THỨ HAI TUẦN XI THƯỜNG NIÊN – Mát-thêu 5,38-42
Chớ Trả Thù
Tục ngữ Tây Ban Nha có câu: “Lấy ác báo thiện là ác quỷ. Lấy thiện báo thiện là con người. Lấy thiện báo ác là thánh nhân.”
Có lẽ không ai trong suốt cuộc đời lại không hề có những tổn thương do người khác gây cho mình. Có thể là tổn thương về vật chất, về thể lý, về danh dự hay đời sống tinh thần. Với bản năng tự nhiên thì người ta thích tìm cách trả thù. Và thường khi trả thù thì thích gây ra cho người khác nhiều tổn thương hơn mình. Như vậy mới đã, mới hả giận. Nhưng thực tế cho thấy, đa số người ta sau khi trả được thù hận thì lại cảm thấy buồn hơn vui. Vì lấy ác mà báo ác thì mình có cao thượng gì hơn kẻ hại mình đâu! Hơn nữa, kẻ muốn trả thù người khác thì chưa chắc đã làm hại được họ mà trước tiên mình phải nuôi hận thù trong lòng. Như vậy ta tự làm mất đi thứ tự do ở trong tâm hồn mà mình vốn có, thay vào đó là kẻ thù. Tệ hơn nữa là kẻ thù của ta chẳng hay biết ta đang phải cưu mang cái xấu xa của nó ở trong mình, nó cũng chẳng hề thấu hiểu được cảm xúc khó chịu và bực bội của mình. Kẻ thù cứ ăn ngon ngủ yên và khiến ta càng bị tổn thương, thậm chí chán ăn mất ngủ.
Trong thế giới ngày nay người ta chạy theo lợi nhuận và tài chính nên có rất nhiều bộ phim được làm theo chủ đề báo thù. Lý do tại sao có nhiều bộ phim được thực hiện theo chủ đề báo thù là bởi vì nó hấp dẫn bản năng cơ bản của con người, dần dần nó dẫn chúng ta đến việc cho rằng sự trả thù là rất tự nhiên. Tuy nhiên, Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay dạy các môn đệ của Ngài chớ trả thù. Bởi vì sự trả thù là không tự nhiên, tự phát, theo bản năng máy móc của thú tính mà thôi! Nếu báo thù là tự nhiên, nó có thể giúp ta trở nên giống người hơn. Nhưng thực chất, sự báo thù làm cho người ta ít cởi mở hơn với mối quan hệ yêu thương với người khác và nó đi ngược lại với con người tự nhiên, con người được tạo ra trong hình ảnh và chân dung của Thiên Chúa, Đấng là nguồn tình yêu (1Ga 4,8.16). Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài trở nên giống người hơn bằng cách vượt qua bản năng bộc phát của sự báo thù và sống theo đúng phẩm giá ưu việt của con người là con cái của Thiên Chúa. Đây là con đường duy nhất dẫn đến cuộc sống và hạnh phúc.
Chúa Giêsu đưa ra một tiêu chuẩn mới không chỉ dựa trên các yêu cầu của công lý, mà dựa trên luật ân sủng và tình yêu. Bởi vì cái mà Thiên Chúa muốn cho con người không phải là giữ họ ở lại mãi trong kiếp người “lấy thiện báo thiện”, mà Ngài muốn họ trở nên Thánh “lấy thiện báo ác” để được ở với Ngài là Đấng chí thánh. Vì thế Chúa Giêsu khẳng định rõ rằng ‘chớ trả thù’. Không lấy ác báo ác, mà phải luôn tìm kiếm điều tốt cho những người muốn bách hại mình.
Và điều gì làm cho một Ki-tô hữu khác với người khác?
- Ki-tô hữu sống màu nhiệm tự huỷ, đi theo Chúa Ki-tô Đấng đã huỷ mình ra không. (x. Pl 2,7) Vâng, theo Chúa Ki-tô không dễ dàng, đặc biệt là trong một thế giới khuyến khích người ta tích cực tìm cách trả thù trước bất công. Nhưng Chúa Ki-tô dạy các môn đệ bắt chước Ngài trong việc yêu thương cả kẻ thù; yêu cả những người nói xấu, những người giả dối, ngược đãi, buộc tội và kết án bất công với mình. Và chỉ khi đó: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13,35).
- Thể hiện hành động của Ki-tô hữu, điều này có nghĩa, không bao giờ nói về sự tiêu cực, nhưng chỉ nói những điều tích cực của người khác. Không chỉ mong muốn thấy người khác thất bại, mà hành động để thấy người khác thành công. Không chỉ cảm thấy tiếc cho người nghèo, người bệnh và những linh hồn lạc lối trong tội lỗi, mà là những hành động cụ thể từng bước một để thấy họ tốt hơn, thấy họ được an ủi, thấy họ đi trên những con đường đúng đắn. Người Ki-tô hữu không nên lãng phí năng lượng của mình để chỉ trích những gì sai trái; hãy làm công việc hữu ích cách tốt nhất trong khả năng của mình. Hãy thực hiện điều tốt để thay thế những cái xấu. Điều này luôn đúng và cần phát huy trong mọi lãnh vực của cuộc sống.
