Ngày 25.5 – Lễ thánh Beđa – Grêgôriô VII – Maria Magdalêna Pazzi

27/11/2018

Kết quả hình ảnh cho THÁNH beda

THÁNH BÊĐA, TIẾN SĨ, DÒNG THÁNH BIỂN ĐỨC

(673-753)

Thánh Bêđa là con một gia đình nghèo khó trong nước Anh. Thánh nhân sinh năm 673, và mồ côi cha ngay từ khi mới lên bảy tuổi. Nhưng bù lại Chúa đã ban cho Bêđa sớm có một trí khôn sắc sảo và nhiều đức tính cao đẹp. Vì thế, một người bà con đã không ngại giúp cho cậu ăn học và vào tu trong dòng thánh Biển Đức ở Weamouth. Theo tiếng Anh thời bấy giờ, chữ Bêđa có nghĩa là “cầu nguyện”. Chính đời sống của thánh nhân đã phản ảnh trung thành ý nghĩa thâm thuý ấy!

Năm 682, Bêđa sung sướng sống trong tu viện. Nhưng cũng ở đây đời sống của ngài phải trải qua rất nhiều vất vả khó khăn; các tu sĩ ngoài công việc học hành, còn phải làm việc chân tay, khai khẩn đất hoang. Hơn thế, năm 686, bệnh dịch tả lan tràn; cả tu viện chỉ còn cha bề trên Céolfrid và Bêđa là sống sót. Nhiều người cho rằng nhà dòng sẽ tan vỡ.

Nhưng ai hiểu được Chúa Quan phòng! Sau thời gian bị thử thách, dòng lại phát triển mạnh mẽ và mau lẹ, thầy Bêđa lại được diễm phúc làm bạn với đèn sách. Sẵn trí thông minh và tinh thần hiếu học đặc biệt, thầy Bêđa đã thu lượm được rất nhiều kết quả về các môn Kinh thánh, khoa học và âm nhạc bình ca. Thêm vào vốn văn hóa sâu rộng ấy, thầy Bêđa còn có một đức vâng phục, lòng khiêm tốn và tính đơn sơ nhã nhặn. Sau mỗi giờ học, thầy nâng lòng lên nguyện cầu với Thiên Chúa: “Lạy Chúa nhân từ, Chúa đã thương cho con được ngụp lặn trong kho tàng kiến thức, thì xin Chúa cũng cho con được khiêm tốn bước theo Chúa, Đấng khôn ngoan và thánh thiện, đồng thời cũng khiêm nhường tuyệt đối. Lạy Chúa, xin đừng để con bỏ Chúa bao giờ…”. Năm 691, thầy thụ phong chức phó tế do Đức Giám mục địa phận Exam và năm 702 thầy lĩnh chức linh mục. Sau đó, cha Bêđa được cử làm giáo sư dạy học ngay tại trường. Nhiệt thành với sứ mệnh giáo dục, ngài dạy đủ các lớp, đủ mọi trình độ. Nhờ có phương pháp dạy học mới mẻ và hợp tâm lý, cha Bêđa nổi tiếng là nhà sư phạm biệt tài thời bấy giờ. Tuy bận rộn với công việc giáo dục, thánh nhân cũng viết được 45 cuốn sách giá trị thuộc đủ mọi môn, như văn chương, triết lý, vũ trụ học, toán học, sử học, thi ca và hùng biện khoa…

