SUY NIỆM NGÀY TRONG TUẦN, TUẦN IV MÙA CHAY – LM M. Basilio Nguyễn Văn Phán NEWS 

20/03/2023

THỨ HAI TUẦN IV MÙA CHAY- Gio-an 4,43-54

Phép Lạ Thứ Hai Tại Cana

 

Một câu chuyện được kể về một cậu bé bị mắc kẹt trên mái nhà đang cháy. Khói dày đến nỗi cậu không thể nhìn thấy gì xung quanh mình. Cậu khóc thét và gọi bố giúp đỡ. Đột nhiên cậu ta nghe thấy giọng nói của bố mình yêu cầu cậu nhảy xuống. Nhưng cậu bé trả lời: Không được bố ơi, con sợ lắm! Nhảy đi, bố sẽ hấng con ở dưới. Nhưng con sợ lắm. Người bố động viên, đừng sợ con trai của bố, hãy tin vào bố, nhẩy đi, con sẽ ổn thôi. Cuối cùng, cậu bé đã nhảy xuống và đáp an toàn trong vòng tay của bố.

Viên sĩ quan cận vệ của nhà vua là người Do Thái và có lẽ phục vụ Hê-rô-đê An-ti-pa, đã tiếp cận Đức Giêsu. Con trai anh ta bị ốm và xin Chúa Giêsu đến chỗ của anh. Nhưng Chúa Giêsu nói anh ta cứ về, vì con trai anh ta sẽ sống (c.50). Chúa Giêsu không làm theo yêu cầu của anh ta nhưng khẳng định con anh sẽ sống. Điều này có lẽ cũng là một thử thách về lòng tin của anh. Không phải chỉ tin như tin vào một thầy thuốc, nhưng tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Mặc dù không có dấu chỉ nào làm tin để anh ta biết Chúa đã chữa con của anh, chỉ có lời khẳng định của Chúa Giêsu, và anh ta vẫn tin, vâng lời rồi ra về, và trên đường về anh đã được gia nhân báo cho biết vào chính giờ đó thì con trai anh được khỏi. Vì điều này, cả gia đình anh trở thành tín hữu của Chúa (c.53).

Qua đây, mời gọi ta suy ngẫm về đức tin của mình vào lời dạy của Chúa Giêsu:

Trước tiên, hãy đặt niềm tin vào Lời của Chúa Giêsu. Đoạn văn Tin Mừng hôm nay nói: viên sĩ quan tin những gì Chúa Giêsu nói với anh ta và ra về (c.50). Chúa Giêsu chữa cho con trai của anh, kẻ đã đặt niềm tin vào lời nói của Ngài. Mặc dù không có bằng chứng, chỉ có lời khẳng định của Chúa Giêsu. Điều này cần áp dụng trong đời sống cầu nguyện. Chúa Kitô đã ban Lời của Ngài cho các tín hữu như một bảo đảm chắc chắn. Ta được mời gọi tin tưởng vào Lời của Ngài mà không cần bằng chứng. Chúa Giêsu đã bảo đảm rằng sẽ ở cùng chúng ta mọi ngày, và Ngài luôn trung thành với lời hứa. Chính nhờ niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô và tin vào Lời của Ngài mà chúng ta có được những món quà lớn nhất: đó là cuộc sống trong hạnh phúc vĩnh cửu. Vì Chúa Giêsu hứa: “Những ai sống và tin vào Tôi sẽ không chết bao giờ” (Ga 11,26).

Thứ hai, Lời Chúa biến đổi con người trở nên tốt hơn. Trong khoảnh khắc đầu tiên, có lẽ viên sĩ quan hoàng gia đã suy nghĩ rất ít về những lời của Chúa Giêsu, nhưng từ từ những lời đó được nhớ lại và chạm đến lương tâm của anh ta. Lời nói của Chúa Giêsu chạm vào viên quan này theo cách ứng nghiệm những gì Ngài đã nói với anh. Củng cố lòng can đảm của anh và cả gia đình của anh đã tin.

Chuyện kể rằng, một người chồng luôn về nhà trễ và luôn cố gắng ngụy trang bằng cách nịnh vợ. “Xin chào người mẹ xinh xắn của ba đứa con tuyệt vời của anh”. Cách nào đó, lời chào này luôn hài lòng vợ mặc dù anh hay về trễ. Một đêm nọ, khi người chồng chào đón cô bằng câu nói thường ngày, người vợ rất bực mình với phong cách của anh ta nhưng lặp lại điệu bộ vui vẻ và chào lại: “Anh khỏe không hỡi người cha của một trong ba đứa con của em?” Anh ta cảm thấy giật mình, bối rối và chao đảo khi nghe những lời chào đó. Từ thời gian đó người chồng bắt đầu thay đổi và luôn về nhà sớm. Những lời nói hoa mỹ nịnh hót không còn nữa nhưng thay vào đó là mỗi người trong họ thay đổi và làm cho gia đình trở nên người tốt hơn. Nói những lời chân thật hơn để gia đình được hạnh phúc hơn. Lời nói phải đi đôi với việc làm là điều Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta.

