SỐNG CANH THỨC LÀ SỐNG TÍCH CỰC New 

23/08/2022

Suy niệm thứ Năm tuần XXI TNC, Mt 24,42-51

 

SỐNG CANH THỨC LÀ SỐNG TÍCH CỰC

 

Kính thưa quý độc giả, mong chờ ai đó thì bất kể ngày giờ, bất kể hoàn cảnh đó là tâm trạng chỉ có thể tồn tại trong những người vì thương nhớ ai đó quá nhiều mà thôi. Lòng nhung nhớ khiến con tim thao thức, lòng người luôn mong chờ ngày hội ngộ. Nói một cách khác, cuộc sống này sẽ thiếu vẻ lãng mạn nếu chúng ta không còn nhớ thương, không còn sẵn sàng đón tiếp nhau trong những dịp hội ngộ hằng mong chờ. Cũng vậy, tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa sẽ chưa thật sự mặn nồng nếu chúng ta chưa khao khát gặp Chúa, chưa sẵn sàng đón tiếp Chúa thình lình đến viếng thăm chúng ta. Xin mời quý độc giả cùng con suy niệm về tâm tình sống canh thức là sống tích cực qua bài Tin Mừng hôm nay!

Thực tế, Chúa Giêsu ví cuộc viếng thăm của Người như kẻ trộm thình lình ghé đến nhà chúng ta. Phải chăng Chúa muốn lẻn lấy đi thứ gì đó trong nhà của chúng ta hay sao? Thưa không. Việc Chúa bất thình lình viếng thăm không nhằm đe doạ sự sống yên bình của chúng ta, nhưng nhằm thúc giục chúng ta tích cực phục vụ, trung thành với mọi huấn lệnh Chúa truyền. Để đón tiếp Chúa, chúng ta cần phải ra sức chuẩn bị: Đó là chuyên cần tích luỹ những của cải thiêng liêng, kiên trì thực hành lời Chúa dạy. Những của cải này không những nuôi dưỡng chúng ta mà còn mưu ích cho tha nhân khi họ cần đến chúng ta. Từ góc nhìn này, chúng ta nhận ra rằng Chúa muốn giúp chúng ta sống tự giác hơn, sống hăng say hơn. Quả thật, Sống với tâm tình canh thức, chờ mong Chúa đến viếng thăm, sẽ giúp chúng ta sống tích cực hơn.

Thật sự, người Kitô hữu không chờ đợi Thiên Chúa cách thụ động nhưng là tham gia các sinh hoạt đạo đức bác ái cách phong phú với mục đích để thánh hóa bản thân và làm vinh danh Chúa. Canh thức, theo nghĩa hẹp, gắn liền với những sinh hoạt thờ phượng Thiên Chúa từ sáng sớm đến lúc đêm khuya. Thật ra, các Kitô hữu ngày xưa cũng như hiện nay vẫn có những sinh hoạt canh thức vào những dịp lễ quan trọng như tối Thứ Năm Tuần Thánh, trước các lễ Vọng Phục Sinh, Giáng Sinh v.v.. Riêng đối với các tu sĩ, đan sĩ và giáo sĩ, thói quen thức dậy sớm đọc Kinh Thần Vụ mỗi ngày lại là một bổn phận thay mặt mọi người trong Giáo Hội nói lên tâm tình: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa” (Tv 62,2). Ngoài phụng vụ, tâm tình canh thức còn được người Kitô hữu sống cách phong phú xuyên qua các hoạt động đạo đức bác ái khác trong cuộc sống thường ngày. Còn hiểu theo nghĩa rộng thì canh thức là hoạt động trải dài suốt cả ngày lẫn đêm, trong mọi sinh hoạt và suốt cả cuộc đời. Theo nghĩa này, cầu nguyện và canh thức là đôi bạn cùng tiến về một hướng. Một con tim đang cầu nguyện là một con tim canh thức, bởi vì nó đang dành vị trí trang trọng nhất, ưu tiên nhất cho Chúa. Trong mọi sinh hoạt, nó luôn hướng về Chúa, tìm kiếm thánh ý Chúa. Những sự cố trong cuộc sống luôn có thể xảy ra như những vị khách lạ bất ngờ đến viếng thăm. Những vị khách lạ này có thể làm chúng ta thêm vất vả, đôi khi khiến cuộc sống của chúng ta bị đảo lộn. Dù vậy, tâm tình cần có trong việc canh thức luôn mời gọi chúng ta đón nhận những vị khách lạ như đón tiếp Chúa. Vì có khi qua họ Chúa muốn trao ban cho chúng ta món quà quý giá nào đó chăng!