Ngoài công việc dạy học và viết sách, thánh Bêđa còn đảm nhận nhiệm vụ đối chất với các lạc giáo. Những bằng chứng thánh nhân đưa ra luôn thích hợp với tinh thần Giáo hội. Ngài là một sử gia trứ danh của giáo hội và Anh quốc. Nói đến thánh Bêđa, người đương thời nghĩ ngay đến một giáo sư danh tiếng, một nhà bác học uyên thâm, và một vị truyền giáo thánh thiện. Trong đời sống siêu nhiên của ngài, người ta thấy nổi bật đức khiêm tốn và bác ái. Để phần nào hiểu thêm về đời sống nội tâm và chí tông đồ của thánh nhân, chúng ta hãy đọc mấy câu sau đây trong một bức thư ngài viết năm 734 gởi cho người con thiêng liêng làm Giám mục địa phận York. Ngài viết “… Tôi khuyên Đức Cha hãy chú ý nhiều đến việc nguyện ngắm và xét mình mỗi ngày. Đức cha cũng phải nhớ rằng: nhiệm vụ trọng yếu nhất của một Giám mục là lo thánh hóa hàng linh mục và nhiệt thành nuôi dưỡng đoàn chiên, tìm mọi phương thế hữu hiệu đem ơn Chúa đến cho những linh hồn tội lỗi và lòng tin cho những ai còn xa Chúa. Lại nữa, Đức Cha phải thúc giục các họ đạo năng đọc kinh cầu nguyện, nhất là học hỏi Thánh kinh và nhờ thế có thể huấn luyện cho họ những chân lý căn bản trong đạo…”. Được coi như một tờ di chúc, bức thư này đã được in ra và gửi đi nhiều nơi. Theo nhiều sử gia thì về cuối đời, thánh nhân bị khiếm thị. Nhưng không vì thế mà ngài bỏ công việc truyền giáo là dạy học và giảng thuyết. Người ta phải cảm phục biết bao vì thấy ngài tuy mụ tật mà vẫn tiếp tục làm những công việc đèn sách cách thông thạo. Đó phải chăng là một ơn đăïc biệt Chúa đã ban để tán thưởng cha Bêđa trong những năm cuối đời.

Đời sống của cha là đời sống tận tụy làm việc và sốt sắng cầu nguyện, khi nằm trên giường bệnh, mặc dầu không viết được, ngài cũng đọc cho các đệ tử chép bản dịch Phúc âm thánh Gioan. Ngài từ trần vào chính ngày lễ Thăng Thiên năm 735, trong khi miệng còn thầm thì đọc kinh Sáng Danh. Thi hài thánh nhân được mai táng trọng thể trong tu viện Jarrow. Sau khi cha tạ thế, nhiều tín hữu từ xa đến kính viếng và cầu nguyện bên phần mộ của ngài. Lòng sốt sắng của họ đã đáng Chúa ban nhiều phép lạ vì lời bầu cử của thánh Bêđa. Năm 1020, di hài ngài được chuyển về Durham đặt trong một hòm bằng vàng có gắn nhiều ngọc trai và kim cương. Lòng sùng mộ của giáo dân cùng với những phép lạ xẩy ra đặt nền tảng vững chắc cho giáo hội phong ngài lên bậc hiển thánh. Rồi ngày 13-11-1899 thánh nhân lại được truy phong lên bậc Tiến sĩ Giáo hội.

Đẹp thay đời sống của thánh Bêđa! Ngài đã biết sống ăn nhịp với sự thông thái Chúa phú bẩm, biết phát triển vốn trí thức trong đức khiêm nhường, và lòng bác ái. Ước gì tinh thần học hỏi của ngài là đường lối để mọi tâm hồn noi theo mà tìm ra chân lý như lời ngài nói: “Người thông thái thật, là người biết tự hạ mình sống theo khoa học BÁC ÁI mà Ngôi Lời đã mang tự trời xuống”.

 Kết quả hình ảnh cho THÁNH GIÁO HOÀNG GRÊGÔRIÔ VII 

THÁNH GIÁO HOÀNG GRÊGÔRIÔ VII

(1015-1086)

Nói đến những vị Giáo Hoàng có công nhiều trong việc phục hưng tinh thần đạo đức của hàng giáo sĩ và tranh đấu cho tự do của Giáo hội, người ta không thể bỏ qua tên tuổi của Đức Grêgôriô VII, tục danh là Hildebrand.

Ngài xuất thân từ một gia đình trung lưu miền Soano nước Ý, vào khoảng năm 1015. Ngay từ thời niên thiếu Hildebrand đã được thụ huấn với chính người chú ruột là Lôrensô bấy giờ đang làm bề trên tu viện. Sẵn có thiên khiếu thông minh và lòng mộ đạo, Hildebrand đã thu hoạnh được nhiều kết quả về đạo đức cũng như về trí thức.

Tới tuổi trưởng thành, Hildebrand được cử làm bề trên tu viện thánh Phaolô. Ngài đã tỏ ra rất lành nghề trong việc hướng dẫn tu viện và thành công nhiều trong việc phục hưng tinh thần đạo đức của các tu sĩ. Mến phục tài đức của ngài, Đức Giáo Hoàng Lêô IX đã cử ngài làm đặc sứ Toà Thánh tại Pháp để điều chỉnh lại tình trạng đạo đức của các tu sĩ ở nước này.