Cuối cùng, một câu chuyện từ cuốn sách của Fr. Jerry Orbos, SVD, tựa đề ‘Chỉ một lát thôi’. Ngài viết: tôi đã đọc ở đâu đó rằng một người bình thường nói 30000 từ mỗi ngày! Và một số có thể nói nhiều hơn mức đó! Vì chúng ta luôn có sự cám dỗ để nói quá nhiều, cách nhắc nhở chúng ta ít nói hơn đó là luôn nói đúng sự thật, không thêu dệt. Ngài đã đưa ra lời khuyên như sau: “Nếu chỉ cần chúng ta cắt giảm 50% những gì ta thường nói và thường là những lời không cần thiết, chúng ta sẽ có nhiều sự bình yên và những người xung quanh cũng sẽ có được sự bình yên hơn. Hãy cố gắng, cắt giảm 50% và hãy để cho Lời Chúa lấp đầy phần còn lại trong chúng ta. Để Lời của Ngài tạo cho ta uy tín, danh dự và vinh quang vĩnh cửu đời đời.

Lạy Chúa, chúng con đã từng cầu nguyện nhưng lại thiếu lòng tin vào lời hứa của Chúa, bởi trong lòng chúng con không lưu tâm đến lời của Ngài mà chỉ nghĩ đến lời của mình. Xin giúp chúng con biết bắt trước niềm tin của viên sĩ quan hôm nay, biết tin tưởng phó thác vào Lời hứa của Ngài, Lời mang lại cho chúng con sự sống đời đời. Amen.

 

 

 

THỨ BA TUẦN IV MÙA CHAY- Ga 5,1-16 (1-3.5-16)

Chúa Giêsu Chữa Một Người Đau Ốm Tại Hồ Bết-da-tha

 

Sức khỏe là tài sản quý giá. Tất cả mọi người đều muốn khỏe mạnh. Người ta sẵn sàng chi hàng ngàn và thậm chí hàng triệu đô-la chỉ để duy trì sức khỏe. Hầu hết người ta tìm cách giữ sức khỏe để làm việc, gặt hái được những hiệu quả trong công tác, ở nhà, ở trường, trong cộng đồng, trong xã hội và để có thể duy trì các mối quan hệ thực sự của con người. Điều quan trọng là phải khỏe mạnh không chỉ về thể chất, tâm lý, mà cả về mặt tinh thần.

Phần lớn người ta đều biết rằng tâm trí và thân thể có sự ảnh hưởng lẫn nhau. Như ví dụ, lo lắng kéo dài có thể gây loét bao tử và mất cân bằng hóa học trong máu có thể gây ảo giác. Một số trạng thái tâm trí có thể kéo theo các rối loạn chức năng nghiêm trọng như mù, điếc và tê liệt. Người ta gọi những sự mất cân bằng của cơ thể và tâm trí là bệnh tâm lý. Tất cả những điều này được George F. Freemesser tóm tắt tốt trong cuốn sách của ông, ‘Học cách sống nội tâm, cái nhìn thoáng qua về Chúa Giêsu như Người chữa lành’. Ông nói:

Khoa học y tế ngày càng hiểu biết nhiều hơn về ảnh hưởng của những trạng thái xung động đối với bệnh tật của thể lý con người. Do đó, một người dễ bị nhồi máu cơ tim nếu luôn ở trong sự lo lắng, tham vọng quá mức, cần phải đạt được mục tiêu quá cao, kìm nén sự thù địch và nổi loạn chống lại những hạn chế của thời gian. Và sự oán giận, tự thương hại, không thể tha thứ, không thể phát triển và duy trì các mối quan hệ có ý nghĩa đều được xem là yếu tố tâm lý tiền xử là nhân tố trong sự phát triển của bệnh ung thư (tr. 102).

