SUY NIỆM NGÀY TRONG TUẦN, TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN – LM M. Basilio Nguyễn Văn Phán

18/08/2024

THỨ HAI TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN – Mát-thêu 17,22-27

Nộp Thuế Cho Đền Thờ

Nộp thuế đó là việc bổn phận và có tinh thần trách nhiệm của người công dân. Chúng ta hỗ trợ chính phủ của mình bằng cách trung thành nộp thuế, ngay cả các loại thuế không chỉ đơn thuần dựa trên đức công bằng. Chúng ta vẫn hỗ trợ và giúp đỡ Giáo hội về mặt tài chính bằng nhiều cách như cho một số tiền nhất định trong thu nhập của mình, tiền xin lễ nhiều hơn những quy định, giúp quyên góp từ các gia đình khá giả hoặc bằng cách đóng tiền thập phân và ủng hộ. Một số người thì giúp bằng cách phục vụ những công việc chung miễn phí hoặc chi trả cho một khoản phí tối thiểu và có người đóng góp bằng cách dạy giáo lý miễn phí và v.v… Nhưng đối với việc Chúa Giêsu bị đòi nộp thuế thì không thích đáng, vì Ngài là Con Thiên Chúa và Đền thờ thì thuộc về Ngài. Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu chấp nhận trả thuế đền thờ, không phải là bổn phận hay nghĩa vụ của một công dân mà vì Ngài không muốn gây cớ cho người ta vấp phạm hay đúng hơn là vì đức ái.

Thời đó, chính phủ La Mã áp đặt cho người Do Thái bốn loại thuế khác nhau: thuế đất, thuế bầu cử và thuế đối với tài sản cá nhân, hải quan xuất nhập khẩu tại cảng biển và cổng thành phố, và ở Giê-ru-sa-lem là thuế nhà.

Ngoài bốn loại thuế này, người dân cũng bị buộc nộp thuế hàng năm cho đền thờ. Bởi vì đền thờ là một nơi đắt đỏ để vận hành. Việc dâng cúng của du khách cho đền thờ thì dao động, vì vậy thuế này cho phép nhằm bảo đảm đời sống cho các tư tế. Thế nên việc nộp thuế cho đền thờ là một bổn phận của người tín hữu (x. Mat 17,24). Và tất cả những người đàn ông Do Thái trên hai mươi tuổi được yêu cầu phải trả một khoản tiền hàng năm là ‘hai chỉ bạc’ để hỗ trợ cho việc thờ phượng Chúa trong Đền thờ Giê-ru-sa-lem (Xh 30,11-16). Đây không phải là một sự tự nguyện mà là bắt buộc ngay cả đối với những người không sống ở Palestine.

Việc nộp thuế cho đền thờ nói lên ba điều:

