THỨ HAI TUẦN X THƯỜNG NIÊN – Mát-thêu 5,1-12
Các Mối Phúc
Hạnh Phúc dường như là điều quan trọng nhất trong đời sống của mọi tạo vật đặc biệt là con người. Cho dù họ có là ai, quyền cao chức trọng thế nào mà không có hạnh phúc thì cuộc sống ấy cũng kể bằng không. Vậy hạnh phúc là gì mà muôn loài tìm kiếm? và đến khi nào thì con người mới gặp được một hạnh phúc đích thực?
Thánh Âu-gút-ti-nô nói: “Chúa đã tạo dựng nên con cho Chúa, nên hồn con vẫn khắc khoải cho tới khi được yên nghỉ trong Chúa.”
Quả thật trong ý định của Thiên Chúa, Ngài tạo dựng muôn loài để chúng được hạnh phúc bởi chính Ngài là Nguồn Hạnh Phúc. Và hạnh phúc là cái mà Chúa đã đặt để trong con người ngay từ khi tạo ra nó. Ngài là nguồn hạnh phúc nên không thể tạo ra một tạo vật bất hạnh. Một viễn cảnh của sách Sáng Thế kể về việc tạo dựng thật tuyệt vời và Thiên Chúa cảm thấy mọi sự đều tốt đẹp, và khi dựng nên con người, Ngài đặt họ vào vườn địa đàng, trong đó có đủ mọi thứ người ta cần cho cuộc sống, và đặc biệt hơn, mỗi ngày Thiên Chúa xuống chơi với con người, đi dạo với họ. Đấng tạo hoá đã trở nên bạn hữu thân tình của tạo vật, Đấng là nguồn hạnh phúc hoàn hảo đến kết thân với phàm nhân bất toàn, thật không có lời nào diễn tả nổi. Nhưng rồi con người đã đánh mất hạnh phúc ấy khi họ không vâng nghe Lời Ngài, khi tội lỗi đã xâm nhập vào nhân loại thì những bất hạnh kéo theo và bất hạnh nhất là con người sợ hãi tìm cách xa lánh Thiên Chúa. Xa lánh nguồn hạnh phúc của mình. Rồi lại tự loay hoay đi tìm những hạnh phúc tạm bợ để thay thế. Đó là những đam mê ham hố quyền lực, hay lao vào những thú vui tạm bợ như: “Gian dâm, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, truỵ lạc, kê gian, trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới…” (1Cr 6,9-10), Ngày nay người ta còn phát sinh ra những thứ độc hại hơn như chích hút xi-ke, cờ bạc, phá thai… hệ quả là hạnh phúc càng xa rời tầm tay.
Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đến để chỉ cho con người thấy, hạnh phúc đính thực không phải là cái mục đích để người ta chạy theo, tìm kiếm và hướng tới nhưng nó vẫn có đó, Thiên Chúa vẫn để ở trong mỗi con người, miễn là người ta thực hiện những điều kiện mà Ngài đưa ra thì hạnh phúc sẽ xuất hiện; Đó chính là người có tâm hồn nghèo khó, hiền lành, sầu khổ, khao khát nên người công chính, biết xót thương người, có tâm hồn trong sạch, xây dựng hoà bình, chấp nhận bị bách hại vì sống công chính, và vì Thầy Giêsu mà bị ngược đãi. Ta cùng tìm hiểu sâu hơn về các mối phúc mà Chúa Giêsu chỉ cho nhân loại nằm ở chỗ nào.
- “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”: tinh thần nghèo khó cũng có nghĩa là không quá tham lam của cái không thuộc về mình, sẵn sàng chia sẻ những gì mình có với tha nhân. Nghèo khó trong tâm hồn, nghĩa là khiêm hạ, ngược với kiêu căng: tự cho mình có tất cả, cái gì cũng biết, cái gì cũng muốn… Các tiên tri vẫn ca ngợi kẻ nào tỏ ra nghèo hèn trước mặt Thiên Chúa (x. Xh 2,3; Is 57,15), họ chẳng đòi hỏi gì, chỉ biết tin tưởng phó thác nơi Chúa, họ thuộc về Thiên Chúa họ thờ và thuộc về Nước Trời.
- “Phúc thay ai hiền lành” đồng nghĩa với sự khiêm nhường: Trong Thánh Kinh, hiền lành vẫn đi với nghèo khó, cũng như bé mọn, yếu đuối, oan ức và thiếu thốn. Ai muốn phó thác vào Thiên Chúa, bằng cách biết từ bỏ mình đi và tự xóa nhòa bản thân trước mặt Thiên Chúa, thì sẽ được Nước Trời làm gia nghiệp.
- “Phúc thay ai sầu khổ”: Những kẻ sầu khổ ở đây không phải la những kẻ bi luỵ, buồn tủi mà là những con người ý thức sự xa cách của mình với Thiên Chúa vì yếu đuối và tội lỗi. Chính nỗi buồn khổ trong tâm hồn này mới là nỗi buồn khổ thực sự. và những người này luôn tìm cách trở về với Thiên Chúa bằng lòng thống hối ăn năn và lời hứa của Thiên Chúa là Ngài sẽ an ủi, sẽ tha thứ và sẵn sàng đón họ trở về nguồn hạnh phúc với Ngài.
