P. Marie-Eugène de l’E.J.
SỐNG NHỜ HƠI THỞ CHÚA THÁNH LINH Cầu nguyện và Hoạt động
Nguyên tác: Au souFFle de L’Esprit PRIÈRE ET ACTION Édition du Carmel Dịch thuật: Đan viện Thánh Mẫu Xitô Thiên Phước
DẪN NHẬP
Đâu là ý hướng của cuốn sách này?
Câu trả lời tùy thuộc trước tiên vào Cha Marie-Eugène, tác giả của tập giáo huấn này. Đây là những gì cha nói với chúng ta:
“Thời đại của chúng ta đói khát Thiên Chúa. Cơn đói khát Thiên Chúa, được cảm nhận không những trong các tâm hồn, trên những cặp mắt, nhưng còn nơi những thính giả khi người ta trình bày cho họ về Chúa. Bởi vì, các bạn cũng như tôi đều biết đến điều này, là người ta đòi hỏi chúng ta điều gì? Là nói về Thiên Chúa”[1]…
Tất cả các bài thuyết trình được ghi chép lại và thu thập để làm nên cuốn sách này, làm chứng về hơi thở của Chúa làm sinh động cha Marie-Eugène trong cuộc sống và giáo huấn của Ngài[2]. Chính hơi thở này làm nên tính chất duy nhất của giáo thuyết mà ngài trình bày cho chúng ta về Thiên Chúa và đời sống Ki-tô hữu, về sự cầu nguyện và việc tông đồ.
Thật vậy, Cha Marie-Eugène nói với chúng ta một cách hầu như tập chú (de façon presque exclusive) về Thiên Chúa và các mối tương quan của ân sủng kết hợp con người với Thiên Chúa trong Đức Ki-tô. Qua các mối tương quan này, Thiên Chúa biểu lộ ra cho con người, làm cho họ trở nên khí cụ để Ngài hành động trong thế giới và dẫn đưa họ đến sự thánh thiện. Nhờ bởi ân sủng và trong ân sủng, con người được kiện toàn, tìm lại được phẩm giá làm con Thiên Chúa và nên giống với Đức Giê-su Ki-tô.
Nhưng, nếu như ngôn ngữ nói về điều này là thiêng liêng và duy chỉ thiêng liêng[3], Cha Marie-Eugène lại nhấn mạnh rằng tất cả những thực tại của con người, cho dẫu là tầm thường nhất – những chuyện của cuộc sống thường ngày – hay những chuyện rộng rãi, to lớn – như là lịch sử của các dân tộc – đều tìm thấy ý nghĩa và giá trị của nó trong ánh sáng thần linh này. Vậy, Ngài kêu mời chúng ta hãy ý thức về sự phong phú của ân sủng mà Thiên Chúa đặt để trong chúng ta, làm cho chúng ta trở nên tài sản riêng của mình và để phục vụ cho cuộc sống , bởi vì “ý thức về những thực tại này (…), chính là công việc của tất cả mọi người và những người được chịu phép Rửa Tội”[4].
Phẩm giá và nét đẹp của con người ở trong Thiên Chúa
Trong các bài thuyết trình, cha Marie-Eugène chiêm ngắm con người trong ánh sáng, ánh sáng của việc thông phần vào đời sống của Thiên Chúa. Con người được nhìn ngắm, trong nguồn gốc và định mệnh của nó, bằng cái nhìn của Thiên Chúa.
“Khi tạo thành nên chúng ta, Thiên Chúa đã nhìn đến chúng ta trong chương trình yêu thương của Ngài đối với chúng ta. Nếu như chúng ta được ném vào trong thế gian là để chúng ta tiến lên với Ngài, và chiếm được chỗ đứng mà Ngài đã ấn định cho chúng ta trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Ki-tô và trong đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa”[5].
Cái nhìn này mặc khải cho con người biết về ơn gọi và phẩm giá làm con Thiên Chúa của mình[6]. “Người Ki-tô hữu cần phải nhận biết phẩm giá của mình”[7] để chu toàn ơn gọi của mình.
Phẩm giá này được làm chứng một cách rạng ngời nhất trong sự thánh thiện mà con người được kêu gọi tới[8]; nó là căn bản của những bổn phận tốt đẹp nhất: bổn phận cầu nguyện và thánh hóa bản thân, sống khiêm tốn vâng phục Chúa Thánh Linh, làm chứng tá cho Chúa và làm tông đồ. Và nếu như phẩm giá làm con Thiên Chúa đưa đến cho người Ki-tô hữu “bổn phận” nhằm thực hiện ơn gọi của mình[9], nó cũng đòi hỏi nơi họ sự trung tín và tình yêu phải không ngừng phát triển để mang lại hoa trái thánh thiện: “Đó chính là phẩm giá đòi hỏi”[10].
Người Ki-tô hữu nhận lấy phẩm giá và vẻ đẹp này nhờ bởi thông phần vào đời sống Thiên Chúa. Ân sủng in vào trong mỗi Ki-tô hữu đời sống và hoạt động từ đời đời ở nơi Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa là nguồn mạch của sự sống. Sự sống này cũng là vẻ đẹp của Thiên Chúa. Điều ông Môi-sen được chiêm ngắm trong thị kiến về Bụi Gai bốc cháy, điều này chiếu sáng rạng ngời trên dung mạo của Chúa Ki-tô:
“Chúng ta chiêm ngắm vẻ đẹp của Thiên Chúa, và qua sự chiêm ngưỡng này, chúng ta được biến đổi từ ánh sáng đến ánh sáng cho đến khi trở nên đồng hình đồng dạng với Ngôi Lời Thiên Chúa”[11].
Vậy Cha Marie-Eugène kêu mời chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm của Thiên Chúa, và khám phá nó như một hữu thể sống động, bởi vì, trong Đức Ki-tô, con người được kêu gọi để thông phần với sự sống của Người.
Thị kiến “Bụi Gai bốc cháy” trên núi Hô-rép của ông Môi-sen mặc khải về hoạt động và sự sống nơi Thiên Chúa. Môi-sen đã quen với sự siêu việt của Thiên Chúa, ông biết rằng sự siêu việt đó vô biên và vô phương đạt thấu:
“Nhưng điều làm ông ngạc nhiên là thấy được sự siêu việt này trong một khoảnh khắc. Vậy, ngọn lửa này (trong Bụi Gai bốc cháy) nói lên điều gì? Đây là một thị kiến biểu tượng, một sự thần hiện của Thiên Chúa. Thiên Chúa không những là siêu việt, vô phương đạt thấu, nhưng Ngài không phải là tối tăm. Không, Thiên Chúa là ánh sáng, và xét theo một khía cạnh nào đó, Ngài còn sáng hơn là ánh sáng. Thiên Chúa là ngọn lửa, ngọn lủa bốc lên và là than hồng: Ngài là than hồng tung tóe ra những tia lửa, phát tán ra những tia sáng, Ngài là như thế đó”[12].
Cha Marie-Eugène giải thích sự miêu tả này:
“Chúng ta cảm nhận rằng Thiên Chúa như vội vàng biểu lộ ra một chút gì đó về bản tính của Ngài khi biểu lộ mình ra cho Môi-sen qua dấu chỉ “Bụi Gai bốc cháy”. Ngài chính là Thiên Chúa của Ít-ra-en, Thiên Chúa nhiệm mầu mà người ta không nhận biết, Thiên Chúa bất động của vùng sa mạc hoang vu, của những người chăn chiên du mục, Thiên Chúa của giản đơn…Thật vậy, Thiên Chúa là hoàn toàn, là vô cùng hoàn hảo, Ngài là Đấng siêu việt. Hoàn toàn đúng thật như thế. Nhưng phải thêm vào đó, ý niệm của sự hoạt động, của sự phát tán, của ngọn lửa đang cháy bừng, đốt cháy và cháy lan ra mà không bị tàn lụi, nhưng đốt cháy luôn mãi mãi”[13].
Sự siêu việt của Thiên Chúa được biểu lộ ra cho Môi-sen như một hành động và sự sống, bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu[14]. Sự hoạt động của Thiên Chúa mà Môi-sen cảm nhận được là than hồng bốc cháy, than hồng của tình yêu”[15]. Sự sống, được diễn tả bằng một cách biểu trưng qua ngọn lửa này, chính là đời sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, là Cha, Con và Thánh Linh. Sự sống của Thiên Chúa thì trường cửu như chính Thiên Chúa vậy:
“Thiên Chúa luôn luôn sinh động, Chúa Thánh Linh luôn luôn xuất sinh, hơi thở của tình yêu luôn luôn trào tuôn ra từ Chúa Cha và Chúa Con cách không ngừng nghỉ, luôn luôn và luôn mãi…Và Thiên Chúa thì hạnh phúc, Thiên Chúa vô cùng hạnh phúc(…). Là niềm vui an bình, niềm vui chiến thắng, hạnh phúc khôn vơi, niềm vui trong sáng …”[16].
Thiên Chúa đã tỏ lộ mình ra cho ông Môi-sen trên núi Hô-rép trong sự sống thần linh, như thế Ngài đã biến đổi ông được nên giàu có trên những gì Ngài có. Chúa Giê-su tuyên bố Ngài là chứng tá duy nhất đích thật của Thiên Chúa, và Ngài đã thông ban Thánh Linh và ân sủng của Ngài. Mặc khải của Thiên Chúa nơi “Bụi Gai bốc cháy” chính là hình ảnh của mặc khải Thiên Chúa biểu lộ mình ra nơi Đức Giê-su và trong ân sủng Thần Linh của Người.
Cha Marie-Eugène nói rằng nhờ bởi ân sủng mà Thiên Chúa hằng sống biểu lộ mình ra, rằng Ngài được nhận biết và cảm nghiệm như là Tình Yêu trao ban, và Ngài biểu lộ ra từng Ngôi Vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa: “Cái nhìn của nhà chiêm niệm, của bậc thánh nhân kết hợp thâm sâu với Thiên Chúa, nhờ sự tham dự vào đời sống thần linh được trao ban qua bí tích Rửa Tội, và vì đó khám phá ra được điều gì? Họ sẽ khám phá ra mình được thông phần vào bản tính Thiên Chúa, và tình yêu.Thiên Chúa là tình yêu.Họ khám phá ra Ba Ngôi Thiên Chúa”[17]. Chỉ có đức ái, là khoa học của tình yêu, mới đem lại kiến thức đầy đủ về Thiên Chúa:
“Trong một mức độ nào đó, chúng ta có thể cảm nghiệm được tình yêu đã trao ban cho chúng ta, và bởi vì tình yêu có cùng bản tính như Thiên Chúa, mà chúng ta có thể biến đổi, một cách thật sự mà không hề có ảo tưởng, biến đổi đặt căn bản trên Thiên Chúa, ý niệm mà chúng ta có về tình yêu của chúng ta, về đức ái siêu nhiên”[18].
Chính vì thế mà cha Marie-Eugène đã nêu lên như một đòi hỏi thông thường cho đời sống của người Ki-tô hữu, khi họ muốn lớn lên trong tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân, và ước ao nhận biết về Thiên Chúa:
“Sự siêu việt của Thiên Chúa luôn tồn tại và người ta không được xúc phạm đến nó.Nhưng chúng ta có thể nhìn ngắm sự siêu việt ấy, và nắm bắt được điều gì đó.Thiên Chúa vui lòng ban cho chúng ta một ít kinh nghiệm, một chút nhận thức nào đó. Sự chiêm niệm có thể và phải hướng tới sự nhận biết Thiên Chúa nơi chính Người (…). Chúng ta có thể và phải khao khát nhận biết Người bằng đức tin”[19].
Đấy chính là sự nhận biết về Thiên Chúa, Đấng Hằng Sống và làm cho chúng ta biến đổi mà cái nhìn giản đơn của đức tin và chiêm niệm đem lại. Sự nhận biết ấy nói lên cho tâm hồn biết về phẩm giá cao sang và mỹ lệ của nó, khi khám phá ra ở nơi bản thân mình ân sủng của Thiên Chúa và sự cao cả của Đấng đang ngự trong tâm hồn mình. Chính sự nhận biết Thiên Chúa làm cho người Ki-tô hữu trở nên chứng tá về Thiên Chúa hằng sống. Bởi vậy cha Marie-Eugène cầu chúc:
“Ước gì chúng ta có thể nói về chính mình một cách nào đó, như Chúa Giê-su đã nói với ông Ni-cô-đê-mô: “Không ai có thể đến được với Thiên Chúa, chỉ có một người có thể làm chứng”, và tôi cũng thế, tôi có thể làm chứng. Bởi vì chúng ta không thể nào được như Chúa chúng ta, trong sự kết hợp mật thiết trong Ngôi Vị, nên chúng ta có thể căn cứ vào kinh nghiệm của mình về Thiên Chúa để khẳng định rằng nó có thể có, và để làm cho người khác ao ước và yêu mến nó”[20].
Ơn của bí tích Rửa Tội, “chiếc neo trong đời sống của chúng ta”
“Trong việc tạo dựng Thiên Chúa không thể ban điều gì hoàn hảo hơn là ân sủng, là tạo vật có thể tham dự vào bản tính của Ngài. Vậy không có niềm vui nào to lớn đối với Thiên Chúa cho bằng niềm vui ban phát ân sủng của Ngài ra”[21].
Luôn luôn đối chiếu với thơ thứ hai của thánh Phêrô và truyền thống Ki-tô giáo chú giải về thơ này, cha Marie-Eugène nói rằng ân sủng là “sự tham gia vào sự sống của Thiên Chúa”[22]. Ngài khám phá ra sự phong phú của con người là do ân sủng, là ơn siêu nhiên được ban cho trong Đức Ki-tô, không có nó, con người không thể quy hướng về với Thiên Chúa. Cha Marie-Eugène đặt tất cả giáo huấn của Ngài trên nền tảng của ơn bí tích Rửa Tội: sự cầu nguyện, sự tiến bước về với Thiên Chúa, sự thực hiện việc kết hợp với Thiên Chúa, sự tương đồng với Đức Giê-su Ki-tô, mục đích và cùng đích của đời sống thiêng liêng. Việc tông đồ, sự làm chứng đi theo sau nó, chỉ tìm thấy được hiệu quả nhờ bởi sự sinh động của ơn thánh đang cư ngụ và làm sinh động cho người chịu phép Thánh Tẩy. Sự năng động của đời sống người Ki-tô hữu được đồng hóa với sự năng động của ơn thánh sủng[23].
Ơn thánh sủng là sự tham dự thật sự vào đời sống Thiên Chúa, nên nó in dấu vào trong con người chính sự sống của Thiên Chúa, nó ghi khắc trong con người một ấn dấu dành riêng cho Thiên Chúa, và dành riêng cho sự sống của Chúa Ba Ngôi[24]. Bằng những lời lẽ đơn sơ và có sức thuyết phục, cha Marie-Eugène nhắc lại nhiệm vụ này của ơn chịu phép Rửa Tội, điều này ít được biết tới nhưng lại là cốt yếu:
“Đời sống Ki-tô hữu không nguyên là đời sống luân lý, không ngừng tránh điều xấu, nhưng một cách tích cực hơn, hệ tại làm điều thiện (…). Những năng lực sống động của người Ki-tô hữu chúng ta, chính là ơn thánh, ơn làm con Thiên Chúa, và do đó thực hiện điều này với đức tin, một cách chưa được hoàn hảo, nhưng thật sự, nhiệm vụ làm con Chúa của chúng ta. Nhiệm vụ này hệ tại nơi điều làm cho chúng ta kết hợp với Thiên Chúa Cha,“hít thở” tình yêu, và do đó “hít thở” Chúa Thánh Linh, như Thánh Gio-an Thánh Giá đã nói. Đó là nhiệm vụ chính yếu của chúng ta”[25].
Nhờ bởi hợp nhất với sự sống của Thiên Chúa, ơn thánh sủng thực hiện nơi con người: “Sự hoàn hảo duy nhất, sự hoàn hảo của Thiên Chúa – cha Marie-Eugène nói lên trong những ngày cuối đời của ngài – “đó là sự hoàn hảo giữa tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con, đó là Tình Yêu cốt yếu. Tình yêu của chúng ta, cho dầu có giới hạn, cũng chính là tình yêu đó”[26].
Ơn thánh sủng có mục đích thực hiện sự kết hợp giữa con người với Thiên Chúa, không theo cách thức thông thường. Trong mức độ làm con của Thiên Chúa, ơn thánh sủng phát triển nơi con người sự tự do đích thực của con cái Thiên Chúa:
“Sự trọn hảo của Ki-tô giáo độc lập với mọi cách thức thông thường, mọi cách kiểu nhân loại, độc lập với những sự trọn hảo tự nhiên, cảm thấy được, sự trọn hảo trong lãnh vực tinh thần, ngay cả với tất cả những sự trọn hảo trong lĩnh vực luân lý. Đối với chúng ta đây là sự trọn hảo Ki-tô giáo, là đạt tới Thiên Chúa.Sự trọn hảo của chúng ta ở trong Thiên Chúa, đó là sự kết hợp với Thiên Chúa, là sự khai triển ơn được chịu phép Thánh Tẩy.Nó không có được ở nơi nào khác, không có sự gì khác giống như nó.Tất cả mọi phương cách, tất cả mọi phương pháp, tất cả mọi phương diện, tất cả mọi nền tu đức đều phải dẫn đưa đến điều này”[27].
Một khía cạnh cốt yếu của giáo huấn nổi bật về chiều kích thần học nơi cha Marie-Eugène, là làm sáng tỏ lên đời sống siêu nhiên từ những khía cạnh khác nhau, tự nhiên hay siêu nhiên, đi theo nó. Ngài thấy được tầm quan trọng của đời sống siêu nhiên này, nó làm cho ơn thánh không những có thể tự do triển nở nơi mỗi người, mà còn làm cho sứ điệp Phúc Âm có thể được đón nhận bởi mọi môi trường, cho dầu những cảm tính hay nền văn hóa của chúng như thế nào.
Ngài viết về vấn đề đón nhận sứ điệp Tin Mừng và giáo huấn về những thực tại siêu nhiên như sau:
“Đây là một vấn đề nhân bản hơn là vấn đề của ơn thánh sủng. Chúng ta đã quen diễn tả lãnh vực siêu nhiên bằng những công thức và những phương pháp được đóng khung trong nền văn hóa Phương Tây và của miền Địa Trung Hải. Chúng ta khó quan niệm được rằng ơn thánh Chúa có thể thâm nhập vào trong các tâm hồn, bằng những cách thức khác với những cách thức của chúng ta, bởi vì kinh nghiệm cá nhân của chúng ta bị giới hạn trong những cách thức này. Thế nhưng siêu nhiên thì độc lập và tự lập. Ngoại trừ những công thức tín điều được mặc khải là những chiếc xe cần thiết để chuyển tải chân lý của Chúa, phần còn lại có thể biến đổi trong một mức độ nào đó. Chúa nhân lành thì tự do, độc lập với những cách thức của con người. Ngài có vô số phương thức khác nhau để làm cho con người được hiệp thông với Ngài, Ngài đã chọn lựa thích nghi các phương cách đó với mỗi tâm hồn và với mỗi nền văn minh, văn hóa[28].
Cha Marie-Eugène còn nhấn mạnh rằng sự kết hợp với Thiên Chúa nhờ bởi ơn thánh sủng, không thể thực hiện được nếu không có sự đồng ý và cộng tác của chúng ta: “Thiên Chúa tạo dựng chúng ta có tự do. Ngài ban cho chúng ta một ý chí tự quyết và Ngài rất mực tôn trọng tự do của chúng ta. Thiên Chúa không bao giờ thánh hóa chúng ta mà không có chúng ta, không có sự đồng ý của chúng ta[29].Đời sống thiêng liêng của Ki-tô hữu không thể tiến triển được nếu không có sự dâng hiến trọn vẹn, được đâm rễ sâu trong sự dâng hiến của Chúa Ki-tô và sự tuân phục với tác động của Chúa Thánh Linh”[30]. Sự thánh thiện hệ tại nơi sự vâng phục tự do và mến yêu của toàn thân con người đối với Thiên Chúa:
“Cần phải có ý thức về sự siêu việt của Thiên Chúa, của quyền uy của Người, cần phải có sự tùng phục với Thiên Chúa và hơn thế nữa, sự dâng hiến tất cả những gì chúng ta có và những gì chúng ta làm. Đó là căn bản cho mọi sự, cho sự cộng tác của chúng ta với Chúa trong việc chiêm niệm và đời sống thiêng liêng”[31].
Sự tận hiến những gì tốt nhất càng trở nên hoàn hảo khi có liên quan đến những ơn thiêng liêng và thuộc về con người, chẳng hạn như là những quan năng về tinh thần và sự tự do: “Dâng hiến trí hiểu, ý chí, cái tôi, đó là những gì tốt nhất chúng ta có thể dâng hiến cho Thiên Chúa nhân lành. Chúng ta không còn gì tốt hơn để dâng hiến cho Ngài nữa và đó là những gì Ngài chờ đợi nơi chúng ta”[32].
Sự dâng hiến này phải trọn vẹn để cho ơn thánh Chúa đổ xuống trên toàn vẹn con người: “Tất cả con người, tất cả tâm hồn của chúng ta được lôi kéo để tiến đến với Thiên Chúa”. Ân sủng được ghép vào bản tính con người[33]. Nó kết hợp với sự phong phú và sự phức hợp nơi con người để quy hướng con người về với Thiên Chúa với tất cả những khả năng của nó:
“Sự trọn hảo của con người, sự trọn hảo của Ki-tô hữu chính là nơi đây, trong bước tiến hướng về mục đích, là Thiên Chúa, qua việc đặt mọi khả năng, mọi năng lực, mọi phương diện, để tiến về phía Thiên Chúa. Tất cả toàn thể con người phải tiến đến mục đích này và không được loại trừ điều gì”[34].
Ngay cả những sức mạnh của giác quan cũng phải tham gia vào sự tổng động viên tất cả các khả năng để yêu mến do ơn thánh thực hiện.
Đó cũng chính là sự vâng phục của con người đối với Thiên Chúa do bởi ơn thánh và sự hiện diện của Chúa Thánh Linh, và nếu như sự vâng phục thường cảm thấy như là rơi vào tình trạng nghèo khó, thì đó lại là nguồn mạch đem lại sự giàu có và làm cho tất cả con người được triển nở thật sự[35]. Tình yêu thì khiêm tốn dầu là nó toàn năng để nâng cao những ai nó yêu mến”[36] (L’amour se fait humble même lorsqui’il est tout-puissant, pour exalter ceux qui’il aime), cha Marie-Eugène đã nói như thế.
“Là tông đồ như Chúa Giê-su Ki-tô, được tôn vinh bởi Thánh Thần tình yêu đang chiếm hữu họ. Cá tính con người được nâng lên và lớn lên bởi sự hiện diện và chiếm hữu của Thánh Linh. Giác quan của họ được tinh luyện, lí trí trở nên tinh tế, ý chí được kiên vững, sự quân bình của con người được vững vàng, ơn tinh tuyền tìm lại được do ảnh hưởng của việc Thiên Chúa hiện diện cách mầu nhiệm nơi họ”[37].
Mỗi Ki-tô hữu, do bởi phép Rửa Tội, đều được kêu gọi để nhận biết và chia sẻ sự phong phú nơi sự sống của Thiên Chúa, và cả tình yêu siêu nhiên mà ơn thánh sủng Chúa chứa đựng trong mầm mống. Hơn nữa, họ phải trở nên cộng tác viên có ý thức đối với tác động thánh hóa của Chúa Thánh Linh ở nơi họ. Trước tiên họ sẽ thực hiện điều này bởi đức tin: “Thế giới siêu nhiên ban cho chúng ta khi chịu phép Rửa Tội không phải vấn đề của nước làm tươi mát, cũng không phải lửa sưởi ấm mà chúng ta cảm nhận được, đó là một thực tại chúng ta chấp nhận nhờ bởi đức tin”[38]. Sự chấp nhận nhờ đức tin đối với thế giới siêu nhiên của ân sủng, làm cho đức cậy trở nên vững mạnh và nuôi dưỡng đức ái:
“Khi ý thức được về ơn thánh sủng được lãnh nhờ bí tích Rửa Tội, về ấn dấu họ mang trong mình, về ánh sáng ân sủng thông ban, về hướng đi nó in vào, về niềm trông cậy nó thông ban, người ta có một cái neo cho tâm hồn trong đời sống của họ”[39].