  1. Nộp thuế đền thờ giúp chúng ta duy trì đền thờ hoặc Giáo hội. Nhưng nó cũng có một mục đích sâu sắc hơn. Để nộp thuế ngụ ý đệ trình lên, phục tùng một cơ quan cao hơn. Trong trường hợp thuế đền thờ, nó nói lên không chỉ phục tùng Thiên Chúa mà còn chỉ ra rằng con người thấp kém hơn Thiên Chúa. Đền thờ được xem là hiện thân cho Do Thái giáo và sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa họ. Thế nên, thuế đền thờ được coi là một hành động tôn trọng và công bằng đối với uy quyền của Thiên Chúa. Ngoài ra, ngôi đền không chỉ là ngôi nhà của Chúa Cha, mà trên bình diện tâm linh, đền thờ còn là thân thể của Chúa Ki-tô. Ngày nay, Giáo hội tượng trưng cho Đền Thờ Mới được sinh ra từ dòng máu của Chúa Ki-tô. Vì vậy, Thánh Phao-lô kêu gọi chúng ta hãy yêu mến Giáo hội. Vậy nên hành động Chúa Giêsu nộp thuế cho đền thờ, không phải vì nghĩa vụ mà vì tình yêu.
  2. Để tránh làm gai mắt họ. Quả thật, Chúa Giêsu không bắt buộc phải trả thuế đền thờ. Tin Mừng tuyên bố rằng vì để tránh làm gai mắt họ, Chúa Giêsu hướng dẫn Phê-rô trả thuế theo yêu cầu. Trong việc trả thuế, Chúa Ki-tô dạy cho các môn đệ của mình một bài học rất quan trọng: tránh những gì có thể gây ra cớ cho người khác. Ngài biết rằng nếu không đóng thuế thì có thể bị người ta hiểu hành động đó như là một dấu hiệu của sự thiếu tôn trọng đối với Thiên Chúa. Ngài tránh gây ra một vụ gây sốc dư luận cho công chúng bằng cách trả thuế ngay cả khi là Con Thiên Chúa, và là một chủ thể của đền thờ, không cần phải nộp thuế. Đây chắc chắn là một bài học quan trọng cho bất kỳ người tín hữu nào. Có rất nhiều điều mà chúng ta có thể làm, nó không sai theo bản thân ta, nhưng có thể dễ dàng gây sốc cho người khác. Đức ái mời gọi chúng ta luôn cố gắng để sửa đổi người khác bằng cách sống của mình.
  3. Phải làm việc chăm chỉ. Cũng có nghĩa không ở đó chờ đợi một phép màu bởi vì chúng ta có các khoản thuế phải nộp. Chúng ta đừng chỉ cầu nguyện, lần chuỗi Mân côi và tổ chức cầu nguyện đặc biệt nhằm xin phép lạ để mình có thể trả được nợ. Chúng ta đừng chờ đợi rằng cá sẽ nhẩy vào trong lồng của mình, nhưng hãy làm việc chăm chỉ như Chúa Giêsu dạy Phê-rô phải đi thả câu mới có tiền nộp thuế.

Xin Chúa giúp chúng con ý thức được việc cần phải làm để chu toàn nghĩa vụ và bổn phận. Cũng như những việc khác liên quan đến đức ái phải được ưu tiên để không làm cớ cho người khác vấp phạm mà xa rời đức tin hay xúc phạm đến Thiên Chúa. Amen.

ӷ

 

 

THỨ BA TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN – Mát-thêu 18,1-5.10.12-14

Người Lớn Nhất Trong Nước Trời

 

Hôm nay, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời. Chúa Giêsu dùng một đứa trẻ và nói rằng: trừ khi chúng ta trở nên như một đứa trẻ này, chúng ta sẽ không được vào Nước Trời.

Trên thực tế đây là một câu hỏi về mục đích những gì mà con người nhằm tới.

William Barclay, trong bài chú giải về đoạn Phúc Âm này nói rằng, nếu một người nhắm đến việc thực hiện tham vọng cá nhân, giành lấy quyền lực cá nhân, thụ hưởng uy tín cá nhân, tôn vinh bản thân, anh ta đang thực sự nhắm vào điều ngược lại Triều Đại Nước Trời. Trở thành một công dân của Nước Trời nghĩa là hoàn toàn quên đi bản thân, xóa sạch bản thân, sử dụng bản thân trong cuộc sống nhằm mục đích phục vụ chứ không phải quyền lực. Khi nào một người coi bản thân mình là điều quan trọng nhất trên thế gian, anh ta đang quay lưng về Thiên Quốc; Nếu anh ta muốn đến Thiên Quốc, anh ta phải xoay chiều và quay mặt về hướng ngược lại.

Chúa Giêsu thực sự dạy chúng ta hai điều về việc trở nên giống như những trẻ nhỏ, cũng có nghĩa trở thành lớn nhất trong Nước Thiên Chúa.