Năm 1045, dưới đời Đức Giáo Hoàng Grêgôriô VI, ngài là một trong những vị phó tế của thành Rôma trông coi tài sản của Giáo hội; đó là một chức vụ quan trọng mà nhờ đó ngài đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu để điều khiển Giáo hội mai ngày.

Năm 1049, nhân dịp tu viện trưởng Huygô bề trên cả tu viện Cluni sang chầu Đức tân Giáo Hoàng Brunô, Hildebrand cũng được may mắn đi theo. Là một người có tâm huyết và tính tình cương trực, ngài đã không ngần ngại lên tiếng phản đối cả Đức tân Giáo Hoàng mà ngài nghĩ rằng đã được bầu lên một cách bất hợp pháp. Nhưng Đức tân Giáo Hoàng đã bình tĩnh giải thích cho Hildebrand hay mình được lên ngôi kế vị thánh Tông đồ không phải chỉ do sự quyết định của Hoàng đế mà là do sự biểu quyết của các giáo sĩ và toàn dân Rôma nữa. Bấy giờ Hildebrand mới biết mình nhầm và thực tâm xin thần phục quyền Đức Thánh Cha. Đức tân Giáo Hoàng cảm mến tài đức và lòng can đảm của con người cương trực ấy. Ngài xin tu viện trưởng Huygô cho Hildebrand ở lại để làm cố vấn và giúp việc Toà thánh. Ngày 02-02-1049, Đức Brunô lên ngôi Giáo Hoàng lấy hiện là Lêô IX; và chính thức đặt Hildebrand làm cố vấn giúp ngài trong việc điều khiển guồng máy Giáo hội. Âu cũng là thời gian thuận tiện để ngài có thể đem ra thực hiện những dự định cải tổ đã từ bao năm mơ ước.

Giáo hội lúc đó lâm vào một tình trạng đen tối hơn bao giờ hết. Giáo quyền bị lệ thuộc thế quyền; nhiều Giám mục đã dùng tiền bạc, quyền lực để mua bán chức thánh, đó là nạn mại thánh; đời sống đạo đức và trinh khiết của giáo sĩ cũng đi dần đến chỗ sa đọa sút kém. Để chặn đứng những cảnh đồi phong bại tục đó trong Giáo hội, thánh nhân bàn định với Đức Giáo Hoàng để triệu tập một công đồng kết án tất cả những Giám mục và linh mục đã phạm tội mại thánh, phạt vạ những tu sĩ cố chấp không giữ đức trinh khiết, thay thế những người bất xứng bằng những vị tài đức và thánh thiện.

Ảnh hưởng và hoạt động của thánh nhân đã cứu vãn lại được một phần nào tình thế. Thế nên khi Đức Lêô IX băng hà, thánh nhân vẫn được các Giáo Hoàng kế tiếp trọng dụng, và ngài đã tiếp tục làm cố vấn cho bốn đời Giáo Hoàng sau. Dưới triều Giáo Hoàng nào, ngài cũng mang hết tài đức ra phụng sự Chúa, cố gắng chấn hưng Giáo hội và hăng hái tranh đấu với các lạc giáo để bảo vệ toàn vẹn kho tàng chân lý măïc khải. Năm 1073, khi Đức Giáo Hoàng Alexanđrô II băng hà, toàn thể hội đồng Hồng Y đều tán thành bầu ngài lên kế vị, vì nhận thấy không còn ai xứng đáng hơn ngài. Trước sự tán đồng và tín nhiệm của toàn thể các Hồng Y, Đức Hildebrand biết có từ chối cũng chẳng được, nên ngài đành khiêm tốn cúi mình lãnh nhận nhiệm vụ Chúa trao.

Tin Đức Hildebrand đắc cử Giáo Hoàng truyền ra, toàn dân Rôma hớn hở vui mừng. Hàng biển người đã tụ tập giơ tay hoan hô Đức tân Giáo Hoàng: “Vạn tuế Đức Hildebrand, vạn tuế Đấng kế vị thánh Phêrô”. Niềm vui nừng đó lan tràn qua năm châu bốn bể. Các tín hữu nơi nơi phấn khởi dâng lên vị cha chung tấm lòng khâm phục và hiếu thảo. Ngài lên ngôi Giáo Hoàng với danh hiệu là Grêgôriô VII.