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chữa lành một người đàn ông đau ốm trong ba mươi tám năm là một trong số những người bệnh tật, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở bờ hồ nước Bết-da-tha, vì thỉnh thoảng có thiên thần Chúa xuống hồ khuấy động nước lên; khi nước khuấy lên, ai xuống trước, thì dù mắc bệnh gì đi nữa cũng khỏi. Tình trạng này cho ta thấy những người bệnh nặng và di chuyển khó khăn thì ít có cơ hội! Chẳng hạn như người đàn ông được Chúa Giêsu chữa cho hôm nay. Anh ta đã đợi suốt 38 năm trời, ngày nào cũng đến bờ hồ ngồi chờ, nhẩm tính ra có tới 13870 lần. Và bây giờ người đàn ông này đã hy vọng gì? Đó không phải là cái hồ nước có chữa được anh khỏi hay không mà là một bàn tay quảng đại nào đó đem anh xuống nước, vào lúc nước được khuấy động, và đã không có bàn tay nào giúp anh ta hết. Mặc dù thế anh ta vẫn không từ bỏ niềm hy vọng là có một bàn tay của ai đó giúp mình nên vẫn tới bờ hồ đều đặn.

Khi thấy anh ở giữa những người bệnh tật, Chúa Giêsu như thấu cảm được niềm hy vọng mỏng manh nơi anh, Ngài không muốn để anh mất đi niềm hy vọng vào một bàn tay nào đó, nên đã chạnh lòng thương, đã đến gần anh và nói: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” và ước muốn đó được anh bộc bạch về việc không có ai giúp đưa anh xuống nước lúc nước được khuấy động, cũng như không có ai nhường cho anh xuống trước hết, nên có thể ngầm hiểu rằng cái anh ta hy vọng là sẽ có một bàn tay nào đó cứu giúp mình. Và Chúa Giêsu đã đưa tay ra không phải đưa anh xuống nước để anh được cứu, mà bằng bàn tay quyền năng, Ngài ra lệnh cho anh ta chỗi dậy vác chõng mà đi.

Từ sự mòn mỏi chờ đợi, vỡ oà vì quá mừng nên anh chẳng còn biết vị ân nhân đã cứu mình là ai. Anh chỉ biết làm theo lời đề nghị vác chõng mà đi. Thế là anh cứ hiên ngang, cũng không cần để ý đến hôm nay là ngày Sa-bát nữa. Và cho dù có là ngày Sa-bát như những người xung quanh nhắc nhở thì anh ta cũng chẳng quan tâm. Điều anh quan tâm bây giờ là chính Đấng chữa lành đã bảo anh làm thế. Đối với anh, Đấng ấy bây giờ là tất cả mặc dù anh ta không biết Đấng ấy là ai. Và cho dù việc vác chõng mà đi là một trong 39 điều bị cấm bởi Luật Môi-sê về ngày Sa-bát (nghĩa là chỉ mang một tập báo từ nơi này đến nơi khác) hoặc đi bộ cũng bị cấm.

Chúa Giêsu nói khi gặp lại anh ta trong đền thờ: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!” câu nói này của Chúa cho ta thấy đôi khi bệnh tật thể lý có một nguyên nhân sâu xa hơn đó là bệnh tật của tâm hồn, là hệ quả của tội lỗi gây ra. Và tội lỗi không chỉ gây ra bệnh tật thể lý mà nó còn giết chết cả linh hồn cách vĩnh viễn nếu không được cứu kịp thời bởi chính Chúa Giêsu.

Căn bệnh của tâm hồn ngày nay đang bào mòn biết bao con người đang sống ngụp lặn trong tội lỗi, họ có thực sự muốn được chữa khỏi không? Chắc chắn là đa số những tội nhân đều khao khát được khỏi. Vì theo sự thường thì không ai cảm thấy sung sướng gì khi sống trong tội lỗi, bởi điều này đồng hoá với căn bệnh của tâm hồn và thậm chí thể hiện ra nơi thân xác như người đàn ông mà Chúa Giêsu đã cứu chữa hôm nay.

Qua hành động của Chúa Giêsu, Ngài cũng muốn mỗi chúng ta là các môn đệ của Ngài hãy đưa bàn tay của mình ra để tạo cho người khác một cơ hội chữa lành. Có biết bao người ở đó mà không thể tận dụng được ân sủng chữa lành của Lời Chúa, cũng như trong các bí tích của Giáo Hội vì không có ai giúp đỡ họ? Chúng ta không thể đứng một cách thụ động trong khi chứng kiến người thân và bạn bè ở xa Chúa. Một số người trong số họ có thể chỉ cần một chút khích lệ để họ đi đến bí tích hòa giải. Người môn đệ của Chúa phải là người có trách nhiệm giúp đỡ những người xung quanh về nhu cầu thể chất và tinh thần của họ. Vì giá trị của Kitô hữu trước tiên được đo lường bằng tinh thần trách nhiệm của họ liên quan đến ơn cứu độ của người khác. Nói như Winston Churchill: “Giá trị của sự vĩ đại là trách nhiệm.”