Trước tiên, chúng ta phải bắt chước trẻ em. Vì có nhiều đặc điểm đáng yêu ở một đứa trẻ như: sức mạnh kỳ diệu; sức mạnh để tha thứ và quên đi, ngay cả khi người lớn và cha mẹ đối xử với chúng một cách bất công như họ vẫn thường làm; chúng vẫn giữ được sự hồn nhiên, khiêm tốn và tin tưởng. Cũng theo William Barclay nơi những đứa trẻ có ba phẩm chất tuyệt vời khiến nó trở thành biểu tượng của những người là công dân của Nước Trời:

  • Sự khiêm tốn của trẻ con. Một đứa trẻ không muốn đẩy mình về phía trước hoặc muốn nổi bật nhưng bị che khuất và mờ dần vào hậu trường. Chỉ khi nó lớn lên, sự khiêm tốn theo bản năng của nó bị bỏ lại phía
  • Sự phụ thuộc của trẻ con. Trong tự nhiên một đứa trẻ bị lệ thuộc. Đối với một đứa trẻ, không bao giờ có thể đối mặt với cuộc sống một mình. Nó phụ thuộc vào những người yêu thương và chăm sóc. Cũng vậy, nếu chấp nhận một thực tế rằng chúng ta phụ thuộc vào Chúa, thì một sức mạnh mới và một sự bình an mới sẽ đi vào cuộc sống của chúng
  • Tín thác của trẻ em. Một đứa trẻ sống phụ thuộc nên tín thác vào cha mẹ của mình, mọi nhu cầu của nó sẽ được đáp ứng. Khi còn là trẻ em, chúng ta không thể mua thức ăn hay quần áo cho riêng mình, hoặc bảo trì nhà riêng của mình; thế nhưng, đứa trẻ chẳng bao giờ nghi ngờ rằng nó sẽ được mặc quần áo và cho ăn, và sẽ có nơi trú ẩn ấm áp và thoải mái chờ đợi khi nó trở về nhà. Khi có một cuộc xuất hành, những đứa trẻ không có tiền để mua vé, và không biết làm thế nào để đi đến cuối hành trình của mình, nhưng không bao giờ nghi ngờ rằng cha mẹ sẽ đưa chúng đến nơi an toàn.

Bài học khiêm nhường của một đứa trẻ là khuôn mẫu cho hành vi của chúng ta, trong mối liên hệ giữa các Ki-tô hữu với nhau, và sự phụ thuộc, tín thác của đứa trẻ là mẫu mực cho thái độ của chúng ta đối với Thiên Chúa, Cha của tất cả.

Thứ hai, chúng ta phải trở nên giống như trẻ em. Sẵn sàng lệ thuộc vào Thiên Chúa. Như trẻ em tín thác vào cha mẹ, chúng ta hãy hạ mình và tin tưởng vào Chúa, cũng như tin tưởng lẫn nhau. Đây không phải là công việc dễ làm đối với những người tự cho mình là lớn, là trưởng thành là hơn người khác. Đây là một việc làm vô cùng anh hùng và có sự hiểu biết chiêm niệm thẳm sâu của những ai hằng suy niệm Lời Chúa và gương sống của Ngài. Vì phận một vị Thiên Chúa, Ngài đã huỷ mình ra không để mặc lấy thân xác thấp hèn của con người, rồi chấp nhận làm vật hiến tế để người ta sỉ nhục, đánh đập và giết đi, đóng đinh vào thập giá. Đó chính là con đường hiền lành và khiêm nhường trong lòng mà Chúa Giêsu đã trải qua và kêu gọi ta bước theo Ngài. (x. Mt 11,29).

Lạy Chúa, Ngài muốn chúng con trở nên như trẻ nhỏ trước mắt Ngài. Với những đứa nhỏ thì đó là bản tính tự nhiên của chúng: đơn sơ, tin tưởng, phó thác và hồn nhiên. Còn Chúa biết rõ, với chúng con là một sự can đảm và từ bỏ chính mình, huỷ mình ra không. Xin giúp chúng con biết luôn nhìn lên Chúa trên thập giá để chúng con biết trở nên trẻ thơ mỗi ngày trong tay Ngài. Amen.