Tuy với hoàn cảnh và địa vị mới, nhưng Đức Grêgôriô VII vẫn cố gắng duy trì nếp sống cũ. Ngài sống khắc khổ không khác gì một cha dòng khổ tu. Vì biết rằng chỉ có hãm mình cầu nguyện để xin ơn Chúa mới có thể hoán cải được tâm hồn kẻ có tội và làm cho tương lai của Giáo hội được sáng sủa hơn. Thực vậy, ngài lên ngôi giữa lúc con thuyền Giáo hội bị phong ba dồn dập dữ tợn. Tương lai và vận mệnh Giáo hội hầu như bị đe dọa nghiêng ngửa. Các đế quốc muốn chia nhau xâm chiếm thánh địa, chiếm hữu tài sản và chi phối quyền hành của Giáo hội; đời sống đạo đức của giáo sĩ và giáo dân sút kém rất nhiều. Trước tình thế đen tối đó, thánh nhân vẫn một niềm tin tưởng vào sức mạnh của lời cầu nguyện và lời Chúa phán cùng Phêrô xưa: “Phêrô, con là đá, trên đá này Ta xây Giáo hội và dù cửa hoả ngục có dấy lên cũng không phá đổ được…”.

Không phải chỉ cầu nguyện và tin tưởng suông, nhưng ngài đã bắt tay ngay vào việc cải tổ và bênh vực Giáo hội; làm như thế vì ngài thừa hiểu rằng cầu nguyện và hãm mình phải đi trước, nhưng cũng phải có lời nói việc làm kèm theo thì mới mong có kết quả. Đêm ngày ngài hăng hái lao mình vào công việc săn sóc đoàn chiên Chúa, bảo vệ uy quyền Giáo hội và duy trì ích lợi chung cho nhân loại.

Bấy giờ có Rôbetô Ghica thủ lãnh nước Ý, muốn chiếm đoạt một phần đất của Toà thánh. Đức Grêgôriô cương quyết phản đối lòng tham của Rôbetô. Kết cuộc chẳng những ngài đã bảo vệ được tài sản của Giáo hội mà còn chinh phục được cả đối thủ. Vì mến phục Đức Grêgôriô, Rôbetô dâng cho Đức Giáo Hoàng hai đảo thuộc xứ Sicilia.

Hoạt động của Đức Grêgôriô không chỉ giới hạn trong phạm vi nhỏ hẹp của đất Ý mà thôi, nhưng, là một vị cha chung, ngài hằng phóng tầm con mắt để ý săn sóc toàn thể Giáo hội khắp nơi. Thấy nước Pháp rơi vào tình trạng trụy lạc từ vua cho tới thần dân, nên một mặt ngài cổ võ phong trào chấn hưng phong tục tốt, một mặt ngài đe dọa nếu vua Philíppê II không cải thiện thì sẽ ra vạ tuyệt thông. Ngài cũng khuyên Giám mục Cantorbêry đẩy mạnh công việc chấn hưng đạo đức trong địa phận ngài.

Nhưng dầu sao trọng tâm hoạt động của Đức Grêgôriô vẫn là việc tranh đấu cho tự do và thánh thiện của Giáo hội. Chẳng thế mà khi vừa lên ngôi ngài đã tuyên bố: “Giáo hội công giáo, Mẹ chúng ta, đã đặt Ta lên ngôi vị Giáo Hoàng, mặc dầu Ta tự cảm thấy bất xứng. Nhưng một khi đã lãnh nhận chức vụ đó, Ta cương quyết dành lại quyền tự do, đức trong sạch và vẻ huy hoàng nguyên thủy cho người bạn trăm năm của Đức Giêsu”. Và ngài đã bắt đầu thực hiện chương trình đó dầu có phải bao phen điêu đứng cũng không lui.

Năm 1075, ngài triệu tập một hội đồng để tuyên bố phạt tất cả mọi người bất cứ ở địa vị nào, Hoàng đế hay vương hầu bá tước, Giám mục hay linh mục, đã dùng tiền bạc hay uy quyền để mua bán chức thánh.