Quý độc giả kính mến, để kết thúc bài suy niệm hôm nay, xin kể một câu chuyện quen thuộc sau đây: Vào một buổi sáng nọ, người ta thấy bác thợ rèn thức dậy từ rất sớm. Sau khi dọn dẹp cửa hàng sạch sẽ ngăn nắp, bác vào phòng khách ngồi đợi để đón chào vị khách quý là Chúa Giêsu mà đêm qua bác đã nằm mơ gặp gỡ Người và Người hứa sẽ đến thăm bác vào ngày hôm nay. Đột nhiên có tiếng gõ cửa cách gấp gáp. Bác thợ giày vui sướng vì nghĩ rằng không ngờ Chúa lại đến thăm mình ngay từ lúc sáng sớm như vậy. Nhưng khi mở cửa thì người đứng ngoài cửa không phải là Chúa Giêsu mà là ông đưa thư quen thuộc. Thấy mặt ông ấy bị tím tái do vừa đi dưới cơn mưa tuyết lạnh giá rét buốt. Bác liền mở rộng cửa mời ông đưa thư vào nhà ngồi bên lò sưởi ấm áp. Rồi bác đi pha một bình trà nóng mời ông ấy uống. Sau khi tiễn người đưa thư, bác thợ rèn tiếp tục ngồi chờ. Nhìn qua khung kính cửa sổ, bác thấy một bé gái khoảng bảy tuổi đang đứng khóc ngoài hè. Bác ra mở cửa gọi em vào nhà hỏi chuyện. Em cho biết đã đi vào rừng từ sáng sớm để kiếm ít củi về nấu nước xông giải cảm cho mẹ của em. Vì trời mưa tuyết trắng xóa khiến em không nhận ra đường về nhà đành đứng trước nhà bác ta. Nghe vậy, bác thợ rèn vội viết vài chữ dán ngoài cửa báo cho Chúa Giêsu biết mình vắng nhà đến chiều để đưa cô bé kia về nhà. Khi tìm thấy căn nhà của em và thấy mẹ em đang bị cảm lạnh run rẩy nằm trên giường, bác vội đi mời bác sĩ gần đó đến khám bệnh và cho toa thuốc, rồi bác đích thân đi mua thuốc cho người bệnh. Khi bệnh nhân đã tương đối hồi phục, bác mới trở về nhà thì đã quá nửa đêm. Bác chẳng thiết gì đến ăn uống, nằm vật ra giường ngủ say như chết. Trong giấc ngủ, một lần nữa bác lại nằm mơ được gặp Chúa Giêsu. Người vui vẻ nói với bác: “Ta cám ơn con hôm nay đã đón Ta vào nhà để sưởi ấm khi Ta bị lạnh cóng. Cám ơn con đã dẫn đường cho Ta về nhà, đã chăm sóc giúp Ta mau chóng bình phục. Vì mỗi khi con phục vụ những người nghèo khổ bệnh tật … là con đã phục vụ cho chính Ta đó” (x. Mt 25,40-42). Đó chính là sống canh thức là sống tích cực!

Tạ Ơn Chúa. Cám ơn Mẹ Maria và cám ơn quý độc giả.

Hilariô – Thiên Phước

 


Liên quan khác