ӷ

 

 

THỨ TƯ TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN – Mát-thêu 18,15-20

Sửa Lỗi Người Anh Em

 

Tại nhà thờ Grace Lutheran ở Atlanta, Georgia, Hoa Kỳ, các tín hữu hàng năm ăn mừng kết thúc năm cũ và bắt đầu một năm mới qua hành động gọi là “đốt cháy”. Họ viết những thất bại và sai lầm, hận thù và ý hướng xấu. Ngoài ra, họ cũng viết những thay đổi sẽ được thực hiện trong năm mới. Rồi sau đó thả tờ giấy vào một cái vạc lửa đang cháy. Một năm nọ, có hai người đàn ông đã từng là bạn, nhưng họ đã cãi nhau vì một xích mích không thỏa thuận trong kinh doanh, họ đứng cạnh nhau bên bàn thờ. Sau khi thả tờ giấy của họ vào vạc lửa, họ đứng dậy, đối diện với nhau và bắt tay nhau.

Đặc tính của cộng đồng Ki-tô giáo chủ yếu nơi trái tim. Đây không phải là vấn đề then chốt của các cơ cấu cụ thể. Trên hết, tất cả những câu trả lời của Chúa Ki-tô được gọi là sự phụ thuộc lẫn nhau, yêu thương và được yêu thương, tha thứ và được tha thứ, phục vụ và được phục vụ, cho và nhận. Từ những sự tương tác này, chúng ta có thể làm những gì Chúa Giêsu yêu cầu trong Tin Mừng hôm nay: đó là việc hòa giải, đây không phải là một việc dễ làm, nó là một quá trình hòa giải mà Chúa Giêsu đã gợi ý bao gồm bốn bước:

Đầu tiên là nói chuyện với người đã phạm tội cách riêng lẻ giữa hai người. Dùng lời nói của một trái tim đầy yêu thương để nói chuyện với tội nhân.

Nếu họ không chấp nhận, chuyển sang bước thứ hai là nói chuyện với tội nhân trước sự chứng kiến của một hoặc hai chứng nhân khác. Để mọi việc được khách quan và sức thuyết phục của nhiều người.

Nếu họ không chịu hoán cải, thì dùng đến bước thứ ba là mang họ đến Hội Thánh từ những ý kiến của những người có thế giá và cũng là công khai nơi cộng đồng.

Nếu họ vẫn không nghe, thì hãy dùng đến bước thứ tư là kể họ như một người ngoại hay phường tội lỗi, tách lìa khỏi cộng đồng.

Nhưng trên thực tế, bước đầu tiên cũng đã có thể hòa giải vấn đề của tội nhân; đã có sự hòa giải xảy ra giữa người phạm tội và bên bị xúc phạm. Vấn đề ở đây, Chúa Giêsu gợi ý các bước hòa giải, vì dường như người ta thích dùng bước cuối cùng là giải pháp trước hết, thay vì áp dụng từng bước cách tiệm tiến.

Nếu chúng ta thực hiện thứ tự các bước này thì vấn đề có thể được làm rõ, và hiểu tận tường hơn sự kiện giữa đôi bên. Kinh nghiệm của cuộc sống dạy chúng ta rằng, nhiều khi chúng ta nói ra với người làm tổn thương mình, chúng ta được giải thoát, tổn thương trở nên ít đau đớn hơn và chúng ta bắt đầu hiểu sự việc trong một ánh sáng mới.

Thánh Clement của Alexandria đã nói: “Vì lợi ích của mỗi người chúng ta, Ngài đã hy sinh mạng sống của mình, đáng giá không kém gì vũ trụ. Ngài đòi chúng ta phải hy sinh mạng sống vì lợi ích của nhau.”

Lạy Chúa, chúng con đã hay làm tổn thương nhau, hay tạo cho nhau những vết thương trong cuộc đời, nhưng bản tính chúng con thích loại trừ hơn là muốn được hoà giải. Vì hoà giải không dễ dàng như chia lìa, nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và khao khát chữa lành hơn là huỷ diệt, nó có sức đem chúng con đến gần nhau và đến gần Chúa hơn. Xin giúp chúng con ý thức giá trị của hoà giải là điều kiện cần thiết để chúng con có thể đến với Chúa và để đón nhận ơn cứu độ. Như vậy chúng con mới có đủ can đảm để đối mặt với người khác với công việc tiệm tiến của tiến trình hoà giải mà Chúa đã dạy chúng con thực hiện. Amen.

ӷ

 

 

THỨ NĂM TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN – Mát-thêu 18,21-19,1

Dụ Ngôn Đầy Tớ Không Tha Thứ

 

Khi chúng ta nói về tội phạm, tội phạm liên quan đến hai người, tội phạm và nạn nhân. Khi chúng ta phạm tội, cũng có hai người liên quan, người phạm tội và bên bị xúc phạm. Và tội lỗi thì ai cũng cần được tha thứ.

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với chúng ta về mức độ thường xuyên của sự tha thứ. Thánh Phê-rô gợi ý là tha tới bảy lần, điều này đã đi xa hơn tâm thức của người Do Thái, rằng họ chỉ được phép tha thứ ba lần, không thể quá tam. Khi hỏi Chúa điều này, Thánh Phê-rô đã nghĩ có thể bảy lần là quá đủ. Nhưng Chúa Giêsu nói: “Không chỉ bảy lần mà bảy mươi lần bảy.” Nói cách khác, tha thứ là không giới hạn. Dụ ngôn hôm nay trình bày cho chúng ta lý do tại sao các Ki-tô hữu nên thực hành sự tha thứ vô hạn. Vì đây chính là những gì Thiên Chúa cũng đang đối sử với chúng ta. Ngài không bao giờ từ chối tha thứ mỗi khi chúng ta thành khẩn cầu xin sự tha thứ từ Ngài. Vì tất cả chúng ta đều là tội nhân, là con nợ vô hạn đối với Thiên Chúa. Không có cách nào tốt hơn việc chúng ta có thể trả nợ cho Chúa là tha thứ cho người khác.

Nếu cuộc sống là một trò chơi, đây là những quy tắc, có bốn loại quy tắc về tha thứ:

Đầu tiên là sự tha thứ cho chính mình: Rằng chúng ta phải thương xót với chính mình, cần làm điều tốt nhất trong hoàn cảnh chúng ta có thể; sửa đổi sau đó giải phóng tình trạng bế tắc. Cần xin ơn tha thứ và chữa lành từ Thiên Chúa.

Thứ hai là sự tha thứ cho người khác: Khi tha thứ cho ai đó vì một hành vi sai phạm, điều cần thiết là xác minh động lực chi phối hành vi của họ, điều này có thể giúp ta nhận ra lý do tại sao người đó làm như vậy; ta sẽ dễ dàng thể hiện lòng trắc ẩn nơi người khác khi thấu hiểu về họ hơn.

Thứ ba là sự tha thứ nhằm thăng tiến bản thân: Nghĩa là cho những vi phạm nghiêm trọng các giá trị và đạo đức của chính mình, bằng cách tìm để hiểu tại sao mình lại làm điều đó; sửa đổi và tìm hiểu tận gốc rễ trong thâm tâm của mình để loại bỏ nó.

Thứ tư là sự tha thứ nâng cao người khác: khi chúng ta đã bị người khác làm tổn thương đến mức độ mà sự tha thứ dường như là không thể! Hãy nhìn lên Chúa Giêsu Ki-tô và cầu xin sức mạnh từ Ngài, Đấng không chỉ tha thứ cho các tội nhân, cho những kẻ xúc phạm đến Ngài mà còn nâng họ nên hàng con cái Thiên Chúa và làm Thánh.

Tuy nhiên, để cuộc hoà giải được trọn vẹn, Tin Mừng hôm nay cũng đòi hỏi thiện chí của cả hai bên: Người phạm tội cần thành tâm thú nhận thực sự về tội lỗi của mình. Không tỏ ra thiếu thành ý như: “Tôi nghĩ rằng,” rồi “Vì… bạo biện nhiều lý do”. Vẫn biết nói sự thật về tội lỗi của mình có thể làm cho ta đau khổ và hổ thẹn, nhưng chỉ khi ý thức về trách nhiệm và tội lỗi của mình, chỉ khi nói sự thật thì lương tâm ta mới đón nhận được sự tha thứ thực sự. Đó là căn nguyên của việc được tha thứ. Mặt khác, phía bị xúc phạm phải luôn luôn có lòng thương xót, từ bi, tha thứ và sẵn sàng ân xá. Tất cả chúng ta đã từng bị xúc phạm và chúng ta cũng đã từng xúc phạm tha nhân. Ta có thể tự vấn lương tâm; cái gì đã từng khiến chúng ta thành những kẻ phạm tội, từ đó dễ bao dung hơn với tha nhân.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con dễ dàng tha thứ như Chúa đã tha thứ cho chúng con. Và xin giúp chúng con cũng biết thành tâm sám hối thực lòng về những lầm lỗi yếu đuối của mình khi xúc phạm đến Chúa và đến mọi người, để chúng con thực sự được đón nhận ơn tha thứ và đời sống vĩnh cửu. Amen.

ӷ

 

 

THỨ SÁU TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN – Mát-thêu 19,3-12

Hôn Nhân Và Ly Dị

 

Chúa Giêsu trong Phúc âm hôm nay trả lời câu hỏi về hôn nhân rất khôn ngoan. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng hôn nhân là một điều gì đó thiêng liêng. Đó là sự kết hợp giữa người nam và người nữ yêu nhau, được Chúa chúc phúc ngay từ nguyên thủy. Ý định của Thiên Chúa về hôn nhân là sự liên kết vĩnh viễn. Thế nên tốt nhất là hai vợ chồng sống với nhau phải cố gắng giải quyết những vấn đề và khó khăn khác biệt đôi khi xảy ra. Nói cách khác, ly dị và ly thân không phải là giải pháp tốt, không nằm trong ngôn ngữ của Thiên Chúa. Lý do tại sao Chúa Giêsu lên án ly dị, vì hôn nhân Ki-tô giáo là một biểu hiện của con người về tình yêu Thiên Chúa dành cho dân của Ngài.

Trong trường hợp của người Do Thái, họ không coi nhẹ hôn nhân. Họ không ủng hộ việc ly dị vì đó là điều Thiên Chúa ghét (Ml 2,16). Không có quốc gia nào có quan điểm về hôn nhân cao hơn người Do Thái. Hôn nhân là một nghĩa vụ thiêng liêng. Ai chưa lập gia đình sau hai mươi tuổi, ngoại trừ để tập trung vào việc nghiên cứu Luật, (nghĩa là nghiên cứu Kinh Thánh) người đó phá vỡ một điều răn “Hãy sinh sôi thật nhiều hoa trái”. Tuy nhiên, có một cuộc thảo luận giữa các giáo sĩ về căn cứ cho việc ly hôn. Trường phái tự do của Hillel cho phép ly dị vì bất kỳ lý do gì, ngay cả những lý do tầm thường nhất như: nếu cô ấy làm hỏng bữa tối của anh ta, nếu cô ấy nói nhảm, hoặc đi với mái tóc xõa không gọn gàng, hoặc nói chuyện với đàn ông trên đường phố, nếu cô ấy nói năng cách thiếu tôn trọng cha mẹ chồng trước mặt anh ta, nếu cô ấy đang cãi nhau to tiếng mà nhà bên cạnh có thể nghe thấy.

Trường phái nghiêm ngặt của Shammai chỉ cho phép ly hôn khi người phụ nữ ngoại tình.

Đó là lý do tại sao người Pha-ri-sêu muốn thử thách Chúa Giêsu, nếu Ngài chống lại hoặc cho phép ly dị. Họ làm điều đó bằng cách trích dẫn lời dạy của Môi-sê để cài bẫy Chúa Giêsu rằng Ngài đã tuyên bố công khai khước từ giáo huấn này của Môi-sê. Chúa Giêsu trả lời họ bằng cách trích dẫn giáo huấn vượt trội và trên cả giáo huấn của Môi-sê. Luật của Thiên Chúa từ thời khởi nguyên không có chuyện ly dị. Chúa Giêsu tiếp tục cho biết rằng Môi-sê cho phép ly dị (Đnl 24,1) chỉ với mục đích kiểm soát hậu quả của tội lỗi và sự ‘lòng chai dạ đá’ của dân. Mặt khác ta thấy theo cách ly dị mà luật Mô-sê cho phép thì phẩm giá của một người phụ nữ bị giáng xuống chỉ ngang bằng với một đồ vật trong nhà, chỉ là một thứ tài sản của người đàn ông, không hơn không kém.

Thời nay, nhiều người muốn đề nghị Giáo Hội cho phép ly dị vì có quá nhiều vấn đề gia đình không thể giải quyết. Nó chỉ có thể được giải quyết thông qua ly hôn. Giáo hội nhìn thấy vấn đề và giúp đỡ hết mức có thể thông qua quá trình tiêu hôn. Nhưng tại sao người ta lại thích tập trung rất nhiều vào giải pháp ly hôn, theo kiểu một số nhà lập pháp ngoài xã hội đã làm? Tiến sĩ bác sĩ George Crane, giám đốc chuyên khoa lâm sàng, trên các tờ báo khắp Bắc Mỹ, đã cho một kết quả nghiên cứu của ông cho thấy việc ly hôn không phải là giải pháp duy nhất để gải quyết vấn đề hôn nhân gia đình như sau: “Rằng khi các cặp vợ chồng kết hôn đang sinh hoạt cùng nhau trong cùng một tôn giáo, họ có cơ hội tránh ly dị cao hơn khoảng 50 lần; và chỉ có 1/500 cuộc hôn nhân tan vỡ nếu họ lập bàn thờ trong gia đình và cầu nguyện với nhau… 9/10 của cả hai người nam và người nữ đều ưu tiên tối đa trong cuộc sống cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc.”42

Vì vậy, điều quan trọng đối với các cặp vợ chồng là sự chung thủy, đây là điều mà Chúa Giêsu dành rất nhiều sự nhấn mạnh. Để chung thuỷ đòi hỏi các cặp vợ chồng phải giữ kỷ luật chặt chẽ và ý muốn của Thiên Chúa. Nếu họ thực hiện điều này, chắc chắn kết quả là vô số phúc lành trong cuộc sống hôn nhân của họ. Thiên Chúa là Đấng thuỷ chung nên Ngài yêu thích sự chung thuỷ, Ngài đã dựng nên và cho kết hợp giữa người nam và người nữ nên một gia đình, để phản chiếu lại hình ảnh tình yêu và sự chung thuỷ của Ngài nơi thế trần. Đó cũng là sứ mạng của những gia đình Ki-tô giáo.

Lạy Chúa, Ngài luôn quan tâm đến hạnh phúc của con người, đặc biệt trong đời sống hôn nhân và gia đình, Ngài biết rõ những khó khăn và thăng trầm trong đời sống đó, nhưng Ngài muốn ban cho họ những hạnh phúc lớn lao hơn khi họ biết thực sự sống yêu thương và tha thứ, biết bao dung và chấp nhận nhau, để Ngài ân thưởng không chỉ hạnh phúc chóng qua ở đời này mà là hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài muôn đời. Xin cho những người sống trong bậc gia đình luôn biết kết hợp với Thiên Chúa để họ có thể chung thuỷ với nhau và cùng nhau đạt được hạnh phúc muôn đời. Amen.

ӷ

 

 

THỨ BẢY TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN – Mát-thêu 19,13-15

Phước Lành Của Trẻ Em

 

George Mac Donald (1824-1905), tác giả nổi tiếng của Scotland về sách thiếu nhi, thường nói rằng người ta không thể là tín đồ của Chúa Giêsu nếu bọn trẻ sợ chơi ở cửa nhà họ.

Cụ thể, có vị linh mục đã đến thăm một gia đình trong giáo xứ của mình, kể lại rằng, người mẹ và người cha thường khá ngại ngùng khi ngài hiện diện, nhưng con cái họ luôn hành động tự nhiên và cho ngài một cảm giác được chào đón. Đáng buồn thay, hành vi của những đứa trẻ dường như không được chấp nhận dưới con mắt của cha mẹ và họ thường cảnh báo chúng: đôi khi người cha tỏ vẻ giận dữ. Vị linh mục hay nói đùa rằng: “Người Cha, sẽ không bao giờ nổi giận!” ngài nói thế với những đứa trẻ nhằm để nhắc khéo cha mẹ, nhưng những lời nói của ngài dường như chưa bao giờ có tác dụng với họ.

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ đang ngăn cản trẻ em đến gần Ngài: “Hãy để trẻ em đến với ta và đừng ngăn cản chúng; vì Nước Trời thuộc về những kẻ giống như chúng.”

Trong phúc âm đôi khi ta thấy Chúa Giêsu nổi giận, nhưng Ngài chắc chắn không nổi giận với trẻ em hoặc với những người đang mang chúng đến với Ngài. Ngài khó chịu với các môn đệ của mình, điều này không thường xuyên xẩy ra nơi Chúa Giêsu. Không còn nghi ngờ gì nữa, các môn đệ muốn che chở Chúa Giêsu khỏi sự phiền toái, ồn ào của những đứa trẻ.

Đối với xã hội Do Thái lúc bấy giờ, trẻ em là một thành phần không đáng kể đến. Chúng không có quyền lợi trong xã hội, không có quyền để phát biểu. Nhưng Chúa Giêsu đã dành cho trẻ em một vị thế quan trọng cùng với phúc lành của Ngài. Ngài muốn cho các môn đệ thấy rằng, tình yêu Thiên Chúa có nhiều chỗ cho mọi người kể cả trẻ em. Không ai là không quan trọng với Thiên Chúa. Thậm chí những trẻ em còn được đề cao như những hình mẫu của Nước Trời. Trẻ em được Ngài nêu ra như những tấm gương về cách đón nhận Tin Mừng, đón nhận tình yêu từ Thiên Chúa với thái độ cởi mở, đơn giản và khiêm tốn.

Thông qua hành động của Ngài, Chúa Giêsu cũng đang dạy cho tất cả chúng ta về giá trị tinh thần trẻ thơ. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải trẻ con hóa trong tương quan với mọi người. nhưng chúng ta phải có tinh thần giống trẻ thơ trong mối quan hệ với Thiên Chúa để có thể tiếp cận với Ngài bằng đức tin và sự can đảm. Biết nhìn nhận Thiên Chúa là người Cha yêu dấu nhất của mình, hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu của Ngài. Như trẻ thơ, không tự lừa dối bản thân hay ỷ lại vào căn bệnh thành tích.

Một phẩm chất khác của trẻ thơ mà chúng ta có thể bắt chước là sự tin tưởng của chúng. Trẻ em luôn tín thác, Chúng phụ thuộc vào cha mẹ và những người lớn khác để sinh tồn. Ngay cả một đứa trẻ bị lạm dụng cũng sẽ tin tưởng cha mẹ của mình trong một thời gian trước khi phát triển. Và cũng vậy, những người tin cậy vào Thiên Chúa là những người có thể tin cậy được.

Cuối cùng, chúng ta cùng suy gẫm về sự tín thác, và nhìn lại xem tôi đang tin tưởng vào điều gì?:

Tin tưởng vào bản thân và sẽ đi đến cam chịu, thất vọng. Tin tưởng vào bạn bè và họ sẽ chết và rời đi.

Tin tưởng vào tiền và nó có thể bị lấy cắp.

Tin tưởng vào danh tiếng và một số miệng lưỡi vu khống có thể làm nổ tung nó.

Nhưng tin tưởng vào Thiên Chúa và chúng ta sẽ không bao giờ bị thất vọng trong hiện tại hay vĩnh cửu.

Lạy Chúa, xin dạy con biết đến với Chúa như trẻ thơ đến với cha mẹ mình, và biết giữ gìn tinh thần trẻ thơ đó để luôn biết tin yêu và tín thác vào Ngài bây giờ và mãi mãi. Amen.

ӷ


Liên quan khác