Cuộc tranh đấu với Henricô IV vua nước Đức được coi là gay go và quyết liệt hơn cả. Vua Henricô IV là người có tính kiêu căng và chuyên quyền. Tính tham lam và kiêu căng đã khiến vua muốn trấn áp quyền bính đạo đời. Đức Grêgôriô kịch liệt phản đối hành động chuyên quyền của nhà vua. Để báo thù, Vua đã sai người đến bắt cóc Đức Giáo Hoàng trong khi ngài đang hành lễ, rồi tống giam vào ngục. Vì lòng mộ mến Đức Thánh Cha và vì bất mãn trước hành động phạm thánh của nhà vua, dân chúng Rôma đã biểu tình và hô hào phản đối vua Đức. Thấy có thể bất lợi cho đường lối chính trị và ngoại giao của mình, vua Henricô IV hạ lệnh phóng thích Đức Giáo Hoàng. Thái độ của Đức Grêgôriô trong lúc này cũng như trong suốt đời ngài vẫn luôn luôn chiếu giãi một tình thương yêu và quảng đại; ngài tha thứ cho vua và những người đã xúc phạm đến ngài và lại trở về thánh đường tiếp tục hành lễ.

Vua Henricô IV vẫn không thôi ngoan cố và bạo ngược. Năm 1076 vua triệu tập các Giám mục về phe mình và đặt Ghibêtô Raven làm giáo hoàng. Thấy nhà vua hành động quá bạo ngược, xâm phạm đến quyền lợi của Giáo hội, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô liền ra vạ tuyệt thông phạt nhà vua. Vạ vừa ra, thần dân đều bất phục vua Henricô IV. Thêm vào đó là những thất bại về ngoại giao và quân sự, buộc lòng nhà vua phải đổi thái độ. Mùa đông năm sau, không quản tuyết phủ sương sa, nhà vua mặc áo sám hối một mình vượt qua rạng núi Anpê và đến phủ phục dưới chân Đức Giáo Hoàng tỏ vẻ thống hối. Đầy lòng rộng lượng và thứ tha, ngày 28-01-1077, Đức Giáo Hoàng giải vạ cho vua.

Nhưng thật ra “sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho cùng”. Vua Henricô IV chỉ giả vờ thống hối để làm dịu lại tình thế. Vì thế sau ít lâu con người giả dối kia lại quay lại mưu phản Đức Giáo Hoàng. Vua quyết chiếm lấy nhiều khu đất của Toà thánh. Trước tình thế đó, một số quận chúa trung thành với Giáo hội đã bầu ông Ghicađô chỉ huy lực lượng chống lại với Hoàng đế Henricô IV. Và cuộc kháng chiến giữa đôi bên bắt đầu trở nên gay go, gây khốc hại cho bao người.

Trong khi quân đội của Henricô IV và Ghicađô còn đang tranh giành để chiếm cứ thành Rôma thì Đức Giáo Hoàng Grêgôriô VII từ trần tại Salernô ngày 25-5-1085. Ngài thụ bệnh và từ trần vì những vất vả chiến đấu trong đời và vì những thiếu thốn, cực nhọc trong khi lánh nạn. Trước khi từ trần, Đức Grêgôriô VII luôn luôn nhắc đi nhắc lại lời Thánh vịnh để áp dụng về mình: “Ta mến sự công chính và chê ghét sự gian tà nên ta mới chết ở chốn lưu đầy này”. Một tu sĩ đã an ủi ngài rằng: “Tâu Đức Thánh Cha, một vị Giáo Hoàng không có thể chết ở chốn lưu đầy, vì ngài đã được Chúa ban các dân tộc làm gia nghiệp…”

Thi hài Đức Grêgôriô VII được an táng tại nhà thờ thánh Mátthêu. Năm năm sau, khi cải táng người ta thấy xác ngài hầu như còn nguyên vẹn.

Tuy Đức Grêgôriô VII không đổ máu như các vị tử đạo, nhưng ngài đã có công tranh đấu và bênh vực Giáo hội tới hơi thở cuối cùng, nên đã đáng được Đức Grêgôriô VIII liệt ngài vào hàng các vị tử đạo. Và ngày 28-8-1619, Đức Phaolô V đã chính thức phong ngài lên bậc hiển thánh.