- “Phúc thay ai khao khát nên người công chính”: Khao khát là bước đầu của mọi thành công, khao khát trở nên công chính nghĩa là trở nên giống Chúa. Ai khao khát nên thánh thiện, những người đó quả thực là có phúc vì “Thiên Chúa đã cho người đói khát được dư đầy ơn phúc” (Lc 1,53). Vì thế khởi đầu con đường nên Thánh là có lòng khao khát ước mong kiếm tìm Thiên Chúa, mà “Ai tìm kiếm Chúa chẳng thiếu của gì” (Tv 34,11b).
- “Phúc thay ai xót thương người” nơi khác Chúa Giêsu dạy: “Hãy thương xót như Cha trên trời là Đấng Thương xót.” (Lc 6,36). Thể hiện lòng thương xót là thực hiện công việc nối dài của Chúa Cha. Ngoài việc làm phúc, bố thí, người có lòng thương xót biết quan tâm giúp đỡ kẻ nghèo, an ủi kẻ đau khổ phần hồn lẫn phần xác, tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình, dạy dỗ người dốt nát, cứu người bị gian nan hay phòng ngừa cho họ khỏi sa ngã… Và Chúa hứa phần phúc cho “Ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”.
- “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch”: Trong sạch ở đây phải hiểu rộng hơn khái niệm về tình dục, đó là sự ngay thẳng, không lươn lẹo, sự nhất thể giữa tri và hành. Tấm lòng trong sạch giúp ta nhìn thấy Thiên Chúa trong các tạo vật, các biến cố. Không phải mãi đến đời sau, nhưng ngay ở đời này những người có lòng trong sạch đã được nhìn thấy Thiên Chúa (Tv 139,14). Chiêm ngưỡng Ngài qua kỳ công sáng tạo và sự quan phòng kỳ diệu. Và họ như được thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong từng hơi thở của đời mình. Và Thiên Chúa yêu thích cư ngụ nơi những tâm hồn đơn sơ trong sạch. Và họ luôn được nhìn ngắm Thiên Chúa trong nội tâm và xuyên qua mọi sự.
- “Phúc thay ai xây dựng hòa bình”: Thiên Chúa là nguồn mạch của bình an, ai “xây dựng hòa bình” là kẻ đang thực thi ý muốn của Thiên Chúa và đang đứng về phía Thiên Chúa hay thuộc về Thiên Chúa. Đức Giêsu chính là hoàng tử của bình Người kiến tạo hoà bình là người trở nên giống Chúa Ki-tô, Con Thiên Chúa và họ được gọi là con của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Ki-tô. Xây dựng hoà bình ở đây được hiểu là những người tìm cách hòa giải những bất hòa, tranh chấp. Những người này yêu quý sự hòa bình và xây dựng quanh mình một bầu khí hòa bình vui vẻ. “luật Thiên Chúa họ ghi khắc trong lòng, bước chân đi không hề lảo đảo.” (Tv 37,31).
- “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính”: Kiểu nói “sống công chính” tóm tắt toàn bộ tám mối phúc: “Đó là kẻ tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối” (Tv 24,4). Sống công chính là trở nên đồng hình đồng dạng với vị Vua Công Chính là Đức Ki-tô. Vì vậy nếu họ vị bách hại vì Danh Chúa Ki-tô thì họ sẽ chung hưởng hạnh phúc với Ngài trên Nước trời.
Tôi tớ không thể hơn chủ, môn đệ không thể hơn Thầy. “Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị bách hại” (c.11-12). Đây là mối phúc thật lớn lao vì trở nên giống Thầy.
Đời sống của Ki-tô hữu là không chỉ tìm đến thứ hạnh phúc giả tạo tạm thời nơi những tiện nghi vật chất lợi lộc trần thế. Vì thế, nghèo khó, hèn mọn, sầu khổ không hẳn là bất hạnh mà trái lại, của cải, danh vọng và sung túc lại có thể trở thành trở ngại cho con người đạt được hạnh phúc. Vì hạnh phúc đích thực chỉ có nơi Thiên Chúa, và khi người ta thực hành tuân giữ Lời Chúa, khao khát nên người công chính, thể hiện lòng xót thương tha nhân, giữ tâm hồn trong sạch, kiến tạo hoà bình và trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô. Đó là tuyệt đỉnh của hạnh phúc viên mãn trong Thiên Chúa là Cha và là nguồn mạch của hạnh phúc. Amen.
Chìa khóa để được hạnh phúc: (1) Đừng băn khoăn, Thiên Chúa yêu bạn (Ga 13,1), (2) Không nản chí, Thiên Chúa gìn giữ bạn (Tv 139,10),
(3) Đừng sợ, Thiên Chúa canh chừng và chở che bạn (Tv 121,5). Hạnh phúc thực sự khi được gắn liền với Thiên Chúa, Đấng yêu thương, gìn giữ và chở che.
ӷ
THỨ BA TUẦN X THƯỜNG NIÊN – Mát-thêu 5,13-16
Muối Cho Đời Và Ánh Sáng Cho Trần Gian
Tin Mừng hôm nay là một phần của Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu nói về vai trò và sứ vụ của các môn đệ là muối cho đời và là ánh sáng cho trần gian. Vai trò của muối thì không thể nhạt nhẽo, nếu muối ra nhạt thì trở thành vô vị, không còn ích lợi gì. Vai trò của ánh sáng là thắp lên cho sáng để soi cho mọi người chứ không phải thắp lên rồi lấy thùng úp lại.
