Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật II Thường Niên A, Ga 1,29-34
Kính thưa quý độc giả, có lẽ điều mong ước hàng đầu của từng người trong chúng ta cho toàn thế giới, cho Giáo Hội, cho gia đình, cho Hội dòng là đời sống hiệp nhất. Thế nhưng, yếu tố nòng cốt nào có thể làm nên được sự hiệp nhất ấy? Đó có phải là cùng chung một màu da, nói cùng một thứ tiếng hay là cùng tuyên xưng một đức tin vào Thiên Chúa hoặc ở cùng một nơi suốt đời như các đan sỹ Xitô chiêm niệm chúng ta đây chăng? Lời Chúa trong các bài đọc Chúa Nhật thứ hai mùa thường niên hôm nay cho chúng ta thấy rằng, sự hiệp nhất phải dựa trên lòng yêu thương. Vì thế mà sứ điệp Chúa gửi đến với mỗi người chúng ta là luôn sống yêu thương hiệp nhất như Ba Ngôi Thiên Chúa!
Quả thật, luôn sống yêu thương hiệp nhất như Ba Ngôi Thiên Chúa là một Mầu nhiệm được hiện tại hóa nơi đời sống mỗi người trong mọi thời đại. Bởi vì Ba Ngôi tuy cao siêu nhưng không viển vông xa rời thực tế. Trái lại, đây là một mầu nhiệm rất thiết thân, gắn bó mật thiết với đời sống mỗi người kitô hữu chúng ta. Mầu nhiệm này mời gọi các kitô hữu luôn sống yêu thương hiệp nhất như Ba Ngôi Thiên Chúa! Vì thực tế, khi tuyên xưng Ba Ngôi Thiên Chúa là một, chúng ta không nên hiểu từ ‘một’ này theo nghĩa đen như một người, một vật cụ thể nào đó; Nhưng theo nghĩa bóng như lời Kinh thánh đã được viết: ‘trong hôn nhân, vợ với chồng là ‘một’ theo nghĩa bóng, đó là một tâm hồn, một hướng đi, một gia đình, một mục đích, một tình yêu trọn vẹn; Tuy thực tế thì hai người vẫn sống độc lập. Cũng vậy, Ba Ngôi Thiên Chúa hiệp thông nên một bằng tình yêu thương. Trước hết, chúng ta cùng chiêm ngắm ‘Gia đình Ba Ngôi’ bởi vì ‘Gia đình’ ấy có Ba Ngôi riêng biệt hoặc nói một cách dễ hiểu hơn là ba Vị: Vị thứ nhất là Chúa Cha, Vị thứ hai là Chúa Con và Vị thứ ba là Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, Ba Vị ấy không đơn độc nhưng luôn hiệp thông với nhau trong mọi hoàn cảnh. Lần mở lại các sách Tin mừng chúng ta thấy hầu như biến cố nào, sự kiện nào cũng có sự tham gia cách này cách khác của cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Điển hình như trong Tin mừng hôm nay thánh sử Gioan cho chúng ta thấy rõ điều đó từ câu 32-33 thế này: Ông Gioan còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Cũng thế, trong công trình Sáng Tạo và điều khiển địa cầu: Chúa Cha dựng nên muôn vật muôn loài, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hóa. Chính vì sự hiệp nhất khắng khít luôn bền vững như thế mà sách Giáo Lý Công Giáo số 245 nêu rõ: ‘Thánh Thần là Đấng xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con là một và đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Con’. Như thế, trong “Gia đình” này, tình yêu thương đậm đà thắm thiết giữa Ba Ngôi đã liên kết Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần nên một với nhau bằng tình yêu. Điều này thánh Augustinô đã khẳng định: “Nếu bạn thấy tình yêu, bạn sẽ thấy Chúa Ba Ngôi”. Thánh Phaolô cũng dạy: “Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô” (Ga 3, 27-28). Noi gương hiệp nhất nên một của Ba Ngôi Thiên Chúa, đã có cả hàng tỉ người tin Chúa và được thanh tẩy trong Đức Giêsu cho nên chúng ta không còn là nhiều nữa nhưng đã hiệp thông nên một trong tình yêu thương trong cùng một nhiệm thể Chúa Kitô. Vì thế, lẽ nào chúng ta lại không thuộc về nhiệm thể Chúa khi gia đình hay hội dòng có thêm gia đình mới tu sở mới … Tuy hai hoặc 5 nhưng chỉ là một. Vì thực tế tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau cùng sống chung một linh đạo, một mục đích dưới sự hướng dẫn và chăm sóc của cha mẹ hoặc một bề trên. Vậy thì chẳng lạ chi khi một thành viên trong gia đình hay hội dòng nhận được một niềm vui thì tất cả mọi thành viên dù đang sống nơi những nhà mới cũng đều bày tỏ bằng những lời chia vui thiết thực; Ngược lại, các thành viên cũng kịp thời chia sẻ mỗi khi bất cứ thành viên nào trong gia đình hay hội dòng có người thân qua đời. Quả đúng như lời thánh vịnh 133 câu 1 mà chúng ta vẫn thường hát trong giờ cầu nguyện cho các thành viên mừng bổn mạng: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay! Anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133,1).
Quý độc giả kính mến, Chúng ta cùng nguyện cầu cho nhau và nguyện xin Chúa cho tất cả mọi thành viên chúng ta quyết tâm chọn ‘Gia đình’ Ba Ngôi làm mô hình lý tưởng để xây dựng gia đình hoặc hội dòng chúng ta thành gia đình yêu thương hiệp nhất bền chặt như ‘Gia đình’ Thiên Chúa Ba Ngôi, nhờ đó chúng ta sẽ trở nên hình ảnh sống động về Thiên Chúa Ba Ngôi như lời nhắn nhủ của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2002 mục số 6: “Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.”
Quý độc giả kính mên, chúng ta cùng nguyện cầu cho nhau và hiệp lòng cầu xin Chúa Giêsu là Đấng ngày xưa đã vào hội đường Capharnaum mà chữa lành người bị thần ô uế ám, giờ đây, xin Chúa cũng ngự đến trong tâm hồn từng người trong chúng ta để xin Người thương giải thoát khỏi mọi xiềng xích trói buộc của ác thần hầu giúp cho hồn xác chúng ta được thuộc trọn về Chúa luôn mãi.
F.M. Nôbertô – Thiên Phước