Kết quả hình ảnh cho THÁNH MAĐALÊNA PAZZI HIỂN TU

THÁNH MAĐALÊNA PAZI HIỂN TU

(1566-1607)

Thánh nữ Mađalêna Pazi sinh ngày 02-4-1566 tại miền Florencia, nước Ý. Ông thân sinh là Camillô và bà thân mẫu là Buon del Monte. Hai ông bà là những người đạo đức, giầu sang và có thế giá trong làng. Vì lòng sốt sắng tuân thủ luật giáo hội, ngay ngày hôm sau ông bà vội vã mang con trẻ đến nhà thờ để xin rửa tội và đặt tên con là Catarina.

Nhờ sự hướng dẫn của bà mẹ đạo đức, càng lớn lên Catarina càng thêm khôn ngoan và nhân đức. Cô sớm trở thành một thiếu nữ gương mẫu. Khác với những cô gái cùng tuổi, Catarina đã biết sống thánh thiện xứng đáng với sự kén chọn của Chúa và những ơn lạ Người sẽ ban cho cô sau này. Cô rất mộ mến những việc đạo đức như đọc kinh, làm việc bố thí và hãm mình ăn chay. Hễ có người hành khất nào qua nhà thì không phải đợi mẹ bảo, cô đã mau mắn vào lấy bánh trái hoặc tiền riêng đã dành dụm để cho người ấy. Cô cũng biết lợi dụng những giờ rảnh rang tìm đến những nơi yên tĩnh trong vườn để nguyện ngắm.

Nhận thấy những triệu chứng của một tính nết tốt lành và đạo hạnh nơi con, ông bà thân sinh đem truyện kể lại với cha giải tội và xin ngài dẫn giắt con trên đường trọn lành. Cha sở khuyên bảo nhiều điều và dạy cô cách thức nguyện ngắm. Từ đó cho đến suốt đời về sau Catarina dành mỗi ngày một giờ vào việc nguyện ngắm. Đề tài cô năng suy niệm là sự thương khó Chúa Giêsu.

Sau ngày được rước lễ lần đầu tiên, ngày 25-3-1576, Catarina càng tỏ ra đạo đức hơn nữa. Cũng từ ngày đó, cô cảm thấy vẻ đẹp của một đời sống thanh tịnh. Cô muốn giữ mình đồng trinh, sống một đời chân tu thờ phượng Chúa. Và để kỷ niệm cũng như để nhắc nhở mình phải luôn luôn trung thành với ý nguyện, cô đã đeo một chiếc nhẫn ở nơi tay.

Nhưng Chúa Quan phòng lại muốn Catarina phải qua một thử thách để dọn cho cô quen với sứ mạng hy sinh đang chờ đợi cô trên đường đời. Năm 16 tuổi cha mẹ Catarina định gả cô cho một vị lãnh chúa trong miền là một người vừa trẻ đẹp lại có tính tình phong nhã. Nhưng khi đem truyện ra bàn với con gái, ông bà chỉ thấy cô một mực chối từ. Trước lời khuyên răn, dụ dỗ của cha mẹ, Catarina vẫn quyết chí trung thành với lời khấn hứa giữ mình đồng trinh. Biết không thể đánh đổ được lòng sắt đá của con, ông bà liều cầu cứu tới cha sở Blanca là cha giải tội của Catarina. Cha sở an ủi và đồng thời cũng cho ông bà hay Catarina có ơn kêu gọi tu dòng, nên khuyên ông bà thân sinh cô bỏ hẳn ý định muốn cho con gái kết bạn, và vui lòng để cho Catarina được tự do lựa chọn cuộc sống.

Ngày 14-8-1582, Catarina từ giã cha mẹ để vào dòng kín với tất cả niềm hân hoan vui sướng. Trái lại, bà Buon del Monte lại ngậm ngùi, rướm lệ vì phải xa biệt con gái yêu quý. Thế nên bà chỉ muốn kéo dài câu chuyện để giữ con gái lại được phút nào hay phút đó. Cuối cùng bà đành phải gạt nước mắt để Catarina ra đi. Trước khi mẹ con chia tay bà còn dặn với: “Thôi, con đi và nhớ cầu nguyện luôn cho mẹ”.