- Ki-tô hữu là người thực hành đức ái, bác ái không có nghĩa là bố thí cho ai đó một ít thức ăn qua ngày khi họ đến gõ cửa nhà mình, mà nó có nghĩa là sống cho người khác, liên tục hy sinh cho người khác, cho đi đến mức đau đớn. Người theo Chúa thật sự cần phải phá vỡ triệt để với sự ích kỷ để trở nên giống Thầy hơn. Và việc hoàn toàn tha thứ cho người đã làm hại, gây tổn thương cho mình, nó đòi hỏi một đức ái thực sự mặc dù ai cũng hiểu: Tha thứ là tốt hơn trả thù, vì tha thứ là dấu hiệu của một bản chất hiền lành, nhưng trả thù là dấu hiệu của một bản chất man rợ.
Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con biết sống màu nhiệm của tha thứ là quên mình vì lợi ích của tha nhân, là sống đức ái hoàn hảo như Chúa đã thực hiện. Xin ban cho chúng con trái tim của Chúa, để chúng con có thể yêu thương, bác ái, tha thứ như Chúa đã làm và muốn chúng con làm, để lên lời ngợi ca ân sủng và vinh quang của Ngài muôn đời. Amen.
ӷ
THỨ BA TUẦN XI THƯỜNG NIÊN – Mát-thêu 5,43-48
Phải Yêu Kẻ Thù
Dale Carnegie nói: “Ngay khi chúng ta ghét kẻ thù, chúng ta đang trao cho nó quyền lực trên chúng ta: quyền lực trên giấc ngủ, trên bữa ăn, trên huyết áp, trên sức khỏe và trên hạnh phúc của chúng ta.”
Điều chắc chắn nhiều người trong chúng ta sẽ đồng ý rằng, mệnh lệnh khó khăn nhất của Chúa Giêsu mà Ngài ban cho các môn đệ được tìm thấy trong Tin mừng ngày hôm nay: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (c.44). Làm thế nào điều này có thể đang khi ta thấy Chúa Giêsu có những lời mạnh mẽ chống lại người Pha-ri-sêu và kinh sư? Hơn nữa, điều này đi ngược lại xu hướng tự nhiên của con người là muốn đánh trả lại ai đó đã làm tổn thương mình, hoặc ghét kẻ thù và thậm chí nguyền rủa những kẻ bức hại mình. Tuy nhiên, Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Ngài, “hãy yêu kẻ thù.” Đối với Ngài, “kẻ thù”, không chỉ là những người chúng ta không thích, những kẻ đáng ghét, những kẻ thọc ngoáy vào da thịt, chà đạp ta cách bất công. Hay những kẻ ganh ghét, kẻ muốn điều xấu xa cho mình và thậm chí sẵn sàng làm tổn thương và giết hại chúng ta. Quả thật, Chúa Giêsu không bảo chúng ta thích kẻ thù hoặc chấp nhận những hành vi và niềm tin sai lạc của họ. Thay vào đó, Ngài nói với các môn đệ của mình rằng “hãy yêu kẻ thù” nghĩa là người môn đệ của Chúa phải ước muốn cho kẻ thù của mình không bị tổn hại; phải quan tâm đến họ; phải sẵn sàng hy sinh vì họ; phải tha thứ cho họ. Đây là những điều không thể thực hiện với con người tự nhiên của ta. Nhưng trong Chúa, không có gì là không thể.
Tôi nhớ một câu chuyện về một mục sư Baptist trong thời Cách mạng ở Hoa Kỳ, Peter Miller, sống ở Ephrata, Pennsylvania và là bạn thân của George Washington. Michael Wittman cùng sống ở Ephrata, là một người có đầu óc độc ác, ông này đã làm tất cả những gì có thể để chống lại và làm nhục mục sư. Một ngày nọ, Michael Wittman bị bắt vì tội phản quốc và bị kết án tử hình. Peter Miller đi bộ bảy mươi dặm đến Philadelphia để biện hộ cho cuộc đời của kẻ phản bội. Nghe chuyện này Washington sửng sốt:
“Không, Peter,” Tổng thống Washington nói. “Tôi không thể ban cho ông cuộc sống của bạn ông”. “Bạn tôi ư!” nhà thuyết giáo lão thành thốt lên: “Anh ta là kẻ thù cay đắng nhất của tôi”. “Cái gì?” Washington hét lên, “Bạn đã đi bảy mươi dặm để cứu cuộc sống của một kẻ thù? Đặt vấn đề này trong bối cảnh khác. Tôi sẽ ban cho ông điều ông xin” Và tổng thống đã tha bổng cho Micheal Wittman. Peter Miller đưa Michael Wittman trở về nhà ở Ephrata, từ đó, họ không còn là kẻ thù mà là hai người bạn. Đây là một ví dụ cụ thể về việc yêu thương kẻ thù của chúng ta.