Đặc tính ưu việt của ân sủng được cha Marie-Eugène nhấn mạnh trong giáo huấn của ngài, cũng chứng tỏ tầm quan trọng của nó trong suốt cuộc đời của Ki-tô hữu. Sự nhấn mạnh ngài nói lên, đã diễn tả ra sự phong phú giàu sang của ân sủng, là lời kêu mời thúc bách người ta để ý đến nó một cách thường xuyên hơn, chăm chú hơn:
“Chúng ta cần đặt giá trị này cho đúng với vị trí của nó, ở trên tất cả mọi sự, khi nó định hướng cho số phận đời đời của chúng ta, chỉ cho chúng ta con đường chúng phải noi theo và luống cày nào chúng ta phải cày xới khi còn ở trần gian này”[40].
Khi trình bày những thực tại cao siêu nhất trong đời sống kết hợp với Thiên Chúa (sự chiêm niệm, hợp nhất trong lòng muốn và ý chí với Thiên Chúa, chiêm niệm về mầu nhiệm của Hội Thánh, sự kết hợp biến đổi nên đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su Ki-tô) làm cho ơn thánh sủng của phép Rửa Tội được phát triển bình thường, cha Marie-Eugène đã đem lại cho giáo huấn của ngài khía cạnh tổng quát mà ngài đã khám phá ra trong giáo thuyết của các bậc thầy của trường phái Các-men, và nó được củng cố trong sự thánh thiện tỏa sáng nơi chị thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su[41].
Sự cầu nguyện: kết hợp với Thiên Chúa
Trong Đức Giê-su, Ki-tô hữu mang dấu ấn của Thiên Chúa nơi mình: họ thuộc về Ngài do bởi sự thánh hiến của bí tích Rửa Tội, làm cho họ trở thành Chúa Ki-tô khác. Phẩm giá ơn thánh sủng mang lại cho họ, chi phối toàn bộ con người, với tất cả hữu thể của họ và trong mọi lúc của cuộc đời họ. Con người sẽ đi tới Chúa với tất cả những gì họ là và với tất cả những gì họ làm, điều hành con người và đời sống hướng về Thiên Chúa, đặt tất cả mọi sự này tùng phục Ngài để nhận lấy ơn thánh, lớn lên trong tình yêu và hợp nhất với Ngài, đó là bổn phận mà lời cầu nguyện của người Ki-tô hữu phải chu toàn: “Sự cầu nguyện là bước đi của tất cả con người chúng ta hướng về Thiên Chúa. Cầu nguyện là bắt liên lạc với Thiên Chúa để trao đổi với Người”[42].
Sự trao đổi như thế giả thiết phải có sự hợp nhất giữa con người và Thiên Chúa: chỉ có ơn thánh mới làm cho điều này có thể thực hiện được. Quả thật, ơn thánh sủng là tình con thảo, hoạt động chính yếu của nó là quy hướng về Thiên Chúa, nó hướng về Ngài như người con hướng về cha hiền của mình.
Sự cầu nguyện được đồng hóa với hoạt động sống động của ơn thánh sủng trong tâm hồn của chúng ta[43], thực hiện một cách hoàn hảo thái độ của người con của Chúa. Bởi vậy cha Marie-Eugène nói rằng sự cầu nguyện tiên vàn là một sự kết hợp với Chúa: “Sự cầu nguyện là cuộc thực tập của việc kết hợp, là nâng tâm hồn lên với Chúa, là kết hợp với Chúa”[44]. Nói cho chính xác, đây không phải một phương pháp mới dạy về cầu nguyện, nhưng đây là những gì làm căn bản cho mọi cách cầu nguyện, cho dầu nó mang một hình thức nào, hoặc là nói lên lời, hoặc là âm thầm, hoặc là cá nhân hay cộng đoàn, hoặc mang lấy hình thức phụng vụ. Cốt yếu của sự cầu nguyện nằm trong việc tìm kiếm Thiên Chúa bởi đức tin và lòng yêu mến, để hợp nhất với Người và đặt mình dưới sự hiện diện của Người.
Cha Marie-Eugène kín múc được sức mạnh của lời giáo huấn của ngài trên việc cầu nguyện, không những trong giáo thuyết của các bậc thầy trường phái Các-men, được kiên vững bởi kinh nghiệm cá nhân rất cao sâu của sự cầu nguyện, nhưng còn do bởi sự chiêm niệm của Chúa Ki-tô do các Tin Mừng trình thuật cho chúng ta.
Khi nhìn lên Chúa Ki-tô, chính trong sự cầu nguyện, mà cha Marie-Eugène đã khám phá ra: “Chân lý làm cho chúng ta cảm nhận trước tiên khi chiêm ngắm Chúa chúng ta: đó là Người đã cầu nguyện nhiều”[45].
Cha Marie-Eugène nhìn ngắm Chúa Giê-su cầu nguyện ở Na-gia-rét. Chúa Giê-su trải qua gần 30 năm tại Na-gia-rét, bởi vì Ngài thẩm định rằng phận sự quan trọng nhất cần phải chu toàn, là phận sự của đời sống thường ngày, của đời sống ẩn dật, cho phép Ngài chu toàn bổn phận cầu nguyện”[46]. Như vậy, sự cầu nguyện sẽ là thái độ thông thường của Ki-tô hữu, và làm nên nhịp sống trong đời sống thường ngày của Ki-tô hữu.
Cha nhìn ngắm Chúa Giê-su cầu nguyện trong đời sống hoạt động công khai: “Trong suốt cuộc đời Ngài thường rút lui vào nơi cô tịch để cầu nguyện. Các thánh sử đồng thanh nói lên điều này”[47]. Các trách nhiệm cần chu toàn, các phận sự công hay tư cần phải gánh vác, các công việc nặng nề nhất cần phải làm, đòi hỏi phải gia tăng cầu nguyện, phải kết hợp sâu xa hơn với Thiên Chúa, một sự hiệp thông thường xuyên và liên vị với Đức Giê-su Ki-tô.
Nhưng vào cái đêm ở vườn Giết-sê-ma-ni và trong cuộc tử nạn trên đồi Can-vê, lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trải qua trong đau khổ hơn lúc nào hết, dưới gánh nặng tội lỗi nặng nề của thế gian, và ơn cứu độ của con người:
“Chính lời cầu nguyện trong sầu khổ và đớn đau của Ngài trải qua trong sự mâu thuẫn; sự tấn công của hỏa ngục chống lại với trời cao ở nơi Ngài, nhưng chính đau khổ của Ngài đem lại ơn cứu độ”[48].
Giáo Hội hiệp nhất với Chúa Giê-su như một thân mình, tiếp tục nơi mỗi Ki-tô hữu sự cầu nguyện cứu độ của Chúa Giê-su trong cuộc tử nạn.
“Hiện tại, Chúa Giê-su trên trời cao không còn chết nữa – Thánh Phao-lô nói với chúng ta – nhưng Ngài để lại cho Giáo Hội sự đau khổ do bởi sự đối lập giữa tội lỗi và Thiên Chúa. Ngài đã để lại cho các Ki-tô hữu sự chăm lo cho lời cầu nguyện hiệp nhất, Ngài cũng để lại sự chăm lo cho việc tiếp tục sự cầu nguyện trong đau khổ của vườn Giết-si-ma-ni”[49].
Dưới cái nhìn đức tin của cha Marie-Eugène, lời cầu nguyện của Chúa Ki-tô đâm rễ sâu trong mầu nhiệm Ngôi Hiệp (L’union hypostatique).
Do bởi mầu nhiệm nhập thể, Ngôi Lời trở thành xác phàm, Ngài trở thành con loài người, mà vẫn không ngừng quy hướng về thiên Chúa, bởi lẽ Ngài là Thiên Chúa. Chúa Ki-tô, mà nhân tính của Ngài kết hiệp theo bản tính với thiên tính, được thánh hóa trọn vẹn bởi ân sủng, nên hiểu được mầu nhiệm nơi Ngài, Ngài chiêm ngắm Thiên Chúa và phó dâng cho sự chiếm hữu của Ngôi Lời (s’offre à l’emprise du Verbe).
“Trong Chúa Ki-tô, thiên tính thấm nhập vào nhân tính; nhân tính chìm đắm trong thiên tính bằng một cái nhìn rất giản đơn, cái nhìn này là sự nhận biết trực kiến về Thiên Chúa (Connaissance intuitive de Dieu) (…). Sự hợp nhất này là sự hợp nhất vẹn toàn: sự thông hiệp của Thiên Chúa, và đồng thời sự hiệp thông của con người nơi Thiên Chúa, của bản tính nhân loại nơi Chúa (Ki-tô) bởi cái nhìn rất giản đơn của trực kiến (La vision intuitive)”[50].
Như vậy sự hợp nhất Ngôi Vị (L’union hypostatique) đặt Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, vào trong tình trạng cầu nguyện liên lỉ (prière constante)[51]. “Do bởi sự cầu nguyện, Chúa Ki-tô dìm mình vào trong sự sống thâm sâu của Thiên Chúa, trong Ba Ngôi Chí Thánh”(…). Đó là sự cầu nguyện của Chúa Ki-tô, sự cầu nguyện hợp nhất “được thực hiện một cách hoàn hảo và được kinh nghiệm bởi sự hợp nhất trong Ngôi Vị”[52].
Đó là những cột mốc chiếu sáng (Arêtes lumineuses), những vỉa đường vô tận (filons inépuisable) của mầu nhiệm Đức Ki-tô, đã được Thánh Gio-an Thánh Giá tán dương ca ngợi trong sách Linh Ca (Cantique Spirituel). Cha Marie-Eugène nói với chúng ta rằng, chúng được mặc khải cho tâm hồn bằng sự nhận biết do sự liên bản tính, và ân sủng thông ban cùng với Đức Ki-tô, từ nơi Người nó phát xuất và kết hợp với Người. Trong ánh sáng của Chúa Giê-su Ki-tô, lời cầu nguyện của Ki-tô hữu, trở nên sự chiêm niệm do bởi tác động của Chúa Thánh Linh “được đưa trở lại với những yếu tố cốt yếu của nó, được đơn giản hóa mà không bị suy yếu đi, như vậy nó có thể đặt vào tầm tay của mọi tâm hồn”[53]. Từ kinh nghiệm phong phú về đường thiêng liêng và nhân bản, cha Marie-Eugène biết rằng cần phải đặt nặng giá trị đối với yếu tố quan trọng nhất trong việc cầu nguyện, để mọi người có thể sống với nó trong các tình huống khác biệt nhau. Điều làm nuôi dưỡng việc cầu nguyện và làm cho nó đáng ước ao. Đó là sự tiếp xúc với Thiên Chúa bởi đức tin và trong tình yêu. “Bởi vậy mà chúng tôi thâm tín về điều làm nên sự cốt yếu của cầu nguyện: bắt liên lạc với Chúa để từ nơi Người chúng ta được trở nên phong phú và thiết lập sự hiệp thông với người bằng đức tin và bằng tác động yêu mến”[54].
Khi đã trở nên con người chiêm niệm nhờ bởi ơn ban của Chúa Thánh Linh, lúc đó sự cầu nguyện là sự hợp nhất với Thiên Chúa, “một sự trao đổi, sự chiếu cố hạ mình xuống của Thiên Chúa với tâm hồn thế nhân”[55]. Đối với các phương pháp cầu nguyện và các phương thế cần được áp dụng để giúp hồi tâm, chúng ta không nên khinh thường điều gì, nhưng cần tôn trọng sự tự do và sự uyển chuyển: “Mỗi người sẽ tìm thấy cách thế của mình để đạt tới sự liên lạc với Thiên Chúa và để nói chuyện với Người”[56].
Đây là chứng tá của Marie Pila:
“Cha đề nghị một sự cầu nguyện hoàn toàn đơn giản, lược bỏ hết những gì là ngoại thường, và ngay cả điều đã cảm nghiệm, đã thưởng thức được. Ngài yêu cầu một sự cầu nguyện trong đức tin, nơi đây người ta phải quy hướng cái nhìn về phía Thiên Chúa, sự cầu nguyện này chỉ là “cái nhìn giản đơn hướng về Thiên Chúa”, và từ bỏ mọi điều khác. Sự cầu nguyện này dẫn đưa đến đỉnh cao, như nó đã dẫn đưa thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su tiến đến đó”[57].
Đáp ứng với những mong chờ của thế giới
Đối với Ki-tô hữu, khi tìm tòi sự cao cả của ơn gọi làm con Chúa, họ không được cuộn gấp mình trong sự thực hiện ơn cứu độ, không được quay lưng lại với thế giới mà họ đang sống, và với thời điểm được ban cho họ để hành động.
Sự đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su Ki-tô làm cho người ta đi vào trong Thiên Chúa mà không cô lập với thế gian. Nó sẽ làm cho họ liên kết với đời sống dồi dào của Giáo Hội đang còn ở trần thế”[58].
Cha Marie-Eugène đã từng nhiều lần biểu lộ ra sự chủ tâm yêu thương và một đôi khi đau khổ đối với con người thuộc thời của ngài cũng như thuộc thời đại chúng ta và cả đối với Giáo Hội trong thời đại của ngài. Đó là sự chiến thắng thống trị của chủ thuyết Cộng Sản, với sự phủ nhận tất cả của những gì nơi con người làm cho Thiên Chúa được tôn vinh: “Sự tự do và ân sủng”[59]. Đó là những dấu hỏi gây lo lắng của Giáo Hội về những phương thế cần thực thi để duy trì sự hiện diện của Giáo Hội trên thế giới và cho công cuộc tông đồ của Giáo Hội[60].
Câu trả lời của cha Marie-Eugène thì mạnh mẽ trong niềm tin vào vị trí ưu việt của Chúa Thánh Linh trong tất cả mọi hoạt động mang đặc tính Ki-tô giáo. Chúng được nuôi dưỡng bằng kinh nghiệm cá nhân của việc tông đồ luôn luôn muốn mở rộng và tiếp tục biểu lộ sức mạnh và sự phong phú của Chúa Thánh Linh[61].
Người ta đòi hỏi điều gì nơi chứng nhân?
“Chúng tôi đòi hỏi sự tỏa sáng ra đời sống thiêng liêng trong tâm hồn họ, mà đôi khi người ta cảm nhận được qua ánh mắt họ, nơi thái độ, sự chín chắn trong suốt cuộc đời của họ”[62].
Sự hiện diện của họ trong thế giới là như thế nào? Và sự làm chứng của họ là làm sao?
“Chứng tá mà chúng ta phải thi hành đó là làm chứng về những gì chúng ta là. Đó là chứng tá về đời sống của người Ki-tô hữu, về sự sống của Đức Ki-tô mà chúng ta mang nơi thân mình. Đó là chứng tá về Chúa Thánh Linh mà chúng ta là những khách trọ của Ngài”[63].
Vậy đâu là điều đòi hỏi đầu tiên mà chứng nhân phải thi hành?
“Bổn phận đầu tiên của người tông đồ không nhất thiết là phải hành động (…). Bổn phận đầu tiên của người tông đồ là hành động tốt, là phát triển ân huệ của họ đã lãnh nhận được, là sự kết hợp với Chúa Ki-tô, để cho hoạt động của họ trở nên tốt thật. Một hành động tốt thật của một tông đồ là một sự cộng tác thâm sâu họ với ơn thánh”[64].
Để làm điều này, người tông đồ phải hướng đến sự thánh thiện, sự kết hợp hoàn toàn với Thiên Chúa.
Sự sống của ơn thánh sủng đạt tới sự viên mãn và sự tỏa sáng phong phú trong sự hiện diện của Chúa Thánh Linh: “Thánh Linh là vị thượng khách, là ngọn lửa sống động, là ánh sáng, là bạn của chúng ta. Ngài ngự thật trong chúng ta, thánh hóa và thần linh hóa chúng ta luôn mãi”[65]. Sự hiện diện của Chúa Thánh Linh trong tâm hồn thì sống động và hoạt động; chỉ có đức tin sống động, được thanh luyện bởi tình yêu mới nhận ra được điều này.
“Tin vào Chúa Thánh Linh không phải là chuyện mơ hồ; chúng ta cần phải tin nơi Ngài như một Thực Thể sống động, một Ngôi Vị toàn trí, toàn năng, giống như một người biết đến những gì mà họ muốn, làm những gì họ muốn làm, và biết mình đi đâu”[66].
Cùng với thánh Phao-lô, cha Marie-Eugène nhận biết sự hiện của Chúa Thánh Linh như là dấu ấn đặc trưng của Ki-tô hữu: “Những ai được Thánh Linh Thiên Chúa tác động, là những con cái của Thiên Chúa”[67]. Từ đó, cha Marie-Eugène rút ra một kết luận duy nhất, nhưng cốt yếu về sự tỏa sáng của người tông đồ và sự phong phú trong hành động của họ:
“Không nguyên dành cho những ai có một phận vụ và các trách nhiệm, nhưng mỗi Ki-tô hữu phải sống thân tình với Chúa Thánh Linh”[68].
Sự kết hợp với Thiên Chúa là nền móng của công việc tông đồ, bởi vì sự kết hợp đó điều hành để sinh ra kết quả và sự phát triển của Giáo Hội:
“Nước của Thiên Chúa, đó là Đức Ki-tô toàn phần, tức là Giáo Hội. Vương quốc này trước tiên là thiêng liêng bởi vì nó được tạo thành bởi Đức Ki-tô, bởi sự cộng tác của ân sủng được đổ tràn vào trong tâm hồn chúng ta. Vương quốc đó là thiêng liêng, bởi vì Chúa Thánh Linh là hồn sống và là Đấng làm cho nó sống động”[69].
Sự kết hợp với Thiên Chúa thực sự là “sự cộng tác phải có của chúng ta với Chúa Thánh Linh” trong việc xây dựng nước Thiên Chúa[70] . Bởi lẽ, muốn trở nên một tông đồ, một người thợ hoàn hảo của Nước Trời, “cần phải để cho mình bị chiếm hữu bởi Chúa Thánh Linh”[71].
Chúng ta cũng gặp thấy một trong những phương diện nền tảng của đời sống Ki-tô hữu: sự liên kết bất khả phân ly giữa đời sống chiêm niệm và đời sống hoạt động của người Ki-tô hữu, sự kết hợp này thì không thể chia lìa nhau, bởi vì nó đâm rễ sâu vào trong bản tính của ân sủng. Ân sủng khi thần hóa con người, làm cho con người kết hợp với Thiên Chúa, và khi nhập thể, nó mang lấy tội của con người.
Khi trở nên hoàn hảo, sự kết hợp này mang một tên khác, là sự thánh thiện: “Sự trọn lành của Ki-tô hữu và sự chiêm niệm trọn hảo nằm trong sự kết hợp này và trong sự thực hiện hình ảnh của Chúa Ki-tô”[72]. Nó liên kết Ki-tô hữu vào đời sống của Chúa Ki-tô. Nó hòa hợp tất cả mọi hoạt động của tâm hồn người tông đồ với tâm hồn của Chúa Ki-tô để khám phá ra những gì mà thời đại của họ đang mong đợi:
“Tâm hồn này cầu nguyện với Chúa Ki-tô trong ánh sáng chiếu soi cho họ. Và ánh sáng này không nguyên chỉ là một ánh sáng thông thường về cách thức Chúa hiện diện trong tâm hồn của họ; ánh sáng này còn được ban cho họ để nhìn đến thời đại của họ, và làm cho họ khám phá ra Giáo Hội trường cửu và Giáo Hội trong thời đại của họ”[73].
Sự thánh thiện là câu trả lời chung của Thiên Chúa và con người về những ước mong, những niềm hy vọng của mỗi thời đại, của mỗi thế hệ. Cha Marie-Eugène viết trong cuốn Je veux voir Dieu (Tôi Muốn Nhìn Thấy Thiên Chúa): “Thánh nhân là một con người, là một người thánh của một thời đại, của một dân tộc, của một thế hệ được xác định rõ ràng của Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Ki-tô được phát triển toàn vẹn. Tính chất thiên thượng và đời đời nơi vị thánh đó không ngăn cản họ, nhưng nói đúng hơn, bó buộc họ phải nhập thể vào trong tính chất con người tạm bợ thuộc thế hệ của ngài”[74]. Nhưng sự thánh thiện tiên vàn là sự đáp trả lại lòng nhân hậu của Thiên Chúa với sự đau khổ lớn lao của nhân loại: là tội lỗi.
Nhân loại của thời đại chúng ta,“bị tổn thương và bị bóc lột…”
“Các vị thánh càng được chiếm hữu bởi tình thương, càng gần gũi chúng ta, bởi vì tình thương, khi làm cho các ngài được thần thánh hóa, càng làm cho các ngài đi vào trong chiều sâu của tội lỗi, nỗi đau khổ lớn lao của nhân loại”[75].
Cha Marie-Eugène khám phá ra sự đau khổ lớn lao của nhân loại hiện thời qua sự chối từ thực tế sự hiện diện của Thiên Chúa, trong sự thờ ơ đối với hành động của Người trong thế giới và trong các tâm hồn, trong sự vắng mặt của sự sống của Thiên Chúa: “Cái khốn nạn lớn lao đó là thiếu đức tin”[76].
Nhân loại của thời đại chúng ta xem ra bị tổn thương và bị bóc lột hết các giá trị cao cả của nó, giống như trường hợp của con người đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-kô bị bóc lột ở giữa đường[77]: “Trong hình ảnh con người bị ngã quỵ trên đường đi do bởi những tên cướp đã bóc lột và đánh y nhừ tử, để mặc y thừa chết thiếu sống, tôi nhìn thấy nơi người đó hình ảnh của nhân loại giữa thời đại chúng ta”[78].
Bị thương bởi tội lỗi, không biết đến những thực tại siêu nhiên, sức mạnh của sự tha thứ, nhân loại này không thể đứng lên được, bởi lẽ nó đã đánh mất đi sự sử dụng của đời sống ân sủng.
“Nhân loại trong thời đại của chúng ta, đối với tôi, xem ra giống như con người khốn nạn này… Nó đã bị bóc lột bởi ma quỷ và không còn sức để bước đi, và quay về với Thiên Chúa. Những con người no đòn của ma quỷ này, họ không thể sự dụng tứ chi để tiến về với Thiên Chúa. Đó là những tâm hồn phải kích thích lòng thương cảm của chúng ta. Loại người này đúng là hình ảnh của Chúa Giê-su muốn trình bày cho chúng ta về nhân loại trong thời đại của chúng ta”[79].
Sự khốn nạn tâm linh này lôi kéo con người, vì nó sâu xa hơn, nặng nề hơn những đau khổ về vật chất. Và bởi vì sự khốn khổ này chi phối trên những thực tại thiêng liêng, nên người tông đồ muốn đem lại cho nó lời đáp trả của tình yêu và của lòng thương xót của Thiên Chúa.
“Thiên Chúa đã quá yêu thế gian, thương xót tội lỗi của nó đến độ đã sai Con Một của mình (đến với nó). Và Chúa Con đã thương xót tội lỗi của con người, thương xót cho sự trống vắng của Thiên Chúa trong các tâm hồn, và sự bất lực đến với Ngài do tội lỗi của họ, nên Ngài đã trao nộp chính mình và bước lên thập giá”[80].
Tiến về phía con người tội lỗi, để làm dịu đi nỗi thống khổ của họ, đó là sự chuyển động của tình thương nơi Thiên Chúa. Tình thương đã làm nên mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm cứu chuộc và Hội Thánh. Đây là người tông đồ hoàn hảo khi họ đồng hóa với cử chỉ và hành động của Chúa Giê-su[81], Ngài là người của tình thương.
