FM. Théophane – Thiên Phước
“Đi ra khỏi mình” là cụm từ được Đức Giáo Hoàng Phanxicô sử dụng nhiều lần từ khi ngài được chọn làm người kế vị thánh Phêrô. “Đi ra khỏi mình” như là điều kiện để sống niềm vui Tin Mừng và để Tin Mừng thực sự là niềm vui cho mọi người. Niềm vui đó là gì nếu không phải là niềm vui tự hủy như Chúa Giêsu, Đấng đã hủy mình ra không vì chúng ta và cho chúng ta? Thế nhưng, niềm vui ấy đang bị làm cho biến dạng và méo mó bởi một chứng bệnh vốn tồn tại rất lâu trong đời sống Giáo Hội mà người ta thường gọi là “não trạng giáo sĩ trị”.
“Não trạng giáo sĩ trị” được Tông huấn “Evangelii Gaudium” nhắc lại như là thách đố của thời đại, thách đố cho các tín hữu và là chướng ngại mà các tu sĩ, linh mục cần phải vượt qua để sống và cho mọi người thấy: Tin Mừng chính là niềm vui. Não trạng này được Tông huấn “Giáo Hội tại Á Châu” cụ thể hóa qua hình ảnh của một Giáo Hội thừa hoạt động, nhưng thiếu chất sống. Một Giáo Hội quá chú trọng đến công tác tổ chức, xây dựng, mục vụ và hộ giáo… nhưng hời hợt trong việc làm tăng trưởng đời sống thiêng liêng.
Như vậy, theo nghĩa rộng, “não trạng giáo sĩ trị” là cách sống quan liêu, tìm kiếm sự an toàn và tự coi mình làm trung tâm để ban phát hơn là để phục vụ của các tu sĩ và giáo sĩ. Vì thế, Đức Phanxicô mong muốn “Có một Giáo Hội bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Giáo Hội bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn riêng của mình”[1]. Thế nhưng, đâu là nguyên nhân hình thành nên cách sống đi ngược với tinh thần Tin Mừng như vậy? Tông huấn “Evangelii Gaudium” chỉ cho thấy những thách đố và cám dỗ đã và đang bóp nghẹt chất Tin Mừng. Đó cũng là nguyên nhân của căn bệnh trầm kha đang phát triển mạnh mẽ trong thời hiện tại.
I. NGUYÊN NHÂN
Đọc tông huấn Evangelii Gaudium, chúng ta được mời gọi đối diện với những thách đố và cám dỗ của thời đại đã và đang hình thành lên những con người truyền giáo “bận tâm quá đáng về tự do cá nhân và giải trí của mình, khiến họ sống những nhiệm vụ của họ như là một phần phụ thuộc đơn giản của đời sống, như thể chúng không phải là một phần căn tính của họ”[2]. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa bàng bạc trong suốt Tông huấn không gì khác hơn là một sự lệch hướng trong linh đạo truyền giáo. Thay vì “đi bước đầu, tham gia, đồng hành, sinh hoa trái và vui mừng”[3], người Kitô hữu, cách riêng là tu sĩ linh mục ngày nay đã biến mình trở thành những con người thụ động, quan liêu đến nỗi các giám mục Châu mỹ la tinh đã phải cảnh tỉnh: “Chúng ta không thể ngồi bình thản trong một chờ đợi thụ động nơi các nhà thờ của mình”[4]. Đâu là nguyên nhân của một thực trạng thiếu “chất” Tin Mừng như thế? Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gọi đích danh ba nguyên nhân căn bản là: chủ nghĩa cá nhân, khủng hoảng căn tính và suy giảm nhiệt tình mà theo ngài là “ba tệ nạn nối đuôi nhau”[5] đã biến “việc đi ra khỏi mình” thành “thống trị người khác”.