Sau một thời gian thực tập, ngày 01-9, Catarina được chính thức nhận vào tập viện dòng kín. Và cách năm tháng sau, tức ngày 30-01-1583, Catarina được mặc áo dòng và nhận tên là chị Mađalêna.

Từ đây chị càng hăng hái lao mình vào những thực hành việc mộ đạo, như hãm mình ép xác, tu nhân luyện đức để dọn mình đợi ngày làm lễ khấn hứa trọng thể. Người ta thấy chị ăn ở rất mực khiêm tốn; trong cử chỉ và lời nói chị không hề để mất lòng ai bao giờ. Chị giữ luật dòng một cách thận trọng và thực hành những công tác trong nhà một cách chu đáo.

Như nông phu mong mùa gặt thế nào, thì chị Mađalêna cũng nóng lòng trông đợi ngày được tuyên khấn như vậy. Vì chị coi đó là ngày hạnh phúc, ngày chị được bảo đảm sống kết hợp mật thiết với Chúa hơn nhờ ở sự trung thành giữ lời khấn hứa. Vì quá khao khát nên chị xin mẹ bề trên cho phép được khấn trước, nhưng bà mẹ dạy phải đợi để cùng khấn một lượt với một số chị em khác đến sau.

Ít lâu sau vì sức khoẻ mong manh không chịu nổi những việc hãm mình, nên chị ngã bệnh. Chị càng buồn rầu nếu phải chết trước khi được tuyên khấn. Bà bề trên đành phải đổi dự định và lo liệu cho chị Mađalêna được khấn hứa trọng thể trước khi về chầu Chúa, dầu rằng chị đang ở trong tình trạng bệnh hoạn. Ngày 27-5-1584, trong bầu không khí trang nghiêm của nguyện đường tu viện, chị Mađalêna long trọng tuyên hứa ba lời khấn sạch sẽ, khó khăn và vâng lời. Sau đó chị vẫn nằm liệt giường. Nhưng cũng từ đây đời chị bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới: chị qua nhiều lần ngất trí và thông cảm nhiều với sự thương khó của Chúa Giêsu. Phải chăng những lần ngất trí đó là do bệnh trạng của chị đưa đến. Điều đó rất có thể xẩy ra. Nhưng ta cũng nên nhớ rằng trong việc ban ơn lạ cho một linh hồn, ít khi Chúa can thiệp bằng một phép lạ vượt luật tự nhiên, Chúa quen dùng đường lối thông thường là dựa vào thể trạng tự nhiên của người đó để thực hiện lòng nhân từ của mình. Suốt 40 ngày liền, không ngày nào mà chị Mađalêna không qua một lần ngất trí. Hiện tượng đó thường xẩy ra sau mỗi lần chị rước lễ hoặc đang suy niệm về sự thương khó của Chúa Giêsu. Lần đầu tiên trong khi xuất thần, chị cho hay được Chúa cho thấy rõ những hậu quả ghê gớm của tội bất trung và tầm quan trọng của lời cầu nguyện. Lần khác, chị ngất trí một thời gian kéo dài tới 16 giờ đồng hồ. Trong lúc đó, người ta thấy chị như đang đàm đạo với một nhân vật vô hình nào đó; và ai nấy đều có thể đọc được những cảm tình vui buồn hoặc đau đớn lần lượt phô diễn trên nét mặt của chị. Thứ hai tuần thánh năm 1585, chị ngất trí và khóc. Sau đó người ta hỏi và được chị cho hay lúc đó chị cảm động vì được nhìn những thương tích trên mình Chúa Giêsu chịu nạn. Người ta còn bỡ ngỡ hơn nữa khi thấy rằng ngày thứ năm tuần thánh trong khi xuất thần, thánh nữ đi lang thang trên các nẻo đường trong tu viện, khiến ai xem thấy đều có cảm tưởng như chị đang bước theo Chúa Giêsu trên các chặng đường thánh giá.