“Lòng bác ái của Ki-tô hữu phải đi đến với tất cả thế gian, nhất là đến với những người đau khổ. Đức bác ái của họ phải nên như giống tình thương của Thiên Chúa. Tình thương này biến thành lòng thương xót trước sự nghèo khó và đau khổ. Lòng bác ái của Ki-tô hữu cũng phải hành động như thế, vì nó có cùng bản tính như lòng thương xót của Thiên Chúa. Nó phải xuất phát từ Thiên Chúa và phải biến thành lòng thương xót”[82].
Bổn phận của Ki-tô hữu, của người tông đồ, ngày hôm nay hơn bất cứ lúc nào hết, là đem lại chứng tá của nguồn suối mà nhờ đó họ được sống, về ngọn lửa của Thiên Chúa ở trong họ và làm cho họ sống động. Và để làm được điều này, hãy phó mình cho ân sủng của Thiên Chúa:
“Đây là ý nghĩa của cuộc đời chúng ta: tìm kiếm Thiên Chúa cho đến khi tìm thấy Người, bắt liên lạc với Người và trao ban Người cho người khác. Đỡ nâng những người khốn khổ lên con ngựa , băng bó thương tích cho họ, dùng lời cầu nguyện và sự hy sinh để dẫn đưa họ đến với Thiên Chúa. Họ đã đói và khát của ăn của uống vật chất, chúng ta đã trao cho họ những gì cần thiết… Họ đã đói và khát về phương diện thiêng liêng, chúng ta hãy trao Thiên Chúa cho họ”[83].
P.Charles NIQUEUX
Centre Notre-Dame de Vie, 8 mai 1990
CĂN BẢN MẦU NHIỆM CỦA THIÊN CHÚA
Tôi ước mong diễn tả và giải thích những căn bản của thần học và con đường dẫn đến sự chiêm niệm. Ngày xưa, điều này đối với tôi xem ra là chuyện tự phụ kiêu căng; nhưng ngày nay, trái lại, tôi nghĩ rằng cần phải trình bày giáo thuyết này ra cho mọi người.
Nhìn Ngắm Thiên Chúa
Sự chiêm niệm mà người ta muốn hướng dẫn bạn đi tới, và chúng tôi xem đó như mục đích, không phải là sự chiêm niệm cao xa phải kèm theo các ân huệ thần bí. Nếu Chúa muốn ban cho bạn các ân huệ nhiệm mầu này thì Ngài sẽ ban cho bạn thôi. Nhưng đây không phải là điều chúng tôi muốn trực tiếp nói với bạn. Sự chiêm niệm thì rất đơn giản và theo như thánh Tô-ma tiến sĩ định nghĩa, đó là một cái nhìn đơn sơ về Chân Lý[84], nghĩa là đơn sơ nhìn ngắm Thiên Chúa. Sau khi đã nêu lên định nghĩa này, thánh Tô-ma nói với chúng ta rằng đối tượng đầu tiên của sự chiêm niệm là Thiên Chúa[85]. Vẫn biết rằng có nhiều đối tượng thứ yếu, nhưng điều cốt yếu vẫn là Thiên Chúa. Như thế, các bạn đừng lấy làm lạ khi thấy ngay từ bài thuyết trình đầu tiên này, chúng tôi cố gắng cố định toàn bộ cái nhìn của chúng ta về Thiên Chúa, về mục đích này.
Thiên Chúa là thế nào? Ngài là mục đích của sự chiêm niệm, là điểm cuối cùng mà chúng ta hướng tới. Chính vì điều này mà tôi muốn nói với bạn về Thiên Chúa.
Nguyên lý của sứ mạng
Lý do thứ hai, sự nhận biết Thiên Chúa và ánh sáng của Người thì sinh ra rất nhiều lợi ích để biến đổi tâm hồn, nhất là cho các tâm hồn tông đồ, như chúng ta đã thấy qua tiểu sử các thánh cũng như qua lời dạy bảo của thánh Gio-an Thánh Giá. Cuộc đời của các bậc đại thánh, nhất là của những ai mang sứ mệnh, như Môi-sen, Phao-lô, I-nha-xi-ô, Gio-an Thánh Giá, Tê-rê-sa, từ lúc đầu họ được ghi ấn dấu bởi một luồng sáng lớn lao về Thiên Chúa, mà thánh Gio-an Thánh Giá gọi là “đụng chạm bản thể” (touche substantelle)[86], nghĩa là một ánh sáng về Thiên Chúa.
Qua mọi thời đại, chúng ta thấy được điều này nơi ông Môi-sen, cũng như nơi thánh Phao-lô, ánh sáng về Thiên Chúa này, không phải là một mặc khải mới mẻ, nhưng là một sự nhận thức được đào sâu hơn về Thiên Chúa, và đối với họ, đây là nguyên lý của sứ mạng của họ. Nó là nguyên lý của một sự biến đổi, sự thay đổi và sẽ soi sáng cho họ trên mọi nẻo đường của họ.
Chúng ta đều nhận biết rằng thị kiến của thánh Phao-lô trên đường đi Đa-mát, không những đã biến đổi ông, là người tội lỗi, trở thành Ki-tô hữu và thành tông đồ. Chính trong thị kiến này mà ngài đã tìm thấy mọi sự, sứ mạng tông đồ và ánh sáng mà ngài sẽ khai triển sau này. Nhờ những ân sủng mới ngài đã nhận được và trải qua những năm tháng, nhất là những ngày trong lao tù, ngài có thời gian để trình bày ra rõ ràng: các thư chiêm niệm của ngài viết lên là những lời giải thích và trình bày thị kiến của ngài trên đường Đa-mát.
Như thế, đối với chúng ta, trong lúc khởi đầu cuộc rảo bước lên con đường đến với Thiên Chúa, chúng ta phải làm gì đây? Nhìn ngắm Thiên Chúa, cố gắng nhìn ngắm Thiên Chúa.
I. THIÊN CHÚA THÌ VÔ BIÊN TRONG HOẠT ĐỘNG
Thiên Chúa là thế nào?
Thiên Chúa siêu việt
Thiên Chúa là Đấng vô biên, chỉ có Ngài mới tự hữu. Ngài không có nguyên nhân, không có nguyên lý nào làm phát xuất ra Ngài. Ngài luôn luôn hiện hữu và sẽ hiện hữu luôn mãi. Chỉ có Ngài mới vô biên, ở trên tất cả, siêu việt, vô phương đạt thấu và là nguyên lý cho mọi sự. Chúng ta phải bảo vệ cho sự siêu việt của Thiên Chúa. Giáo Hội đang làm như thế, Giáo Hội nói lên cho chúng ta biết Giáo Hội tha thiết về điều này và coi đó như điều cốt yếu, cho dù sự siêu việt của Thiên Chúa làm cho nhiều tâm hồn phải run sợ.
Vậy, Thiên Chúa là Đấng vô biên, siêu việt, là Đấng “Tự Hữu”[87]. Vô biên trong sự đời đời, vượt qua thời gian, vì Ngài đứng trên thời gian. Vô biên nơi những điều trọn hảo, và vượt trên mọi sự. Vô biên, vì nơi Ngài, không có gì để tăng thêm. Ngài không có gì phải phát triển, bởi vì một sự tiến triển, một sự kiện toàn, giả thiết nó chưa hoàn hảo từ trong nguyên tắc.
Trong sự vô biên này, xem ra – ít là đối với tâm trí chúng ta – có sự bền vững: “Chính Ngài tiền hậu y nguyên, tháng năm Ngài vẫn triền miên”[88]. Qua câu này, vịnh gia nêu lên sự bền vững của Thiên Chúa, nơi Ngài không có sự đổi thay. Chúng ta thay đổi y phục, thiên nhiên cũng thay đổi bộ mặt của nó; còn Thiên Chúa thì không thay đổi, bởi vì Ngài là Đấng vô biên.
Thiên Chúa được bao bọc bởi bóng tối
Cái nhìn của lí trí chúng ta, bị bối rối vì không thể nhìn thấy thấu suốt được sự siêu việt của Thiên Chúa, nó chỉ thấy toàn là bóng tối. Vịnh gia và Cựu Ước đều nhận thấy điều này. Thiên Chúa được bao bọc trong bóng tối vì sự vô biên của Ngài, và cũng bởi vì trí khôn của chúng ta không tương thích với sự vô biên của Ngài. Chúng ta bị chói mắt bởi Thiên Chúa, cũng giống như bị chói mắt bởi ánh sáng ban trưa. Bởi vậy chúng ta nói lên Thiên Chúa là bóng tối, Thiên Chúa được bao phủ bởi bóng tối.
Tuy nhiên có những vị thánh được Thiên Chúa mặc khải ra cho điều gì đó trong tối tăm. Chúng ta có thí dụ nơi thánh Gio-an Tông Đồ. Trong đoạn mở đầu (prologue) Tin Mừng, ngài viết: “Từ đầu đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa”, và ngài còn thêm: “Nơi Người là sự sống”[89]. Trong sự vô biên của Thiên Chúa, không có sự bất động. Chính chúng ta, xét theo một khía cạnh nào đó, mới là những người tạo nên sự bất động bởi vì bất lực để nhìn thấy cái vô biên. Chúng ta tạo nên sự bất động bởi vì cái gì không tiến triển, cái gì không tăng trưởng, đối với chúng ta đó là cái bất động. Không, nơi Thiên Chúa có cả hai, có cái nghịch lý mà chúng ta có thể thấy được: trong Người có sự sống, có sự chuyển động.
Thị kiến của ông Môi-sen: Thiên Chúa Bụi Gai cháy sáng
Hình như người đầu tiên đã mặc khải cho chúng ta về sự sống và sự chuyển động, sự tương phản, sự liên kết giữa sự sống và chuyển động nơi Thiên Chúa cùng với sự vô biên của Ngài, chính là Môi-sen.
Chắc chắn Môi-sen đã quen thuộc với sự vô biên của Thiên Chúa. Người ta có lý do để nói lên rằng sa mạc mang tính chất độc thần (monothéiste) do bởi tính chất mênh mông và sự thinh lặng của nó. Do bởi sự rộng lớn bao la, sa mạc nói lên một điều gì đó, ít nhất là nó đưa đến cho chúng ta ý niệm về sự vô biên của Thiên Chúa. Sa mạc có tính chất độc thần bởi vì nó loại trừ các thần tính khác và đặt chúng ta đối diện với sự bao la của Thiên Chúa, một Thiên Chúa vô phương đạt thấu. Ông Môi-sen, vì được giáo dục trong triều đình vua Pha-ra-on và dưới những ngôi trường của nước Ai Cập, nên đã lãnh nhận một nền văn hóa tốt nhất trong thời đại của ông. Sau đó ông vào sa mạc để chăn giữ những đoàn vật của ông Giê-trô (Jéthro), là nhạc gia của ông. Đã từng quen với cái vô tận của sa mạc, và qua sự thinh lặng và trần trụi của vùng núi Si-nai, ông có một ý niệm – người ta có thể nói được như thế – một cảm tưởng về sự bao la và siêu việt của Thiên Chúa.
Quả vậy, người ta ghi nhận về các mục tử, những kẻ sống trong sa mạc thường là những người theo tôn giáo độc thần. Chúng ta biết làm thế nào mà ông Psichari[90] và các người đã tìm gặp được sự vô biên của Thiên Chúa trong sa mạc.
Có một ngày, trong sa mạc, Môi-sen đã trông thấy một điều, một hiện tượng, một Bụi Gai đang cháy mà không bị thiêu rụi, một ngọn lửa[91]. Chắc chắn ông đã từng nhìn thấy những bụi gai cháy phừng phừng trong sa mạc Si-nai: các mục đồng, vào một mùa nào đó, hay đốt cháy các bụi gai để đến mùa xuân, cỏ non sẽ mọc lên cung cấp thức ăn cho đàn vật. Ông không ngạc nhiên khi thấy lửa cháy. Điều làm ông ngạc nhiên, là ông thấy ngọn lửa này không tàn rụi, hẳn nó đã cháy qua nhiều ngày rồi.
Ông nói: “Tôi muốn đi xem ngọn lửa không tàn rụi này”, và ông tiến lại gần ngọn lửa… Ông nghe một tiếng nói: “Dừng lại, đất mà người đang dẫm chân lên là Đất Thánh”. Ông cởi dép và tiến lại gần tiếng nói đã phát ra từ ngọn lửa này: “Người đang nói với tôi là ai đây?”
-“Ta là Đấng Ta Là”, Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, của I-sa-ac, của cha ông ngươi”.
Chúng ta hãy đọc lại câu chuyện kỳ diệu này trong sách Xuất Hành.
Tiếng nói thốt lên: “Ta là Đấng Ta Là”, và Môi-sen nhận ra Đấng ấy: “là Đấng Tự Hữu”, vô biên, siêu việt, vô phương đạt thấu, Đấng mà ông biết rõ.
Nhưng điều làm ông ngạc nhiên là thấy Đấng siêu việt trong một chuyển động, ngọn lửa này như thế nào? Đây là một thị kiến thần hiện của Thiên Chúa, một thị kiến biểu trưng (vision symbolique). Thiên Chúa không những là siêu việt, vô phương đạt thấu, nhưng Người không có tối tăm, Thiên Chúa là ánh sáng, và còn hơn thế nữa, Thiên Chúa là ngọn lửa, ngọn lửa bốc lên, là lửa cháy rực rỡ. Thiên Chúa là ngọn lửa cháy bừng và phát tán ra những đốm lửa, những tia sáng, Ngài như thế đó.
Và ý niệm này về Thiên Chúa được diễn tả ra trong một biểu tượng, chắc chắn đã soi sáng cho ông Môi-sen và biến đổi ông. Đây cũng là một trong các tri thức thâm nhập vào trong chiều sâu của tâm hồn, biến đổi nó và ghi một dấu ấn vào trong nó, như thánh Gio-an Thánh Giá đã nói[92]. Từ đây, được biến đổi bởi ánh sáng, đồng thời cũng là sức nóng, ông Môi-sen không thể không hành động dưới sự tác động này. Ông sẽ nhận một sứ mạng để trở về nước Ai Cập. Ông có thể đối đầu với vua Pha-ra-on, vì ông đã biết đến Thiên Chúa là như thế nào, một Thiên Chúa vô biên, một ngọn lửa rực cháy thiêu rụi tất cả. Đó là nhận thức của Môi-sen. Và ông soi sáng cho chúng ta, ông kêu mời chúng ta rao truyền mặc khải mà ông đã nhận được.
Mặc khải của Chúa Giê-su: Thiên Chúa là sự chuyển động của tình yêu
Mặc khải này còn được xác định thêm một chút trong Cựu Ước, nhưng nhất là bởi Chúa Giê-su.
Chúa đến Giê-ru-sa-lem, thủ đô trí thức và tinh thần của xứ Pa-lét-tin, của dân tộc mà Ngài đến để loan báo Tin Mừng: Người đến đây để làm gì? Người sẽ đối thoại với ông Ni-cô-đê-mô[93], Ngài nhận thấy ông này là một con người trí thức, một tiến sĩ của lề luật, mà chúng ta thường hay có thái độ khinh thị, vì ông là người Biệt Phái (Pharisiêu), tuy nhiên, ông là người thông thái mà Chúa Giê-su đã chọn.
Ông Ni-cô-đê-mô là tiến sĩ lề luật, nhưng lại nhút nhát nên ông đến gặp Chúa Giê-su vào ban đêm. Ông đến gặp Chúa và nói Ngài là Đấng đến từ Thiên Chúa. Nhưng không may cho ông, Chúa Giê-su lại là người Na-da-rét thuộc xứ Ga-li-lê, giá như Ngài đến từ Giê-ru-sa-lem thì hẳn Ngài là vị tiến sĩ lề luật tuyệt vời phải không? Nhưng ông Ni-cô-đê-mô nhận ra bàn tay của Thiên Chúa: vâng, thưa Thầy chỉ có người nào xuất phát từ Thiên Chúa mới làm được những gì Thầy đã làm”.
Chúa đã đáp lại với ước muốn của con người có thiện chí và lí trí này. Ngài sẽ nói cho ông ta biết về nơi Ngài xuất thân. Ngài đến từ nơi nao? Từ những miền của Thiên Chúa. Không ai đến được nơi đó, nơi vô tận này. Người ta đã thấy Ngài qua những thị kiến biểu trưng, như ông Môi-sen trong sa mạc, nhưng không có ai đến từ nơi ngọn lửa cháy bừng này, từ nơi vô tận, từ Đấng siêu việt là Thiên Chúa, để nói cho chúng ta biết nơi Ngài có điều gì. Chỉ có một Đấng duy nhất đến từ nơi đó: “Chính là Tôi”. Chúa Giê-su đã nói như thế. Chỉ có Con Người (Con Thiên Chúa), mới đến từ những vùng của Thiên Chúa, những vùng siêu việt. Chỉ có Ngài mới có thể làm chứng bởi vì Ngài đã thấy, đã có kinh nghiệm về những này.
Thánh Gio-an Tông Đồ đã nói với chúng ta rằng ông đã sờ đến, đã cảm nhận được những gì có nơi Đức Ki-tô[94] không những nơi nhân tính mà còn nơi thiên tính của Ngài nữa, chúng ta có thể nói như thế. Ông nói đã sờ đụng đến Ngài và làm chứng, về nhân tính, những động thái, lời nói và về thiên tính siêu việt của Chúa Giê-su.
Nhưng, này đây, chính Chúa Giê-su sẽ nói, sẽ kể cho chúng ta nghe về Thiên Chúa. Ngài sẽ nói gì về sự vô biên, nơi mà từ đó Ngài đến trần gian? Ngài nói: Nơi chốn vô cùng này, có Thiên Chúa Cha. Ngài sẽ mặc khải ra một chi tiết đặc biệt. Điều đó như thế nào? Đó là một sự chuyển động, vâng: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã sai Con của Ngài đến”[95].
Đó là một động thái căn bản và cốt yếu để nói lên bản tính của Thiên Chúa. Vâng, Thiên Chúa không những là lửa hồng bắn ra những tia lửa, ánh sáng, từ đó bốc lên những tia lửa, là các Thiên Thần, những tạo vật có giới hạn. Thiên Chúa, một ngày nào đó do bởi sự chuyển động của tình yêu, đã làm một động thái rất mãnh liệt, rất quyền năng, là Ngài đã “ném” ra một điều gì đó của chính Ngài: là Ngôi Lời, là Con của Ngài.
Nhờ qua câu chuyện đặc biệt này (épisode), mà chúng ta học biết điều gì đó nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha, là nguồn ánh sáng, là nguồn mạch của lòng xót thương, là Thiên Chúa tình yêu. Động thái của Chúa mà Môi-sen đã được chứng kiến chính là ngọn lửa cháy, ngọn lửa của tình yêu.
Sự trao đổi yêu thương nơi Thiên Chúa
Căn cứ theo chứng tá mà chúng ta nhận được qua động thái của Thiên Chúa, chúng ta có thể nhận biết rõ hơn về Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu, Thiên Chúa là ngọn lửa hồng, là lửa bốc cao lên: Thiên Chúa là thế đó.
Chúa Cha, nguồn mạch của tình yêu
Thiên Chúa là Cha, nguồn gốc của mọi sự, là nguồn ánh sáng và lòng xót thương, là “nền tảng”, chúng ta có thể nói được như thế, nền tảng này, lò lửa này mà tất cả mọi sự xuất phát ra chính là tình yêu. Tình yêu chính là sự thiện tỏa lan: Thiên Chúa nhân lành, Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu ở nơi Ngài tạo ra một chuyển động. Thiên Chúa thì vô biên, nhưng bởi vì Ngài là tình yêu, nên Ngài là sức mạnh và là năng lực tỏa lan.
Tại sao có sự chuyển động này? Sự chuyển động này phát xuất từ tình yêu. Tình yêu là điều tốt lành trao ban và đổ tràn ra. Sự chuyển động của tình yêu là điều tự nhiên – chúng tôi dám nói như thế – và nó phát sinh ra từ tự bản tính của Người. Thiên Chúa là thế đó: Ngài là sức mạnh lan tràn, là sự thiện phát ra. Bonum diffusium sui… Với sự hiểu biết soi sáng bằng đức tin, chúng tôi có thể cố gắng để giải thích về điều đó.
Chúa Con, tầng ánh sáng bốc lên (la Fils, nappe lumineuse qui monte)
Vậy, Thiên Chúa là lò lửa, là lửa hồng, là năng lực phát tán ra, điều gì bốc lên từ năng lực phát tán vô tận này? Bởi vì, xét như lửa là sự chuyển động và chúng ta có thể hiểu được điều này theo một cách nào đó, và điều này mặc khải ra một sự gì đó nơi Ngài. Chúng ta không được đặt giới hạn cho Thiên Chúa, vì Ngài thì vô biên. Năng lực phát tán này nơi Thiên Chúa, là tình yêu bốc lên, là lửa hồng, là năng lực thì luôn luôn nóng cháy và luôn luôn tỏa lan.
Điều gì bốc lên cao? Có một tầng ánh sáng bốc lên từ Đấng vô biên, từ Thiên Chúa là nguồn mạch, Ngài là Cha, bởi vì Ngài là căn nguyên. Và ngọn lửa này, tầng ánh sáng bốc lên, như tầng sương mù bốc lên trên mặt đại dương, hay tầng ánh sáng bốc lên từ lò lửa: đó chính là Chúa Con, Ngài là Thiên Chúa được xuất sinh từ Thiên Chúa, bởi vì tầng ánh sáng này cũng ngang bằng với nguồn mạch của nó. Thiên Chúa làm việc trong chính mình và sinh ra trong chính mình: “Từ nguyên thủy, Ngôi Lời đã có, Ngài ở trong Thiên Chúa, nơi Ngài là sự sống”. Và Ngôi Lời xuất sinh từ Thiên Chúa, là bản tính của Người[96], Ngài ngang bằng với Chúa Cha. Đó là những gì chúng ta có thể nói về Ngài.
Trong thời gian, Ngài như được ném ra, được bắn ra trong bản tính nhân loại, nhận lấy bản tính nhân loại để đến giữa chúng ta và trở nên Ngôi Lời nhập thể. Nhưng từ đời đời đã có sự bốc lên này rồi, đó là tầng ánh sáng, là ngọn lửa bốc lên từ vô biên.
Thánh Thần, tình yêu trở thành Ngôi Vị
Và hai ngôi chỉ có một hoạt động, vì cả hai ngôi đều là Thiên Chúa. Đương nhiên, chỉ có một Thiên Chúa. Điều này là như thế nào? Là một mầu nhiệm… Mầu nhiệm của sự sống thâm sâu của Thiên Chúa. Có thể nói rằng điều này không giải thích được. Nhưng các Ngài là linh thiêng, là trí tri, các Ngài nhìn nhau và yêu mến nhau.
Các Ngài nhìn ngắm nhau, và khi Chúa Cha nhìn thấy tầng ánh sáng bốc lên từ Ngài, Ngài thán phục điều này vì gặp thấy mình nơi đây. Tự bản tính Chúa Cha vẫn là Chúa Cha. Và Thiên Chúa, sau khi tạo dựng, thấy rằng mỗi tạo vật hiện hữu đều tốt lành[97]. Ngài yêu mến tác phẩm của Ngài, vì vậy, làm sao mà Ngài lại không yêu mến Ngôi Lời của Ngài, bởi vì Ngôi Lời xuất sinh tự nơi Ngài? Chúa Cha yêu mến Ngôi Lời của Người, và Ngôi Lời cũng vậy, hiểu biết và nhìn ngắm Chúa Cha. Ngôi Lời nhìn ngắm nguồn mạch không ngừng phát sinh ra mình, nhìn ngắm Chúa Cha không ngừng sinh ra mình như lò lửa không ngừng sinh ra ngọn lửa và ánh sáng. Và Ngôi Lời yêu mến nguồn mạch của mình, vì tìm thấy mình trong nơi đó.