1. Nguyên nhân thứ nhất: Chủ nghĩa cá nhân
Việc phát sinh triết thuyết hiện sinh cổ võ nhiệt tình cho sự tự do cá nhân vô hạn. Theo đó, tự do không phải là ân huệ được xã hội ban phát, nhưng tự do thuộc bản chất con người. Vì thuộc bản chất con người, nên con người là tự do. Tự do đi liền với cuộc sống con người và con người phải vươn lên không để bất kỳ một điều gì tha hóa mình. Với một chủ trương như thế, chủ nghĩa hiện sinh đã đặt tự do lên trên và tách biệt các mối tương quan; tách biệt mọi nhu cầu thiết thực và chính yếu để chỉ nhìn nhận cá nhân là trung tâm. Việc đề cao cá nhân quá mức là tư tưởng chủ đạo ở những năm cuối của thế kỷ XX và vẫn còn ảnh hưởng lớn lao trong đời sống xã hội ngày nay. Ảnh hưởng đó một mặt giúp người ta ý thức hơn về vị trí ưu việt của con người; nhưng mặt khác, con người dễ bị đóng kín với những tư lợi, suy tôn cá nhân tuyệt đối và tạo nên “một lương tâm bị cô lập”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô có một cái nhìn rất đúng đắn về chủ nghĩa cá nhân và ảnh hưởng nguy hại của nó. Theo ngài, “chủ nghĩa cá nhân của thời hậu hiện đại và toàn cầu hóa của chúng ta ủng hộ một cách sống làm suy yếu sự phát triển và ổn định của những mối dây liên hệ giữa con người, và làm biến dạng các mối liên hệ gia đình”[6] . Với nhận định này, ngài đã chỉ ra ba gương mặt độc hại luôn song hành với nó. Đó là chủ nghĩa tiêu thụ, tinh thần thế tục và chủ nghĩa vật chất tạo cho chúng ta một sự thèm khát sở hữu. Ba gương mặt này khiến chúng ta quên lãng những yếu tố quan trọng tạo lên lịch sử của Giáo Hội, “là một lịch sử vẻ vang của hy sinh, của hy vọng, của đấu tranh hàng ngày, của hao mòn trong phục vụ, của kiên trì trong những việc khó khăn”[7] ; nó cũng làm cho các tu sĩ gặp khó khăn khi sống các lời khuyên Phúc Âm và thể hiện sự quyết liệt bước theo Chúa Kitô. Thay vào đó, nó vạch ra “những kế hoạch tông đồ theo chủ nghĩa bành trướng”[8] , biến chúng ta thành những con người thích hư danh, đam mê quyền lực và trở thành những viên tướng bại trận trong sứ vụ truyền giáo, tạo nên một cuộc khủng hoảng về căn tính[9] .
2. Nguyên nhân thứ 2: Khủng hoảng căn tính
Khủng hoảng về căn tính được Đức Giáo Hoàng Phanxicô xem như là hệ quả đương nhiên của lối sống duy cá nhân chủ nghĩa và ngài xếp nó vào tệ nạn thứ hai cản trở cho việc sống linh đạo truyền giáo đích thực. Theo ngài, khủng hoảng căn tính không có nghĩa là không nhận ra mình là ai và mình sẽ đi về đâu, mà đúng hơn là nghi ngờ về căn tính của mình. Sự nghi ngờ này trong thực tế được thể hiện với nhiều hình thức khác nhau.
Trước hết, được thể hiện qua việc mặc cảm về những điều mình tin nhận. Mặc cảm vì chưa xác tín đủ điều mình tuyên xưng, nên khi đối diện với những công kích, những nghi ngờ của người khác về những sứ điệp của Giáo Hội, chúng ta dễ rơi vào “việc tương đối hóa hoặc che dấu căn tính và những xác tín Kitô giáo của mình”[10]. Theo Đức Giáo Hoàng, việc che dấu này dẫn chúng ta vào vòng luẩn quẩn là không hài lòng những gì mình đang có và những việc mình làm. Chính sự bất thỏa đó cản trở việc dấn thân hay khiến cho sự dấn thân trở nên suy yếu, đồng thời làm cho chúng ta trở thành xa lạ với sứ vụ rao giảng Tin Mừng của mình. Thế mà, một khi không đồng hóa mình với sứ vụ, chúng ta sẽ trở thành bàng quan như những người đầy tớ mà không dám “ra đi” theo lời mời gọi cụ thể của Tin Mừng.
