NÉM ĐÁ

27/11/2018

BAN VAN: Người phụ nữ ngoại tình (Jn 8: 1-11)

(2) Vừa tảng sáng, Người trở lại Ðền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. (3) Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Ðức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, (4) rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. (5) Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (6) Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Ðức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. (7) Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. (8) Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. (9) Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Ðức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. (10) Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” (11) Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả”. Ðức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”

SUY NIEM:

Để hiểu được tính đột phá của câu chuyện Tin Mừng hôm nay, ta phải đặt mình vào trong bối cảnh văn hoá, xã hội, chính trị và tôn giáo của nó. Ta biết rằng vào thời Đức Giêsu, luật pháp cho phép hành quyết ai phạm tội ngoại tình. Người ta chấp nhận và coi nó là điều cần thiết để duy trì trật tự xã hội và tôn giáo. Ai không chấp nhận nó là chống lại chuẩn mực xã hội và tôn giáo. Chính trong bối cảnh này mà các luật sĩ và biệt phái đem người phụ nữ bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình đến trước mặt Đức Giêsu để thách thức lời dạy của Người về yêu thương và tha thứ.

Ở đây, Đức Giêsu không đưa ra ý kiến của mình về đạo luật này. Người không nói nó đúng hay sai. Thay vào đó, Đức Giêsu đơn giản chỉ cho họ thấy thực tại tâm hồn của họ: “Ai trong các người không có tội thì hãy ném đá cô ấy trước đi.” (Gioan 8:7) Bùm!!! Đơn giản nhưng quyết liệt!

Họ muốn Người giống như họ, nhưng Người lại muốn họ giống Thiên Chúa. Họ muốn Người phán xét kẻ khác giống như họ, nhưng Người lại muốn họ xét kỹ mình trước khi xét đoán kẻ khác. Họ muốn Người ra án chết cho chị ấy thì Người lại dẫn họ vào một cuộc hồi tâm. Họ muốn Người cầm đá ném chết tội nhân thì lời Người lại trở thành một viên đá ném thẳng vào lương tâm của họ. Họ muốn Người giết chết chị ấy, nhưng Người lại muốn cứu sống không những chị ấy mà tất cả họ nữa. Họ muốn Người chỉ nhìn bằng lăng kính của họ thì Người lại đòi họ phải nhìn bằng đôi mắt của Thiên Chúa tình yêu. Họ muốn Người ủng hộ họ bằng cách khử trừ những kẻ “dơ bẩn” ngoài xã hội thì Người lại muốn họ xây dựng xã hội bằng việc thanh tẩy những dơ bẩn trong trái tim của họ.

Có một quan sát thế này: Khi ta sống trong tội lỗi, mình thường cảm thấy dễ dàng có khuynh hướng xét đoán người khác hơn và khó nhìn thấy những điều tốt đẹp nơi tha nhân hơn. Tại sao? Có lẽ một trong những từ đơn giản được tâm lý học ngày nay thường dùng để giải thích khuynh hướng này là: “phóng chiếu”. Hầu như lúc nào trong ta cũng tồn tại một khuynh hướng phóng chiếu lên người khác những gì đang diễn ra bên trong mình. Nhưng tại sao ta lại làm thế? Bởi vì, sâu xa trong tiềm thức hoặc vô thức, ta muốn bảo vệ chính mình. Bảo vệ mình bằng cách nào? Bằng cách tấn công người khác. Và, ta thường hay biện hộ cho việc làm này nhân danh một “thiện chí hay thiện ý” nào đó. Đáng buồn nhưng rất có thật! Ví dụ, khi trong ta tồn tại một nỗi sợ hãi sẽ bị người khác phát hiện ra mình và đoán xét mình, ta thường có khuynh hướng tưởng tượng ra điều gì đó về tha nhân trong đầu, rồi sau đó thể hiện nó ra ngoài bằng lời nói hoặc hành động. Rất khó thấy nhưng vô cùng tai hại!

Bạn có nghĩ rằng những kẻ kết án người phụ nữ tội nghiệp trong Tin Mừng hôm nay cũng có vấn đề này không? Rất có thể ! Họ muốn giết chết chị, và đồng thời cũng muốn gài bẫy và tiêu diệt Đức Giêsu, nhân danh hạnh phúc của xã hội. Chúng ta biết phần còn lại của câu chuyện diễn ra như thế nào! Nhưng điều quan trọng hơn cho tôi và bạn là: câu chuyện này được viết lại cho chính chúng ta để nhờ đó ta suy ngẫm cho cuộc đời hiện tại của mình. Chúng ta hãy cầu nguyện cho mình biết hết sức cẩn thận trong việc đánh giá tha nhân, cho mình biết cách thanh tẩy tâm hồn để trở nên giống Chúa Giêsu: chan chứa yêu thương, cảm thông, dịu dàng, tha thứ và nhân hậu.

                                                                                                Joseph Viet, O.Carm.


Liên quan khác