Everett Worthington26 đã gợi ý ba lý do tại sao chúng ta nên tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình:
Trước tiên, chúng ta không thể làm tổn thương thủ phạm bằng cách không tha thứ, nhưng chúng ta có thể tự giải thoát mình bằng cách tha thứ. Điều này đúng ở một mức độ nhất định.
Thứ hai, không tha thứ là một gánh nặng lớn. Nó được ví như một tảng đá nóng bỏng mà chúng ta mang theo với ý định rằng sẽ có cơ hội ném lại vào kẻ làm tổn thương mình. Nhưng trước đó nó làm chúng ta cạn kiệt năng lượng và làm cho chúng ta mệt mỏi. Nó thiêu đốt và gặm nhấm cuộc sống của chúng ta. Và nếu muốn thì chỉ đơn giản là để hòn đá rơi xuống đất!
Emerson Fordick có lý khi nói rằng, thù ghét người khác giống như đốt nhà của bạn nhằm để tiêu diệt một con chuột.
Thứ ba, chúng ta sẽ khỏe mạnh hơn nếu tha thứ thay vì là ngụp lặn trong sự hận thù. Các nghiên cứu cho thấy rằng khi chúng ta ban phát sự tha thứ, đó là đang phục vụ chính mình. “Chính lúc thứ tha là khi được tha thứ.”27
Qua Lời Chúa hôm nay cho thấy rằng, Ki-tô hữu không chỉ là một người sống tốt là đủ, mà còn phải cởi mở và hào phóng khi đối xử với người khác, đặc biệt là Yêu Kẻ Thù của mình, giống như những gì Chúa Giêsu làm. Bắt chước lòng quảng đại như vậy giúp ta mỗi ngày một gần Chúa hơn và nên một với Ngài trong sự sống đời đời. Amen.
ӷ
THỨ TƯ TUẦN XI THƯỜNG NIÊN – Mát-thêu 6,1-6.16-18
Bố Thí, Cầu Nguyện, Ăn Chay
Bố thí, cầu nguyện và ăn chay là ba trụ cột vĩ đại mà dựa vào đó để xây dựng nên một đời sống đạo đức. Đối với người Do Thái, ba việc làm này được xem trọng vì nó đươc xem như chuẩn mực nói lên đời sống đạo đức trong việc thực hành đức tin của mỗi người.
Tin Mừng hôm nay, cũng dựa trên ba việc thực hành chuẩn mực của đức tin, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ của Ngài phải biết thực hành các việc ấy với tinh thần như thế nào. Đó là làm để tìm vinh danh chính mình, để cho mọi người biết ta là người đạo đức, là người đáng được nể trọng hay làm vì nhằm vinh quang và ngợi khen Thiên Chúa?
Nếu làm những việc đạo đức chỉ nhằm để được người đời tôn vinh, được người ta biết đến để ca tụng ngợi khen thì Chúa Giêsu nói, họ đã được phần thưởng rồi nhưng chỉ là thứ phần thưởng nơi người phàm. Và ta biết một nguyên tắc chung là: ai trả công cho ta thì người ấy có quyền trên ta. Hôm nay họ nâng ta lên vì làm đẹp lòng họ thì ngày mai họ có thể đạp ta xuống vì có thể đơn giản chỉ là họ không thích ta nữa. bởi nơi phàm nhân thì bất nhất và hay thay đổi. Như vậy, vài tiếng khen chóng qua và hay thay đổi không xứng với những thực hành đạo đức của các người môn đệ của Chúa Ki-tô. Mục đích của việc làm đạo đức mà các Ki-tô hữu nhắm tới là để cho vinh quang của Thiên Chúa và đạt đến sự sống đời đời. Mà sự sống đời đời chỉ có nơi Thiên Chúa nên mọi việc ta làm chỉ cần Thiên Chúa biết là đủ. Còn mọi cách khoe mẽ khác chỉ là để thoả mãn cái tôi kiêu ngạo của mình. Là để vênh vang trước mặt người đời. Mà Thiên Chúa thì dẹp tan phường lòng trí kiêu căng và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường (Lc 1,51-52).
Nói cách khác, Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Ngài, những công việc tốt phải được thực hiện trong khiêm tốn và kín đáo. Khi thực hiện ba công việc tốt theo truyền thống, đó là: bố thí, cầu nguyện và ăn chay là điều cần thiết, hữu ích và bổ sung cho nhau. Nhưng phải thực hiện trong tâm tình hướng về Thiên Chúa, Ngợi khen và tôn vinh Ngài với tâm tình khiêm hạ âm thầm. Vì xét cho cùng, nếu ta có thể làm được gì thì cũng xuất phát từ lòng tốt và ân sủng nhưng không của Thiên Chúa ban cho mà thôi.