Thứ đến, không phải là thái độ nghi ngờ mà là sợ hãi. Vì sợ khác người, nên chúng ta luôn bận tâm, đôi khi quá đáng, muốn trở nên giống như người khác. Thế mà, Tin Mừng mời gọi chúng ta phải trở nên những con người sống niềm vui Tin Mừng. Niềm vui đó chỉ có thể có khi chúng ta “bỏ mình, vác thập giá và đi theo Chúa Giêsu”. Vì sợ hãi cho sự bấp bênh của bản thân mà chúng ta mong muốn “có những gì người khác có”. Thái độ đó không phù hợp với những yêu sách của Tin Mừng: Về bán hết những gì mình có, phân phát cho người nghèo khó, rồi đến mà theo Chúa Giêsu[11]. Và vì thế, sợ hãi sẽ biến chúng ta trở thành những con người luôn tính toán khi đứng trước sứ vụ và xem “nhiệm vụ loan báo Tin Mừng trở nên bó buộc và dành rất ít nỗ lực và một số thời giờ hạn chế cho nó”[12]. Đó là thái độ của người làm công.
Cuối cùng, là sự tách biệt. Tách biệt để khẳng định mình bằng một lối sống mà theo Evangelii Gaudium là rất nguy hiểm. Nó nguy hiểm hơn cả thuyết tương đối về tín lý và được gọi là thuyết tương đối thực tế. “Thuyết tương đối thực tế hệ tại ở việc hành động như thể không có Thiên Chúa, ở việc quyết định như thể không có người nghèo, ở việc mơ ước là không có tha nhân, làm việc như thể tất cả những người chưa nhận được lời rao giảng Tin Mừng là không có”[13]. Đây là loại người mong muốn một sự an toàn về kinh tế, ưa thích quyền lực và vinh quang loài người với bất cứ giá nào. Họ sống không phải để hướng ra và thuộc về, nhưng chỉ quy về mình và sống cho mình. Chính vì thế, Đức Giáo Hoàng cảnh tỉnh “chúng ta đừng để mình bị cướp mất nhiệt tâm truyền giáo”[14].
3. Nguyên nhân thứ 3: Suy giảm lòng nhiệt thành
Suy giảm lòng nhiệt thành là tên gọi của tệ nạn thứ ba cản trở việc thực hiện linh đạo truyền giáo và gián tiếp hình thành lên “não trạng giáo sĩ trị”. Vì một khi đánh mất tình yêu, chúng ta sẽ không có đủ nhiệt huyết và tinh thần để thực hiện một sự dấn thân quyết liệt như Chúa Giêsu mời gọi: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, phần anh hãy theo Ta”. Sự quyết liệt này xuất phát từ tình yêu Agape, tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa[15] . Lúc đó, tu sĩ, linh mục thể hiện mình như là người phục vụ Tin Mừng, chứ không phải như người ban phát. Chính vì sự quyết liệt và khẩn thiết này, nên mặc dù giáo đoàn Ephêsô được khen ngợi về sự công chính, nỗi gian truân và các nhân đức của họ: “Ta biết việc ngươi làm, nỗi vất vả và lòng kiên nhẫn của ngươi; Ta biết ngươi không thể chịu đựng kẻ ác”[16] , nhưng họ vẫn bị Chúa khiển trách: “Ta trách cứ ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thủa ban đầu”. Đánh mất tình yêu là đánh mất nguồn sức sống, khiến đời sống tâm linh bị sa mạc hóa và tâm hồn chúng ta sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tinh thần thế tục, chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa cá nhân phát triển.
Một khi đời sống tâm linh khô héo, theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng ta sẽ trở nên ươn lười ích kỷ và bi quan yếm thế[17] . Đây là hai tật xấu của những người sống như thể không có Thiên Chúa.
Sự ươn lười sẽ tạo nên những con người không còn thao thức với công việc mục vụ của mình. Họ sẽ thiếu kiên nhẫn, nhưng thích khoa trương; Quan tâm quá mức đến việc tổ chức, nhưng bỏ quên nhân sự, lãng quên việc nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng. Từ đó, họ luôn chú tâm đến thành công nên không thể chấp nhận ngay cả một lời chỉ trích, một thánh giá dù là rất nhỏ. Kết quả, “đức tin bị suy yếu và thoái hóa thành nhỏ nhen”[18] . Họ trở thành “những xác ướp trong viện bảo tàng”, và “rốt cuộc họ cũng bị quyến rũ bởi những điều chỉ tạo ra bóng tối và mệt mỏi nội tâm, và những điều ấy làm suy yếu động năng tông đồ”. Sự suy giảm này sẽ cướp mất niềm vui của việc loan báo Tin Mừng.