Muối phải mặn, ánh sáng phải soi sáng, đó là chân lý tự nhiên không thể khác, cũng vậy người Ki-tô hữu là môn đệ của Chúa Ki-tô thì phải mặn nồng với giáo huấn của Tin Mừng và phải toả sáng bằng việc thực thi lời dạy của Chúa, đặc biệt tuân giữ giới răn yêu thương của Ngài, vì đạo Công Giáo còn có một tên gọi khác là ‘đạo của những người yêu thương nhau’. Tuy nhiên, muốn góp mặn cho đời, muốn toả sáng cho người thì muối và ánh sáng cũng phải có khả năng thích ứng với từng hoàn cảnh để không bất cập hay thái quá mà làm mất đi tác dụng của nó.
Muối mặn cho đời: Muối làm cho thức ăn thêm hương vị thơm ngon và ướp giữ thức ăn khỏi hư thối. Nhưng nếu dùng quá nhiều sẽ làm cho thức ăn mất vị và sẽ không ăn nổi. Hoặc pha nước muối để có thể sát trùng vết thương, nhưng pha quá mặn có thể cháy da và làm cho vết thương càng nặng hơn. Nói chung muối rất cần thiết cho sự tăng triển của con người và làm cho đời sống thêm phong phú, nhưng phải biết dùng muối với mức độ phù hợp để mang lại một kết quả mỹ mãn. Và vì sự thích nghi sao cho phù hợp ấy mà đôi khi muối bị hoà tan, hiện diện như thể vô hình cách rất âm thầm. Ví dụ, không ai ăn một món ăn ngon mà nhớ đến có bao nhiêu thành phần muối ở trong đó. Chỉ khi không có chút muối nào thì người ta mới thấy sự tẻ nhạt. Vai trò của người Ki-tô hữu là phải quên mình đi để ướp mặn cho đời và làm phong phú cho cuộc sống; khiêm tốn và âm thầm, để như gia vị thơm ngon thấm vào thức ăn, cung cấp cho đời vị mặn mà của tình yêu, để rồi một ngày nào đó người ta hiểu ra rằng, cuộc sống sẽ tẻ nhạt biết bao nếu thiếu muối.
Ánh sáng cho trần gian: trước hết Ki-tô hữu cần xác định mình là ánh sáng chứ không phải là nguồn sáng. Vì nguồn sáng thì vô tận còn ánh sáng chỉ hữu dụng trong đêm tối. Nếu có ai thích thắp đèn giữa thanh thiên bạch nhật thì thật là lố bịch và tiêu tốn vô ích. Vài trò của ánh sáng là hữu dụng cho đêm tối, nó được thắp nên để xua tan bóng đêm của sự sợ hãi, soi sáng cho người ta thấy đường để đi lại hoặc làm việc. Nhưng nó sẽ chẳng có tác dụng gì khi người ta đang say giấc ngủ. Lúc ấy lại phải điều chỉnh cho lu mờ đi để không làm cho người ta bị chói mắt khi tỉnh giấc. Quả thật sự hữu dụng của ánh sáng trong đêm tối thì không cần bàn đến, nhưng nó chỉ phát huy tối đa công dụng khi được điều chỉnh với mức độ phù hợp cho nhu cầu của từng người và từng hoàn cảnh. Quả vậy, ánh sáng của đời sống Ki-tô Hữu cũng phải được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của tha nhân cách hữu hiệu nhất, sao cho người ta cảm thấy cuộc sống không thể thiếu ánh sáng của niềm tin. Điều này đòi hỏi các môn đệ của Chúa phải toả sáng đức tin của họ cho thế gian, nhưng là phải điều chỉnh thích nghi sao cho phù hợp để ánh sáng của họ không làm chói mắt khó chịu mọi người, nhưng thể hiện sao để mọi người xung quanh thấy họ không thể sống mà thiếu ánh sáng của niềm tin.
Tôi nhớ có một tác giả nói rằng: “Giáo lý và các lớp học của người Công Giáo hoàn toàn không có gì thúc đẩy người ta đến chỗ phải học để họ phải tin theo. Nhưng chính đời sống của các tín hữu đã thu hút, đánh động và khiến người ta gia nhập Giáo Hội và đón nhận niềm tin”. Điều này cũng giống như câu nói mà ta thường nghe: “Lời nói lung lay, gương lành lôi kéo”. Quả thật, Vai trò đời sống đức tin của các tín hữu phải là muối ướp mặn cho đời, phải là ánh sáng soi chiếu cho thế gian, nhưng bằng gương lành của đời sống bác ái yêu thương, quan tâm chăm sóc mọi người, không phải huênh hoang thắp đèn giữa ban ngày, lúc nào cũng cho ta là nhất! Đó là công việc của ‘đem muối bỏ biển’, thật vô ích, nó không phù hợp với yêu cầu mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài thực hiện. Ngài dạy các môn đệ sống khiêm nhường âm thầm như muối và lặng lẽ như ánh sáng, thấm đượm vào trong chi tiết của cuộc sống của nhân loại để giúp người ta nhận ra ý nghĩa đích thực của niềm tin vào Thiên Chúa. Chứ không phải bằng một thứ quyền lực hay sức mạnh nào đó để ép buộc người ta phải tin theo. Đó là điều chính Thầy Chí Thánh cũng đã âm thầm lặng lẽ chấp nhận để người ta treo mình trên cây thập tự giá. Để soi sáng tình yêu cứu độ cho mọi người.