Đó chính là sự chiêm niệm, là cái nhìn đơn giản của Thiên Chúa trên Ngôi Lời, và Ngôi Lời nhìn lên Thiên Chúa là Cha của mình. Từ sự chiêm niệm phát sinh ra sự thán phục lẫn nhau, phát sinh tình yêu nơi tự bản tính của Thiên Chúa, tình yêu giữa hai ngôi với nhau. Chúng ta biết tình yêu giữa Cha và Con phát sinh ra điều gì: đó là hành vi yêu mến vô biên, một tình yêu bản thể, là Ngôi Ba của Chúa Ba Ngôi chí thánh. Từ đó hai ngôi được kết hợp trong tình yêu chung này, trong hơi thở chung của tình yêu bốc lên giữa các Ngài là làm cho các Ngài tràn trề niềm vui.
Niềm vui vô biên
Bởi vì năng lực trào tràn ra – là Thiên Chúa – gặp thấy niềm vui khi sinh ra, tất cả là niềm vui khi tạo dựng… Chỉ có một hành vi vô biên, một hoa trái vô tận mới làm thỏa mãn được Thiên Chúa, bởi vì Ngài là vô biên. Sự xuất sinh Ngôi Lời đem lại cho Chúa Cha một niềm vui vô biên, sự xuất sinh của Chúa Thánh Linh đem lại cho Chúa Cha và Chúa Con một niềm vui khôn tả.
Và điều này không xảy ra trong thời gian, trong một lúc nhất định nào đó, nhưng xảy ra luôn mãi, Thiên Chúa luôn luôn là đời đời, Ngài không có khởi đầu. Sự xuất sinh Ngôi Lời không có khởi đầu, sự xuất sinh Chúa Thánh Linh không có khởi đầu, hạnh phúc của Thiên Chúa không có khởi đầu: đã có từ đời đời như thế, chúng ta cần phải tin vào điều này. Chúa luôn luôn hiện hữu và hạnh phúc của Ngài thì vô cùng, tùy theo mức độ trong “công việc” của Ngài: hạnh phúc nơi Ngài thì vô biên, bởi vì “công việc” của Ngài thì vô tận, bởi vì sự xuất sinh thì vô biên, nó không có giới hạn, không ngừng nghỉ. Thiên Chúa luôn luôn sinh ra, Chúa Thánh Linh luôn luôn xuất sinh, Hơi Thở của tình yêu Chúa Cha và Chúa Con phát sinh không ngừng, luôn mãi và thiên thu vạn đại… Và Thiên Chúa luôn luôn hạnh phúc, là hạnh phúc vô biên. Đó là hạnh phúc của Thiên Chúa! Thật là tốt đẹp đối với chúng ta, một đôi khi chiêm ngắm hạnh phúc của Thiên Chúa! Niềm vui an bình, niềm vui chiến thắng, hạnh phúc khôn vơi, niềm vui thanh thản… Không có giông tố, sự xuất sinh không làm ra bão bùng, nó là hiệu quả của sự tràn đầy nơi Thiên Chúa, nó không vượt quá năng lực của Ngài. Không có gò ép, rất êm đềm, khi Ngài thở ra tình yêu, thở ra Thánh Linh. Không, đây là chuyện bình thường, khi hơi thở bốc lên.
Chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi
Đây là đôi điều nói về Thiên Chúa, được diễn tả ra một cách dè dặt, nhưng chúng ta có thể lợi dụng cho sự chiêm niệm của chúng ta. Chúng ta đừng để cho mình e sợ bởi mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi mà người ta thường nói là vô phương đạt thấu. Vâng, quả thật là như thế, muốn hiểu và giải thích mầu nhiệm này sẽ là kiêu ngạo và điên rồ, có phải vậy không? Sự siêu việt của Thiên Chúa luôn luôn có đó và không được xúc phạm đến nó. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn ngắm để nắm bắt được một điều gì đó, và Thiên Chúa cũng hài lòng để ban cho chúng ta một chút kinh nghiệm và một chút hiểu biết về mầu nhiệm này.
Sự chiêm niệm có thể và phải hướng tới sự nhận biết Thiên Chúa trong chính Người. Thánh Tê-rê-sa và thánh Gio-an Thánh Giá nói với chúng ta rằng trên đỉnh cao của đời sống thiêng liêng, của con đường mà các ngài đã vạch ra cho chúng ta, có sự nhận biết Thiên Chúa mà thánh Tê-rê-sa không ngần ngại gọi nó là “thị kiến trí huệ về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cực thánh”[98] (Visision intellectuelle de la trinite sainte), đây không phải là một “thị kiến”, nhưng đó là một thứ nhận thức nào đó bởi tính chất cộng thông bản tính (connaturalité), một sự nhận biết luôn luôn là bằng đức tin, nhưng nó đúng là một nhận thức.
Điều này làm cho thánh Tê-rê-sa có thể nói rằng ngài hiểu được định nghĩa của sách giáo lý nói về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, ngài thấy được điều này như thế nào. Trong một mức độ nào đó, ngài nắm bắt được sự phân biệt giữa các Ngôi Vị nơi Thiên Chúa và Ba Ngôi như trong một cốt lõi (noyau) – có thể nói được như thế – trong một tâm điểm (centre), trong một ngọn lửa, trong một lò than hồng. Thánh Gio-an Thánh Giá cũng nói như thế. Các ngài nắm bắt mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi theo nhiều cách thức khác nhau, người thì tập chú vào Ngôi này, người thì nhấn mạnh vào Ngôi khác. Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su cũng say mê mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
Xin phép cho tôi (tác giả) được nói với các bạn đôi lời về vấn đề này. Khi chị thánh Tê-rê-sa nói về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, người ta nói: “Xem kìa! Con nhỏ này nói về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, không được đâu!”. Vậy mà, trong việc khám phá mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, qua những lời diễn tả, chị đã chẳng bỏ sót hai ngôi kia sao? Hãy nghĩ kỹ đi! Khi chị tìm gặp Chúa Giê-su Hài Đồng, tốt lắm, chị cũng gặp Đức Trinh Nữ Maria… Nhưng chị đã tìm gặp được Ba Ngôi Thiên Chúa mà!..
Đương nhiên, những ai suy nghĩ như thế là có hơi lệ thuộc vào những thiên kiến của thời đại chúng ta: mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi thì rất mực cao thâm… Nhưng chúng ta đừng theo lối suy nghĩ này, định kiến này và đừng ngần ngại mong muốn hiểu một chút về mầu nhiệm này. Người ta đã nói rằng, chúng ta không nên mơ tưởng đến những ánh sáng lớn lao, không nên ước ao tới những kiểu cách siêu nhiên, những ơn thánh mầu nhiệm mơn trớn giác quan. Nhưng chúng ta nên ao ước sự nhận biết Chúa và chúng ta có thể cầu xin điều này.
Trên thiên đàng chúng ta sẽ làm gì nếu không tìm thấy Thiên Chúa? Chúng ta không phải ở nơi đó để tìm kiếm anh em họ hàng, cháu chắt, nhưng để tìm gặp Thiên Chúa, để chiêm ngưỡng Đấng không thể tiếp cận, Đấng vô biên và gặp Người bằng phương thế của ánh sáng vinh quang[99], lumen gloriae, ánh sáng này được ban cho chúng ta và mức độ của nó tùy theo mức độ của lòng mến nơi chúng ta. Chúng ta đừng khinh chê điều này, nhưng hãy biết khẳng định giáo thuyết của chúng ta về điều này, khi biết phân định những ý niệm của nó, và đừng hài lòng với những khẩu hiệu mơ hồ trong đó thường có nhiều điều sai lầm lớn lao (Nous n’abdiquons pas cela; sachons surce point affirmer notre doctrine, en préciser les notions et ne pas nous contenter de vagues slogans dans lesquels se trouvent bien souvent de grandes erreurs).
Người ta có thể khát khao nhận biết Thiên Chúa ngay từ đời nay và theo một cách thức nào đó, ngay cả ao ước nhận được những ân huệ thần bí nếu như Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta. Nếu như Chúa ban cho các bạn thấy thị kiến của ông Môi-sen trong sa mạc, xin chúc mừng các bạn, đây sẽ là niềm hạnh phúc cho bạn, cũng như khi bạn – nếu có – nhận được ơn mặc khải của thánh Phao-lô trên đường đi Đa-mát! Người ta có thể nhận được những ơn thần bí mà không dễ mất đi những khả năng của mình, và không sợ người ta nhốt bạn trong bệnh viện tâm thần. Cho dù người ta có bị lung lay trong một thời gian như trường hợp của thánh Phao-lô, người ta cũng đã nhận được tất cả sự phong phú rất mực quý hóa này.
Dầu sao, nếu chúng ta không có quyền và nếu như nguy hiểm khi khát vọng những ơn thần bí, những phương thế ngoại thường để nhận biết Thiên Chúa, chúng ta vẫn có thể và phải khát khao nhận biết Người bằng đức tin; một đức tin được kiện toàn cho phép chúng ta thật sự liên lạc được với Thiên Chúa, và Ngài sẽ ban cho chúng ta sự nhận biết về Ngài nếu chúng ta có khả năng nhận được với những khả năng và cơ địa siêu nhiên của chúng ta.
Đó là Thiên Chúa, điều mà chúng tôi có thể nói được về Ngài, điều đã nuôi dưỡng cho sự chiêm niêm của chúng ta.
II. THIÊN CHÚA LÀ NGUỒN MẠCH CỦA SỰ SỐNG
Như thế, Thiên Chúa là nguồn ánh sáng, là nguồn mạch của tình yêu. Chúng ta biết rằng chính từ nơi Người mà vạn sự được phát sinh, vạn vật được tạo thành. Thánh Gio-an Tông Đồ nói với chúng ta về điều này trong lời tự ngôn của Ngài: “Không có gì mà không được tạo thành bởi Người, nhờ Người mà tất cả tạo vật được tạo thành”[100]. Lí trí của chúng ta có thể suy tư về điều này.
Hành động tạo dựng vũ trụ
Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ như thế nào? Giải thích điều này là không thích hợp. Thật vậy, đây là một vấn đề, nhưng đối với chúng ta yếu tố quyết định nằm ở nơi Người, bởi vì tạo dựng là vấn đề của đức tin. Chúng ta không nên giải thích: “Chúa tạo dựng như thế nào? Chỉ nhìn đến sự kiện là đủ rồi: Thiên Chúa đã tạo dựng”.
Sự tạo dựng dấu vết của Thiên Chúa
Bằng một cách nào đó, chúng ta biết Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ như thế nào: Ngài đã làm cho các hữu thể được hiện hữu khi làm cho chúng được thông phần vào sự hiện hữu của Ngài, và đồng thời được thông phần vào yếu tính của Ngài trong một mức độ nào đó. Các hữu thể mà Ngài đã tạo dựng thì hoản hảo hơn kém tùy theo mức độ giống nhau hay mức độ tham dự vào yếu tính của Ngài: vật chất, sự sống, các thiên thần.
Thiên Chúa đã đặt ấn dấu của Ngài vào tất cả các tạo vật, cho dầu nơi những tạo vật bất động, không có sự sống, như lời thánh Gio-an Thánh Giá đã nói: “Ngài đã đặt “dấu vết” của Ngài (vào tạo vật)[101]. Thánh nhân nhìn đến tạo vật vô hồn và tìm thấy nơi đó có dấu ấn của Thiên Chúa, có vết tích của bước chân, của bàn tay, của các ngón tay của Thiên Chúa.
Hơi Thở của Thiên Chúa
Sự tạo dựng nên sự sống, một ngày nào đó, sự triển nở của nó vọt lên từ năng lực của vật chất. Nhưng khi Thiên Chúa muốn đặt để nơi tạo vật một linh hồn linh thiêng, Ngài cần phải làm một tác động tạo dựng mới. Bởi vì vật chất, ngay cả năng lực, không phải là vô biên. Tự nó, nó không thể hiện hữu.
Thiên Chúa cần phải thổi hơi: “Chúng ta hãy tạo dựng con người nên giống hình ảnh của chúng ta”[102]. Chính hơi thở của Thiên Chúa làm cho con người nên giống như Người. Ngài ban cho nó một linh hồn có ý chí và trí năng, để làm cho họ nên giống hình ảnh của Thiên Chúa.
Điều này cho phép Thiên Chúa làm nên một cuộc tạo dựng mới, nghĩa là Ngài đặt để, cấy vào, đưa vào, ghép vào trên trí năng và ý chí này, trên linh hồn tự nhiên này, một điều gì đó còn cao hơn: đó là ơn thánh sủng, một sự tham dự vào sự sống Thiên Chúa. Thiên Chúa không thể ghép ân sủng vào một con vật, nhưng cần phải có một linh hồn. Ân sủng này, sự tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, là một cơ địa, một sự sống được Thiên Chúa thông ban, là một sự tham dự làm cho chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa.
Trên những cơ năng này, lí trí và ý chí, Thiên Chúa sẽ ghép vào đó những nhân đức đối thần, những nhân đức thiên phú, đây là lãnh địa siêu nhiên cho phép ân sủng được phát triển và hướng tới mục đích của nó, để đạt tới tầm mức của nó. Nó sẽ cho phép linh hồn làm những công việc của Thiên Chúa, những công việc như Thiên Chúa làm. Chức vị làm con Chúa sẽ bất toàn nếu như không hoạt động, nhưng đây: nó có thể hoạt động vì nó có những khả năng để hoạt động.
Đó là một vài tiếng bập bẹ chúng tôi mạo muội dùng đến để nói lên về sự tạo dựng.
Sự hiện diện của Thiên Chúa trong công cuộc tạo dựng
Như chúng ta được biết, Thiên Chúa khi tạo dựng nên các hữu thể, Ngài không bỏ rơi chúng: tất cả mọi sự đều vọt lên từ “nền móng” của Ngài, từ tình yêu của Ngài và Ngài không bỏ rơi những gì Ngài đã làm ra. Ngài yêu tác phẩm của Ngài, cho dầu chúng như thế nào, vật chất, sự sống, con người: Ngài dấn thân vào đó, hiện diện trong đó, cho dầu là trong vật chất. Ngài ban cho nó một định mệnh, một sứ mạng, một sự chuyển động để quy hướng về Ngài. Cho dầu thứ vật chất vô hồn này – thánh Phao-lô nói với chúng ta như thế[103] – và tạo vật có sinh hồn, mong mỏi hướng tới Đấng vô biên, là nguồn gốc của chúng. Tạo thành hiện thời trong tình trạng đau khổ, rên xiết như đang sinh nở, sinh ra những gì mà nó phải sinh, nó đang mong ước khát khao, chờ đợi đạt tới cùng đích mà Thiên Chúa bắt chúng hướng tới khi tạo dựng nên chúng, cùng đích đó chính là Thiên Chúa.
Sự hiện diện của vô biên
Sự khát khao này từ đâu mà có? Không phải từ chính vật chất, không phải từ nơi thú vật, không phải từ nơi sự sống; nó đến từ Thánh Linh hiện diện trong sự sống này, trong vật chất này.
Tất cả tạo thành được cư ngụ bởi Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện diện nơi chúng, nhưng vì Ngài là Đấng vô hạn và làm đầy tất cả; Ngài thì hiện diện bằng một sự hiện diện vô biên trong tất cả công trình tạo thành của Ngài. Chính Ngài hướng dẫn chúng, ban cho chúng năng lực của Ngài. Chính Ngài vẫn tiếp tục công trình tạo dựng, bởi vì sự bảo tồn thì giống như một cuộc tạo dựng liên tục.
Ngài hiện diện trong tất cả các nguyên tử, trong tất cả mọi tế bào, trong tất cả mọi thành phần của chính chúng ta. Trong mọi thần trí, trong mọi chất thể Thiên Chúa hiện diện bằng sự hiện diện vô biên của Ngài. Sự hiện diện vô biên của Ngài thì tích cực, năng động, nhất là nơi con người.
Sự hiện diện năng động của Thánh Linh
Sự hiện diện của Ngài nằm ở mức độ cao hơn nơi con người được phú bẩm nhiều ơn thánh sủng. Thánh Linh được ban cho chúng ta, và trong mọi lúc, ơn thánh sủng được tăng thêm bởi Thánh Linh, bởi sự thiện thì tỏa lan, bởi tình yêu tự Bản Thể Thiên Chúa. Đồng thời chính Thiên Chúa cũng được ban cho chúng ta để chúng ta có những mối dây liên lạc với Ngài. Thiên Chúa là thế đó!
Chính Ngài (Thánh Linh) đã được trao ban, và chính Ngài thở hơi nơi chúng ta, Ngài làm cho chúng ta than thở về phía Đấng vô biên nơi mà từ đó Ngài xuất sinh ra. Ngài chính là Thánh Linh của Thiên Chúa. Tinh thần nghĩa tử nơi chúng ta khát vọng Chúa Cha. Và cũng làm ta khát vọng về phía Từ Mẫu; Đức Trinh Nữ Maria, các thánh đã từng nói với chúng ta như thế. Thánh Linh nâng chúng ta lên, và Ngài muốn chúng ta được lên với Đấng vô biên, với Chúa Cha mà chúng ta là con của Người do bởi ơn thánh. Chính Thánh Linh mang chúng ta trên vai, chính Ngài kéo chúng ta đi. Thiên Chúa là thế đó!
Thánh Linh là vị thượng khách của chúng ta, là ngọn lửa sống động nơi chúng ta, là ánh sáng, là bạn của chúng ta. Ngài thực sự cư ngự trong chúng ta. Ngài thánh hóa chúng ta và luôn luôn thần hóa chúng ta. Ngài muốn đến – chúng ta sẽ thấy điều này – để cai quản chúng ta qua trung gian của các khả năng và của ơn Thánh Linh, để cai quản lí trí và ý chí của chúng ta. Ngài muốn thiết lập Nước Thiên Chúa nơi chúng ta, và muốn hướng dẫn chúng ta. Sự hiện diện của Ngài kéo theo sự tuôn đổ ơn thánh vào lòng chúng ta, và dần dần trở nên sự hiện diện của người bạn do bởi sự khám phá của chúng ta về Ngài, và nhờ bởi công việc của chúng ta. Đây là một sự hiện diện của bạn hữu. Ngài trở nên một người bạn, một người khách quý thân mật không muốn rời xa với chúng ta[104]. Khi đã gặp được Ngài, chúng ta không thể sống mà không có Ngài.
Sự hiện diện cai quản
Sự hiện diện thân tình được phát triển với ơn thánh sủng, với công việc tu thân luyện đức và tìm kiếm Thiên Chúa, sẽ trở nên một sự hiện diện cai quản. Thánh Linh trở nên một vị thầy đích thực của chúng ta. Ngài trở nên ông chủ trong “nhà” của chúng ta, trở nên một vị quân vương, không những bằng sự thán phục của chúng ta đối với Ngài, mà còn bằng sự cai quản hiệu quả đối với những khả năng của chúng ta.
Đó là điều thánh Gio-an Thánh Giá đã nói, bằng những lời khẳng định đáng ngạc nhiên. Đó chỉ là hiệu quả của sự sống Thiên Chúa và sự hiện diện của ơn thánh sủng nơi chúng ta. Và thánh Gio-an Thánh Giá cũng không ngần ngại nói lên điều này[105]. Nhờ Ngài và với Ngài chúng ta làm những hành vi của Thiên Chúa, những hành vi xuất phát trực tiếp từ những khả năng của chúng ta, như những khả năng này được sản xuất bởi Thánh Linh là Đấng ngự, trong chúng ta.
Đó là cái nhìn đầu tiên về Thiên Chúa, Thiên Chúa nơi chính Người và Thiên Chúa trong chúng ta. Thực vậy, Thiên Chúa, Đấng vô biên, vô phương đạt thấu, siêu việt, được bao bọc bởi bóng tối, Ngài luôn luôn là Ngài và không hề giảm bớt đi tính vô biên khi ngự trong chúng ta, nhưng Ngài là thế đó, trong chúng ta.
Tìm kiếm Thiên Chúa
Chúng ta hãy ở lại trên cái nhìn về Thiên Chúa, làm mới lại bằng đức tin, và hãy tìm kiếm nó. Sự cầu nguyện của chúng ta là: sử dụng những dụng cụ mà chúng ta có, để tìm Chúa, để bắt liên lạc với Người.
Chúng ta sẽ xét đến cơ chế của ân sủng, sự thần hóa linh hồn chúng ta bằng ân sủng. Chúng ta sẽ thấy được tùy theo khả năng có thể, một đôi điều. Chúng ta sẽ nhìn đến từng mảng, từng dụng cụ, từng bộ phận của cơ chế này để nhận biết nó, để ý thức một cách rõ nét hơn về chúng và để chúng ta biết được về kho tàng mà chúng ta đang sở hữu.
Rồi chúng ta sẽ đi đến việc thao luyện cơ quan thiêng liêng này và sẽ học biết nó. Đây luôn vẫn là một sự học hỏi về thần học, bởi vì chính Thiên Chúa mà chúng ta học biết. Đồng thời đây cũng là môn học về tâm lý, bởi vì sự luyện tập này đồng thời gồm có hoạt động của ân sủng đã được ban cho chúng ta, khí cụ siêu nhiên mà chúng ta nhận được qua bí tích Rửa Tội, và gồm có cả hoạt động của các khả năng của chúng ta. Đó là những gì làm nên chủ đề khá tế nhị, tâm lý pha trộn với thần học, nên đôi khi điều này gây ra những lầm lẫn.
Không phải lúc nào cũng dễ dàng phân định được hai lĩnh vực này. Thánh Tê-rê-sa nhìn thấy rõ ràng vấn đề này; thánh Gio-an Thánh Giá lại thích thú với nó – có thể nói được như thế – ngài phân định được điều này một cách rất kì diệu. Ngài đã nhanh chóng phân biệt được chúng, ngài thấy được chúng, ngài thấu triệt được chúng. Giống như ngài, chúng ta có thể hiểu được điều này một ít, một cách tiệm tiến; nhưng khởi đầu chúng ta có hơi bối rối bởi vì đã quen nhìn sự việc qua hiệu quả của nó, và quen học biết chúng bằng cảm tính, bằng ấn tượng.
Chúng ta cố gắng phân định tất cả những điều đó tùy theo khả năng có thể, để làm cho đức tin của chúng ta được vững mạnh và nhất là – đây là mục đích thực tế – để chúng ta tìm gặp được khẩu vị về Thiên Chúa (le gôut de Dieu), thực tập ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa và tìm kiếm Ngài. Như thế chúng ta hiểu được rằng, nếu như sự sống trường cửu hệ tại sự nhìn ngắm, chiếm hữu Thiên Chúa, thì đời sống của chúng ta ngay từ bây giờ đã hàm chứa sự tìm kiếm và liên lạc với Thiên Chúa, như là chính yếu. Đây là một công việc – tôi không nói là duy nhất – nhưng tôi nói đó là một công việc chính yếu của đời sống chúng ta ở nơi dương thế, và sự thao luyện cho đời sống trường cửu, vì đây là sự bắt đầu của đời sống vĩnh cửu[106] (inchoatio vitae aeternae). Bởi lẽ, nếu người ta không thực tập điều này, nếu người ta không phát triển cơ quan thiêng liêng, sau này nó sẽ bị thiếu sót để chiêm ngắm Thiên Chúa. Chúng ta chỉ nhìn ngắm Người ở trên trời, chúng ta chỉ chiếm hữu được Người, tùy theo cường độ của cơ quan mà chúng ta đã làm phát triển ngay từ đời này.
Chúa ở cùng Bà (Dominus tecum)
Chúng ta hãy cầu xin cùng Đức Trinh Nữ là Mẹ của sự sống, Ngài sống với Thiên Chúa: “Dominus tecum” (Chúa ở cùng Bà). Câu xác quyết của Thiên Thần nói lên tình thân thiết, những liên lạc chặt chẽ giữa Mẹ Maria và Thiên Chúa. Hiện nay Mẹ đã chíếm hữu, đã sống trong vinh quang của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa để học biết nơi Mẹ sự tìm kiếm và sống với Thiên Chúa, để người ta có thể nói về chúng ta: Chúa ở cùng bạn. Thật là chứng tá tốt đẹp về Thiên Chúa mà chúng ta có thể mang trong mình khi có Chúa ở cùng chúng ta!