Lạy Chúa, giữa muôn ngàn sự ràng buộc của cuộc sống làm cho chúng con nhiều lần co cụm lại với chính mình, bàng quang với những gì xẩy ra quanh mình là khoẻ nhất. Đó là sự ru ngủ của một con người ích kỷ và không có lòng xót thương. Xin giúp chúng con biết động lòng trắc ẩn trước những đớn đau bệnh tật về tâm hồn và thể lý của những người xung quanh, để chúng con biết đưa bàn tay ra giúp đỡ cũng như dẫn họ tới với Chúa để họ được chữa lành. Amen.

 

 

 

THỨ TƯ TUẦN IV MÙA CHAY- Ga 5,17-30

Công Việc Của Người Con

 

Một tác giả vô danh đã có suy tư tuyệt đẹp này về những gì Thiên Chúa đang làm cho con người với tựa đề, ‘Đó là Chúa.’ Tác giả viết: Bạn đã bao giờ ngồi đó và đột nhiên bạn cảm thấy muốn làm điều gì đó tốt đẹp cho người mà bạn quan tâm chưa? Đó là Chúa! Ngài nói chuyện với bạn qua Chúa Thánh Thần.

Bạn đã bao giờ rơi xuống tình trạng mà dường như không có ai ở bên để nói chuyện với bạn? Đó là Chúa! Ngài muốn bạn nói chuyện với Ngài.

Bạn đã bao giờ nhận được một cái gì đó tuyệt vời mà bạn đã không yêu cầu? Đó là Chúa! Ngài biết những mong muốn của trái tim bạn.

Hôm nay, Tin Mừng giới thiệu Thiên Chúa là một người cha. Tám lần trong mười bốn câu, Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là “Cha” và đây là một lời phát biểu cực kỳ cách mạng từ trước đên giờ đối với người Do thái, “Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử, để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con” (Ga 5,22-23). Vậy đó, thẩm phán của con người sẽ là Chúa Giêsu và Ngài đã hiến mạng sống của Ngài cho chúng ta. Làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục sống trong sợ hãi?

Tuy nhiên, trong thế giới bon chen ngày nay, nhiều người cha trần thế đã làm cho hình ảnh người cha mờ nhạt trong lòng con cái họ qua lối sống; họ đang trở nên vô hình trong gia đình của mình. Khi họ rời khỏi nhà đi làm trước khi lũ trẻ thức dậy và trở về nhà khi con cái của họ đã ngủ say. Trừ khi những người cha thực hiện một nỗ lực đặc biệt, bằng không họ có thể hiếm khi nhìn thấy con cái của họ cũng như các con hiếm khi được gần gũi với người cha của chúng. Thêm nữa, có những phim hoạt hình thường xuyên thể hiện những người cha là những nhân vật khá ngu ngốc, ngớ ngẩn và thiếu chín chắn. Đó là một trong những lý do chính làm cho trẻ em ngày nay lớn lên và có những hình ảnh tiêu cực về Thiên Chúa là Cha. Đó là xu hướng xem Thiên Chúa giống như những người cha thiếu trách nhiệm ở trần thế, và từ xu hướng đó làm cho người ta tin rằng Chúa sẽ đối xử với họ như vậy.

Những hình ảnh tiêu cực của con người về Thiên Chúa thường bắt nguồn từ những tổn thương cảm xúc, liên quan đến những người đã ảnh hưởng trên họ từ quá khứ. Hãy tưởng tượng một cô bé bảy tuổi luôn bị từ chối va bị lạm dụng từ người cha mà cô yêu quý. Và sau đó tại một lớp Giáo lý, cô được dạy rằng Thiên Chúa là Cha của cô. Nhận thức của cô ấy về Ngài sẽ là gì? Dựa trên kinh nghiệm của cô với người cha tự nhiên của mình, cô sẽ thấy Chúa là một người bất ổn định, từ chối, lạm dụng mà cô không thể tin tưởng. Hãy nhìn lại một vài hình ảnh về người cha của mình. Điều đó có thể đã ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta về Thiên Chúa. Nếu đây là trường hợp đang chi phối chúng ta, thì những gì mà các bậc cha mẹ ngày nay, đặc biệt là các ông bố, cần được giúp đỡ, hỗ trợ và phải thay đổi cho những đứa con của mình.

Cuối cùng, chúng ta hãy phản ánh thông điệp này, đặc biệt là đối với những người cha đến từ một tác giả vô danh đã viết về cách dạy con với tựa đề, Dạy bằng cách nêu gương như sau:

Ông dạy lòng tốt bằng cách chu đáo và duyên dáng ngay cả khi ở nhà. Ông dạy sự kiên nhẫn bằng cách nhẹ nhàng và thấu hiểu nhiều lần.