Xin Chúa giúp con là muối mặn, là ánh sáng để không sợ tiêu hao nhưng biết tan biến làm mặn cho đời và soi rọi vào những nơi tăm tối, nghèo đói và bất hạnh một tia sáng tình yêu và hy vọng của niềm tin. Như lời mời gọi của Thánh Giáo hoàng John Paul II trong thông điệp Novo Millennio Inuente: “Thiên Chúa kêu gọi các tín hữu hãy đổi mới nhiệt tâm truyền giáo của mình, đó là tuyên xưng Chúa Ki-tô bằng lời nói và làm chứng về cuộc sống trong mọi hoàn cảnh và mọi tình huống, trong mọi bối cảnh xã hội, văn hóa và chính trị.”
Xin giúp chúng con biết noi theo gương Chúa Giêsu như Ngài nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Ước gì ai gặp gỡ chúng con cũng gặp gỡ được Đấng đang ngự trong tâm hồn chúng con là chính Chúa Giêsu. Amen.
ӷ
THỨ TƯ TUẦN X THƯỜNG NIÊN – Mát-thêu 5,17-19
Đức Giêsu Kiện Toàn Luật Mô-Sê
Quy tắc của Toomey nói: “Bạn rất dễ đưa ra quyết định về những vấn đề mà bạn không có trách nhiệm.” Vâng, đứng ngoài một sự kiện thì ai cũng có thể đưa ra cách phán xét cho riêng mình, vì vậy luật pháp là thứ cần thiết được tạo ra.
Luật pháp được thiết lập để tạo điều kiện cho trật tự và giữ hòa bình trong một xã hội nói chung. Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến luật pháp. Ngài đã khẳng định rằng: “Anh em đừng tưởng rằng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ luật pháp nhưng là để kiện toàn.” (c.17) Sở dĩ Chúa Giêsu phải khẳng định cũng như sửa lưng các môn đệ về những quan điểm không đúng về sứ vụ của Ngài là vì, Chúa Giêsu đến, Ngài đã mặc cho lề luật một tinh thần mới, một bộ mặt mới trong cách vận hành lề luật.
Cũng là một bàn tay khi hướng vào trong thì ta thấy các chỉ tay và lòng bàn tay, nhưng hướng ra ngoài thì ta chỉ còn thấy mu bàn tay và các gân xanh nổi lên. Cũng vậy Thiên Chúa đã ban bố lề luật của Ngài cho dân qua Mô-sê và các vị ngôn sứ nhưng qua nhiều thế hệ người ta chỉ nhìn thấy luật là luật, là cái gì gò bó và cấm đoán. Dường như nó giới hạn tự do của con người. Thêm vào đó những giải thích theo lối cấm đoán gò ép nhiệm nhặt, như có lúc Chúa Giêsu cũng đã nhận định rằng: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.” (Mt 23,4).
Còn khi Đức Giêsu đến, Ngài mặc cho lề luật một bộ mặt của tình yêu, một sự giải thoát. Mà ta biết rằng, khi yêu thì mọi sự trở nên nhẹ nhàng. Một cô gái thanh xuân chỉ cần nhìn thấy một chút bẩn trên áo là phải đi thay, hay không thể động tay vào cái gì mà thường người ta cho là không sạch sẽ. Nhưng khi một đứa con xuất hiện, mũi dãi của con cô sẵn sàng dùng vạt áo mình để lau. Những cái mà con cô phóng uế ra cô thu dọn một cách dễ dàng mà không hề thấy tởm gớm. Tình mẫu tử đã biến cô thành một người khác mặc dù vẫn là con người và tên tuổi ấy.
Chuyện kể rằng, có một nông dân đi xe ngựa ra phố. Đến một cửa tiệm, ông dừng xe vào mua đồ. Ông vừa tới cửa thì con ngựa hí lên và bỏ chạy. Ông vội vàng chạy ra và siết chặt dây cương. Con ngựa càng hoảng sợ hơn và chạy tứ tung trên đường, kéo theo người nông dân tội nghiệp. Dân chúng đổ xô ra, đến khi ghìm được ngựa thì người nông dân bê bết máu và thoi thóp thở. Một người hỏi: – Sao mà ông dại dột hy sinh đời mình vì con ngựa và chiếc xe như thế? Ông thều thào: – Cứ nhìn vào trong xe thì biết! Họ nhìn vào và thấy đứa con nhỏ của ông còn đang ngủ.25
Quả thật, tình yêu có sức mạnh diệu kỳ và biến điều dường như không thể thành có thể và những khó khăn thành nhẹ nhàng. Với tình yêu, Chúa Giêsu đã từng chữa bệnh trong ngày Sa-bát, rồi các môn đệ đi qua cánh đồng bứt lúa ăn tắt ngày Sa-bát, nhưng Chúa Giêsu đã biện minh cho họ khi những người Do Thái dựa trên lề luật để khiển trách họ. Đối với Chúa Giêsu, ngày Sa-bát được lập ra vì con người chứ không phải con người vì ngày Sa-bát. Có lẽ dựa vào những hành động tương tự mà người ta cho rằng Chúa đến để lập ra một trật tự, một lề luật khác, bác bỏ tất cả lề luật của tiền nhân. Không, Ngài khẳng định là không, và “Ai bãi bỏ dù chỉ một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân giữ, thi hành và dạy người ta làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời” (c.19).