Theo một cách thức nào đó, chúng ta có thể nói như Chúa Giê-su đã nói với ông Ni-cô-đê-mô: “Không ai có thể đến được với Thiên Chúa, chỉ có một người có thể làm chứng về Người”, và tôi cũng vậy, tôi có thể làm chứng. Bởi vì, chúng ta không thể như Chúa Giê-su được, vì Ngài sống trong sự hiệp nhất mật thiết với Chúa Cha và Chúa Thánh Linh, nhưng chúng ta một đôi khi có thể căn cứ vào kinh nghiệm của chúng ta về Thiên Chúa để khẳng định rằng kinh nghiệm ấy có thể có được và đem lại cho người khác sự cảm mến và khát khao Thiên Chúa.
HỒNG ÂN BÍ TÍCH RỬA TỘI
I. SỰ GIÀU CÓ THIÊNG LIÊNG
Đây là ngôn ngữ thiêng liêng mà tôi muốn ngỏ lời với các bạn. Tuy nhiên, ngay từ đầu, tôi không thể không nhấn mạnh rằng chúng ta đang sống trong một thế giới đầy lo âu và náo động… Đâu là căn cớ của sự náo động và lo âu này? Các bạn đã biết điều đó, và có lẽ còn biết rõ hơn tôi.
Một thế giới lo âu và náo động
Giới trẻ đứng lên và khẳng định khát vọng của họ về một cuộc sống cá nhân độc lập, có lẽ còn mong ước cai trị nữa. Hơn nữa, hiện thời trong thế gian, đang phô trương những ý thức hệ mạnh dạn, xem ra muốn hủy diệt nền văn minh Ki-tô giáo cổ xưa của chúng ta. Những ý thức hệ này không che giấu khi đưa ra một quan niệm mới về nền văn minh tân tiến của con người. Và bằng những lời hứa hẹn đường mật, họ không những lôi cuốn một số người, mà còn quyến rũ những khối người mong muốn được hạnh phúc… Nếu như, trong những quốc gia, chúng ta chỉ thấy những khát vọng hoàn toàn có tính chất con người thì có thể lắm, nơi những ý thức hệ, còn có điều gì hơn thế nữa, nghĩa là một tác động thực sự của ác thần muốn đụng chạm tới giá trị thiêng liêng, và tới Giáo Hội là nơi đang có những giá trị đó.
Trước mối đe dọa này, chúng ta lo âu, và có lẽ sự lo âu của chúng ta hợp lí. Tương lai sẽ ra sao? Chúng ta, quốc gia của chúng ta, Châu Âu và Thế giới sẽ ra sao trong vòng mười lăm năm, hai mươi năm tới đây? Khó mà tiên đoán được tương lai đó như thế nào. Chúng ta có cảm tưởng rằng mình sẽ sống với những biến cố chưa bao giờ thấy (chưa bao giờ xảy ra).
Những bài học của lịch sử
Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn cẩn thận nhìn lại lịch sử và các bài học mà nó đem lại, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được rằng lịch sử của thế giới và của các dân tộc đã được tạo thành bởi những sự đảo lộn tương tự như thế. Nếu chúng ta nghiên cứu về lịch sử của nước Trung Quốc và của Ấn Độ, những nền văn minh cổ xưa nhất, có lẽ, có niên kỉ từ bảy hay tám ngàn năm trước Thiên Chúa giáng sinh, sẽ thấy rằng nền văn minh hiện tại của họ giống như hậu quả của những sự đảo lộn mà họ là những nạn nhân của hàng ngàn năm trước: những cuộc xâm lăng, những làn sóng di dân, những chính thể quân chủ, độc tài nổi lên…
Chúng ta thấy ở vùng Cận Đông, các đế quốc lần lượt sụp đổ: Mê-đi, Ba-tư, Hy-lạp và A-lịch-sơn đại đế, và những người Rô-ma, nhờ vào thế giới trật tự họ đã thiết lập, mà Chúa Giê-su có thể ban truyền Tin Mừng của Ngài một cách rộng rãi. Mầu nhiệm Nhập Thể có ảnh hưởng trên thế giới, như thánh Phao-lô đã nói[107], nghĩa là cả thế giới được nhận biết Tin Mừng.
Rô-ma, khi trở lại Ki-tô giáo, trở nên nhân tố bênh vực cho nền văn minh Ki-tô giáo, cũng phải chịu những cuộc tấn công của những người được gọi là man di. Và rồi những người man di theo Ki-tô giáo. Người ta săn sóc cho những vết thương trong một thời gian; người ta lại lao vào những cuộc tìm kiếm mới về Thiên Chúa… Một nền triết học, thần học, nghệ thuật được hình thành vào thế kỉ XIII, và xem ra tất cả mọi sự đi vào trật tự cho đến khi trật tự này bị đảo lộn do bởi những biến động khác.
Đâu là bài học được rút ra từ những biến cố này?
Vai trò ưu thế của lí trí
Từ những điều này, phát sinh ra nhiều vấn đề khác một cách tự nhiên: trước tiên, lí trí có một sự ưu thế nào đó của nó. Trong tất cả mọi sự đụng chạm này, những đảo lộn, những giao tranh trong các nền văn minh, những đế quốc, những nền văn hóa; mức độ lí trí nào tinh tế nhất (cao nhất) sẽ thống trị. Nó bị đánh bại trong một thời gian như nền văn hóa của Hy-lạp bị nền văn hóa Rô-ma đánh bại, nhưng rồi nó sẽ hồi sinh để khẳng định sức mạnh của nó. Trong các cuộc đấu tranh của con người, lí trí sẽ thống trị, lí trí sẽ chiến thắng và chiếm phần ưu thế.
Sức mạnh của Thánh Linh
Có một điều khác nữa. Sự lan rộng của Ki-tô giáo đặt chúng ta đối diện với những sức mạnh khác: đó là những sức mạnh thiêng liêng. Chúa Giê-su đã đến trần gian, trước khi chết, xem ra Ngài phải chịu thất bại trên đồi Can-vê. Ngài xác quyết: “Ta đã thắng thế gian, phần các con, các con sẽ phải chiến đấu, các con sẽ bị đánh bại, sẽ phải chịu chết, nhưng hãy tin tưởng: Thầy đã thắng thế gian”[108]. Sự chiến thắng của lí trí, của những sức mạnh thiêng liêng… Vâng, Giáo Hội sẽ không gục ngã trước những cuộc tấn công, Giáo Hội sẽ phải chịu tất cả những cuộc đảo lộn, cách mạng, biến đổi, những làn sóng thủy triều từ đó phát xuất ra, được tác động bởi sức mạnh của lí trí con người hay bởi tất cả sức mạnh của hỏa ngục. Đó là kết luận mà chúng tôi muốn rút ra.
Kho tàng của những sức mạnh thiêng liêng
Trước sự lo âu mà chúng ta đang có, trước những sự đe dọa chắc chắn sẽ gây ra hiệu quả trên một số phương diện, chúng ta phải làm gì đây?
Bổn phận của chúng ta, những người Ki-tô giáo, là phải tìm đến những sức mạnh thiêng liêng và đặt niềm cậy trông trên những sức mạnh thiêng liêng, không những trên quan điểm của cái nhìn siêu nhiên, nhưng còn trên những niềm hy vọng cho xã hội: sự lo âu và náo động phải dẫn đưa chúng ta đến việc đào sâu và yêu mến hơn nữa đối với những sức mạnh thiêng liêng đã được trao ban cho chúng ta. Chúng dẫn đưa chúng ta hướng về lãnh vực thiêng liêng; hướng về Thiên Chúa: đó là niềm hy vọng tối thượng cho mỗi người chúng ta, để cứu độ mình và cứu độ nhân loại, trong tất cả mọi mức độ mà nó có thể được cứu độ.
Đâu là những của cải thiêng liêng? Chúng ta hãy lưu trữ nó, bởi vì chủ đề chúng ta là “ơn thánh của bí tích Rửa Tội”; chúng ta phải khai thác ơn thánh như là của cải tốt nhất và có thể nói, đó niềm trông cậy của chúng ta.
Sự giàu sang lớn lao của chúng ta
Của cải đầu tiên của chúng ta, chính là niềm tin vào Thiên Chúa. Vâng, chúng ta tin vào Thiên Chúa! Chúa chúng ta là Đấng Tự Hữu, là Thần Linh vô hạn không có khởi đầu và không có chung cuộc. Chúa chúng ta là Thánh Linh của tình yêu: chúng ta biết rằng, cũng như tình yêu, Ngài sống nơi chính mình, Ngài xuất sinh ra Chúa Con là ánh sáng, là Ngôi Lời, là sự diễn tả của Ngài; chúng ta biết rằng Chúa Cha và Chúa Con, nhận biết nhau, xuất sinh Chúa Thánh Linh là Thánh Linh của tình yêu.
Thiên Chúa là nguyên lý của tất cả mọi sự, của tất cả những gì hiện hữu: Ngài là nguyên lý phát sinh và cùng đích của chúng. Tại sao? Bởi vì Ngài là tình yêu, Ngài tạo dựng nên tạo vật bởi tình yêu. Ngài đã tạo dựng nên thiên nhiên, và trong đó, có sự gì đó là của Ngài, như một vết tích, thánh Gio-an Thánh Giá nói như thế[109]. Quả vậy, vật chất là năng lực. Ngài đã tạo dựng nên sự sống và trong sự sống, có điều gì đó giống Ngài hơn nữa, một sự gì đó của quyền năng của tình yêu của Ngài. Nhất là, bởi tình yêu, Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người, là sự tóm lược của việc tạo dựng. Nơi con người, Ngài đã đặt vào đó hơi thở của sự sống của Ngài – Kinh Thánh nói[110]– và hơi thở này có sự giống nhau với Thiên Chúa.
Con người, bởi vì là tuyệt hảo, là hữu thể thân thiết với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người, và trước khi tạo dựng nên nó, Ngài đã suy nghĩ về nó. Ngài đã yêu mến nó. Đó là sự giàu sang của chúng ta: Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Ngài đã tạo dựng chúng ta do bởi tình yêu. Và chính vì yêu thương chúng ta, nên Ngài muốn chúng ta nhớ đến Ngài. Tình yêu của Ngài chưa được thỏa mãn nơi sự tạo dựng chúng ta. Ngài chỉ được hoàn toàn thỏa mãn khi chúng ta quy hướng về Ngài: đó là sự giàu sang của chúng ta! Đem so sánh với ý tưởng yêu thương của Thiên Chúa, Ngài đã tạo dựng chúng ta để quy hướng về Ngài, thì có nghĩa lý gì đối với những sự đảo lộn, đe dọa, những thế lực vật chất, và ngay cả đối với sức mạnh của lí trí? Vâng, đó là sự giàu sang của chúng ta, đó là niềm cậy trông của chúng ta: ý tưởng của Thiên Chúa, tình yêu của Thiên Chúa, không những là tình yêu đối với nhân loại, nhưng còn là tình yêu của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta.
Thiên Chúa biểu lộ tình yêu này cho chúng ta như thế nào? Ngài trao ban chính bản thân Ngài như là mục đích cho tất cả tạo vật và nhất là cho chúng ta. Ngài đã thực hiện điều này khi ban cho chúng ta được tham dự vào sự sống của Ngài. Đó là hành vi lớn lao nhất của Thiên Chúa đối với con người, trong công trình tạo dựng của Ngài. Chắc chắn, Ngài đã ban cho chúng ta lí trí và ý chí. Sự nên giống như Thiên Chúa gồm chứa trong hơi thở của sự sống mà Thiên Chúa đã thổi vào con người đầu tiên và chúng ta cũng có hơi thở đó. Nhưng tình yêu của Ngài biểu lộ ra nhất trong điều mà chúng ta gọi là ơn thánh của phép Rửa Tội – đó là điều mà chúng ta nhận được khi chịu phép Rửa Tội.
II. ƠN THÁNH SỦNG CỦA BÍ TÍCH RỬA TỘI
Tôi muốn được khảo sát về ơn thánh sủng trước tiên theo khía cạnh đối tương (ontologiquement), sau đó theo khía cạnh tâm lý học (psychologiquement), qua những hiệu quả của nó trên bản tính con người.
Sự tham dự của tạo vật vào đời sống của Thiên Chúa
Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta bởi tình yêu, và khi tạo dựng chúng ta bởi tình yêu, Ngài nhắc nhở chúng ta quy hướng về Ngài: Ngài là mục đích của chúng ta. Ngay cả xét trên phương diện hoàn toàn tự nhiên, chúng ta được tạo thành cho Ngài. Ngài yêu thương chúng ta và đặt vào trong bản tính nhân loại của chúng ta một thứ khuynh hướng nào đó quy hướng về Ngài, một phương thế được đặt sẵn nơi chúng ta, để chúng ta khám phá ra Ngài và yêu mến Ngài. Bằng một cách gián tiếp Ngài ban cho chúng ta được nhận biết Ngài một cách tự nhiên, nơi các tạo vật, như một câu đố, một ẩn ngữ (une énigme)[111], để chúng ta yêu mến Ngài. Tuy nhiên, do bởi ân sủng nhận được nơi bí tích Rửa Tội, chúng ta còn có điều gì hơn thế nữa.
Ơn mà chúng ta được lãnh nhận nơi bí tích Rửa Tội là ơn nào? Khi linh mục đổ nước lên trên trán chúng ta và nói: “Tôi rửa ông (bà, anh, chị, em…) nhân danh Cha và Con và Thánh Linh, ơn thánh sủng được đổ xuống trong linh hồn chúng ta. Đó là gì? Là một mầu nhiệm, mầu nhiệm như chính Thiên Chúa: đó là sự tham dự của tạo vật vào sự sống của Thiên Chúa, vào bản tính của Thiên Chúa.
Thiên Chúa là thế nào? Là Đấng Vô Biên, là Đấng Tự Hữu… Ai có thể nói lên được điều này? Khi chúng ta ở trên trời, cùng với ánh sáng vinh quang (lumen gloriae)[112], chúng ta sẽ thấy được một điều gì đó của Ngài tùy theo mức độ của khả năng nhìn ngắm thụ hưởng của chúng ta. Nhưng còn ở trần gian bằng lí trí của chúng ta, chúng ta có thể nói lên điều gì về Thiên Chúa? Ngài được bao phủ bởi ánh sáng, một thứ ánh sáng rất chói lọi đến nỗi đối với chúng ta, nó như một tấm áo choàng của bóng tối!
Vậy, ơn thánh sủng là một sự tham dự của tạo vật vào bản tính và đời sống của Thiên Chúa, làm cho chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa. Theo một cách thức nào đó, chúng ta có thể nói rằng ơn thánh làm cho chúng ta trở nên “Thiên Chúa được tạo dựng” (Dieu créé). Tuy nhiên, điều ban cho chúng ta không phải là vô cùng, nhưng là điều gì đó được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa. Ơn thánh sủng cho phép chúng ta làm những công việc như Thiên Chúa làm. Chúng ta không phải là toàn năng, không có tính chất vô biên, nhưng cuối cùng ra, ơn thánh cho phép chúng ta làm những công việc tinh thần của lí trí (les opérations intellectuelles d’intelligence), làm những công việc của tình yêu như chính Thiên Chúa, và đi vào trong mối tương giao với Ngài, do đó hành động như Ngài.
Không nên để chúng ta đi quá xa vấn đề. Khoa thần học, khi thăm dò những chiều sâu thẳm của ơn thánh sủng, cũng như khi thăm dò những chiều thăm thẳm của Thiên Chúa, sẽ dùng ngôn ngữ của triết học đế cố gắng diễn tả những thực tại này.
Loại ngôn ngữ này, đương nhiên, không phải là loại ngôn ngữ ám dụ (langage allégorique), nhưng là loại ngôn ngữ loại suy (tương đồng = analogique) theo kiểu như “dường như là” (commesi)[113].
Được ghi dấu ấn của sự sống Chúa Ba Ngôi
Trong năng lực này, trong sự sống được trao ban – bởi vì đó là sự sống của Chúa Ba Ngôi – có một sức lực, một sức mạnh, một sự quy hướng. Tôi muốn nói rằng, trong bản tính nhân loại của chúng ta, bản tính tự nhiên, đã có một khuynh hướng quy hướng về Thiên Chúa. Ngài đã ghi ấn dấu trên chúng ta: con dấu của Thiên Chúa mà chúng ta mang trong lí trí, ý chí của chúng ta, đã có năng khiếu để nhận biết và yêu mến Người, để đồng hành với Người, vì Người là mục đích của chúng ta. Do bởi ơn thánh sủng, con dấu này lại trở nên rõ ràng hơn nhiều: có một khuynh hướng, một khát vọng về Người. Khát vọng tự nhiên của chúng ta mong mỏi Thiên Chúa chỉ có thể thỏa mãn trọn vẹn nhờ bởi ơn thánh sủng.
Ơn thánh sủng được ban cho chúng ta, là sự tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, ghi dấu vào số phận của chúng ta, nó có ảnh hưởng trên tất cả tính nhân loại của chúng ta. Nó ghi dấu chúng ta cho sự sống đời đời. Hơn thế nữa, nó ghi dấu chúng ta cho Thiên Chúa, cho đời sống Chúa Ba Ngôi. “Tôi rửa anh (chị) nhân danh Cha và Con và Thánh Linh”: trong lời tuyên xưng danh tánh của Ba Ngôi Thiên Chúa, có số phận của chúng ta, kể ra “gia đình” của chúng ta. Chúng ta được kêu gọi để đi vào trong Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi thì tương quan Bản Thể trong sự hợp nhất của Thiên Chúa. Chúng ta được kêu gọi để đi vào trong tương quan Bản Thể của Chúa Ba Ngôi. Chúa đã chọn chúng ta làm con Chúa, nhờ Ngôi Lời nhập thể, và chúng ta phải đi vào trong mối tương quan này.
Ơn thánh sủng kêu gọi chúng ta đi đến nơi đây. Nó chỉ được thực hiện trọn vẹn ở nơi đây: nó được tạo dựng vì chuyện này. Chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Ở đời này, chúng ta là như thế đó, trong bức màn của đức tin. Ơn thánh sủng chỉ được giải thích thỏa đáng khi chúng ta thực sự tiến vào trong Ba Ngôi Chí Thánh: lúc đó, chúng ta được trao ban ánh sáng vinh quang (lumen gloriae), là khả năng để chiêm ngắm Thiên Chúa, để có thể thực sự tiến vào mối liên lạc với Thiên Chúa bằng sự nhận biết và bằng tình yêu để vui hưởng mối tương quan này. Đó là ơn thánh sủng.
Ơn thánh sủng trong chúng ta cố định số mạng của chúng ta, cố định ơn gọi trên trời và cố định ơn gọi chúng ta trên trần gian. Bởi vì chúng ta ở dưới thế này để đi về với Thiên Chúa và làm phát triển ơn thánh sủng, để trao dâng cho Ngài tất cả những sức mạnh của ơn thánh sủng, và như thế tiến đến khả năng chiêm ngắm, và sống thân tình với các mối tương quan của Ba Ngôi Thiên Chúa. Khi tạo thành nên chúng ta, Thiên Chúa đã nhìn thấy chúng ta trong chương trình sống thân tình với Ngài. Nếu Ngài đã ném chúng ta vào trong thế gian, là để chúng ta lại tiến lên về phía Ngài, để chiếm chỗ mà Ngài đã hoạch định cho chúng ta trong Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Ki-tô và trong sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là ơn thánh sủng.
Có đáng là bao những đảo lộn của thế gian, những cuộc cách mạng, những ý thức hệ! Cũng đáng giá bao nhiêu đối với những sự biến đổi của trần thế tục lụy, những giải ngân hà đang nhảy múa trong vũ trụ, những thành quả của trí khôn con người, sự ghen ghét mà đôi khi chúng nhắm vào chúng ta? Đáng giá gì, tất cả những công việc của Ác Thần và sức mạnh của nó trên thế gian này, trong khi chúng ta đã chiếm được kho tàng quý giá, là sự tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, và lời kêu gọi đến sống thân mật với Ngài?
Chúng tôi cũng xin nói như thế về tất cả những điều gọi là siêu việt và ngay cả về chuyện “thần bí” nữa. Có lẽ chúng ta, những Ki-tô hữu, một đôi khi nhầm lẫn giữa chuyện thần bí, siêu việt với điều không có thực (irréel). Không phải thế, sự có thực là đây! Sự siêu việt, sự thần bí không phải là chuyện tưởng tượng. Không phải thế, đây chính là chuyện có thực ( réel), chuyện của vĩnh cửu. Bởi vì, cả chúng ta nữa, trong thánh ý Thiên Chúa, chúng ta được tạo dựng cho vĩnh cữu: chúng ta là gì, ngay từ đời đời, Thiên Chúa đã muốn điều đó, vì từ đời đời Ngài đã yêu thương chúng ta. Khi yêu thương chúng ta từ đời đời theo cách thức này, Ngài đã tưởng nghĩ đến mỗi người chúng ta. Ngài đã thực hiện ý tưởng này một cách trọn vẹn khi Ngài kêu gọi chúng ta. Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta cho vĩnh hằng, vì tình yêu của Ngài và cho niềm vui của Ngài, để Ngài vui thú vì chúng ta và để yêu mến mỗi người chúng ta như Ngài đã yêu mến Chúa Con và Chúa Thánh Linh.
Tất cả những chuyện trên trần gian, tất cả những sự việc tự nhiên, tất cả những đảo lộn đều là không không khi so sánh với chuyện đó! Sự bình an mà chúng ta kiếm tìm, nó đang có đó, trong sự bình thản của trật tự mà chúng ta phải thực hiện: đó là tiến đến với Thiên Chúa, đó là sự hài hòa, hòa hợp khi tìm ra vị trí đích thực của mình và chu toàn nhiệm vụ mà Chúa đã ấn định cho chúng ta. Đó chính là sự bình an đích thực, siêu việt trên tất cả mọi sự. Còn có điều gì khác trên trần gian này không? Tôi không biết. Dù sao đi nữa, trong thứ bậc siêu việt, chỉ có điều đó. Điều đó là ơn thánh sủng, ơn của bí tích Rửa Tội.
Sự trọn lành của Ki-tô giáo độc lập với tất cả mọi thể thức, với tất cả mọi cách thức nhân loại, với tất cả mọi sự trọn lành tự nhiên có thể có nhận được, với những sự trọn lành của tri thức, và ngay cả với mọi sự trọn lành trong lãnh vực luân lý. Đối với chúng ta, sự trọn lành của Ki-tô giáo là đạt tới Thiên Chúa. Sự trọn lành của chúng ta ở trong Thiên Chúa, đó là sự kết hợp với Thiên Chúa, nghĩa là phát triển ơn thánh sủng của phép Rửa Tội. Nó không tìm thấy được nơi nào khác, không có trọn lành nào khác ngoài trừ này. Tất cả mọi cách thức, tất cả các phương pháp, phương thế, tất cả những nền tu đức phải dẫn đến điều này.
Chúng ta đừng lầm lẫn phương thế với mục đích. Sự trọn lành không hệ tại sự hoàn hảo của con người chóng qua, hay nơi sự phát triển của trí tuệ, cũng không phải là sự hoàn hảo của luân lý. Không phải thế! Sự trọn lành chỉ nằm nơi việc thực hiện ơn gọi siêu nhiên của chúng ta, trong sự phát triển ơn thánh sủng được ban qua bí tích Rửa Tội. Sự trọn lành không tìm thấy nơi nào khác đâu.
Đó là sự giàu sang được Thiên Chúa ban cho chúng ta: đức tin của chúng ta đối với Thiên Chúa. Sự liên lạc của Thiên Chúa được thiết lập bởi ơn thánh sủng, là sự tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, nó quy hướng chúng ta đến với Ngài.