Ông dạy sự trung thực bằng cách giữ lời hứa với gia đình ngay cả khi nó phải trả một giá đắt.

Ông dạy về lòng can đảm bằng cách sống không sợ hãi với niềm tin trong mọi hoàn cảnh.

Ông dạy công lý bằng cách công bằng và đối xử bình đẳng với mọi người.

Ông dạy sự vâng lời Thiên Chúa bởi lời giáo huấn và gương mẫu khi ông đọc và cầu nguyện hàng ngày với gia đình.

Ông dạy tình yêu cho Thiên Chúa và Giáo Hội của mình khi ông đưa gia đình thường xuyên đến tất cả các buổi phụng vụ của Giáo Hội.

Bước đi của ông ta rất quan trọng vì các con ông sẽ làm theo.

Quả thật, nếu những người cha muốn con cái mình nhận biết tình yêu của một Thiên Chúa là Cha như thế nào, trước hết họ phải học và sống, để phản ảnh lại hình ảnh của một Thiên Chúa trong gia đình mình cho các người con của họ. Đó là cách giáo dục tốt nhất mà chúng ta có thể làm và đem lại hạnh phúc cho gia đình mình. Và Thiên Chúa là Cha sẽ chúc lành cho gia đình mỗi người chúng ta. Amen.

 

 

 

THỨ NĂM TUẦN IV MÙA CHAY- Ga 5,31-47

Nhân Chứng Cho Chúa Giêsu

 

Nhà triết học hiện sinh nổi tiếng người Pháp, Jean-Paul Sartre (1905- 1980) đã trở thành người vô thần ở tuổi 11. Và nhiều người khác như ông, trở thành người vô thần không phải vì lý do triết học mà vì lý do tâm lý hoặc luân lý. Kinh nghiệm của ông với những người xung quanh, đặc biệt là lối sống không lành mạnh của các Kitô hữu đã thuyết phục ông rằng Thiên Chúa không tồn tại.

Tin Mừng ngày hôm nay cũng chỉ ra cho thấy những người cố tình không tin, mặc dù họ có dư lý do để tin, nhưng họ lại dựa vào những lý lẽ của riêng mình. Chúng ta thấy Chúa Giêsu đang tranh luận với những kẻ chống đối Ngài. Và Ngài chỉ ra cho họ thấy đức tin lệnh lạc của họ. Rằng nếu người ta phán xét Ngài một cách công bằng, khách quan và không có bất kỳ định kiến nào, họ sẽ có mọi lý do để chấp nhận những lời của Ngài, đồng thời nhận biết rằng Ngài là người được Thiên Chúa sai đến; là Đấng Mê-si-a của Thiên Chúa.

Theo luật xét xử trong sách (Đnl 17,6) chỉ cần hai hoặc ba lời chứng là có thể xác minh một sự thật. Nhưng ở đây Chúa Giêsu đã nêu ra tới bốn loại chứng ngôn xác nhận và công nhận lời nói của Ngài.

Lời chứng thứ nhất là lời chứng của Gio-an Tẩy Giả. Ông là ngọn đèn cháy sáng, ông làm chứng về ánh sáng thật là Chúa Giêsu (x. Ga 1,8-9). Ông đã công khai giới thiệu Chúa Giêsu là đấng Thiên Sai khi thấy Thánh Thần ngự xuống trên Ngài: “Đây tôi đã thấy và làm chứng rằng Người là Con Thiên Chúa” (Ga 1,34). Nhưng người Pha-ri-sêu đã không đón nhận lời chứng ấy. Chúa Giêsu nhắc nhở họ về sự nghịch lý này: Dường như những người Pha-ri-sêu đều cho rằng ông Gio-an là một ngôn sứ, nhưng họ lại không tin vào lời sấm quan trọng nhất của ông!

Lời chứng thứ hai là những công việc Chúa Cha giao mà Chúa Giêsu đã hoàn thành. Ngài nói: “Chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi”. Những việc Ngài làm, không chỉ về chính Ngài, nhưng chỉ về quyền năng của Thiên Chúa hoạt động trong và qua Ngài. Lẽ ra người Pha-ri-sêu phải thắc mắc khi thấy những người tội lỗi đã thay đổi đời sống và đi theo Ngài rất đông chứ!

Lời chứng thứ ba là từ Kinh Thánh: “Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi”. Quả là mâu thuẫn và nghịch lý khi người ta không thừa nhận đấng chính họ đang tìm kiếm.