Chúa đến không bãi bỏ lề luật và Ngài cho thấy luật pháp là điều cần thiết cho con người, ví dụ như ngày nay nếu bãi bỏ luật giao thông, e rằng không mấy người dám đi ra đường! vậy luật không phải chỉ để rình xem chỗ đó có chốt của cảnh sát hay không mà là để gìn giữ cho người ta khỏi bị tai nạn, nếu ta tuân giữ đúng luật thì sẽ ít khi va chạm và gây thương tích cho người khác cũng như cho chính mình. Như vậy, tinh thần của luật là bác ái với người và với chính mình, như việc tuân giữ luật an toàn giao thông là vì tinh thần yêu thương muốn tốt cho tha nhân và cho chính mình. Thế nhưng thường thì người ta ít nhìn đến mặt tích cực và tình thần cao cả của luật mà thích nhìn vào mặt tiêu cực như bị phạt, bị tước bằng lái, còn những người đại diện cho pháp luật thì cũng dùng quyền đàn áp để tham ô, hối lộ… Chúa Giêsu đến để hoàn tất lề luật, mặc cho nó một bộ mặt mới của tình yêu. Và mọi lề luật cho dù là tôn giáo hay ngoài xã hội cũng phải lấy mục đích chính ấy mà lập ra các khoản luật khác. Nếu làm cách khác thì người ta đang đưa con người đến sự nhỏ bé và có thể là huỷ hoại như ta thấy ngày nay. Nhiều quốc gia ban hành luật nạo phá thai giết người hàng loạt. Hay chế tạo ra bom nguyên tử hạt nhân, những vũ khí sát thương để tàn sát lẫn nhau. Những dấu chỉ ấy cho thấy không phải người ta sẽ chỉ là người nhỏ nhất trong Nước Trời mà người ta sẽ thực sự thu nhỏ con người mình lại trong sự ích kỷ và huỷ diệt lẫn nhau. Vì họ rời bỏ luật của Thiên Chúa để tuân giữ những ý tưởng bệnh hoạn của con người làm ra nhằm trừng phạt lẫn nhau.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết yêu mến lề luật, chăm chỉ học hỏi đường lối và huấn lệnh Chúa trong Lời Ngài, biết xây dựng lề luật trên tình yêu thương, để chúng con không có tinh thần vị luật mà biết dùng luật để nâng đỡ tha nhân trong tình yêu thương của Chúa. Amen.
ӷ
THỨ NĂM TUẦN X THƯỜNG NIÊN – Mát-thêu 5,20-26
Đức Công Chính Của Người Môn Đệ
Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy các môn đệ về sự công chính cần phải có. Ngài đòi hỏi nơi các môn đệ phải trở nên công chính hơn các kinh sư và những người Pha-ri-sêu và sự công chính đó cụ thể trong bài Tin Mừng hôm nay diễn tả là ‘đừng giận ghét.’
Là một con người ai cũng phải có hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục. Vì thế không thể không có tức giận. Và nó như một bản năng, một khuynh hướng của con người tự vệ hay chống lại ai đó đã làm tổn thương đến mình, thậm chí một đứa trẻ còn đỏ hoẻn cũng đã có những phản ứng như giận hờn với điều nó không muốn. Và qua quan sát cũng cho thấy có nhiều cách bộc lộ sự tức giận khác nhau nơi mỗi người, có người phản ứng bằng cách kìm nén hay sa sầm nét mặt, hoặc bỏ đi; Có người thì nổi cơn tam bành và lành làm gáo vỡ làm muôi; Nhưng kẻ ở kèo trên thì dường như sẵn sàng bộc lộ với người dưới, còn những kẻ ở kèo dưới thì ngậm bồ hòn làm ngọt nhưng về tới nhà thì mắng chó chửi mèo… nói chung là cách này hay cách khác không thể không có nóng giận xẩy đến trong mỗi con người. Có tư tưởng cho rằng: Một người tức giận với lý do đúng đắn, chống lại đúng người, đúng cách, đúng lúc và đúng thời điểm trong khoảng thời gian ngắn thì xứng đáng được khen ngợi. (không nhớ nguồn).
Ta thấy trong Tin Mừng có nhiều lần Chúa Giêsu cũng từng nổi giận; khi dân chúng biến đền thờ thành một khu chợ; Khi các kinh sư và người Pha-ri-sêu coi trọng luật ngày Sa-bát hơn là người đàn ông bại liệt cần được chữa lành, Ngài nổi giận với họ. Thậm chí Ngài còn mắng các kinh sư và những người Pha-ri-sêu là những đồ giả hình và những lời nặng nề trách móc như: khốn cho các ngươi, khốn cho các ngươi hỡi các kinh sư và những người Pha-ri-sêu được lặp lại nhiều lần. (x. Mt 22–23). Quả thật, trong cuộc sống, sự tức giận như là một bản năng, như là một người bạn luôn đồng hành với con người và sẽ nhẩy bổ nên trong tình huống mà người ta thấy bất an hoặc bất công nhất. Thế nhưng, sau cơn nóng giận, người ta lại cảm thấy một cái gì đó như là tội lỗi. Tuy nhiên như ta đã biết, để cấu thành một tội không phải chỉ nằm ở phần cảm giác, hay ở sự nóng nẩy nhất thời không làm chủ được con người của mình (mặc dù nóng giận quá cũng có thể để lại hậu quả xấu rất đáng tiếc), nhưng để hình thành một tội về luân lý đòi hỏi con người ta phải ở trong trạng thái tỉnh táo, không bị tác động bởi ngoại lực và hoàn toàn tự do muốn làm điều xấu. Như vậy, chỉ cảm thấy một cái gì đó không bao giờ là một tội lỗi trong chính nó. Một cảm giác nảy sinh trong con người một cách tự nhiên. Đôi khi ta không thể ngăn mình cảm thấy tức giận, ghen tuông, buồn chán, ham muốn, tự hào hay chán nản. Những cảm giác này đến và đi, và người ta không thể khiến chúng biến mất thông qua một hành động ý chí tuyệt đối. Chúa Giêsu hiểu điều này, Ngài hoàn toàn không lên án nó vì Ngài đã là con người và đã từng nổi giận.