Được ghép vào bản tính nhân loại…
Xét trên bình diện tâm lý, ơn thánh sủng là gì? Đây không phải là một kho tàng, một đồ trang sức quý giá đặt trong một xó góc của linh hồn chúng ta. Dựa theo lời của bà thánh Tê-rê-sa[114], chúng ta có thể tin rằng, linh hồn chúng ta là một hộp đựng đồ nữ trang quý giá (écrin) chứa đựng đồ trang sức quý báu là Thiên Chúa, là ơn thánh sủng. Không! Ơn thánh sủng được cố định trên bản tính nhân loại của chúng ta. Con người, bản tóm lược của tạo thành, là vật chất, nó mang lấy sự sống cảm giác cũng như đời sống tinh thần. Ơn thánh sủng đến ghép vào trên sự sống của linh hồn chúng ta. Nó đến để kiện toàn – một cách nào đó – hữu thể tâm linh, và cố định trong hữu thể tâm linh của chúng ta. Ơn thánh sủng cố định trong yếu tính của tâm hồn. Nhà thần học sẽ nói với chúng ta, rằng ơn thánh sủng là một “tính chất” (qualité), nghĩa là một cái gì tùy thuộc, nhưng đồng thời nó cũng là cái gì thường tồn[115]. Đó là một bản tính khác đến để kiện toàn bản tính hoàn toàn tự nhiên của chúng ta, nó được thêm vào, để làm cho chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa, do bởi sự tham dự (par participation).
Mỗi đời sống đều ở trạng thái chuyển động và hoạt động. Mỗi đời sống đều có các bộ phận để phát triển, các thi thể để hành động – như thế nơi chúng ta có đời sống cảm giác, đời sống lí trí. Như mỗi cuộc sống trong chúng ta, sự sống siêu nhiên, ơn thánh sủng của chúng ta, cũng có các bộ phận, các năng lực để hoạt động. Sự sống siêu nhiên đưa tới mục đích, đưa tới sự sống của Chúa Ba Ngôi như thế nào? Nói một cách xác thực là do bởi hoạt động, sự hoạt động của các bộ phận, của các khả năng của nó.
…với những năng lực để hành động
Đâu là những bộ phận và các khả năng của ơn thánh sủng ban cho ta trong bí tích Rửa Tội! Đó là những nhân đức thiên phú: tin, cậy, mến. Người ta gọi đó là những nhân đức “thiên phú”, bởi vì chúng làm nên thành phần của ân sủng. Chúng không phải là được ban thêm vào. Bí tích Rửa Tội khi ban cho chúng ta ơn thánh sủng, cũng ban cho chúng ta năng lực để hoạt động, năng lực để thực hiện: năng lực của sự nhận thức, đó là đức tin làm cho chúng ta bám vào Chúa. Năng lực để đi đến với Chúa, đó là đức cậy. Năng lực để kết hợp, đó là đức ái.
Cơ cấu tổ chức siêu nhiên nơi ơn thánh sủng của phép Rửa Tội thì được đính kết vào những năng lực của linh hồn. Đức tin được ghép vào trí năng, bởi vì trí năng là khả năng nhận thức, mà triết học gọi là khả năng trí tuệ, khả năng tri thức. Ơn thánh sủng cũng có khả năng nhận thức là đức tin. Đức tin được ghép vào trí năng. Đức cậy, được ghép vào những năng lực khả giác. Cuối cùng, đức ái, là cơ năng làm chủ, thấm nhập vào tất cả. Năng lực hoạt động được ghép vào khả năng hoạt động của linh hồn, là ý chí. Mỗi hành vì của con người đều là một hành vi của ý chí. Mỗi hành vi siêu nhiên gồm có một hành vi của đức ái, một ảnh hưởng của đức ái. Như thế, đức ái được ghép vào với ý chí.
Vâng tất cả hữu thể nhân loại được kiện toàn bởi ân sủng, và nó thuộc về Chúa. Đó là sự giàu sang của chúng ta.
Sự tiến lên của chúng ta với Chúa được thực hiện một cách vừa tự nhiên vừa siêu nhiên. Không có tình trạng siêu nhiên thuần túy, cũng như không có hành vi nào là thuần túy siêu nhiên. Do bởi sự kết hợp của các nhân đức thiên phú, là thành phần của ơn thánh sủng và các khả năng của con người, mỗi hành vì siêu nhiên cần thiết phải gồm có một hoạt động của những khả năng của con người. Đã từ lâu, người ta tìm hiểu hành vi yêu mến tinh tuyền hệ tại điều gì. Người ta muốn hoàn toàn tách nó ra khỏi yếu tố con người để thanh luyện nó. Đây là chuyện thần thoại, vì không thể có được một hành vì yêu mến thuần túy tách khỏi hành vi của ý chí và do đó tách ra khỏi sự bất toàn của ý chí nơi con người của chúng ta.
Vậy, sự tiến bước của chúng ta đến với Chúa không những được thực hiện với sự hoạt động của năng lực siêu nhiên của ơn thánh, nhưng còn với tất cả con người, với tất cả tâm hồn của chúng ta để đến với Chúa. Tất cả các năng lực, ngay cả những năng lực cảm giác, đều góp phần vào đó. Đó là sự tiến bước của con người được thần hóa đi về với cùng đích, đi về với đỉnh cao của mình.
Sự trọn hảo của Ki-tô giáo
Sự trọn hảo của Ki-tô giáo là đời sống thiêng liêng, là sự tiến bước của con người, tất cả đều được thánh hóa, thần hóa, được nâng cao bởi ân sủng và bởi các nhân đức thiên phú đã ban cho chúng ta, được siêu nhiên hóa đến độ trở thành những hành vi của sự sống của Chúa Ba Ngôi. Bởi ơn thánh sủng và bởi các nhân đức hướng dẫn và thấm nhập vào, khởi hứng và thần hóa, tất cả những hành vi của các khả năng cảm giác, của trí năng trở nên những hành vi hoàn hảo.
Sự trọn hảo của con người, sự trọn hảo của Ki-tô giáo hệ tại nơi sự tiến bước về với mục đích, về với Thiên Chúa, là động viên tất cả các khả năng, tất cả các năng lực, trong tất cả mọi lĩnh vực, để đi đến với Thiên Chúa. Tất cả con người phải hướng tới mục đích, không có điều gì được miễn trừ.
Sự trọn hảo của Ki-tô giáo chính là điều này: đạt đến Thiên Chúa, liên lạc với Ngài, nắm bắt được Ngài, ngay từ đời này, trong tất cả các mức độ có thể, thực hiện sống đời sống của Chúa Ba Ngôi nhờ bởi ơn thánh sủng.
Đó là những đặc ân của chúng ta, đó là những gì ban cho chúng ta qua bí tích Rửa Tội. Cần phải có những ý tưởng rõ ràng đối với lãnh vực này, ý niệm về sự trọn lành của Ki-tô giáo đã bị che mờ bởi các thể thức, bởi các phương pháp. Ô! Chúng thật là tuyệt hảo qua nhiều thời đại, để thực hiện, nhưng chúng vẫn là thứ yếu. Người ta đã đặt lên trước hết sự khổ chế hay là nhân đức, và còn nữa, sự cô tịch… Thực vậy, trong những thế kỉ đầu, người ta đi vào sa mạc, trong vùng rừng núi Thébaiides. Có những người khác để trở nên trọn lành, đã sống trên một cây cột để rao giảng trước cửa ra vào của thành phố: đó là những gương mẫu, phải không? Người ta đã chọn một câu nào đó trong Tin Mừng để nói rằng đó là sự trọn lành… Không, chỉ có một sự trọn lành Ki-tô giáo, chỉ có một sự trọn lành của con người được thần hóa bởi ơn thánh sủng của phép Rửa Tội: đó là sự tiến bước về phía Thiên Chúa; đó là sự chìm đắm trong Thiên Chúa.
Và sự chết làm cho chúng ta sợ hãi, sự đau khổ làm chúng ta run rẩy, chúng làm gì được chúng ta? Chúng làm cho chúng ta tiến gần đến mục đích! Cái chết làm cho chúng ta run sợ, nhưng cần phải có nó để đưa chúng ta tiến vào sự sống của Thiên Chúa. Người ta chỉ lặn sâu vào trong Thiên Chúa khi xé rách bức màn, là thân thể của chúng ta, là sự sống của chúng ta trên trần gian này. Thánh Gio-an Thánh Giá nói rằng “hãy xé rách tấm màn cho cuộc gặp gỡ êm ái”[116]. Qua hình ảnh tấm màn bị xé rách, thánh Gio-an muốn nói đến cái chết, và “cuộc gặp gỡ êm ái” là sự kết hợp với Thiên Chúa. Sự chìm đắm trong Thiên Chúa chỉ có thể được thực hiện qua sự chết.
Niềm hy vọng lớn lao của chúng ta
Ơn thánh sủng của bí tích Rửa Tội là như thế: chúng ta cần phải ý thức về điều này. Một cách tuyệt đối, chúng ta cần phải ý thức và nhận biết về sự giàu sang đã ban cho, và chúng ta đang chiếm hữu. Sự giàu sang lớn lao của chúng ta, đó là ơn thánh sủng của bí tích Rửa Tội. Chúng ta cần đặt giá trị của nó đúng với vị trí của nó, là ở trên tất cả mọi sự, để cố định số mệnh đời đời của chúng ta, để ánh sáng của nó sẽ soi sáng con đường chúng ta phải đi theo và sẽ chỉ cho biết luống cày nào chúng ta cần vạch ra ở trần gian này. Chúng ta đừng để cho mình bị quyến rũ bởi các chân lý nào khác, tuy rằng những chân lý này có tầm quan trọng và mức độ cần thiết nào đó, nhưng một đôi khi chúng có thể làm lu mờ chân lý lớn lao này, và làm cho sự giàu sang này bị che khuất trong bóng tối.
Người ta sẽ nói rằng: “Điều này thì thật tốt cho các nhà chiêm niệm…”. Chúng ta muốn gì sau này, nếu không phải là muốn làm người chiêm niệm (chiêm ngắm Thiên Chúa)? Chúng ta muốn đi đâu, nếu chẳng phải là muốn đi nhìn ngắm Thiên Chúa? Trời là gì, sự sống trên đó là gì, nếu không phải là chiêm ngắm Thiên Chúa – là nguyên lý phát sinh và là cùng đích của chúng ta? Đây không phải là công việc chỉ dành cho các nhà chiêm niệm, cần ý thức và đào sâu về những thực tại này: đây chính là công việc của Ki-tô giáo, của tất cả mọi người và của tất cả mọi người đã được chịu phép rửa.
Ơn thánh của bí tích Rửa Tội, chúng ta nhận biết và quý trọng nó. Tôi không tự hào cho rằng mình đã nói lên những điều mới lạ, tôi chỉ muốn nhấn mạnh về những chân lý đã học biết, về những sự thật thuộc lãnh vực siêu nhiên mà chúng ta đang quý chuộng. Tôi muốn làm nổi bật chúng, làm cho chúng rạng sáng lên, để cái nhìn đức tin của chúng ta, từ nay về sau, nhìn đến chúng thường xuyên hơn, chăm chỉ hơn; để cho sự quý mến của chúng ta đối với chúng, trở nên một sự quý mến hợp tình hợp lý và đúng đắn khi nhìn đến những giá trị của chúng; để cho tình yêu của chúng ta, sự nhiệt tình của chúng ta hướng về Thiên Chúa, tìm gặp được nơi những chân lý này một ánh sáng để soi đường cho mình trong cuộc sống, và để cho niềm trông cậy của chúng ta tìm thấy lương thực nuôi dưỡng và tìm gặp được chỗ dựa chắc chắn.
Khi người ta ý thức về ân sủng của bí tích Rửa Tội, của ấn dấu đang mang trong mình, của ánh sáng nó trao ban, về hướng đi mà nó vạch ra, về niềm hy vọng mà nó dâng tặng, người ta có được một chiếc neo cho tâm hồn trong cuộc đời của mình. Xem ra chúng ta có thể gặp thất vọng, và lo lắng. Nhưng Thiên Chúa yêu tôi, đã ban cho tôi ơn thánh sủng, đã gọi tôi: chính Ngài là niềm cậy trông của tôi. Tôi còn sợ gì khác nữa không? Chắc chắn, có những lời rên rỉ trong bản tính nhạy cảm của tôi, có những sự lo lắng trong tâm trí trước một viễn cảnh nào đó, nhưng niềm hy vọng lớn lao đã có cho tôi rồi!
Niềm trông cậy lớn lao chính là Thiên Chúa mà tôi phải hướng tới. Chính Thiên Chúa kêu mời tôi đi tới và đạt tới Ngài. Chính Ngài muốn tôi đi tới cùng đích. Vì sao? Vì đã đem lại cho Ngài niềm vui, bởi vì, nếu như tôi phải đi tìm niềm vui nơi Ngài, chính Ngài cũng tìm thấy niềm vui ở nơi tôi.
Đó là ơn thánh của bí tích Rửa Tội, là đối tượng cho niềm tin của chúng ta, được đặt trên niềm trông cậy, và được nuôi dưỡng bằng đức ái của chúng ta.
ĐỂ CHO MỘT CUỘC BIẾN ĐỔI TRONG TÌNH YÊU
CẦU NGUYỆN, SỰ LIÊN LẠC VỚI THIÊN CHÚA
Đã từ lâu đời, thánh Au-gút-ti-nô viết: “Chúa dựng nên chúng con vì Ngài, ôi lạy Chúa, và lòng chúng con xao xuyến cho đến khi nghỉ yên trong Chúa”[117]. Thực vậy, chúng ta do từ Thiên Chúa mà đến, và chúng ta sẽ trở về với Thiên Chúa. Bản tính con người mang trong chính nó một khuynh hướng, vì nó xuất phát từ nguồn gốc và từ Đấng Tạo Hóa để trở về với thầy của mình và trở về cùng đích là Thiên Chúa.
Xem ra có nhiều người không nhận thức rõ ràng về khuynh hướng, về sự hướng chiều đến Thiên Chúa của con người. Tuy nhiên khát vọng này của bản tính con người là có thật. Có những giai đoạn bị khủng hoảng, như thời đại của chúng ta hiện nay, lúc mà thế giới bị xâm nhập bởi chủ nghĩa duy vật, làm mồi cho một số xáo trộn sâu xa và những lo âu cho tương lai. Trong những giai đoạn khủng hoảng, sự khát vọng này, nơi nhiều người, không cảm nhận được vì họ ít khi, hay không bao giờ đi vào trong chiều sâu thẳm của tâm hồn họ, lại biểu lộ ra một cách thấy được và mãnh liệt hơn. Chúng ta nhận thấy trong ngày hôm nay khát vọng này thật là mạnh mẽ: một trong những dấu chỉ cho thấy điều đó là người ta quan tâm đến vấn đề thiêng liêng. Chúng ta quy hướng về Chúa, chúng ta sẽ trở về với Thiên Chúa. Làm sao, ở trần gian này, chúng ta, đặc biệt là những Ki-tô hữu, bắt liên lạc được với Thiên Chúa? Trong sự liên lạc này, đâu là phần của con người? Chúng tôi muốn được bàn luận với các bạn về chính vấn đề này, bằng cách dựa trên chân lý mặc khải mà Giáo Hội cung cấp và giải thích cho chúng ta. Chúng ta cũng dựa trên những chân lý của tâm lý học và trên giáo thuyết về đường thiêng liêng của các bậc thầy Các-men, vì có thể nói được, họ là những chuyên viên của sự tìm kiếm Thiên Chúa.
Cầu nguyện là gì?
Trước tiên chúng ta hãy tự hỏi chúng ta nghĩ gì về cầu nguyện, và tiếng này gợi lên điều gì. Đối với nhiều người “cầu nguyện”, gợi lên một hành vi tôn giáo, là đọc lên những lời cầu nguyện. Đối với các nghệ sĩ và thi sĩ, nó gợi lên một cảm xúc nào đó về tôn giáo, gặp thấy trong phần sâu thẳm nhất, một thứ cảm giác, qua nó, người ta tin rằng mình đã tìm thấy được sự tiếp xúc nào đó với Thiên Chúa. Đối với triết lý, ít nữa đối với một số người trong lĩnh vực này, cầu nguyện là một sự vượt qua những sự vật bên ngoài, của thế giới giác quan và ngay cả vượt qua một miền nào đó của lãnh vực lí trí, sự vượt quá này dẫn đưa họ tiến xa hơn trong chiều sâu thẳm của thánh thiêng. Chúng ta biết rằng một số triết gia hiện đại cho rằng sự khám phá này, sự đi vào chiều sâu sâu thẳm nhất của chính họ và của trí tuệ trong họ, chính là sự khám phá ra Thiên Chúa.
Đối với nhà thần bí, sự cầu nguyện cũng là một sự vượt qua, là sự tìm kiếm Thiên Chúa được xác định bởi những ấn tượng sâu xa, bởi một kinh nghiệm thần bí, đạo giáo, trong đó có một phần hoạt động của con người, nhưng phần chính yếu vẫn là sự tác động của Thiên Chúa.
Trong tất cả những định nghĩa này, có điều gì đó đúng thật; nhưng chúng cần được bổ túc. Và để bổ túc, xem ra chúng ta cần lấy lại định nghĩa của sách giáo lý và suy niệm về nó[118]. Cầu nguyện là gì? “Là nâng tâm hồn lên với Chúa”. Nếu muốn, chúng ta hãy bỏ đi tiếng “nâng tâm hồn”: cầu nguyện là một sự tiến lên của tất cả con người chúng ta về hướng Thiên Chúa (la prière est une démarche de tout nous- même, de notre personne, vers Dieu). Cầu nguyện là sự liên lạc với Chúa, để nói chuyện với Ngài: đó là một cuộc đàm thoại, thánh Tê-rê-sa nói: “Đây là một sự trao đổi thân thương” (un commerce affectueux)[119].
Đương nhiên, chính tình yêu làm căn bản cho sự hiệp nhất, trao đổi. Nó là nguyên lý của sự vận hành, mà nó cũng là mục đích cần nhắm tới, bởi vì ai yêu thì muốn yêu thêm nữa; và đồng thời tình yêu cũng là mối dây của liên kết, của sự hợp nhất.
I. TIẾN ĐẾN VỚI THIÊN CHÚA
Trong sự cầu nguyện, có sự trao đổi, và tiến về Thiên Chúa, sự gì sẽ xảy ra?
Sự hiện diện của Thiên Chúa vô biên
Trước tiên chúng ta hãy tự hỏi: Thiên Chúa ở đâu để chúng ta tìm kiếm: chúng ta hãy đi về phía Thiên Chúa, cho dầu là còn cần phải biết Ngài ở nơi nao. Chúng ta biết rằng Ngài ở khắp mọi nơi, bởi vì Ngài thì vô biên. Ngài ở trong thế giới được tạo thành, bởi lẽ, chẳng những Ngài là Đấng tạo thành nhưng còn là Đấng bảo tồn nó: tất cả mọi sự chỉ tồn tại được do bởi tác động của Thiên Chúa, và do đó, do bởi sự hiện diện của Ngài. Thiên Chúa là hữu thể đơn thuần (L’être simple), Ngài hoạt động khắp mọi nơi, vì nơi nào Ngài hoạt động đương nhiên có sự hiện diện của Ngài ở đó.
Vậy, đi đến với Thiên Chúa là tìm kiếm trong chính mình, trong thiên nhiên, trong tạo vật, hoặc vượt qua thế giới đã được tạo thành để đến với thế giới của những tạo vật có thể hiện hữu (le monde des possibles), đến sự tận cùng của tạo vật và đến sự vô biên, có nghĩa là đến với Đấng hằng sống là chính Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa không phải là một sự vật, Thiên Chúa là một hữu thể sống động.
Giáo lý dạy rằng Thiên Chúa thì vô biên, và trong vô biên này có Ba Ngôi: Chúa Cha sinh ra Chúa Con, Chúa Cha và Chúa Con nhận biết nhau, và thấy mình hoàn hảo, nên yêu nhau, và bằng một hơi thở chung, xuất sinh ra Chúa Thánh Linh; là Hơi Thở chung nhau của Chúa Cha và Chúa Con, hơi thở của Tình Yêu trở thành Ngôi Vị (Spiration d’Amour personfiée). Và đối với chúng ta, Thiên Chúa là hữu thể sống động – cho phép tôi (tác giả) được nhấn mạnh về chân lý này, bởi vì người ta ít biết đến, và những sai lầm hiện nay về sự cầu nguyện, về sự tìm kiếm Thiên Chúa, lý do bởi không biết đến điều này.
Thiên Chúa là hữu thể sống động, hữu thể vô biên và phân biệt hẳn với chúng ta. Còn chúng ta thì hữu hạn: giữa chúng ta, những tạo vật, và giữa các Ngôi Vị Thiên Chúa, có một khoảng cách vô cùng. Chúng ta hãy tìm kiếm sự vô biên này nơi chúng ta, nơi thế giới tạo thành và vượt qua thế giới tạo thành. Thiên Chúa là hữu thể sống động, Ngài đi vào trong chúng ta, Ngài đi vào trong tạo thành, nhưng có thể nói rằng, Ngài cách xa chúng ta do bởi sự vô biên này.
Vấn đề của cầu nguyện là mang con người của mình đến với Thiên Chúa, đó là vượt qua khoảng cách vô hạn giữa Thiên Chúa và chúng ta. Chúng ta có thể làm được điều này không? Nếu các bạn muốn thực sự như thế, chúng ta thử làm cú nhảy vọt, để mang chúng ta hướng về Thiên Chúa, để đặt chúng ta vào trong sự cầu nguyện, khi phân tích một cách vắn tắt những hoạt động dàn trải ra nơi chúng ta.
Xin tha lỗi cho tôi về những lời giải thích triết học và tâm lý học này. Thỉnh thoảng hay ít ra một lần, thật là hữu ích để khám phá ra những gì chúng ta làm trong khi ta cầu nguyện. Thi hành điều này, không những để hiểu biết, suy tư, nhưng còn để kiện toàn sự cầu nguyện của chúng, khi kiện toàn tất cả mọi hoạt động, mọi vận động mà chúng ta triển khai để tìm gặp Thiên Chúa.
Thái độ bên ngoài của việc cầu nguyện
Khi tôi cầu nguyện, tôi bắt đầu bằng một sự khởi động. Dầu cho tôi không đến nhà thờ, tôi không di chuyển để đi đến gặp Chúa trong nhà tạm, trong nhà nguyện đường, dầu khi tôi cầu nguyện tại nhà tôi, tôi cũng phải làm một động tác nào đó bên ngoài, về thể lý: tôi quỳ gối xuống, tôi ngưng ngay hoạt động thường lệ, bởi vì tôi ý thức được rất rõ để cầu nguyện, tôi phải quy hướng các giác quan bên ngoài của tôi về sự cầu nguyện. Vả lại, có những thái độ giúp cầu nguyện: quỳ gối, hoặc đứng thẳng, hai cánh tay dang ra hai bên, hoặc nâng lên… Khi chúng ta nhìn ngắm tranh ảnh nghệ thuật của các nơi trên thế giới, nhất là nghệ thuật của thời nguyên thủy, cũng như trong các hang động, hầu như luôn luôn chúng ta thấy hình ảnh của những người đang cầu nguyện.
Thái độ trong lúc cầu nguyện thay đổi tùy theo các dân tộc và quan niệm mà họ có thể có về Thiên Chúa, nhưng khắp nơi đều luôn luôn gặp thấy một thái độ bên ngoài của người cầu nguyện. Hiện nay, để hiệp thông chặt chẽ hơn với thánh lễ, người ta có lý do để nhấn mạnh những thái độ khác nhau cần có trong khi cử hành thánh lễ. Bởi vì, nền văn minh của chúng ta, trong các cách thức cần phải làm, chúng ta cần có những thái độ để diễn tả ra những tâm tình nào đó.
Chúng ta đứng khi đọc (hát) Kinh Tin Kính, bởi vì đó là thái độ tuyên xưng, khẳng định. Chúng ta quỳ gối trong khi truyền phép, bởi vì quỳ gối là thờ lạy, chúng ta thờ lạy mầu nhiệm biến đổi bản thể và thờ lạy sự hiện diện của Chúa Ki-tô trên bàn thờ. Vậy, chúng ta cầu nguyện với thái độ bên ngoài, cầu nguyện với thân thể của chúng ta. Trong sự khởi động đến với Thiên Chúa, trong sự bắt liên lạc, trước tiên là có một thái độ bên ngoài để giúp đỡ cho sự bắt liên lạc này.