Để không bị rơi vào tình trạng đạo đức giả, điều mà Chúa Giêsu phê phán trong Tin Mừng hôm nay, ta có thể suy gẫm thêm về cách thực hiện ba công việc trên:
Thứ nhất, bố thí (c.2-4). Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Ngài làm điều đó một cách âm thầm kín đáo, “Đừng cho tay trái biết việc tay phải làm”. Nghĩa là không cần cho ai biết đến những việc làm tốt của mình cho tha nhân. Một số giáo phụ thời xưa còn nói rằng, hình thức bố thí hoàn hảo nhất là khi bạn không biết mình đang tặng ai và người nhận không biết mình đang nhận từ ai. Mặt khác, việc làm âm thầm kín đáo còn nói lên khía cạnh tích cực là có thể giữ gìn phẩm giá của người khác. Hãy để việc tốt ta làm không ai biết ngoài một mình Thiên Chúa. Và Ngài sẽ trả lại cho ta phần thưởng lớn lao trên trời.
Thứ hai, cầu nguyện (c.5-6). Cầu nguyện là đề cập đến mối quan hệ và kết nối giữa con người với Thiên Chúa. Nhưng người ta lại muốn tỏ vẻ ra rằng ta thánh thiện hơn người, ta cầu nguyện nhiều hơn người khác, thậm chí có người tín hữu ngày nay còn hay quan niệm những người cầu nguyện nhiều hơn là những người đạo đức hơn, họ đến nhờ chúng tôi là các tu sĩ cầu nguyện cho những vấn đề của họ, với lý do các cha các thầy cầu nguyện nhiều thì gần Chúa hơn. Như vậy người cầu nguyện lâu giờ cũng có lý do để tỏ ra ta đây lắm chứ! Thậm chí còn tự coi mình hơn người khác. Tỏ ra đạo mạo và nghiêm trang trước mặt thiên hạ cho họ nể. Đây chính là cách mà những người đạo đức giả hay làm để được người đời tôn vinh. Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ của Ngài không cầu nguyện như thế nhưng “hãy vào phòng đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh. Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh Đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ trả lại cho anh.” Căn phòng kín đáo đó chính là tâm hồn của chúng ta, nơi mà Thiên Chúa luôn ngự trị, vì vậy không cần phải phô trương hay phải tìm nơi tiện nghi nào đó, mà hãy cầu nguyện với Chúa trong tâm hồn của mình ở mọi nơi mọi thời khi ta có thể.
Thứ ba là ăn chay (c.16-18). Ăn chay là việc làm phổ biến trong mọi tôn giáo và nó rất quen thuộc ở mọi nơi mọi thời. Nó cũng đem lại cho người ăn chay rất nhiều lợi ích. Đặc biệt trong thế giới ngày nay, ta thấy rất nhiều người không tin theo một tín ngưỡng nào nhưng họ cũng vẫn thường xuyên ăn chay, vì nó tốt cho sức khoẻ và sắc đẹp. Về mặt thiêng liêng, ăn chay giúp con người có thói quen chế ngự được bản năng tầm thường, tự kiểm soát được mình và tránh được nhiều cơn cám dỗ và tội lỗi. Mặt khác, ăn chay cũng nói nên một quyết tâm nào đó về việc tỏ lòng thống hối những lầm lỗi mình đã gây nên và quyết tâm sửa đổi. Đôi khi là sự tự hạ mình xuống, khao khát xin sự trợ giúp của Thiên Chúa trong những lúc khốn khổ cùng quẫn. Thế nhưng, các giáo sĩ Do Thái thậm chí coi trọng ăn chay hơn cả việc bố thí. Nên người ta thích tỏ ra cho người khác biết mình ăn chay nhằm nói nên mình thánh thiện để được người khác thán phục. Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ phải có một thái độ ăn chay cách đúng đắn, tránh những hình thức bên ngoài, khoe mẽ nhưng phải có một tinh thần khiêm tốn tìm kiếm sự thanh lọc và kỷ luật. Bằng cách kỷ luật ý chí tự do của bản năng, có thể dễ dàng chống lại sự cám dỗ và chọn hành động theo đường lối thánh thiện của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, bố thí, cầu nguyện và ăn chay, cả ba việc như hoà quyện vào nhau để giúp chúng con nâng tâm hồn nên với Chúa, để chúng con làm vinh danh Chúa, để nói nên Chúa là cùng đích chúng con tìm kiếm. Xin cho chúng con không dừng lại để tìm kiếm chính mình nhưng làm mọi sự trong kín đáo và âm thần chỉ vì tình yêu Chúa mà thôi. Amen.