Trái lại, thái độ bi quan vô bổ xuất phát từ một đức tin yếu kém. Yếu kém vì không tin vào Lời Chúa: “Ơn sủng của Thầy đã đủ cho con rồi vì quyền năng của Thầy được thể hiện trong sự yếu đuối”[19] hoặc do thiếu việc thực hành đức tin. Vì thế, chúng ta dễ rơi vào sự sợ hãi khi đối diện với những bóng tối trong cuộc đời hay khiếp đảm trước những thập giá mà chúng ta gặp. Và vì thế mà chúng ta không tìm được sự dịu dàng và những “biểu ngữ chiến thắng” của Thánh Giá, là những điều cần thiết giúp chúng ta đi ra khỏi mình để mang lại niềm vui cho người khác.
Vì vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta phải nói không với những tật xấu đang cướp đi lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng, biến chúng ta thành những ông chủ thích cai trị, ích kỷ và bi quan. Thế nhưng ở giữa thế gian điên đảo dễ gì có thể nói không, dễ gì từ bỏ.
II. THỬ ĐI TÌM MỘT PHƯƠNG THẾ
Khi một người con của mình được mời gọi lên vị trí cao trọng nhất trong Giáo Hội, làm Giáo Hoàng, với tước hiệu Eugenio III, thánh Bênađô đã viết cho ngài một tác phẩm có tựa đề “De la Considération”. Thánh nhân đã nhấn mạnh: ngài không viết theo tư cách là một người thầy, nhưng với tư cách là một người mẹ, hay đúng hơn là một người tình (un amant). Người tình không nói như thể là người dạy, nhưng nói với tấm lòng vì hạnh phúc và vì thành công của bạn tình. Người tình thì thầm điều gì, nếu không phải chính là những gì mình đã cảm nhận. Thế mà, điều thánh Bênađô cảm nhận không phải là kinh nghiệm của một người đã chứng nghiệm được Thiên Chúa sao? Và đây là đích điểm mà một Giáo Hoàng phải vươn tới để trở nên một con người phục vụ vẹn toàn. Bởi thế, mở đầu tác phẩm thánh nhân nhắc nhở người con của mình phải luôn biết mình là người phục vụ, chứ không phải là người cai trị. Thiết nghĩ với những gì thánh Bênađô nhắn nhủ Giáo Hoàng Eugenio III có thể là những phương thế giúp chúng ta trị liệu “não trạng giáo sĩ trị” nơi chính mình.
Tác phẩm gồm 5 cuốn, xoay quanh 4 vấn đề chính: Biết mình; Biết những gì dưới mình; những gì xung quanh mình và tất cả đều hướng về để biết những gì ở trên mình. Để biết những gì trên mình, chúng ta cần phải thực hiện một cuộc tìm kiếm. Tìm kiếm ai? Thưa tìm Chúa.
1. Tìm Chúa, tâm điểm tất cả mọi hoạt động của người mục tử
Thánh Bênađô được Étienne Gilson tặng cho danh hiệu “Socrate Kitô giáo”. Sở dĩ ngài được tặng danh hiệu này, vì thánh nhân luôn xem việc “tự biết mình” là điểm thiết yếu nhất trong tiến trình hướng tới chứng nghiệm Thiên Chúa. Vì thế, trong tác phẩm “De la Considération” ngài cũng khuyên người con của mình phải tự biết mình như là điều kiện đầu tiên để đi vào đời sống nội tâm, là nguồn suối mà mọi hoạt động phải kín múc để sinh hoa trái. Biết mình không phải được chọn để thống trị, nhưng để phục vụ, nên phải là gương mẫu qua việc chăm lo tập các nhân đức và khiêm tốn trong công việc chủ chăn, vì tước vị giám mục không hàm ẩn từ ngữ thống trị và hoàn toàn bị loại trừ nơi các tông đồ của Chúa[20] .