Hoạt động của các cơ năng bên ngoài
Nhưng sự cầu nguyện không phải chỉ có thế thôi: quỳ gối là chưa đủ để bắt đầu cầu nguyện. Có công việc cần làm cho các cơ năng bên ngoài của chúng ta và có công việc cần làm cho trí tưởng tượng và trí nhớ. Thí dụ, tôi đang hiện diện trong nhà thờ hay tại tư gia để cầu nguyện, và tôi tìm kiếm Thiên Chúa. Tôi đặt mình trước hình ảnh của Ngài, trước tượng ảnh Chúa Giê-su chịu đóng đinh, và trí nhớ của tôi nhớ lại hy tế trên đồi Can-vê. Hoặc tôi đặt mình trước nhà tạm, và trí nhớ của tôi nhớ lại chân lý mà sách giáo lý trình bày: Chúa Giê-su đang hiện trong nhà tạm với thánh thể, linh hồn và thiên tính của Ngài.
Có lẽ tôi cố gắng nhận ra sự hiện diện của Chúa nhờ bởi sự trợ giúp của trí tưởng tượng: tôi biết rõ rằng nó không thể tái tạo lại sự việc, nó chỉ làm công việc của nó, nghĩa là nghĩ đến những hình ảnh, diễn tả chân lý bằng biểu tượng, để tái tạo lại sự việc theo cách của nó.
Tôi làm công việc này, để cố định giác quan của tôi về chân lý. Tôi có trong tôi những khả năng chỉ có thể nắm bắt và định tâm lại bằng một hình ảnh. Và đối với tôi, điều này là cần thiết cho sự cầu nguyện. Bởi vì, nếu tôi không làm công việc này cho trí nhớ và cho trí tưởng tượng, các quan năng của tôi sẽ như tâm viên, ý mã (tâm của con khỉ, ý của con ngựa) sẽ chạy rông, bay bổng để chộp lấy những điều khác, và tôi không thể định tâm để cầu nguyện.
Nhưng bây giờ, cần phải bắt liên lạc với Thiên Chúa. Trí tưởng tượng và trí nhớ không thể mang đến cho tôi sự liên lạc này, chúng chỉ có thể tạo nên những hình ảnh. Khi tôi muốn nhớ lại một người thân yêu đang ở xa tôi, tôi lấy hình ảnh của người đó để ngắm nghía và cố gắng nhớ lại những nét quen thuộc nơi họ, tôi chỉ có thể tạo nên một biểu tượng (symbol), nhưng tôi chưa có sự liên lạc sống động với người tôi yêu. Để bắt liên lạc sống động với họ, cần phải có sự hiện diện của họ; tôi cần phải nói chuyện với họ, ôm họ trong vòng tay, tâm tình của tôi phải thấm nhập vào họ một cách thực sự để tạo ra một sự liên lạc sống động.
Như vậy, tôi sẽ làm thế nào để đến được với Thiên Chúa, để thực hiện sự liên lạc sống động? Tôi có lí trí; Thiên Chúa là thần trí, và chính tôi; tôi cũng là tinh thần, tôi có linh hồn cũng là tinh thần. Tôi có thể thiết lập sự liên lạc giữa tinh thần của tôi với thần trí là Thiên Chúa không?
Thánh Gio-an Thánh Giá, chuyên viên về cầu nguyện, trả lời rằng: không, không thể được[120]. Tôi có thể thiết lập mối liên lạc giống như thế với một con người. Tôi cố gắng làm điều này ngay với bạn: tôi có trong tâm trí một ý tưởng mà tôi diễn tả ra bằng một lời nói, nhờ lời mà tôi nói ra, ý tưởng trong tâm trí của tôi đi vào trong tâm trí của bạn. Thế là, hiện thời đã có một sự thông hiệp thật sự trong tâm trí và ý tưởng giữa chúng ta. Tôi có thể làm được như thế với Thiên Chúa một cách trực tiếp không? Không, bởi vì không có một mức độ chung giữa Thiên Chúa và tôi.
Sự thông hiệp mà chúng ta có thể thiết lập giữa chúng ta với nhau thì khả thi, bởi lẽ trí năng của chúng ta thì hữu hạn, nghĩa là ngôn từ mà tôi dùng để nói lên ý tưởng ở trong tâm trí của tôi, có thể đi vào tâm trí của bạn, bởi vì tâm trí của chúng ta có cùng một phẩm chất, có thể nói được như thế. Nhưng đối với Thiên Chúa, chúng ta phải đối diện với Đấng vô biên. Chúng ta thì hữu hạn, chúng ta chỉ có khả năng giới hạn và lí trí của chúng ta, bởi vì nó có hạn, cho dầu nó có quảng bác đến đâu, cũng không thể nắm bắt được cái vô biên là chính Thiên Chúa. Chúng ta bị khựng lại do bởi khoảng cách, và không có sự tương đồng.
Ngôn ngữ loại suy (le langage de l’analogie)
Tôi biết rằng Thiên Chúa muốn thiết lập sự tương giao giữa Ngài và chúng ta. Ngài đã sai Ngôi Lời nhập thể xuống trần gian để nói chúng ta những gì có trong cung lòng của Thiên Chúa. Chúa Giê-su nói rõ điều này với ông Ni-cô-đê-mô: “Không ai có thể nói về Thiên Chúa, nói về sự sống của Chúa, ngoại trừ Đấng đã từ đó mà đến, chính Ngài biết đến điều gì có nơi Thiên Chúa”[121], và Ngài đem lại chân lý.
Nhưng thứ ngôn ngữ mà Ngôi Lời nhập thể là Chúa Giê-su, cũng như Giáo Hội được Chúa trao cho sứ mạng giảng dạy, chỉ có thể dùng tới là thứ ngôn ngữ “loại suy” (analogique). Thiên Chúa chỉ có thể diễn tả bằng tiếng nói của con người, bởi lẽ ngôn ngữ nhân loại thì có giới hạn, còn Thiên Chúa thì không có giới hạn. Cũng như biển cả không thể chứa đựng trong bình, thì Đấng vô hạn không thể diễn tả được, không thể chứa đựng trong ngôn ngữ nhân loại, ngôn ngữ đó được tạo ra chỉ để dùng cho ý tưởng của con người.
Để có thể nói với chúng ta điều gì đó thuộc về Thiên Chúa, là hữu thể mầu nhiệm và vô biên, Chúa Giê-su đã dùng đến ngôn ngữ loại suy. Thiên Chúa không thể diễn tả ra trong lời nói của con người, bởi vì lời nói của con người có giới hạn, và Thiên Chúa thì vô cùng. Cũng giống như thế – đây là một sự so sánh – nếu có ai đến từ một xứ xa lạ, người đó đã thấy những điều kỳ lạ ở đó, và nếu như người đó muốn giải thích cho người nghe được biết, họ bắt buộc phải dùng đến những hình ảnh so sánh; họ diễn tả con vật kỳ lạ đó với cái đầu giống như cái này, thân mình của nó giống như cái kia, người đó đã dùng sự so sánh để cố gắng nói lên điều mà họ đã trông thấy: đây là ngôn ngữ biểu tượng, ngôn ngữ loại suy.
Để diễn tả điều vô biên, Chúa Giê-su cũng làm như thế, Ngài đã lấy những gì mà chúng ta đã biết, những gì nằm trong lĩnh vực của lí trí con người, những thực tại mà chúng ta đã nắm bắt được, và Ngài đã dịch thuật chân lý vô biên bằng ngôn ngữ mà chúng ta đã hiểu, đã biết, nằm trong kinh nghiệm của chúng ta, trong các khả năng nắm bắt của lí trí chúng ta. Như thế đó mà Ngài đã ban cho chúng ta những chân lý của tín lý, của giáo lý. Những chân lý được diễn tả trong đó là những chân lý được diễn tả theo cách loại suy (dựa trên sự tương đồng). Ôi, sự diễn tả cho dù có hoàn hảo đến mấy, người ta cũng không thể thay đổi điều gì trong đó. Thế mà, tự nó, sự diễn tả này không có hoàn hảo.
Vậy, bởi vì sự diễn tả không có hoàn hảo, chúng ta không thể dùng sự diễn tả này để làm nên một sự hợp nhất, một cách hoàn hảo, với Thiên Chúa. Cần có một phương thế khác.
Sự liên lạc bằng đức tin
Chúng ta có thể vượt khoảng cách để thiết lập được một sự tương giao, liên lạc, trao đổi với Thiên Chúa không? Vâng, chúng ta có thể vì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta các phương thế. Không những Ngài ban cho chúng ta chân lý, mà còn ban cho chúng ta, trên hết mọi sự, ơn thánh sủng, sự sống của Chúa. Chúng ta là con cái của Thiên Chúa, và có thể nói, chúng ta là Thiên Chúa do bởi sự tham dự. Ki-tô hữu đã nhận được nơi bí tích Rửa Tội một phương thế, một dụng cụ, một sức mạnh: đó là nhân đức tin cho phép họ được thiết lập thực sự, sự liên lạc, sự hợp nhất với Thiên Chúa để vượt qua khoảng cách giữa chúng ta với Thiên Chúa, Đấng vô biên. Cho dầu chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa hiện diện nơi chúng ta hay trong nhà tạm, chúng ta đã có nhân đức tin, là một sự giàu sang không gì sánh được, bởi vì nó cho phép chúng ta đến được với Thiên Chúa. Trong bí tích Rửa Tội, chúng ta nhận được sự sống siêu nhiên, và giống như tất cả mọi sự sống, sự sống siêu nhiên có những phương thế để hành động và phát triển.
Chúng ta có một đời sống thể lý và một thân thể. Các chi thể: các cơ quan – của thân thể cho phép nó được phát triển và hành động. Chúng ta có sự sống của linh hồn, và sự sống này với các cơ năng, lí trí và ý chí cho phép nó được sống và phát triển. Cũng thế, sự sống siêu nhiên đã được ban cho chúng ta khi chịu phép Rửa Tội, có thể hành động triển nở và phát triển. Để được như thế nó cần có những cơ quan để hành động, hay có thể nói nó phải có những chi thể, những khả năng, sức lực cho phép nó hoạt động, để làm nên những hành vi riêng biệt của sự sống siêu nhiên và để phát triển.
Khả năng đầu tiên mà nó có được, năng lực đầu tiên, đó chính là đức tin. Đức tin cho phép con người được thấm nhập vào Thiên Chúa, và đi vào trong Thiên Chúa.
Làm thế nào mà tôi có thể làm một động tác đức tin mà chúng tôi đồng hóa nó với sự cầu nguyện? Tôi sẽ lấy thí dụ về một chân lý mặc khải “Một Thiên Chúa Ba Ngôi”. Đó là sự diễn tả của con người mang tính chất loại suy về chân lý ở nơi Thiên Chúa. Tôi tiếp nhận chân lý đó với những giác quan của tôi, tôi đọc lên, tôi nghe tiếng tôi đọc và tôi trình bày nó cho lí trí của tôi; lí trí của tôi xem xét, thảo luận và thấy rằng không có gì mâu thuẫn: “Ba Ngôi, trong một bản tính Thiên Chúa”.
Tuy nhiên, lí trí của tôi lại không chấp nhận. Tại sao? Bởi vì lí trí của tôi chỉ có thể bị ép buộc chấp nhận một chân lý xem ra hiển nhiên đối với nó: hai với hai là bốn và lí trí của tôi chấp nhận. Nhưng “Ba Ngôi trong Một Thiên Chúa”, không có mâu thuẫn, tuy nhiên nó không có một sự sáng sủa (như 2 với 2 là 4), một sự đương nhiên bắt buộc tôi phải chấp nhận, để nói lên rằng điều đó là thật.
Trước một chân lý không có hiển nhiên. Một cách tự nhiên tôi đi tìm đâu là uy tín (autorité) trình bày cho tôi điều này, bởi vì tôi biết rằng, tự chính mình tôi, tôi không thể hiểu được chút nào khi căn cứ vào sự hiển nhiên bên trong hay bên ngoài. Tôi chấp nhận hay tôi tin vào nhiều điều do bởi có ai đó xác quyết là như thế, và chứng cớ họ đưa ra cho tôi xem ra có giá trị. Tôi chưa bao giờ thấy Mỹ Châu, nhưng người ta nói với tôi rằng nó có, và tôi có những chứng cớ làm cho tôi tin một cách mạnh mẽ, chắc chắn, rằng Châu Mỹ là có thực, như thể tôi đã thấy nó: đó là sự làm chứng.
Chân lý “Ba Ngôi trong Một Chúa”, không hiển nhiên đối với tôi, nhưng Giáo Hội đã xác quyết như thế: tôi xem xét coi Giáo Hội có uy tín để nói như thế hay không, và coi xem sự xác quyết này có nằm trong kho tàng chân lý Chúa Ki-tô đã truyền lại hay không. Và quả thực, tôi khám phá ra rằng Giáo Hội có thế giá để nói lên điều đó nhân danh Thiên Chúa, và đặc biệt, chân lý này đã được Chúa mặc khải, và tôi đây đang đứng trước một chứng tá, tôi đã làm một công việc của lí trí, tôi đã mở một cuộc điều tra, và tôi tự bảo rằng “tôi tin điều này, vì Chúa đã khẳng định như vậy”.
Điều gì xảy ra bây giờ khi tôi biết rằng tôi phải tin? Lúc ấy, lí trí của tôi phải rút lui, bởi lẽ nó nhận ra rằng nó không thể đi xa hơn, và nó bó buộc phải chấp nhận cho dầu nó không hiểu. Vậy đức tin không có ở trong sự hiển nhiên mà tôi nhận được. Nó có mặt trong sức mạnh, trong chân lý của chúng ta. Khi tôi ở điểm này, trong lúc này, tôi làm một hành vi đức tin, tôi nói rằng: “Lạy Chúa con, con tin rằng Chúa hiện hữu, Chúa đang hiện diện, và trong Chúa có Ba Ngôi”. Đó là hành vi đức tin.
Điều gì sẽ xảy ra? Nhờ vào sự thần phục của lí trí, vì nó biết rằng nó không thể đi xa hơn, nhưng nó phải chấp nhận; nhờ vào sự thần phục hợp lý này, như thánh Phao-lô đã nói[122], lí trí của tôi đã làm tất cả những gì nó có thể làm và bây giờ nó nhận thức rằng nó không thể đi xa hơn, rằng nó chỉ có thể làm một điều hợp lý mà thôi, đó là chấp nhận chân lý đã trình bày cho nó. Đây có phải là một hành vi đức tin không? Không, chưa đâu.
Như một mầm chồi được ghép vào
Hành vi đức tin nằm trong một tiến trình tích cực, trong một hành động của nhân đức tin được ban cho tôi qua bí tích Rửa Tội. Nhân đức tin này được ghép trên lí trí của tôi như một mầm chồi được ghép vào thân cây nho: chúng ta biết người làm vườn nho làm thế nào để ghép mầm vào cây nho: ông ta cắt một miếng vỏ trên thân nho, lấy miếng cắt đó ra, và đặt vào đó mầm chồi, để từ mầm đó sinh ra hoa trái. Mầm ghép được bó chặt với thân nho trong vài tuần lễ hoặc vài tháng, nó sẽ nên một với thân cây nho. Từ đây, chúng ta sẽ có rễ của cây nho nguyên thủy, và trên thân cây nho này, có một mầm chồi của giống tốt mà người ta muốn nó trổ ra hoa trái.
Trong tâm hồn chúng ta, chúng ta cũng có những giác quan đem lại lương thực cho lí trí của chúng ta. Lí trí này là thân cây nguyên thủy của cây nho. Trên thân cây nho nguyên thủy này – là lí trí – chúng ta ghép vào mầm chồi của đức tin. Sự siêu nhiên nơi chúng ta – có thể nói – không có tính trạng siêu nhiên tinh tuyền. Sự siêu nhiên được ghép vào bản tính nhân loại, và các cơ quan của con người. Lí trí tiếp nhận đức tin, đức tin cần phải có lí trí để hoạt động.
Đức tin hoạt động cùng một lúc với ánh sáng đến trên nó, bằng lí trí và các giác quan, giống như mầm ghép của cây nho nhận lấy nhựa sống của cây nho nguyên thủy và của những rễ nho đâm sâu vào lòng đất. Nhưng mầm ghép của cây nho sẽ đem lại hoa trái riêng của nó, đó là hoa trái của nó, không phải là hoa trái của cây nho nguyên thủy. Cũng thế, trong linh hồn, đức tin sẽ sinh ra hoạt động của nó. Hoạt động này không phải của lí trí mà là cúa đức tin, một hoạt động siêu nhiên.
Chúng ta vừa nói rằng lí trí, với năng lực riêng của nó, không thể xâm nhập vào trong Thiên Chúa, bởi vì nó thì hữu hạn và Thiên Chúa thì vô hạn. Nhưng đức tin này được ban cho tôi qua bí tích Rửa Tội, xét như là cơ quan siêu nhiên, cơ quan của Chúa, có thể thấm nhập vào trong Thiên Chúa. Nó hòa hợp vào trong yếu tính của Chúa. Và đây là phận sự của nó, nó thực sự đi vào trong Thiên Chúa. Đó là lợi ích của cơ quan siêu nhiên của chúng ta: Nó xâm nhập thực sự vào trong Thiên Chúa, nó làm nên một hành vi nhận thức, một sự thấm nhập vào trong Thiên Chúa.
Hành vi cốt yếu của cầu nguyện
Này đây, hành vi cốt yếu của cầu nguyện mà chúng ta cần nhấn mạnh, cần làm nổi bật lên. Khi tôi cầu nguyện và tôi thi hành một tác động đức tin dựa trên một biểu thức của một chân lý trong sách giáo lý và khi sử dụng công thức thông thường của lời cầu nguyện, ví dụ: như lời cầu nguyện trong thánh lễ, sẽ giúp tôi đi vào trong Thiên Chúa, tôi thiết lập một sự liên lạc trực tiếp, sự liên lạc sâu xa, một sự liên lạc sống động với Thiên Chúa.
Ngay lập tức, chúng ta tự hỏi làm thế nào mà chúng ta nắm bắt được sự vô biên: tôi sẽ nắm bắt sự vô biên bằng đức tin. Đức tin không những được coi như hiệu quả và hồng ân cho linh hồn chúng ta, để sáng soi cho chúng ta về Thiên Chúa, về những chân lý mà không bao giờ chúng ta có thể nắm bắt được chỉ nguyên bằng lí trí. Đức tin còn mang lại lợi ích khôn sánh và tối thượng để thiết lập sự liên lạc với Thiên Chúa. Và đó chính là sự cầu nguyện: cầu nguyện là bắt liên lạc với Thiên Chúa.
Trong Phúc Âm, hầu như trong mọi trường hợp, những cuộc liên lạc của Chúa Giê-su với đám đông hay với những con người đến Người để cầu xin ơn phúc, chúng ta thấy được hiệu quả của đức tin. Nhiều lần, Chúa Giê-su đòi hỏi nơi người đến xin phép lạ, chữa lành: “Ông(bà) có tin không”[123], nghĩa là, ông(bà) có muôn liên lạc thực sự với tôi, với thiên tính trong con người của tôi, với quyền năng của thiên tính của tôi không? Và khi sự liên lạc được thiết lập, phép lạ sẽ được thực hiện.
Một đôi khi, không có đối thoại giữa Chúa Giê-su và người đến xin ơn, như người đàn bà bị bệnh băng huyết đến gần Người và nói lẩm bẩm: “Ô, nếu như tôi chỉ đụng được đến gấu áo của Người, tôi sẽ được lành bệnh”[124]. Thật vậy, khi bà đụng đến gấu áo của Chúa Giê-su với lòng tin tưởng, ngay lập tức bà cảm thấy mình được chữa lành. Và Chúa quay lại hỏi: “Ai đã đụng đến ta!”. Các môn đệ trả lời Người: “Mọi người đang xô đẩy Thầy mà Thầy lại hỏi ai đụng đến Thầy!”. Nhưng, có một người đã đụng đến Người, chính niềm tin đã đụng đến Người, và có thể nói, đã đâm thâu vào Người như một lưỡi gươm và nơi Người vọt ra năng lực chữa lành bệnh tật.
Cũng giống như thế, người đàn bà xứ Ca-na[125] cầu xin với lòng tin, người sĩ quan bách quân đội trưởng[126] khẩn khoản van nài với lòng tin, đã khêu gợi lên sự xúc động nơi tâm hồn Chúa Giê-su, người đàn bà bị băng huyết cũng gây nên sự thương cảm nơi Chúa Giê-su. Viên sĩ quan làm cho Ngài được phấn khởi: “Tôi chưa hề gặp được một lòng tin như thế nơi Ít-ra-en…”[127].
Sự phấn khởi này, sự xúc động này, gặp thấy nơi Chúa Giê-su, chúng ta cũng làm như thế cho chính Thiên Chúa mỗi khi chúng ta đụng chạm tới Người với đức tin, một đức tin mãnh liệt, nhiệt tình. Đó là sự liên lạc của cầu nguyện, giá trị của sự cầu nguyện, mà chúng tôi gọi là yếu tính, là thành phần cốt yếu của sự cầu nguyện.Chắc chắn, sự cầu nguyện là một thái độ bên ngoài, một sự hồi tâm, một ý tưởng, nhưng nhất là, nó là một sự tiếp xúc với Thiên Chúa.Việc cầu nguyện hệ tại nơi điều này.
Sự liên lạc này là tiến vào, và khi chúng ta tiến vào trong Thiên Chúa, thiết lập được sự tiếp xúc với Ngài, thì liền có một sự trao đổi đích thực: Thiên Chúa là biển cả, là lửa cháy, là một nguồn suối của sự sống. Mỗi lần chúng ta tiếp xúc với Thiên Chúa, chúng ta chạm tới biển cả, chúng ta chạm đến ngọn lửa bừng cháy, và bởi vậy, chúng ta kín múc nơi Người bản chất Thiên Chúa, chúng ta có thể nhận được một sự tăng trưởng khi dự phận vào sự sống của Thiên Chúa, là ơn thánh sủng trong chúng ta.
Có thể chúng ta không nhận được ơn phúc đặc biệt, ơn phúc bình thường, mà chúng ta cầu xin.Nhưng chúng ta nhận được nhiều hơn thế, tốt hơn thế nhiều, vì chúng ta được thần linh hóa khi tiếp xúc với Người.Đây chính là sự cầu nguyện: cần thiết tiếp xúc với Thiên Chúa hằng sống, và Thiên Chúa đáp ứng lại, không phải như một hữu thể vô hồn, nhưng như một Ngôi Vị sống động, xúc động, bởi ơn ban của chính mình (Voilà ce qu’est la prère: c’est essentiellement ce contact avec un Dieu vivant, avec un Dieu qui réagit, non pas comme un simple être inanimé, mais comme une personne vivante, par un tressaillement, par un don de lui-même).
II. HÀNH VI NHÂN LINH TUYỆT HẢO
Sự cầu nguyện, bắt liên lạc với Thiên Chúa, sẽ có những hình thức rất khác nhau. Sự cầu nguyện, là sự luyện tập nhân đức tin, sẽ được thực hiện trong mỗi tâm hồn có đức tin. Đương nhiên, nó sẽ mang lấy những hình thức khác nhau xét theo quan điểm và cái nhìn bên ngoài. Một cách cốt yếu, nó sẽ có cùng một yếu tính chung cho tất cả mọi người: luôn luôn nó vẫn là sự bắt liên lạc giữa Hữu Thể Hằng Sống là Thiên Chúa với tâm hồn của chúng ta qua trung gian của đức tin. Nhưng trong những hình thức bên ngoài nơi chúng ta, sự cầu nguyện sẽ có những hình thức rất khác nhau.
Một đức tin tỉnh thức (une foi en éveil)
Trẻ con có thể cầu nguyện không? Vâng, chúng có thể. Chúng diễn tả việc cầu nguyện như thế nào? Như một đứa trẻ, chúng diễn tả ra một cái hôn lên nhà tạm, cũng có thể bởi một nụ cười, bằng một lời nói mà chúng ta khó mà hiểu được ý nghĩa của nó, nhưng có hệ gì? Chúng diễn tả sự cầu nguyện như chúng có thể. Nhưng bởi vì chúng có đức tin, và chúng được nghe dạy rằng Chúa Giê-su ngự trong nhà tạm và chúng có thể thi hành đức tin bằng một cách không rõ rệt như nơi người lớn, nhưng có thực.