ӷ
THỨ NĂM TUẦN XI THƯỜNG NIÊN – Mát-thêu 6,7-15
Chúa Giêsu Dạy Các Môn Đệ Cầu Nguyện
Cầu nguyện là một nhu cầu của con người, đặc biệt với những người đạo đức trong dân tộc Do Thái rất chú trọng và tận tâm về việc cầu nguyện. Cầu nguyện chính thức được quy định cho ba lần một ngày. Và các giáo sĩ đã có những lời cầu nguyện cho mỗi dịp lễ khác nhau. Như Thánh Vịnh đã đề cập: “Con ca tụng Chúa mỗi ngày bảy lượt, vì những quyết định công minh của Ngài” (Tv 118,164).
Trong Tin Mừng của thánh Mát-thêu bài đọc hôm nay chỉ nói về việc Chúa Giêsu dạy cầu nguyện, còn Tin Mừng của Thánh Lu-ca thì có đề cập đến bối cảnh, khi các môn đệ thấy Chúa Giêsu cầu nguyện. Một sự chìm đắm sâu xa ngọt ngào nào đó trong sự kết hiệp với Chúa Cha khiến các ông cảm thấy thèm được cầu nguyện. Và sau khi Chúa Giêsu kết thúc giờ cầu nguyện thì các ông tiến đến và xin Ngài dạy họ cầu nguyện (x. Lc 11,2-4). Và Chúa Giêsu đã dạy các ông cầu nguyện với lời Kinh Lạy Cha.
Lời kinh đơn sơ và ngắn gọn không giống với một buổi cầu nguyện trang trọng của những người Pha-ri-sêu lúc bấy giờ, họ thích cầu nguyện dài dòng và lâu giờ để được người ta khen. Nhưng lời kinh rất đơn sơ như một người con nhỏ đang thưa chuyện với cha của mình, thẳng thắn, không úp mở e ngại, chân thành và tin tưởng.
Từ Lời kinh nguyện Chúa dạy, ta có thể suy niệm về hai điểm: Thứ nhất, cầu nguyện là chất lượng chứ không phải số lượng. Chúa Ki-tô dạy chúng ta cách cầu nguyện và cho chúng ta thái độ cầu nguyện đúng đắn, nghĩa là bằng cách gọi Thiên Chúa là ‘Abba hoặc Cha.’ Đây là một cuộc cách mạng vô cùng lớn lao khi con người được gọi Thiên Chúa là Cha, điều này đã không xẩy ra với người Do Thái, mặc dù bàng bạc đâu đó trong Kinh Thánh có nhắc đến Thiên Chúa như người cha nhưng đã không ai dám xưng hô như vậy. Người Cha thì luôn nhân hậu và hiểu biết tất cả người con của mình muốn gì, và vượt trên mọi người cha bình thường, Chúa Cha biết chúng ta và tất cả những gì chúng ta cần hơn cả chúng ta biết về mình, nên khi cầu nguyện hãy tin tưởng và đặt mình đầu phục Thiên Chúa. Nói như tiên tri Giê-rê-mi-a: “Trước khi cho ngươi được thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi.” (Gr 1,5). Đó là lý do tại sao Thánh nữ Tê-rê- xa Hài Đồng đã nói trong cuốn tự thuật của mình, Chuyện một linh hồn đã viết: Đối với tôi, lời cầu nguyện là một sự dâng trào của trái tim; đó là một cái nhìn đơn giản hướng về thiên đàng, nó là tiếng kêu của sự thấu hiểu và của tình yêu, bao trùm cả thử thách và niềm vui.
Thứ hai, Chúa Ki-tô dạy chúng ta liên kết trong lời cầu nguyện. “Lạy Cha chúng con” là lời cầu nguyện thu hút tất cả các Ki-tô hữu hiệp nhất với nhau. Thánh Cíp-ri-a-nô trong cuốn, De dominica oratione (số 8) nói: Thiên Chúa, chủ nhân của hòa bình và hiệp nhất, không muốn chúng ta cầu nguyện riêng rẽ cho chính mình. Thật vậy, lời kinh Chúa dạy không nói ‘Lạy Cha của con, Đấng ở trên trời’ cũng không ‘Xin cho con hôm nay lương thực hàng ngày’. Lời cầu nguyện là xin cho tất cả mọi người, nên khi chúng ta dùng kinh nguyện Chúa dạy là không chỉ cho một người, mà cho tất cả mọi người, bởi vì chúng ta chỉ là một. Chúng ta không bao giờ chỉ cầu nguyện cho chính mình, mà cho tất cả những ai cần chúng ta cầu xin cho họ. Hiệp nhất với lời cầu nguyện của toàn thể Giáo Hội. Cùng tham gia vào lời cầu nguyện của Đức Trinh Nữ Maria và toàn thể các thánh. Tất cả đều hiệp dâng trong lời cầu nguyện của Chúa Ki-tô, Đấng làm cho lời cầu nguyện của chúng ta được lắng nghe và làm hài lòng Chúa Cha. Và Thánh Cíp-ri-a-nô cũng nói: Lời cầu nguyện của chúng tôi là công khai và phổ biến; và khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta cầu nguyện không phải cho một người mà cho toàn thể mọi người, bởi vì toàn bộ chúng ta chỉ là một.
Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con biết cầu nguyện, xin giúp chúng con biết thấu hiểu Lời Chúa dạy, để khi gọi Thiên Chúa là Cha chúng con cảm được sự sung sướng hăng say lặp lại lời cầu nguyện và đặc biệt cho chúng con được cảm thấy sự hiệp nhất nên một trong Chúa và với anh em mình, để chúng con biết yêu thương quan tâm đến nhau trong tình yêu hiệp nhất. Amen.
ӷ
THỨ SÁU TUẦN XI THƯỜNG NIÊN – Mát-thêu 6,19-23
Kho Báu Trên Thiên Đường
Tôi có gặp một đoạn văn trên mạng xã hội, nhận định về giá trị thật của đồng tiền của nhà văn Arn Garborg, đoạn văn muốn nói với mọi người rằng, tiền không phải là tất cả. Tiền có thể kiếm được nhưng có nhiều thứ không thể mua được bằng tiền, khi cô viết:
Tiền có thể mua thức ăn, nhưng không mua được vị giác thèm ăn; Tiền có thể mua thú vui, nhưng không phải niềm vui;
Tiền có thể mua người quen, nhưng không phải bạn bè;
Tiền có thể mua người hầu, nhưng không mua được sự chung thủy; Tiền có thể mua giải trí, nhưng không mua được bình an.
Ngoài ra,
Tiền có thể mua bằng đại học, nhưng không phải là kiến thức. Tiền có thể mua bảo hiểm, nhưng không mua được sự an toàn. Tiền có thể mua truyện cười, nhưng không phải tiếng cười.
Tiền có thể mua giường, nhưng không mua được giấc ngủ.
Tiền có thể mua một ngôi nhà, nhưng không phải là một gia đình.
Tiền có thể mua rất nhiều công viên tưởng niệm nhưng không phải là hạnh phúc vĩnh cửu.
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã phân biệt giữa kho báu trần thế và kho báu trên trời. Chúa Giêsu chỉ cho thấy cái gì ‘hữu hình thì hữu hoại’, mọi thứ ở trần gian này rồi sẽ qua đi và không có gì để bảo đảm chắc chắn cho con người. Vì thế ai tích góp thật nhiều cho mình nơi kho tàng trần gian thì rồi cũng trở nên vô ích khi phải đối diện với cái chết. Không những thế, hàng ngày phải đối diện với biết bao những rủi ro vì sợ trộm cướp xâm nhập, không chỉ lấy đi kho báu mình đã tích trữ mà có khi cả mạng sống của mình, và của gia đình mình cũng bị chúng cướp mất. Nhưng chỉ có một nơi bảo đảm để tích trữ kho báu của mình đó là trên trời, nơi không có mối mọt và trộm cướp, nơi mà người ta sẽ an hưởng muôn đời. Nơi mà Thánh Phao-lô đã cảm nhận sau khi đã được Chúa nâng lên đến tầng trời thứ ba và sau đó đã mạnh mẽ công bố: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hiệp với Người… cùng được thông phần sự đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cùng được sống lại từ trong cõi chết.” (Pl 3,7tt).
Với Thánh Phao-lô, kho báu trên trời chính là Đức Ki-tô Giêsu. Và vì Người mà dám đánh đổi tất cả để lợi được kho tàng vô giá đó, là cùng được phục sinh với Người trên nước trời. Dân gian có câu, “con chuột sống thì hơn con voi chết”. Nếu có tất cả ở đời này mà phải rơi vào cõi chết đời đời thì nào có ích gì. Và thời gian trần thế có mấy mươi năm tận hưởng so với sự sống đời đời. Vậy:
Cụ thể về kho báu trần thế và kho báu Nước Trời của chúng ta là gì?
Kho báu trần thế của chúng ta có thể là: nhiều tài lộc, tiện nghi tức thời, danh vọng cá nhân, được người đời ca tụng, thành tích trong công việc, an toàn, niềm tự hào, vật chất và nhiều thứ khác. Kho báu trên trời là nhưng giá trị của niềm tin vào Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Ki-tô và trong giáo huấn của Ngài, những gì Ngài đã làm và dạy các môn đệ của Ngài cũng thực hiện và muốn chúng ta ghi nhớ trong lòng (Lc 2,19.51). Kho tàng đó cũng là hoa quả của Thần Khí của Đức Ki-tô đã ban cho những người tin vào Ngài. Thánh Phaolô đã nói về những hoa quả này là: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế. Nhưng ai thuộc về Đức Ki-tô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với dục vọng và đam mê” (Gl 5,22-24). Quả thật, nếu ai muốn xây dựng một kho tàng vô giá ở trên trời thì không thể bỏ qua những yếu tố này.