Biết mình chỉ là trung gian để chuyển giao ơn Chúa, vì thế giới này là gia sản mà Chúa trao ban cho con người quản lý, gìn giữ và săn sóc. Con người săn sóc thế giới như thể là ân huệ và hướng nó đến sự công chính như ý muốn của Thiên Chúa. Để từ đó, chúng ta biết những con người được trao phó cho mình: Họ là con chiên, là sói dữ, là tội nhân, là những người nghèo khổ và bất hạnh, nhưng tất cả họ đều “được dựng lên theo và giống hình ảnh Thiên Chúa”. Họ cần sự sống và có quyền có một sự sống dồi dào[21] . Do đó, cần phải liên đới trách nhiệm để cộng tác mang lại những gì tốt đẹp nhất. Sự liên đới này chỉ có thể thực hiện được khi đón nhận những người cộng tác như những người anh em, những người bạn, chứ không phải là những người thuộc cấp mà mình là chúa tể[22] . Thế nhưng, theo thánh Bênađô, chúng ta chỉ có thể sống tốt các mối tương quan ấy khi chúng ta thực sự là những con người đi tìm Chúa để chứng nghiệm Thiên Chúa.
Tìm Chúa là khát vọng của tất cả mọi người, vì đó là nguồn hạnh phúc và cội nguồn của mọi hoạt động. Thánh Bênađô đã nói lên kinh nghiệm của ngài trong cuốn V của tác phẩm “De La Considération”.
Tìm Chúa để làm gì, nếu không phải vì con người đang khát Chúa. Tại sao con người khát Chúa, chẳng phải vì con người luôn khao khát một hạnh phúc tuyệt đối? Thế mà hạnh phúc tuyệt đối không thể đến từ những gì là vô thường. Theo thánh Bênađô chỉ có Thiên Chúa mới khỏa lấp được niềm hy vọng này mà thôi. Vì thế, ngài đã khẳng khái tuyên bố: “Tôi phải tuyên chứng điều này là chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Đấng ta phải tìm kiếm và không bao giờ phải thất vọng, dù ta không bao giờ chiếm hữu được Ngài một trăm phần trăm”[23] . Thiên Chúa đó là ai?
Thánh nhân không trả lời trực tiếp, nhưng ngài “nhắc lại câu nói của nhà tiên tri: Lạy Chúa, Ngài tốt lành với những ai trông cậy Chúa và tìm kiếm Ngài” (Aica 3,25). Chúa tốt lành tự bản tính vì Ngài là nguồn suối mọi sự tốt lành. Vì Ngài tốt lành nên Ngài trào tràn ra cho mọi loài: “Đối với vũ trụ, Ngài là cứu cánh; đối với người được chọn, Ngài là cứu rỗi; còn đối với chính mình Ngài, Ngài là vô hạn. Thiên Chúa là gì? Thưa Ngài là ý chí toàn năng, là lòng nhân từ và quyền lực vô biên, là ánh sáng vĩnh cửu, là Thượng Đế bất biến và là hạnh phúc siêu vời” ( De la Consid. V, 24)[24]. Nhưng làm sao chúng ta có thể đi tìm Chúa?
Thánh Bênađô chỉ cho chúng ta hai con đường: con đường tự nhiên như hoàn cảnh sống, môi trường sống, cảm tình tự nhiên… và nhờ Chúa Thánh Thần, vì chính Ngài sẽ lôi cuốn từ bên trong, thôi thúc chúng ta đi tìm Chúa. “Thánh Bênađô mô tả sự lôi cuốn nội tâm đó như một sự mạc khải: “Ta không thể không yêu Ngài, nếu ta biết rõ Ngài” (De la Consid V, 32). Nhưng làm sao ta biết rõ Chúa Kitô nếu không được Thần Chân lý hướng dẫn”[25] . Vì thế, sự lôi cuốn nội tâm của Chúa Thánh Thần là điều kiện tất yếu cho việc tìm Chúa.