Lời chứng cuối cùng là lời chứng của Chúa Cha. Chúa Giêsu nói: “Cha tôi, Đấng đã sai tôi, cũng đã làm chứng về tôi”. Chúa Cha làm chứng bằng những lời của Người trong Kinh Thánh (c.39). Nhưng họ không giữ lời Chúa Cha ở trong lòng, nên chẳng tin, cũng chẳng muốn đến với Đấng được Chúa Cha sai tới (cc.38.40).

Qua bốn lời chứng của Chúa Giêsu cho ta thấy sự nghịch lý và mâu thuẫn nội tại của nhưng người Pha-ri-siêu và các kinh sư. Tại sao lại có sự mâu thuẫn đó? Chúa Giêsu đã chỉ ra, tại: “Các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa. Tôi đã đến nhân danh Cha Tôi, nhưng các ông không đón nhận. Nếu có ai khác nhân danh mình mà đến, thì các ông lại đón nhận.” và rằng; “Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?”

Trong tâm tình sám hối của mùa chay, Lời Chúa hôm nay nói với những người Pha-ri-sêu cũng phảng phất đâu đó con người của chúng ta. Là những người tin vào Chúa, những người đọc và nghiên cứu Kinh Thánh, những người đã từng nghe rao giảng về Chúa nhưng lại không nhận ra Chúa đã đến và đang sống giữa chúng ta, không nhìn ra những dấu chỉ hiện diện của Chúa ở chung quanh mình và ở nơi tha nhân. Vì sao vậy? vì người ta đọc kinh thánh là để có kiến thức, để tỏ ra mình tri thức chứ không phải để gặp gỡ Thiên Chúa trong lời của Ngài. Đó là cách chúng đa đang đi tìm chính mình chứ không đi tìm Chúa.

Vì vậy lời cảnh tỉnh của Chúa Giêsu đối với những người Pharisêu cũng là những lời dành cho mỗi chúng ta: Khi chúng ta không tìm vinh quang Thiên Chúa mà chỉ đi tìm hư danh cho bản thân mình. Khi chúng ta sống đạo chỉ nhắm đến tôn vinh mình mà không thực tâm mến Chúa. Khi chúng ta tôn vinh những gì thuộc về trần thế và bám vào nó như là cứu cánh. Khi chúng ta không thoát khỏi những thành kiến để đón nhận lấy sự thật. Khi chúng ta không dám ra khỏi những ích kỷ để tin vào tình yêu Thiên Chúa, ra khỏi cái tôi chật hẹp để sống cho tha nhân. Lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy tin vào Ngài, Đấng được Cha sai đến” đang là lời mời gọi thúc bách mỗi tín hữu. Hãy đến với Ngài để được sống và sống tròn đầy.

Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần chân lý đến ở trong chúng con để chúng con biết phân biệt phải trái, biết nhận ra Chúa qua những dấu chỉ hàng ngày, để chúng con biết nhận ra và tôn thờ Chúa trong tinh thần khiêm hạ. Biết nhận ra những công trình của Chúa nơi tha nhân. Biết mở to con mắt tâm hồn đề nhìn biết Chúa đang hiện diện cụ thể trong đời thường, cũng như am hiểu lời Chúa bằng việc chăm chỉ đọc Kinh Thánh để niềm tin của chúng con không dừng lại ở mớ lý thuyết suông, mà là một niềm tin sống động. Để chúng con cũng nói được như thánh Phao-lô “tôi sống nhưng không còn là tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Đó cũng là nghĩa vụ của mỗi chúng con là sống sự hiện diện của chúa cho mọi người giữa lòng nhân loại này. Amen.

 

 

THỨ SÁU TUẦN IV MÙA CHAY- Ga 7,1-2.10.25-30

Lễ Lều Tạm

 

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu, một lần nữa, đi lên Thành Thánh Giê-ru-sa-lem. Đó là là nơi thích hợp cho việc công bố Tin Mừng của Ngài, vì Thành Thánh cũng là nơi hội tụ những tinh hoa của Israel, vả lại cũng vào dịp Lễ Lều.

Lễ Lều là một trong ba ngày lễ lớn của người Do Thái. Hai cái còn lại là Lễ Vượt Qua và Lễ Năm Mươi. Lễ Lều là lễ vui nhất, để nhớ 40 năm lang thang sau khi rời đất Ai cập. Người ta dựng lều rồi ra đó ở để ghi nhớ cha ông xưa, trong đủ 7 ngày. Ngày đầu và ngày cuối càng tưng bừng rộn rã. Điều này thường được tổ chức trong các gian hàng, trong tiếng Do Thái, nó được gọi là Succoth. Đây là một đại lễ rất phổ biến và nhiều lần cơ hội tập trung này cũng bùng lên các cuộc nổi dậy của quốc gia chống lại chính quyền La Mã. Và có lẽ đây là một trong những lý do, mặc dù có những âm mưu độc ác chống lại Chúa Giêsu, nhưng Chúa Giêsu vẫn lên Giê-ru-sa-lem cách bí mật, để tránh sự kích động phản ứng dữ dội đến từ dân chúng. Một lý do khác khiến Ngài đi riêng có thể không phải vì Ngài sợ, mà vì Ngài đang thực hiện nghĩa vụ của Đấng Thiên Sai. Và từng bước trên hành trình hướng đến giờ hoàn thành sứ mệnh của Ngài.