Tuy nhiên, ở đây không có nghĩa là người ta sẽ có quyền ỷ lại, không tìm cách có kho báu nơi trần gian này, vấn đề là biết sử dụng kho báu trần thế này như điểm khởi đầu. Để thấy rằng, cả khi người ta đạt được tất cả những kho báu nơi trần thế, họ vẫn cảm thấy trong thâm tâm một điều gì đó trống rỗng. Vì trái tim của con người được tạo dựng nên để hướng về vô biên, chỉ có Thiên Chúa mới có thể lấp đầy được, và cũng chỉ có những ai đón nhận được sự đầy tràn trong tâm hồn bằng chính sự hiện diện của Thiên Chúa. Họ mới giám cho đi tất cả những gì mình có để xây dựng một kho tàng trên trời.
Lạy Chúa, kho báu vô giá ở đời sống vĩnh cửu của chúng con chính là Chúa. Xin cho con biết đến gần Chúa mỗi ngày trong cuộc sống qua việc tiếp xúc với Lời Ngài và qua việc đón nhận Ngài nơi các bí tích, để tâm hồn chúng con được lấp đầy cũng như có khả năng cho đi tất cả những gì là ngoài Chúa. Đấng là kho tàng vĩnh cửu của chúng con. Amen.
ӷ
THỨ BẢY TUẦN XI THƯỜNG NIÊN – Mát-thêu 6,24-34
Tin Tưởng Vào Chúa Quan Phòng
Trái ngược với niềm tin là sự lo lắng. Milton Berle đã có một phản ứng rất lạc quan về về sự lo lắng khi anh ta nói: Cuộc sống rất đơn giản. Điều đầu tiên cần nhớ về cuộc sống là: đừng lo lắng về điều đó. Thực sự, chỉ có hai điều phải lo lắng; hoặc bạn thành công hoặc bạn không thành công. Nếu bạn thành công, thì không có gì phải lo lắng. Nếu bạn không thành công, chỉ có hai điều cần lo lắng; sức khỏe của bạn tốt hoặc bạn bị bệnh. Nếu sức khỏe của bạn tốt thì không có gì phải lo lắng. Nếu sức khỏe của bạn không tốt, chỉ có hai điều cần lo lắng; hoặc bạn sẽ sống hoặc bạn sẽ không sống. Nếu bạn sống, ở đó không có gì phải lo lắng. Và nếu bạn không sống, bạn chỉ có hai điều phải lo lắng; hoặc bạn sẽ lên thiên đàng hoặc bạn sẽ không lên thiên đàng. Nếu bạn lên thiên đàng, thì không có gì phải lo lắng. Và nếu bạn đi đến một nơi khác (như địa ngục), bạn sẽ bận rộn bắt tay với tất cả những người bạn cũ của mình, bạn sẽ không có thời gian để lo lắng.
Chúng ta đang ở trong thời đại đầy lo lắng, thiên tai, hạn hán, bão tố, lụt lội, dịch bệnh Covid 19…. Lo lắng theo tiếng Latin là angere, có nghĩa là ‘nghẹt thở’. Nói cách khác, khi quá lo lắng hoặc căng thẳng, người ta cảm thấy như nghẹt thở. Nó giống như có một người lực lưỡng đè lên ngực hay đang bóp cỏ mình. Hít thở cố mà trong phổi như cảm thấy không đủ hơi. Lo lắng quá làm cho mau già và mặt mày ủ dột. Nói về sự lo lắng, William Arthur Ward đã nhận định: “Sự lo lắng làm lệch lạc suy nghĩ của chúng ta, làm gián đoạn công việc, làm bất an trong tâm hồn, làm rối loạn cơ thể và làm biến dạng khuôn mặt của chúng ta. Nó phá hủy tình bạn bè, làm nhụt ý chí, đánh bại đức tin và làm suy yếu năng lượng của chúng ta.”
Tin Mừng hôm nay, ba lần Chúa Giêsu lặp lại lời kêu gọi chúng ta hãy tin tưởng phó thác và ơn quan phòng của Thiên Chúa và đừng lo lắng. Đừng lo lắng về của ăn, đừng lo lắng về áo mặc và đừng lo lắng về ngày mai.
Chúa Giêsu giải thích cho thấy có bảy lý do tại sao chúng ta không nên lo lắng:
- Vì Mạng sống và thân thể của chúng ta là do Thiên Chúa đã tạo ra và Ngài rất quan tâm đến nó. (c.25).
- Con người được Thiên Chúa yêu thương và quý trọng hơn vạn lần con chim sẻ, thế mà Thiên Chúa chăm sóc không bỏ sót con nào. (c.26).
- Lo lắng có hại hơn là có ích (c.27).
- Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi những kẻ tin vào Ngài (c.26-30).
- Lo lắng thể hiện sự thiếu niềm tin và hiểu biết về Thiên Chúa (c.31-32).