2. Thể hiện việc tìm Chúa như thế nào?
Có một con đường đi tìm Chúa thật đơn giản, nhưng rất hiệu quả và không sợ sai lầm, không phải vất vả. Đó là Tin Mừng, vì “Lời Chúa chính là Chúa”. Do đó, Tin Mừng không chỉ nói về Chúa và cho thấy những việc Chúa đã làm, mà còn giúp chúng ta sẽ gặp được chính Chúa. Thế mà theo Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI: “Ở nguồn gốc của việc làm một kitô hữu không phải là một lựa chọn luân lý hay một ý tưởng cao cả, nhưng là một cuộc gặp gỡ với một biến cố, một người, là điều mang đến cho cuộc sống một chân trời mới và một hướng đi quyết định”[26] . Trong cuộc gặp gỡ này, Thiên Chúa “ngỏ lời với loài người như với bạn hữu” (Xh 33,11; Ga 15,14-15) và nối kết mối tương giao với họ (x. Br 3,88)”[27] . Ngài nối kết mối tương giao để làm gì? Thưa là “để mời họ sống hiệp thông với Ngài và tiếp nhận họ vào trong mối hiệp thông này”[28] . Một khi hiệp thông với Thiên Chúa “chúng ta được giải thoát khỏi tâm trạng cô lập và chỉ nghĩ về mình”[29] . Vì thế, “Tin Mừng là nguồn mạch đầu tiên của mọi linh đạo Kitô. Tin Mừng nuôi dưỡng mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa hằng sống, với ý định cứu chuộc và thánh hóa của Ngài”[30] . Thế nhưng chúng ta gặp Chúa bằng cách nào?
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mời gọi chúng ta đọc, suy niệm và cầu nguyện với Lời Chúa. Trong đó, Lectio Divina là phương cách phổ biến và hiệu quả đã được thực hiện từ xa xưa trong truyền thống Đan tu, Theo ngài, “những con người cầu nguyện luôn luôn là những người đã làm nên những công trình lớn lao, bởi họ là những người thông dịch viên chính thức của thánh ý Chúa và bởi họ đã thực hiện thánh ý ấy. Nhờ năng đọc Lời Chúa, họ được soi sáng để phân định về chính bản thân, về cộng đoàn hầu giúp họ tìm ra đường lối Chúa trong các dấu chỉ của thời đại. Như vậy, họ có được một thứ bản năng siêu nhiên, giúp họ không hùa theo não trạng thế gian[31]” .
Mặt khác, chúng ta gặp được Chúa khi chúng ta sống Lời Chúa qua việc rao giảng Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng không phải thực hiện một cuộc chinh phục để làm tăng số lượng Kitô hữu, nhưng là mang Chúa đến cho mọi người để họ được sống và có một cuộc sống dồi dào (x. Ga 10,10). Chúng ta không thể giới thiệu cho thế giới một Thiên Chúa đích thực được nếu mình chưa gặp gỡ và chứng nghiệm Thiên Chúa đó. Vì vậy mà thánh Đaminh luôn thực hiện và mời gọi anh em mình sống phương châm: Anh hãy chiêm niệm và đem những gì đã được chiêm niệm loan báo cho người khác. Đức Giáo Hoàng Phanxicô diễn tả ý tưởng này bằng một hình ảnh thực tế và sống động hơn: “Một nhà truyền giáo không thể như một người vừa đi đưa đám về”. Nếu họ “chỉ có mùa chay mà không có Phục sinh” thì chắc chắn họ chưa gặp được Thiên Chúa, họ chỉ là người làm thuê, không phải là bạn hữu, là môn đệ của Ngài. Bởi vì “niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và đời sống của những người gặp gỡ Chúa Giêsu”[32] .
Thêm vào đó, chúng ta sẽ gặp được Chúa nếu thực hiện được việc “đi ra khỏi mình”; đi ra khỏi mình để đến với người khác và nói với người khác về Thiên Chúa tình yêu. Việc ra khỏi mình đòi hỏi nhà truyền giáo biết trả lời không với một nền kinh tế loại trừ; trả lời không với ngẫu tượng mới của tiền bạc; trả lời không với tinh thần thế tục, chủ nghĩa cá nhân… và nói có “với những mối quan hệ mới được mang đến bởi Đức Giêsu Kitô” (x. EG, chương II). Với mối tương quan mới này, tất cả chúng ta là tu sĩ, linh mục hay giáo dân sẽ được nuôi dưỡng bởi sinh lực phát xuất từ Lời Chúa; được Lời Chúa như “chiếc là bàn” định hướng và dẫn dắt; được Lời Chúa như “khiên thuẫn” bảo vệ và chở che thì làm sao chúng ta có thể sống quan liêu, dối trá và giả hình theo “não trạng giáo sĩ trị” được.