Và khi thấy Ngài xuất hiện, một số người nhận ra và tự hỏi liệu đây có phải là người mà các quan chức muốn giết không. Họ nghĩ rằng họ biết Chúa Giêsu là ai, vì họ biết nguồn gốc loài người của Ngài. Họ không nhận biết rằng Ngài là Đấng Thiên Sai. Vì họ tin rằng khi Đấng Thiên Sai đến, sẽ không ai biết nguồn gốc của Người. Sự xuất hiện của Người được giữ kín, cho đến khi tiên tri Ê-li-a đến để giới thiệu Ngài ra cho mọi người. Còn ông Giêsu này đến từ Na-da-rét. Vì vậy những người ở Giê- ru-sa-lem nghĩ rằng Chúa Giêsu không thể là Đấng Thiên Sai bởi vì, như Na-tha-na-el nói, “không có gì tốt từ Nazareth” (Ga 1,46).

Đọc được ý nghĩ của dân chúng, Chúa Giêsu muốn mạc khải cho họ biết về nguồn gốc xuất phát của Ngài với những lời tuyên bố rằng, nguồn gốc thực sự của Ngài là Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài. Một mình Ngài biết Chúa Cha vì Ngài đã được Chúa Cha sai đi. Ngài tuyên bố với họ với lòng can đảm bất chấp sự thù địch ngày càng tăng đối với thông điệp và sứ mệnh của mình, cũng như sự từ chối, quấy rối bằng lời nói và thậm chí là các mối đe dọa của cái chết. Chúa Giêsu không để nỗi sợ hãi của Ngài lấn áp. Ngài chấp nhận rủi ro vì tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha và Chúa Cha ở với Ngài.

Qua hành động của Chúa Giêsu nói lên rằng: chúng ta không có lý do để sợ hãi. Vì chúng ta đã được Chúa cứu chuộc. Thánh Giáo hoàng Gio- an Phao-lô II trong thông điệp (Vượt qua Ngưỡng Hy Vọng số 219) cho biết: “Sức mạnh của thập giá Chúa Kitô và Phục Sinh của Ngài lớn hơn bất kỳ tội ác nào hoặc sự sợ hãi nào mà con người có thể.” Ngài cũng nói với chúng ta ‘đừng sợ’. Bởi vì ngài luôn nhìn lên Chúa Kitô là nguồn sức mạnh và lòng can đảm của mình. Thật là một tấm gương cho tất cả chúng ta noi theo! Nhưng phải có can đảm để thực hiện điều này.

Xin giúp chúng con nên giống Chúa Giêsu, có đủ can đảm để rao giảng Lời của Ngài và Tin Mừng về Nước Trời của Ngài cho người khác. Chính là tình yêu Thiên Chúa sẽ giúp chúng con chinh phục mọi thứ. Tình yêu Ngài có thể biến nỗi sợ thành sức mạnh. Ngài luôn quan phòng mọi sự trên cuộc đời chúng con. Điều duy nhất Ngài cần nơi chúng con là chỉ đơn giản tín thác vào Chúa và có lòng can đảm. Amen.

 

 

 

THỨ BẢY TUẦN IV MÙA CHAY- Ga 7,40-53

Thảo Luận Về Nguồn Gốc Của Đấng Thiên Sai

 

Một nghiên cứu đã được thực hiện tại San Francisco, California, Hoa Kỳ cho gái mại dâm tuổi vị thành niên. Trong các cuộc phỏng vấn, họ được hỏi: “Có bất cứ điều gì bạn cần nhất và không thể có được không?” Họ luôn trả lời trong sự buồn bã cùng với nước mắt, với một nội dung là: “Điều tôi cần nhất là một người nào đó lắng nghe tôi; ai đó quan tâm đủ để lắng nghe tôi.”