Thời gian hứng thú trong những lần ngất trí kia rồi cũng qua đi; tiếp đến là những “đêm tối của linh hồn” mà chị Mađalêna phải chịu đựng. Đó vẫn là đường lối thông thường Chúa dùng để tập luyện cho linh hồn con cái Chúa đạt tới mức kiên nhẫn và khiêm nhường hơn. Lúc này, chị không còn cảm thấy sốt sắng, hứng thú trong khi làm các việc đạo đức nữa. Trước đây chị say sưa với những giây phút suy niệm thì bây giờ chỉ cảm thấy chia trí và thời khắc nặng nề trôi qua. Ma quỷ cũng lợi dụng thời cơ gây ra tình trạng bối rối hầu làm lung lạc tâm hồn chị hơn. Chị thú nhạân nhiều lần phải vất vả đương đầu với những cuộc tấn công ồ ạt của ma quỷ, đến nỗi có lần chị hầu ngã lòng muốn cởi bỏ áo dòng để hoàn tục.

Được cha linh hướng cho biết đó là thời gian Chúa thử thách, nên chị càng hạ mình khiêm tốn và thú nhận những khuyết điểm của mình. Chị vẫn cố gắng chu toàn phận sự vì lòng mến. Nhất là chị đặc biệt cởi bỏ ý riêng để triệt để tuân theo những chỉ thị của cha linh hồn, chẳng thế mà chị thường nói với các chị em trong nhà rằng: “ngày nào không bỏ ý riêng ngày đó thật uổng phí”.

Sau tuần lễ Linh Giáng năm 1590, cơn khủng hoảng qua đi và tâm hồn chị lại được bình an thư thái như xưa. Như để đền bù lại những chuỗi ngày khô khan trước đây, từ nay chị càng để hết tâm lực mà thực hành lòng yêu Chúa và cầu nguyện cho tội nhân được ơn trở lại. Nhiều lần vì không kìm hãm nổi xúc động khi suy ngắm về lòng yêu Chúa, chị phải buông ra những lời than thở: “Ôi lạy Chúa tình yêu, Chúa không được người đời yêu mến, lại còn bị xúc phạm nữa. Đáng buồn thay, còn biết bao nhiêu người chưa nhận biết Chúa!” Tình yêu ấy đã khiến chị yêu mến đến say sưa những việc hãm mình phạt xác một cách kinh khủng. “Chịu khổ, nhưng không bao giờ chết”. Đó là câu châm ngôn chị đã chọn làm tiêu chuẩn để áp dụng trong đời sống hãm mình, khổ hạnh của chị.

Để thưởng công nhân đức và đời sống hãm mình của chị Mađalêna, Chúa đã cho chị được biết nhiều đến hậu lai có liên hệ đến số mệnh của riêng chị và của một số người chung quanh. Chẳng hạn như sau khi hai ông bà thân sinh của chị từ trần, Chúa cho chị được nhìn thấy linh hồn của cha mẹ còn bị giam trong luyện ngục. Nhờ đó, chị có thể xin lễ và làm nhiều việc lành phúc đức để đền tội thay cho linh hồn thân phụ và thân mẫu. Lần khác chị tiên báo cho Đức Hồng Y Octavianô biết ngài sẽ được đặc tuyển làm Giáo Hoàng và sự thực đã xẩy ra như lời chị báo. Thánh nữ cũng nói cho nhiều chị em biết ngày giờ mệnh chung của mỗi người và cả ngày giờ Chúa gọi về nữa.

Thực vậy, năm 1612, từ sau lần ho ra máu, sức khỏe của chị suy giảm nhiều. Chị chịu bệnh một cách vui vẻ, cho đến ngày 24-5-1607 thì kiệt lực. Sau khi chịu lễ, chị trút linh hồn an nghỉ trong tay Chúa. Hôm đó nhằm đúng ngày lễ Thăng Thiên.

Năm 1609, khi cải táng, người ta thấy xác thánh nữ vẫn còn nguyên tuyền như mới chết… Đức Giáo Hoàng Clêmentê IX tuyên phong chị Mađalêna lên bậc hiển thánh ngày 28-4-1669.

Lạy thánh nữ Mađalêna là đấng đang hưởng vinh quang của các thánh đồng trinh trên thiên quốc, xin cầu cùng Chúa cho chúng con biết theo gương ngài: luôn giữ tâm hồn trong sạch trong ý tưởng, trong lời nói, trong việc làm, để chúng con mai ngày xứng đáng được Chúa cho hưởng vinh quang của Người trên thiên quốc.

http://tinmung.net


Liên quan khác