ tin thuở ban đầu, đó là thân phận “ngoại kiều và lữ khách trên mặt đất” (Dt 11,13)” (CV 91)
Chấm dứt mọi hình thức lạm dụng. Tai họa lạm dụng trẻ vị thành niên là một hiện tượng phổ biến trong tất cả các nền văn hóa và xã hội, đặc biệt là ngay trong các gia đình và trong nhiều tổ chức; tầm mức lan rộng của nó được phát hiện chủ yếu “nhờ vào sự thay đổi trong tính nhạy cảm của công luận”. “Hiện tượng này nhan nhản trong xã hội nhưng cũng liên quan đến Hội Thánh và là một trở ngại nghiêm trọng cho sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh. Mặc dù lan rộng trong xã hội, nhưng khi xảy ra trong Giáo hội, nó càng lộ ra tính quái gở, và trong cơn giận dữ chính đáng của mọi người, Hội Thánh nhìn thấy sự phản chiếu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, Đấng bị phản bội và xúc phạm” (CV 96). Có nhiều loại lạm dụng khác nhau: lạm dụng quyền lực, lạm dụng kinh tế, lạm dụng lương tâm, lạm dụng tình dục. Hội Thánh thấy cần phải xóa sạch những hình thức thực thi quyền bính tạo điều kiện cho sự lạm dụng, và phải chống lại tinh thần thiếu trách nhiệm và thiếu minh bạch vốn đã dẫn đến nhiều trường hợp lạm dụng. Chủ nghĩa giáo sĩ trị là một cám dỗ thường xuyên của các linh mục, các vị “coi thừa tác vụ đã lãnh nhận như quyền lực để sử dụng, chứ không phải là một sự phục vụ nhưng không và quảng đại mà mình phải cống hiến” (CV 98).
Câu hỏi gợi ý suy tư và thảo luận
- Người trẻ trong cộng đoàn giáo hội địa phương của bạn tham gia đời sống và hoạt động tông đồ như thế nào?
- Giáo xứ của anh chị đã quan tâm tới mức nào đến các vấn đề trong ba vấn đề lớn nêu trên. Đã có chương trình hành động gì?
Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn