Bài giảng Chúa Nhật XXIII Thường Niên C, Mt 18,15-20
Kính thưa cộng đoàn, chủ đề của phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật 23 TN năm A hôm nay là việc sửa lỗi trong cộng đoàn. Chúng ta biết cộng đoàn mà Thiên Chúa muốn xây dựng là một Gia Đình trong đó có Thiên Chúa là Cha và mọi người là ACE của nhau, như Đức Phanxico nói trong thông điệp Fratelli Tutti (Tình Huynh Đệ và Tình Thân Hữu XH). Đó là một Gia Đình lý tưởng, nhưng lại bao gồm những con người bất toàn, bất toàn nhưng không chán nản, khiếm khuyết nhưng không ngừng vươn tới lý tưởng tình huynh đệ đại đồng. Thưa cộng đoàn, để dễ nhớ, con xin chia sẻ với 3 chữ “T”: Trách nhiệm, Tôn trọng và Thương yêu.
Trách nhiệm, nói đến trách nhiệm, ta hãy nghe Chúa nói cho ngôn sứ Edekien qua BĐ 1 hôm nay (Ed 33,7-9). Đức Chúa phán: “Hỡi con người, Ta đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Israel… Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng…chắc chắn nó phải chết, mà ngươi không chịu cảnh báo nó, … thì nó sẽ chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Còn nếu ngươi cảnh báo nó nhưng nó không hoán cải, thì nó sẽ chết vì tội của nó, còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.” ACE thân mến, Lời Chúa cho thấy, mỗi thành viên trong CĐ có trách nhiệm trong việc sửa lỗi ACE mình, nếu ta không làm, ta sẽ mắc lỗi, và Chúa sẽ đòi nợ máu của những kẻ biết sự thật mà không dám nói để cảnh giác ACE mình.
Nhưng phải sửa lỗi thế nào? Thưa, phải sửa lỗi trong sự tôn trọng. Nói đến tôn trọng con nhớ đến công thức tuyên thệ mà đôi bạn trẻ nói cho nhau trong nghi thức hôn phối Công Giáo: “Tôi là… hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh) khi thịnh vượng…Để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời tôi.” Nếu như trong Hôn nhân đòi phải có tôn trọng, thì trong sửa lỗi cũng thế. Với sự tôn trọng người anh em, chúng ta sẽ kiên nhẫn và khôn khéo trong việc góp ý. Trước tiên phải can đảm gặp riêng người đó như Chúa nói “Một mình anh với nó mà thôi.” Nếu không thành công thì mới kéo thêm người thứ hai. Nếu không được thì mới đưa ra cộng đoàn Hội Thánh. Nhưng dù “nội vụ” có đưa ra công khai thì cũng trong sự tôn trọng phẩm giá người đó, phải rất tế nhị và khôn khéo, đừng để người đó bị mất mặt, kẻo: “Lợn lành chữa lợn què” (tức là không giúp họ hoán cải, mà còn làm họ ngoan cố thêm).
Ý tưởng thứ 3 là thương yêu. Dù chúng ta có góp ý với hết trách nhiệm, dù ta có sửa lỗi một cách hết sức tôn trọng, nhưng chưa chắc đã thành công, lúc đó ta lại phải trở về với nguyên lý tối thượng là đức thương yêu. Như thánh Phao-lô nói cho tín hữu Colose chương 3 câu 14, “Trên hết mọi đức tính, anh em hãy có đức thương yêu: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.” Hay trong BĐ2 hôm nay thánh Phao-lô nói với người Rôma: “Mọi điều răn đều tóm trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy.” Nhưng tình yêu con người không thể tách rời khỏi TY Thiên Chúa được. Vì nếu không có TYTC làm khuôn mẫu, động lực và cứu cánh cho cách hành xử của chúng ta, thì sớm muộn TY con người sẽ đi đến việc “Ăn miếng trả miếng”, tìm cách trả thù chứ không thể tha thứ cho nhau được. Sở dĩ việc sửa lỗi không thành công, là bởi hối nhân không nhận ra CĐ thật sự yêu mình, thật sự muốn hối nhân được tha thứ và tự nguyện sửa chữa theo nguyên lý của TY. Nhưng làm sao để có được TY như Thiên Chúa? Thưa phải cầu nguyện, không những một người cầu nguyện mà cả CĐ cầu nguyện. Cầu nguyện trong sự đồng tâm nhất trí, cầu nguyện để có sự đồng tâm nhất trí, cầu nguyện để có được trái tim của Thiên Chúa. Cầu nguyện nhân danh Đức Giê-su và dõi theo gương Đức Giê-su, vì chính Ngài đã nói: “Ở đâu có 2-3 người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” Chính khi CĐ đồng tâm nhất trí cầu nguyện nhân danh Đức Giê-su, điều đó minh chứng việc sửa lỗi của họ diễn ra hoàn toàn vì lòng mến Chúa Kito, và nếu tất cả đều đặt Chúa Kito lên trên, thì việc sửa chữa thật dễ dàng.
Để kết thúc, con xin nêu lên chứng từ của một gia đình người Balan mà đtc Phanxico sẽ phong thánh ngay chiều hôm nay. Ông bà Joseph-Wictoria Ulma, họ có 6 đứa con từ 8 tuổi đến 1 tuổi rưỡi, lại có thêm đứa thứ 7 trong bụng được 7 tháng tuổi. Vào thời điểm họ bị Đức Quốc Xã bắn chết, đứa con sắp sinh cũng chết theo cha mẹ và 6 anh của nó. Đức Thánh Cha và hội đồng phong thánh đã tuyên bố, chính đứa bé 7 thánh tuổi này cũng là một vị thánh tử đạo, tuy cháu không được rửa tội bằng nước, nhưng cháu được rửa bằng máu, vì cả gia đình đã đồng tình cho 8 người Dothai ẩn trú tại nhà trong nhiều tháng trời, bất chấp lệnh cấm của Hittle. Sau nhiều thánh an toàn, bỗng 1 ngày phát xít Đức phát giác, và họ đã bị đem ra xử tử ngay lập tức, thế là cả 9 người đều bị bắn chết trong 1 ngày, đó là ngày 24-3-1944. Án phong chân phước gọi họ là “những người Samaria nhân lành ở Markowa (Balan)”, và gọi đây là cuộc “tử đạo vì bác ái.”
Vâng, yêu thương là thế đó, người ta không chỉ có trách nhiệm phải sửa lỗi cho nhau, người ta không chỉ tôn trong nhau trong cách sửa lỗi, mà người ta còn có thể dám hy sinh mạng sống mình và gia đình mình, để bảo vệ phẩm giá và mạng sống của người khác. Đúng như lời St. Paul nói: “Thương yêu là chu toàn Lề Luật vậy.”
Lm. Michael Khoa