Điều Chúa nói đến trong Tin Mừng hôm nay không phải là cảm giác tức giận vì chúng ta không kiểm soát được nó. Đó không phải là sự tức giận mà Ngài đối xử với những người trong đền thờ, với các kinh sư và người Pha-ri-sêu và những người khác. Nhưng Ngài đang nói về sự giận ghét mà ta đang cưu mang trong lòng đối với anh chị em của mình. Bởi vì sự tức giận ích kỷ này nuôi dưỡng một mối hận thù âm ỉ và cơn thịnh nộ có thể bùng phát bất cứ khi nào có cơ hội. Nói như bài thơ ‘Đi đi em’ củaTố Hữu: “Nuôi đi em, cho đến lớn, đến già / Mầm hận ấy trong lồng xương ống máu, / Để thêm nóng mai kia hồn chiến đấu / Mà hôm nay anh đã nhóm trong lòng.”
Đó là một sự tức giận được nuôi dưỡng, mở rộng, phát triển qua nhiều thời gian. Chúa Giêsu đã lên án hành động tức giận này. Và Ngài kêu gọi các môn đệ phải công chính hơn các kinh sư và những người Pha-ri-sêu, bởi họ là những nhà thông luật và muốn giải quyết mọi vấn đề tranh chấp thù hận và giận ghét theo lề luật cũ; ‘mắt đền mắt, rằng đền răng’. Nhưng các môn đệ của Chúa Giêsu có một luật vượt xa những luật công bằng đó là luật bác ái và tha thứ. Quả thật, chỉ có một thứ thuốc giải độc của căn bệnh giận ghét, đó là lòng xót thương và sự tha thứ xuất phát từ một trái tim cảm nhận được tràn đầy tình yêu và ơn tha thứ của Thiên Chúa. “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người đã mắc lỗi với chúng con”; “Hãy có lòng thương xót như Cha trên trời là Đấng thương xót” (Lc 6,36). Hãy làm hoà với đối phương lúc còn đang đi dọc đường; hãy về làm hoà trước rồi mới đến dâng của lễ. Đó là điều mà Thiên Chúa đã nói: “Phúc cho những ai có lòng thương xót thì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương, và phúc cho những ai xây dựng hoà bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,7.9).
Sau hết, muốn kìm hãm đươc cơn nóng giận để không dẫn đến giận ghét và thù hận. “Hãy đến và học cùng Chúa Giêsu vì Ngài hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29).
Ý thức mình là tội nhân trước mặt Chúa, tìm cách đối thoại và khôi phục mối quan hệ tốt với đối phương bằng việc cởi mở, gặp gỡ và cùng cầu nguyện, cùng nhìn lên Chúa, xin Ngài giải thoát ta khỏi những hơn thua không đáng có để làm ta xa lánh nhau và cũng xa cách Thiên Chúa vì lòng trĩu nặng hận thù.
Lạy Chúa xin giúp chúng con hiểu biết và siêng năng học hỏi Lời Chúa để chúng con được bình an và biết làm cho mình trở nên công chính bằng giới luật mới, giới luật của tình yêu, của bác ái và tha thứ, như Chúa đã tha thứ và yêu thương con người yếu hèn của chúng con. Amen.
ӷ
THỨ SÁU TUẦN X THƯỜNG NIÊN – Mát-thêu 5,27-32
Ngoại Tình Và Ly Hôn
Người Do Thái trong thời Chúa Giêsu và ngay cả trước khi Ngài nhập thể làm người, tội ngoại tình đã được xem là trọng tội và bị trừng phạt nghiêm khắc với ai bị kết tội. Người ta đã dùng một số hình phạt như: đổ kim loại nóng xuống cổ họng, tội nhân sẽ tử vong do nghẹt thở vì cháy họng, hay ném đá cho đến chết. Nhưng những hình phạt này chủ yếu là chống lại phụ nữ còn đàn ông thì lại bị phạt nhẹ hơn. Tin Mừng Thánh Gio-an cũng tả về cảnh các kinh sư và những người Pha-ri-sêu dẫn đến cho Chúa Giêsu một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình để xem Ngài xử thế nào (x. Ga 8,3-5). Nhưng chỉ có người phụ nữ còn người đàn ông không thấy đâu cả, nếu bắt quả tang thì phải là hai người chứ, đâu có chuyện phạm tội này một mình!
Về vấn đề ly dị ta cũng thấy có gì đó bất công với phụ nữ, khi người đàn ông không thích vợ nữa, muốn bỏ nàng thì chỉ cần trao cho vợ một chứng thư ly dị là xong. Đây là những luật lệ bất công, trọng nam khinh nữ, coi phụ nữ là nguyên nhân gây ra tội lỗi và tệ hơn nữa, coi người ta như một đồ vật, không thích xài nữa là bỏ. Đứng trước bất công và sự hiểu biết sai lệch về lề luật của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã khẳng định lại cho người ta hiểu rằng: Từ nguyên thuỷ Thiên Chúa tạo dựng nên con người là bình đẳng, Ngài dựng nên con người có nam có nữ để kết hiệp với nhau nên vợ chồng, “Họ không còn là hai nhưng là một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6). Do đó không có chuyện ly dị, không có chuyện người đàn ông được biệt đãi hơn. Cũng vậy với tội ngoại tình, không chỉ có phụ nữ mới là người chủ mưu và đáng bị trừng phạt cách nghiêm nhặt, nhưng cả đàn ông cũng phải bị kết án và xem ra Chúa Giêsu còn kết án nặng hơn như Ngài nói: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã phạm tội ngoại tình với người ấy rồi.”