- Thiên Chúa ban cho con người mọi sự nếu họ thực sự tìm kiếm Ngài. (c.33).
- Sống giây phút hiện tại khiến chúng ta không bị lo lắng (c.34).
Qua đó cho thấy rằng, sự lo lắng của con người khởi phát từ sự thiếu hiểu biết về tình yêu quan phòng của Thiên Chúa dẫn đến thiếu niềm tin tưởng phó thác và Ngài. Và một khi không có niềm tin vững chắc vào Thiên Chúa, người ta bắt đầu bám víu vào những cái ngoài Thiên Chúa. Như vào tài năng của riêng mình, vào sức khoẻ, vào người thân, vào những kẻ có quyền thế, và trên hết là vào tiền của mà mình kiếm được. Rồi cứ thế, trong dòng xoáy của cuộc đời, một thực tại cho thấy có tiền mua tiên cũng được. Đồng tiền có giá trị làm cho đời sống khá ổn định, tăng thêm sắc đẹp và sức khoẻ, thậm chí người ta tự thấy phẩm giá của mình được nâng lên một cấp cao hơn nhờ vào đồng tiền. Câu ca dân gian cho rằng: “Tiền là tiên là Phật, là sức bật của lò so, là thước đo lòng người, là tiếng cười danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý, ôi tiền, hết ý!”
Vâng, đồng tiền nó có sức mạnh của riêng nó, chả vậy mà Chúa Giêsu đã đem so sánh nó với Thiên Chúa. Vì khi người ta thấy đồng tiền quá hữu dụng nên người ta lao theo nó và rồi coi nó như một ông chủ của đời mình. Nên hôm nay Chúa Giêsu mới dạy cho các môn đệ là không thể làm tôi hai chủ, cũng như không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền của được. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Tiền bạc là tên đầy tớ tốt nhưng lại là một ông chủ tồi”. Nếu người ta tôn sùng tiền của như ông chủ của đời mình thì lo dốc hết toàn sức lực để chạy theo nó, lo toan để chiếm hữu được nó, và một khi đã có nó rồi thì lại lo tìm cách gìn giữ bảo vệ nó. Mặc dù suốt đời lo lắng về nó nhưng khi đối diện với những bất trắc thì chưa chắc nó có lo nổi cho mình hay không! Thực tế cho thấy các ông to bà lớn lo cho mình có quyền cao chức trọng, lo vơ vét cho thật nhiều để rồi ông bí thư này đi bóc lịch, ông bộ trưởng kia đi biệt giam, ông giám đốc ngân hàng nọ bị án tử… và đi sâu xa hơn nữa khi con người đối diện với cái chết thì cho dù họ có cả núi tiền cũng không thể kéo dài sự sống thêm được một giây, có lo toan đến mấy thì tiền của cũng rời họ mà đi.
Tuy nhiên, đồng tiền nó có giá trị của riêng nó, sống mà không biết đến hoặc làm ra đồng tiền thì lại là một đời sống của cây tầm gửi, bám nhờ vào người khác. Nhưng đồng tiền nó chỉ có giá trị khi nó đóng vai một tên đầy tớ tốt, biết sở hữu đồng tiền cách minh bạch không tham lam, cũng như biết dùng nó để mưu ích cho đời sống của mình và tha nhân. Còn ai tôn sùng nó như ông chủ thì cả đời phải khổ vì nó, phải sống trong lo lắng mọi bề.
Hãy đặt đồng tiền vào đúng giá trị thật của nó chính là lúc người ta phần nào đáp lại tiếng mời gọi của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay “đừng lo lắng”; đừng lo lắng về của ăn, đừng lo lắng về áo mặc và đừng lo lắng về ngày mai. Hãy mang tất cả những gánh lo toan mà đặt vào bàn tay Thiên Chúa trong niềm tin yêu tín thác, vì Ngài là ông chủ nhất hạng luôn quan phòng đến cuộc sống của con người không chỉ ở đời này mà còn dẫn ta đến hưởng sự sống đời đời với Ngài.
Lạy Chúa, chỉ khi chúng con tin tưởng phó thác bám chặt vào Ngài, xác tín chỉ một mình Ngài làm chủ cuộc đời chúng con. Lúc đó chúng con mới thoát được những lo lắng đang bủa vây tứ phía giữa cuộc sống trần gian. Như Lời khôn ngoan đã dạy: “Hãy hết lòng tin tưởng vào Đức Chúa, chớ hề cậy dựa vào hiểu biết của con. Hãy nhận biết Người trong mọi đường đi nước bước, Người sẽ san bằng đường nẻo con đi.” (Cn 3,5-6). Cũng như nhà vịnh gia đã hát lên: ”Hãy trút nhẹ gánh lo vào tay Chúa, Người sẽ đỡ đần cho, chẳng để chính nhân phải nghiêng ngả bao giờ” (Tv 55,23). Amen.
ӷ