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với mọi người, kể cả kẻ thù của Ngài, đang lắng nghe Ngài. Họ kêu lên: Đây thực sự là một ngôn sứ; Đây thực sự là Đấng cứu thế! Ngay cả những người bảo vệ đền thờ được những người Pha-ri-sêu giao nhiệm vụ bắt và dẫn Chúa Giêsu đến cho họ. Kết quả là, họ không bắt giữ Ngài vì họ vô cùng cảm kích bởi những gì Ngài nói, và thực tế là không ai nói giống như Ngài (c.46). Họ ngạc nhiên đến kinh ngạc khi nghe Ngài giảng đạo và chứng kiến Ngài thực hiện những phép lạ. Họ cảm động và thay đổi bởi những lời của Ngài và do đó, họ đã trở về tay không để gặp những người có quyền sai họ đi và báo cáo lại những gì đã xảy ra. Họ bị choáng ngợp bởi những lời của Ngài.

Mặt khác, những người Pha-ri-sêu và một số đồng nghiệp của họ không tin vào Ngài vì địa chỉ nhà của Ngài. Hôm qua đoạn văn Tin Mừng đã nói về nguồn gốc thiêng liêng của Ngài và bây giờ đoạn văn này đang nói về nguồn gốc con người của Ngài. Trên thực tế, người ta rất nhiều lần đánh giá ai đó bởi nơi xuất thân của họ, hoặc ít nhất là ấn tượng đầu tiên của họ đối với người đó. Nếu ai đó nói mình đến từ thành phố lớn, người ta sẽ rất ấn tượng. Bởi vì họ tưởng tượng người đó tinh vi, hiện đại và khôn ngoan theo cách của thế giới, thông minh và hiểu biết. Nhưng nếu ai đó nói mình đến từ vùng quê nghèo hèn thì người ta dễ dàng coi thường và nhiều định kiến chống lại anh ta. Loại phản ứng này xưa như trái đất và cũng lâu đời như chính bản chất con người.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta cũng tìm thấy nó vào thời Chúa Giêsu. Ngay cả những người tốt bụng như Na-tha-na-el cũng phản ứng tiêu cực khi biết rằng Chúa Giêsu đến từ Na-da-rét và anh ta hỏi Phi- líp-phê: “từ Na-da-rét làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1,46). Các tư tế và người Pha-ri-sêu không chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Mê-si-a chủ yếu vì theo họ, Ngài là người gốc Ga-li-lê chứ không phải từ Bê-lem và không thuộc dòng dõi David. Họ cho rằng Chúa Giêsu đã không thuyết phục được những người có học thức như họ và do đó, Ngài không phải là Đấng Thiên Sai. Thế nên, họ sử dụng quyền lực và địa vị của mình để thuyết phục đám đông chống lại Chúa Giêsu.

Nhưng khi người ta lắng nghe những lời của Chúa Giêsu, người ta không thể không thay đổi và bị ảnh hưởng. Thế nên, mùa chay là cơ hội tốt nhất để để chúng ta tăng cường liên lạc với Lời của Chúa. Lắng nghe Lời trong phụng vụ, đọc Lời trong Kinh Thánh, yêu mến Lời và đưa vào thực hành, mang lại sự chữa lành và sức khỏe cho trái tim, tâm trí và cơ thể của chúng ta và hít thở sự sống mới vào tâm hồn của mình. Nếu chúng ta cũng mang Lời Chúa vào hành động, chắc chắn ta sẽ cảm nhận sâu sắc hơn về ý nghĩa của việc sống động của Lời Chúa.

Cuối cùng, khi chúng ta tiếp tục suy niệm những lời của Chúa, chúng ta hãy lắng nghe những lời này từ Phúc Âm của Thánh Luca nói rằng: “Hạt giống là lời của Chúa,” (Lc 8,5tt). Và cũng như thánh Phan-xi-cô đờ Sa-lê-si-ô nói:

Hãy lắng nghe bằng sự tận tâm với Lời Chúa, cho dù bạn có nghe nó trong cuộc trò chuyện quen thuộc với những người bạn tinh thần hoặc trong một bài giảng. Kiếm tất cả lợi ích của nó mà bạn có thể có, và chứa đựng để nó không rơi xuống đất, nhưng nhận nó vào trái tim bạn như một thứ dầu thơm quý giá, bắt chước Trinh Nữ thánh thiện nhất, người giữ gìn cẩn thận trong trái tim Mẹ và tất cả những lời đã được công bố và cầu nguyện của Con Mẹ. Hãy nhớ rằng Thiên Chúa luôn lắng nghe những lời cầu nguyện của chúng ta, theo như chúng ta quy tụ lại để nghe lời Ngài qua những lời giảng dạy.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết vượt qua những thành kiến, những ích kỷ để biết mở lòng ra đón nhận và gặp gỡ Chúa mỗi ngày trong Lời Ngài và trong tha nhân, để Lời Ngài biến đổi chúng con mỗi ngày một giống Chúa hơn. Amen.

 


Liên quan khác