Cùng một tội nhưng đã xử bất công với người phụ nữ hơn đàn ông, Chúa Giêsu đã vạch trần tâm địa bất công đó của những người đàn ông lãnh đạo thời bấy giờ, tự giải thích sai lạc thánh ý của Thiên Chúa mà bào chữa cho mình, đổ lỗi cho phụ nữ, những người không có tiếng nói trong công hội. Và Ngài đã chỉ ra cho thấy rằng, không phải ăn nằm trái phép với người phụ nữ mới phạm tội ngoại tình, mà ngay trong tử tưởng khi nhìn vào người phụ nữ không phải vợ mình với lòng thèm muốn thì đã phạm tội ngoại tình rồi. Và trong bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay cho ta hiểu thêm nguyên nhân các ông thích được tự do dễ dãi ly dị với vợ mình, không phải vì cô ấy làm gì có lỗi cho bằng thèm muốn của lạ, thích nhìn người đàn bà khác với lòng thèm muốn rồi về ly dị vợ, để theo đuổi dục vọng tham lam của mình.
Quả thật, nghe Tin Mừng hôm nay ta thấy ai là người không phạm tội ngoại tình, ít là trong tư tưởng. Kể cả giới thầy tu cũng khó mà thoát khỏi.
Chuyện kể rằng, cha xứ trong một buổi giảng thuyết đã thử hỏi cả nhà thờ rằng: Ai trong chúng ta trong đời đã ít là một lần phạn giới răn thứ sáu thì đứng lên, và ngài muốn cho thấy một sự ngoạn mục hy vọng cả nhà thờ đều đứng, nên đã giải thích thêm, kể cả người đã phạm tội trong tư tưởng như Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay. Thế nhưng không thấy ai đứng cả, Ngài lặp lại một lần nữa, kể cả những ai nhìn người khác phái mà thèm muốn trong lòng, xin mời đứng lên.
Thế là có một bà lão đứng lên. Cha Xứ lấy làm an ủi và nói. Cám ơn bà rất nhiều, bà thật can đảm, tôi biết tội này ai cũng mắc phải ít nhiều nhưng có một mình bà đã can đảm đứng lên.
Bà lão đáp, con đâu có phạm tội gì đâu! Cha xứ: thế sao bà lại đứng lên?
À, con thấy cả nhà thờ ngồi có mình cha đứng con thấy tội nghiệp cha nên con đứng với cha cho cha đỡ ngại.
Vâng, câu chuyện vui nhưng đôi khi cũng nói nên rằng bất cứ ai cũng có thể dễ dàng phạm tội này. Vì vậy, muốn tránh xa tội này thì điều cần nhất là đừng ỷ lại mà phải dập tắt ngọn lửa ngay từ ban đầu, vì chỉ một que diêm cũng có thể đốt cháy cả cánh rừng. Còn những người đang sống trong đời sống hôn nhân thì hãy quan tâm yêu thương và chăm sóc cho nhau, biết tôn trọng lẫn nhau vì cả hai đã là một; biết nói lời cám ơn lẫn nhau vì mỗi người thực sự là món quà mà Chúa ban cho người khác; biết tha thứ và chấp nhận những yếu đuối xác hồn của nhau; đặc biệt biết nói lên lời yêu thương lẫn nhau mỗi khi có thể để giữ ngọn lửa tình yêu trong hôn nhân không bao giờ cạn kiệt. Nếu biết kiến tạo một đời sống gia đình hạnh phúc thì người ta có cơ hội tránh được tội ngoại tình cũng như không đi đến đổ vỡ, ly dị, phá vỡ gia đình rời bỏ luật Chúa. Và một điều căn bản cần phải nhớ, đó là không bao giờ quên sống trong cầu nguyện và cầu nguyện cùng với nhau.
Xin Chúa và Đức Mẹ cùng thánh Giuse gìn giữ gia đình cũng như đời sống khiết tịnh của mỗi người. Để ta có đủ sức mạnh tránh khỏi sự cám dỗ và đi tới phạm tội, hậu quả của tội này thì khó lường cả về mặt tự nhiên lẫn tinh thần. Và phải xa cách Chúa Đấng yêu thương ta và Ngài không muốn ta rơi vào sự bất hạnh trong tội lỗi. Amen.
THỨ BẢY TUẦN X THƯỜNG NIÊN – Mát-thêu 5,33-37
Đừng Thề Thốt
Khi nào thì người ta hay thề thốt? Đó là lúc người ta không còn tin tưởng lẫn nhau nữa, vì vậy, khi muốn khẳng định điều gì người ta hay thề thốt để như một cam kết là mình trung thực, là mình giữ chữ tín, là không lừa lọc. Vì thế khi phải dùng đến lời thề cho dù người ấy là ai, giầu sang, danh vọng, cao cả hay thấp hèn thì đều nói nên họ là người yếu kém, sợ đối phương không tin mình hay một cách tố cáo ngược, rằng họ không đáng tin cậy. Vì người ngay thẳng thật thà thì cần gì phải thề thốt.