Kết Luận
“Não trạng giáo sĩ trị” là căn bệnh mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nhắc đến trong các bài nói chuyện và mời gọi toàn thể Giáo Hội loại trừ, vì nó đi ngược với tinh thần của Tin Mừng và đánh mất niềm vui đích thực mà Chúa muốn ban cho chúng ta. Ngài đã chỉ cho thấy nguyên nhân gây ra căn bệnh độc hại này. Nguyên nhân đến từ những cám dỗ của thời đại và cũng đến từ những tâm hồn không được đốt cháy và nuôi dưỡng bằng nguồn sống thiêng liêng. Tuy nhiên, “thà thắp lên một tia lửa hơn là ngồi đó để nguyền rủa bóng đêm”, Đức Giáo Hoàng muốn chúng ta hãy sống niềm vui Tin Mừng là niềm vui giúp chúng ta gặp Thiên Chúa và chứng nghiệm được Ngài. Vì gặp gỡ được Thiên Chúa, ắt đời sống của chúng ta sẽ được biến đổi, gặp gỡ Đức Giêsu, “Đấng đã yêu con người cho đến chết” thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ sống được như Ngài.
Đây là một hành trình dài mời gọi tất cả mọi người, nhất là các Đan sĩ phải kiên nhẫn và luôn khao khát đi tìm Chúa để chứng nghiệm được Ngài, vì chỉ khi có sự chứng nghiệm này, đời sống con người mới có ý nghĩa và sẽ thể hiện được một cuộc sống theo tinh thần Tin Mừng. Trong cuộc hành trình này, chúng ta sẽ đối diện với những thử thách, với dối trá, với “tham, sân, si” ngay trong chúng ta và đối diện với một thế giới đang tục hóa, đang đổi mới. Chắc chắn, sẽ có lúc chúng ta rơi vào nỗi thất vọng, sự chán chường, nhưng chúng ta hãy nhớ: “Thiên Chúa không bao giờ biết mệt khi tha thứ, chính chúng ta là kẻ cảm thấy mệt mỏi khi cầu xin lòng thương xót của Người”[33].
[1] Đức Phanxicô, Tông huấn “Evangelii Gaudium”, số 49
[2] Sdd số 78
[3] Sdd số 24
[4] Hội đồng chung lần thứ nhất của các giám mục Châu mỹ la tinh và miền Caribe lần thứ nhất, 29.6.2007
[5] Đức Phanxicô, Tông huấn “Evangelii Gaudium”, số 78
[6] Sdd số 24
[7] Đức Phanxicô, Tông huấn “Evangelii Gaudium”, số 96
[8] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn “Đời sống thánh hiến”, số 87-91
[9] Sdd, số 96
[10] Sdd, số 79
[11] Mt
[12] Đức Phanxicô, Tông huấn “Evangelii Gaudium”, số 79
[13] Sdd, số 80
[14] Sdd, số 80
[15] 1Ga 4, 7
[16] Kh 2, 2
[17] Đức Phanxicô, Tông huấn “Evangelii Gaudium”, số 81-86
[18] Sdd, số 83
[19] 2Cor 12, 9
[20]Thánh Benado, De la consideration, II, 10
[21] X. Sdd, III
[22] X. Sdd, IV
[23] Thánh Benado, De la Considération, V, 24
[24] Cha Dominico Phạm văn Hiền, Thánh Benado, nhà chiêm niệm và tông đồ. Đời sống và linh đạo, tr 49
[25] Sdd, tr 51
[26]Đức Benedicto XVI, Thông điệp “Thiên Chúa là tình yêu”, số 1.
[27] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn “Đời sống thánh hiến”, số 94.
[28] Sdd, số 94.
[29] Đức Phanxicô, Tông huấn “Evangelii Gaudium”, số 8.
[30] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn “Đời sống thánh hiến”, số 94.
[31] Sdd, số 94.
[32] Đức Phanxicô, Tông huấn “Evangelii Gaudium”, số 1.
[33] Sdd, số 3