Tuy nhiên ta thấy việc thề thốt dường như ở mọi thời, mọi nơi lúc nào cũng có. Vào thời của Chúa Giêsu, việc thề thốt là một thực hành được chấp nhận giữa những người Do Thái miễn là nó được thực hiện tốt. Như Thánh Vịnh 15 cho thấy rằng, cả những người ngay thẳng công chính cũng chấp nhận thề thốt:
Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong nhà Chúa, Được ở trên núi thánh của Ngài?
Là kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng, bụng nghĩ sao nói vậy,
Miệng lưỡi chẳng vu oan, không làm hại người nào, chẳng làm ai nhục nhã.
Coi khinh phường gian ác, trọng ai kính Chúa Trời, Lỡ thề mà bị thiệt, thì cũng chẳng rút lời.
Cho vay không đặt lãi,
chẳng nhận quà hối lộ mà hại đến người ngay.
Phàm ai làm những điều này không hề nao núng chuyển lay bao giờ.
Và thói quen của người xưa họ không thể dùng uy tín của mình để mà thề, mà thường dựa vào uy tín của kẻ lớn hơn, người Việt Nam cũng hay bắt gặp cách thề này như: thề có trời đất chứng dám, nếu…thì…; hay nhân danh Đức Vua tôi thề … nếu…thì…; hoặc tôi dùng đầu của tôi mà thề… và tất cả những hình thức được người đời chấp nhận về việc thề thốt này, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài phải đi xa hơn những gì luật lệ cũ cho phép một cách dứt khoát và quyết liệt. “còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết, đừng thề chi cả nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.
Như vậy Chúa Giêsu cho thấy việc thề thốt chính là cộng tác vào mưu kế của ác thần, vì mọi cái họ nhân danh để thề thốt đều xúc phạm đến Thiên Chúa. Đưa Ngài ra làm bệ đỡ cho sự dối trá của con người. Là môn đệ Chúa Ki-tô không thể dối trá. “Đừng thề chi cả” đây là một mệnh lệnh của Chúa Ki-tô đòi hỏi người môn đệ phải rất trung thực và chân thành, đặc biệt là trong lời nói và việc làm. Thật tốt khi biết rằng con người đang đối xử với nhau cách chân thành. Mặt khác, rất khó đối phó với một người có lời nói không đáng tin, không chân thành và không trung thực. Nói cách khác, trung thực và minh bạch phải là yêu sách hàng đầu và là sức mạnh của người môn đệ Chúa Ki-tô. Và không thể thoả hiệp với sự gian trá của ác quỷ.
Thề thốt ở đây phải phân biệt khác với lời khấn hứa mà các tu sĩ thực hiện. Vì đó là điều họ tự buộc mình thực hiện một điều gì đó tốt hơn. Trong sách Dân Số ông Môi-sê đã nói với dân Ít-ra-en: “Khi người đàn ông nào khấn hứa với Đức Chúa hay thề hứa tự buộc mình làm điều gì, thì người ấy sẽ không được lỗi lời mình: người ấy phải thực hiện những gì miệng đã nói ra.” (Ds 30,3)
Chúa Giêsu muốn cho thấy rằng, khi ta hứa điều gì đó thì nó không tỏ vẻ quyết liệt như thề thốt, và nó có thể nói lên tính cách tương đối bởi ý thức sự giới hạn của con người, nhưng dù sao phải có sự thận trọng và đắn đo để có thể trung thành với lời hứa trong mối tương quan với tha nhân cũng như với Thiên Chúa. Để nói nên một đời sống chính trực, không gian dối.
Là người môn đệ của Đấng ‘là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống’ (Ga 14,6) nên không thể sống ngoài sự thật, và một người luôn sống trong sự thật nghĩa là luôn sống trong Thiên Chúa thì không cần phải thề thốt gì, vì sự thật sẽ giải phóng họ (x. Ga 8,32) và sống trong sự thật là một minh chứng hùng hồn nhất cho nhân loại về nềm tin của mình. ‘Có’ nói ‘Có’, ‘Không’ nói ‘Không’ không có nghĩa là xu thời mà là đối diện với tiếng nói của lương tâm, hướng dẫn của chúng ta đến sự thật. Lương tâm của ta là nơi tôn nghiêm, nơi con người ở một mình với chính mình và với Thiên Chúa. Ở đây không có sự che giấu từ sự thật; lương tâm cho ta biết khi nào nên nói ‘Có’ và khi nào nên nói ‘Không’. Lương tâm cho ta biết điều gì đúng sai vì ở đó Thiên Chúa là Đấng luôn dạy dỗ con người. Điều cần lưu ý là tôi có lắng nghe tiếng Chúa trong lương tâm mình hay lại nghe theo tiếng ồn ào của đám đông ở bên ngoài, những xúi dục thề thốt của ác thần.
Để giúp tránh được những cám dỗ của thế gian và sự lôi kéo của ác thần, người môn đệ của Chúa phải là người luôn coi trọng Lời Chúa, và ai coi trọng Lời Chúa thì sẽ trung tín với lời nói và việc làm của chính mình.
Lạy Chúa xin giúp chúng con biết luôn sống trong sự thật để chúng con trở nên những chứng nhân cho sự thật trong thế giới đầy những nhiễu nhương này. Vì Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Amen.
ӷ