Sự tiếp xúc với Thiên Chúa đã được thiết lập, và do đó, sự phong phú của việc tiếp xúc này đã được thực hiện nơi chúng. Khi lớn lên thêm nữa, chúng sẽ cầu nguyện với những hình ảnh, và rồi, với những ý tưởng; nhưng sự bắt liên lạc này, cho dầu mang hình thức bên ngoài như thế nào, sẽ là thước đo lường cho đức tin của chúng.
Và chúng ta, trong sự cầu nguyện, cần chăm sóc kĩ càng cho sự tiếp xúc này, và như thế, sẽ đặt chúng ta vào trạng thái tỉnh thức. Sự thực hành cầu nguyện, co thể bằng lời nói, nhưng với điều kiện nó phải được sinh động trong nội tâm bởi đức tin, và bằng hành vi của đức tin trong tâm hồn của chúng ta. Cũng có lẽ nó sẽ được sinh động bởi sự suy niệm hay sự thinh lặng.
Rất nhiều khi người ta tin rằng cần phải có hoạt động bên ngoài hay phải có trí thức quảng bác để cho sự cầu nguyện được sốt sắng, đem lại hiệu quả, và thấm thía sâu sắc. Hoàn toàn không phải như vậy. Ngay cả trong tình trạng mệt mỏi, tôi không thể có một thái độ trong các quan năng, hay không thể suy nghĩ, và không cảm nhận được một xúc động nào, sự cầu nguyện của tôi cũng sẽ đem hiệu quả, miễn là nhân đức tin ở trong tôi đang cố gắng tìm kiếm Thiên Chúa, đang nói lên niềm tin và lòng yêu mến của tôi đối với Thiên Chúa.
Sự cầu nguyện có thể thi hành trong mọi lúc, luôn luôn, chính vì tâm hồn có thể thi hành động tác đức tin trong lòng trong mọi lúc.
Chúng ta được dựng nên cho Thiên Chúa
Chúng ta biết rằng chúng ta có thể cầu nguyện trong mọi lúc, và nó trở nên liên tục khi chúng ta đã có thói quen. Chúng ta phải duy trì sự cầu nguyện, ít nữa là muốn hướng chiều đến sự cầu nguyện và ước ao cầu nguyện thường xuyên khi có thể.
Người Ki-tô hữu là gì? Chắc chắn, Ki-tô hữu là người phải khẳng định đức tin mình, đạo giáo của mình, bằng đức bác ái, thái độ bên ngoài, và sự chu toàn việc bổn phận. Nhưng Ki-tô hữu, cốt yếu là người hướng đến cùng đích của mình, hướng đến Thiên Chúa. Ki-tô hữu là người tin rằng mình đến từ Thiên Chúa, mình sẽ quay trở về với Thiên Chúa, tin rằng mình được kêu gọi để tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, và để cho mình được tan biến trong Chúa Ba Ngôi. Ki-tô hữu tin vào điều này, họ tin rằng cuộc sống đích thực không ở nơi thế gian này, nhưng trong Ba Ngôi Chí Thánh bởi vì chúng ta được dựng nên cho Thiên Chúa, được dựng nên cho Trời, và Trời không chỉ hệ tại nơi việc tìm gặp lại những người thân yêu của mình. Trời hệ tại cốt yếu nơi sự tìm kiếm Thiên Chúa, và đi vào trong sự hoạt động của Ba Ngôi Chí Thánh.
Ân sủng làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa, và trong cung lòng Chúa Ba Ngôi, có Cha và Con và Thánh Linh. Ơn thánh sủng kêu gọi chúng ta nên giống với Ngôi Lời Thiên Chúa, là Chúa Con đã nhập thể, chính nơi Người mà chúng ta tìm thấy mục đích của mình, và chính vì để tan biến trong Người mà chúng ta phải làm việc. Chính nơi Người mà chúng ta tìm thấy hạnh phúc: nên giống với Người là cùng với Người đi vào trong Ba Ngôi Thiên Chúa, để chia sẻ các hoạt động của Người, do đó được chia sẻ hạnh phúc của Người. Đó là mục đích của chúng ta, đó là trời cao: chúng ta không chỉ là khán giả chiêm ngắm Thiên Chúa, nhưng hoạt động với Thiên Chúa khi cùng hoạt động với Ngôi Lời, là Thiên Chúa. Đó là cùng đích của chúng ta. Đó là sự sống không có dấu chấm hết, là sự sống của Trời cao.
Cầu nguyện, sự liên lạc với Thiên Chúa, đã thực hành sự sống trường cửu, đó là sự thực tập của Trời, và sự thực thi những công việc chúng ta sẽ làm trên Trời. Cuộc sống trên trần gian được ban cho chúng ta chỉ để sửa soạn cho điều đó, để thực hiện những gì sẽ làm trên Trời. Thực hiện trong đức tin, nghĩa là nhiều khi, không cảm thấy hứng thú. Trên Trời chúng ta sẽ thực hiện trong sự chiêm ngưỡng Chúa và hạnh phúc hoàn toàn.
Cầu nguyện không phải là chuyện ngẫu nhiên trong cuộc sống của chúng ta; cầu nguyện đó là hành động tuyệt hảo của Ki-tô hữu, sửa soạn cho trường cửu, là sự thực hiện trước những công việc mà chúng ta sẽ làm trong cõi vĩnh hằng.
Năng lực của cầu nguyện
Khi chúng ta nhìn sự cầu nguyện dưới khía cạnh bắt liên lạc với Thiên Chúa, là công việc thiết yếu của con người, là hành động tuyệt hảo của con người – hành động này là tuyệt hảo vì nó đã là hành động của Thiên Chúa – nên chúng ta hiểu được tầm quan trọng của nó trong đời sống của chúng ta. Nơi đây, chúng tôi không nói về sức mạnh của sự cầu nguyện dưới khía cạnh của ơn thánh sủng mà chúng ta có thể nhận được, nhưng nói về sức mạnh mà cầu nguyện liên kết chúng ta với sự sống, bởi vậy nó liên kết với sức mạnh của Thiên Chúa.
Chính Thiên Chúa dẫn dắt thế giới, và chúng ta có phương thế để tham dự vào quyền năng của Thiên Chúa, và như vậy, cùng với Ngài, chúng ta tham dự vào sự hướng dẫn thế giới. Chính bởi vì sự cầu nguyện là sự liên lạc với Thiên Chúa, bằng cách hợp nhất với Người, và có thể nói đến lượt mình, chúng ta cùng với Người để phục vụ thế giới (dirigions le monde). Thánh Tê-rê-sa cũng nói với chúng ta như vậy[128]. Thiên Chúa để cho họ phục vụ thế giới trong những lúc và trong những giờ khắc thích hợp mà Người muốn (gouverner le monde). Hay nói đúng hơn, tâm hồn kết hợp với Chúa thì hoàn toàn vâng phục Người, nhưng Thiên Chúa, không để cho mình bị thua sự tế nhị của họ, nên đến lượt Người, Người để cho họ phục vụ thế giới (le gouvernement du monde)12a.
Khi chúng ta ở trên trời và thấy được vạn vật trong sự thật, chúng ta sẽ cảm kích khi thấy Thiên Chúa đã đối xử với những tâm hồn hợp nhất với Người một cách tế nhị như thế nào, khi để cho họ phục vụ (direction du monde) thế giới, ngay cả nhường nhịn chính những ước muốn của họ trong sự điều khiển các biến cố. Sự cầu nguyện – như thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su[129] đã nói – giống như bà hoàng hậu, giống như một sức mạnh đi vào trong cung lòng của Thiên Chúa và trong sự phục vụ thế giới (gouvernement du monde).
Một đôi khi người ta dám nói rằng tâm hồn cầu nguyện là một con người ích kỉ, đi tìm kiếm những ấn tượng trong sự cầu nguyện và bỏ rơi thế giới. Ôi, vô phúc cho ai nói lên điều đó cho dầu họ là Ki-tô hữu . Vô phúc cho ai không hiểu biết về sự cầu nguyện là như thế nào, yếu tố cốt yếu của nó là làm sao. Không, phương thế để quan tâm đến thế giới và thi hành đức bác ái với nó, và có nhiều phương thế khác nữa – nhưng phương thế hữu hiệu nhất là đi vào trong sự hoạt động của Thiên Chúa bằng sự cầu nguyện.
Nếu muốn, chúng ta hãy ghi nhớ điều này: sự cầu nguyện đưa chúng ta vào trong Thiên Chúa và bắt liên lạc với Người, và nếu sự cầu nguyện là hoàn hảo, nó sẽ làm cho chúng chia sẻ những công việc của Người. Chúng ta hãy nhớ rằng phương thế này nằm trong tầm tay của chúng ta: đêm hay ngày, nhờ hành vi đức tin, chúng ta có thể đi vào trong Người, ở lại trong Người. Chúng ta hãy nhớ rằng. Thiên Chúa luôn luôn để cánh cửa mở rộng để chúng ta đi vào trong Người bằng sự cầu nguyện, Thiên Chúa là ngọn lửa đốt cháy và suối nguồn luôn luôn chảy vọt ra, là sự thiện lan tỏa ra chính mình, bởi vậy, trong mọi lúc, Người tùy thuộc vào chúng ta, để qua hành vi của đức tin, qua tác động của lòng yêu mến, chúng ta liên lạc với Người, để làm cho chính chúng ta được sống, được trở nên giàu sang trên phương diện siêu nhiên.
Chúng ta cần thi hành tác động của sự cầu nguyện, là đi vào trong Chúa và khi chúng ta ở trong Người, hoạt động trên Căn Nguyên đệ nhất, bằng sự liên lạc mà chúng ta đã thực hiện, và bởi tình yêu đối với Người, và Người yêu thương chúng ta; hành động trong Người và nhờ Người để đem lại lợi ích cho tâm hồn chúng ta và cho thế giới.
Chúng ta hãy ở lại một cách đơn sơ trên những ý tưởng này, đặc biệt trên ý tưởng của sự liên lạc với Chúa, và lợi dụng chân lý mà tôi muốn nó thấm nhập một cách sâu xa vào tâm hồn các bạn, để từ nay, nó trở nên một ý lực (une idée-force), một ý tưởng đưa các bạn vào sâu trong sự sống đích thực, dìm các bạn vào sâu trong Thiên Chúa. Ước gì, khi các bạn ngụp lặn trong Thiên Chúa như thế, ít ra là thỉnh thoảng, các bạn càng ngày càng ao ước trở lại trong Người, sống với Người và trong sự liên lạc với Người, các bạn được thần linh hóa, trở nên một sức mạnh cho những người xung quanh và cho thế giới.
HOẠT ĐỘNG CỦA THIÊN CHÚA TRONG SỰ CẦU NGUYỆN
Sự cầu nguyện là bắt liên lạc với Thiên Chúa, mà chúng ta thiết lập bởi sự hoạt động của đức tin, được ban cho nhờ bởi bí tích Rửa Tội, và nó làm nên thành phần của cơ quan siêu nhiên của chúng ta. Tuy nhiên, sự hoạt động của này của đức tin, không thể tiến hành nếu không có lí trí, mà hoạt động của lí trí lại phụ thuộc vào hoạt động của các giác quan. Vậy việc bắt liên lạc với Thiên Chúa – là sự cầu nguyện – được thực hiện bởi sự hoạt động của các khả năng tự nhiên và siêu nhiên.
Sự bắt liên lạc của đức tin làm chúng đi vào trong những chiều sâu thẳm của Thiên Chúa, đi vào trong yếu tính của Thiên Chúa. Nó cho phép chúng ta kín múc nơi Người, ánh sáng, sự sống và sự tăng tiến ơn thánh sủng. Đây đã là một hiệu quả đáng quý. Tuy nhiên sự liên lạc thì chưa được hoàn hảo hay ít ra, nó không thể duy trì bởi vì nó dựa trên sự hoạt động của các khả năng nhân loại bất toàn của chúng ta. Vậy để kiện toàn sự hoạt động của đức tin, cần phải có sự hoạt động của Thiên Chúa can thiệp vào: Thiên Chúa can thiệp trong sự cầu nguyện của chúng ta.
Sự cầu nguyện không phải là độc thoại. Có một sai lầm thực tế khá phổ biến khi nói rằng, để cầu nguyện chỉ cần nghĩ đến Thiên Chúa, thi hành một tác động của đức tin, thiết lập một sự liên lạc, và làm như thế là chúng ta đã cầu nguyện một cách hoàn hảo. Chắc chắn Thiên Chúa thì tốt lành, nhưng Người là Đấng vô biên nên Người rất xa chúng ta, và chắc chắn đức tin làm cho chúng ta thành công để vượt qua khoảng cách giữa Người và chúng ta. Nhưng – còn một sai lầm thực tế khá phổ biến nữa – là tin rằng Thiên Chúa chỉ thỉnh thoảng can thiệp trong sự cầu nguyện của chúng ta, và bằng một cách thế mà chúng ta không thể xác định được.
Đây là một sai lầm thực tế, vả lại, còn làm nên nền tảng cho nhiều giáo thuyết của sự chiêm niệm hoàn toàn có tính cách tự nhiên, và chúng ta phải phản kháng lại với sự sai lầm đó. Bởi vậy tôi muốn nói với các bạn về sự hoạt động của Thiên Chúa trong việc cầu nguyện và cố gắng vén lên bức màn của cơ chế và hiệu quả của sự cầu nguyện
I. SỰ CAN THIỆP CỦA THIÊN CHÚA BỞI CÁC HỒNG ÂN
Sự mờ tối của mầu nhiệm
Khi tâm hồn đã bắt liên lạc được với Chúa qua đức tin, chắc chắn nó đã tìm gặp được Thiên Chúa. Nhưng nó chỉ gặp được bóng tối trong lí trí và các khả năng tự nhiên của nó. Đức tin thật sự là một ánh sáng – nhưng như tôi đã nói với các bạn – đó là một ánh sáng nuôi dưỡng chúng ta bằng một chân lý được công thức hóa bằng những từ ngữ loại suy (la foi. Quinourrit notre intelligence d’une vérité formulée en terme analogiques)[130], chân lý mà chúng ta không thể nào thấu triệt được. Đối tượng của đức tin cốt yếu là mờ tối.
Từ sự kiện này cho thấy rằng các khả năng của chúng ta, khi đối diện với mầu nhiệm, với bóng tối, sẽ mau chóng mệt mỏi: bởi vậy mới có những sự lo ra chia trí và chán nản trong khi cầu nguyện. Tôi đặt mình trong sự cầu nguyện, tôi xướng lên lời cầu nguyện để nuôi dưỡng lí trí của tôi. Tôi cũng có thể nuôi dưỡng sự cầu nguyện bằng sự suy tư về một chân lý tín lý, hay nhìn đến một thái độ của Chúa Giê-su trong Tin Mừng, và trong đời sống của Người. Nhưng này đây, rất nhanh thôi để các giác quan của tôi rơi vào mệt mỏi. Chúng tố giác ra sự mệt mỏi của chúng bằng sự lo ra chia trí; và chúng hướng đến những đối tượng khác. Trí khôn của tôi cũng thế. Nó được dựng nên cho ánh sáng. Nó không thể nhẫn nại trước sự tối tăm này. Nó không hiểu được và muốn được khuây khỏa với những đối tượng sáng sủa hơn. Vậy nó trở về với những mối bận tâm của nó. Vì thế mà có những sự lo ra chia trí và nhàm chán trong cầu nguyện.
Hậu quả xảy đến là như thế này: sau khi đã cầu nguyện trong một khoảng thời gian, tôi có cảm tưởng là sự cầu nguyện của tôi chỉ là vô ích, tôi không thể làm chủ các khả năng của tôi vì chúng không còn muốn cầu nguyện nữa, chúng hướng về những chuyện khác, thế là tôi chấm dứt cầu nguyện. Vậy, cần đến tác động của Thiên Chúa can thiệp vào mới xong.
Những cần ăng-ten tiếp nhận: hồng ân của Thánh Linh
Thiên Chúa sẽ can thiệp như thế nào? Tôi đã có nói rằng: mỗi lần chúng ta bắt liên lạc với Người bằng đức tin, chúng ta được giàu có ân sủng, giàu có bản tính của Thiên Chúa; không phải bản tính của chính Thiên Chúa, nhưng của thực tại thần linh của Ngài là ơn thánh sủng, là sự tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. Ở đây, không hạn định về kết quả của sự tiếp xúc này và của sự cầu nguyện. Thiên Chúa can thiệp một cách trực tiếp trên bình diện tâm lý, nghĩa là trong sự hoạt động của các khả năng của tôi để kiện hoàn cho việc cầu nguyện.
Người có thể can thiệp như thế nào? Bằng ơn ban của Chúa Thánh Linh. Trong cơ chế siêu nhiên của chúng ta, chúng ta quả thật đã có ơn thánh sủng ghép trên yếu tính của linh hồn chúng ta, làm cho chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa và trở nên Thiên Chúa do bởi sự tham dự. Chúng ta đã có những nhân đức đối thần và những nhân đức luân lý thiên phú[131], là những nguyên lý hoạt động như những cơ quan, những bộ phận của ân sủng và của đời sống siêu nhiên của chúng ta.
Sách Giáo Lý dạy rằng, chúng ta nhận được các ơn của Chúa Thánh Linh. Ít Ki-tô hữu làm quen với giáo thuyết về các ơn ban của Chúa Thánh Linh. Họ có thể được thông cảm vì các nhà thần học dè dặt, trong sự giải thích các ơn ban của Chúa Thánh Linh, vì khó trình bày về chủ đề này, không những trên quan điểm tín lý, nhưng nhất là trên phương diện tâm lý. Chúng ta cố gắng làm sáng tỏ vấn đề này.
Các ơn ban của Chúa Thánh Linh làm nên một thành phần của cơ quan siêu nhiên, không phải là những năng lực hoạt động giống như các nhân đức, nhưng là những cơ quan tiếp nhận, và có thể nói đó là những cần ăng-ten. Giống như cần ăng-ten bắt các làn sóng điện từ, các ơn ban của Chúa Thánh Linh cũng giống như thế, chúng là thành phần của cơ quan siêu nhiên, có thể phục vụ và dùng để nắm bắt các làn sóng thần linh được Thiên chúa ban ra.
Các ơn ban của Chúa Thánh Linh không ở trên các nhân đức, là những năng lực hoạt động. Các nhân đức tin, cậy, mến đi vào trong yếu tính của Thiên Chúa khi chúng ta bắt liên lạc với Thiên Chúa. Các nhân đức này không thể bị vượt qua: không có gì ở trên chúng. Nhưng các ơn ban của Chúa Thánh Linh đến để kiện toàn các nhân đức khi chúng hoạt động.
Một lát nữa, khi kêu mời đến kinh nghiệm thực hành cầu nguyện của các bạn, tôi sẽ nói với các bạn rằng, khi chúng ta cầu nguyện, khi chúng ta bắt liên lạc với Chúa bằng một hành vi đức tin, thờ lạy, yêu mến, hay bằng lời cầu nguyện, giúp cho các hành vi siêu nhiên này được hoạt động dễ dàng, chúng ta sẽ mau chóng bị mệt nhọc. Giác quan chúng ta mệt mỏi vì không cảm thấy gì. Trí năng của chúng ta, được tạo thành và thích hợp cho sự sáng sủa, cũng mau chóng bị mệt mỏi vì không thấy gì, vì không tìm thấy thức ăn bình thường cho nó là chân lý sáng sủa. Vậy nhân đức tin được ghép trên lí trí bị ngã qụy, bởi vì lí trí là chỗ nương tựa và làm căn bản cho đức tin, quay lưng lại với đối tượng của nó: thế là mất sự liên lạc.
Chính lúc đó tác động của Chúa qua những hồng ân của Chúa Thánh Linh, sẽ can thiệp vào. Những cần ăng-ten, là những ơn ban của Chúa Thánh Linh, được ghép vào – nếu chúng ta muốn định vị chúng theo quan điểm tâm lý – trên giao điểm của các nhân đức siêu nhiên và các khả năng. Điều mà chúng (các nhân đức siêu nhiên và các cơ năng) sẽ nhận được từ nơi Thiên Chúa, là những luồng sóng của Chúa sẽ đến với họ, sẽ đi đến điểm giao thoa của các nhân đức đối thần, các nhân đức thiên phú và các khả năng trên đó chúng được tìm thấy. (C’est alors qu’intervient l’action de Dieu par les dons du Saint-Esprit. Ces antennes que sont les dons du Saint-esprit sont greffées, si nous voulons les localiser au point de vue psychologique, à l’intersection des vertus sur-naturelles et des facultés. Ce qu’elles vont recevoir de Dieu, les ondes divines qui vont leur arriver, parviendront à cette intersection des verus théologales, des vertus infuses et des facultés sur lesquelles elles se trouvent).
Chúng ta hãy lấy ví dụ về nhân đức tin. Tác động của Chúa bởi các ơn ban của Chúa Thánh Linh sẽ đến tới đỉnh của lí trí, nơi đây – có thể nói – sẽ là điểm tiếp xúc giữa lí trí và đức tin. Và điều gì sẽ xảy ra? Trong lãnh vực này chúng ta chỉ có thể nhờ đến kinh nghiệm của các tâm hồn chiêm niệm và các thần học gia.
Một thần học gia – thánh Tôma tiến sĩ[132] – nói rằng có ba ơn Chúa Thánh Linh, được ban cho sự chiêm niệm: ơn hiểu biết, ơn trí tri và ơn khôn ngoan (le don de science, le don d’intelligence et le don de sagesses). Mỗi ơn đều có sứ mạng riêng biệt và nhiệm vụ đặc biệt. Tôi muốn nói ngay với các bạn rằng sự phân biệt này giữa các ơn là một sự phân biệt – có thể nói – là hời hợt vì không chạm đến tận cốt lõi của sự việc. Tuy nhiên, cũng tốt thôi khi phân biệt như thế để làm sáng tỏ vấn đề.
Làm êm dịu các giác quan: ơn hiểu biết
Khi bắt đầu cầu nguyện, chúng tôi nói rằng trước tiên các giác quan bị mệt mỏi và không nhận thấy gì. Đức tin đã đi vào trong Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa thì mầu nhiệm và tối tăm. Này đây Thiên Chúa sắp sửa can thiệp bằng ơn hiểu biết. Chiếc cần ăng-ten này sẽ nắm bắt được nhận thức cho các giác quan bên ngoài và bên trong.
Đâu là hiệu quả phát sinh từ hành động này của Thiên Chúa? Đó là sự êm dịu được đặt vào trong các giác quan. Đó là một cảm tưởng hài lòng, có thể là dịu ngọt hay đôi khi là đau khổ, nhưng cuối cùng là sự êm dịu có thể đi đến chỗ nối kết các khả năng và các giác quan lại với nhau. Nhưng sự êm dịu hay sự nối kết đau đớn sẽ làm cho các giác quan ngưng hoạt động và cho phép đức tin ở lại trong Thiên Chúa.
Ánh sáng làm êm dịu: ơn trí tri
Thông thường tác động của Thiên Chúa qua ơn trí tri được thêm vào cho tác động của Ngài trong ơn hiểu biết. Bởi ơn trí tri, nó không phải là lí trí, nhưng nó cũng là một cần ăng-ten bắt được những tia sáng siêu nhiên cho lí trí. Những tia sáng này có thể được ban cho và soi sáng cho lí trí về một điểm nào đó, hay một chân lý nào đó. Cũng có thể, trong một vài trường hợp, có những tia sáng rọi chiếu vào tương lai, hay có những tia sáng đặc biệt. Nhưng một cách thông thường, những tia sáng của Chúa được ban cho qua ơn trí tri và soi chiếu cho khả năng tự nhiên của con người, là những tia sáng siêu việt làm cho chói chang. Những tia sáng này đem lại cho họ một vài ánh sáng, nhưng vẫn cầm giữ nó trong tối tăm. Tuy nhiên nó có cái lợi là làm êm dịu lí trí, đi sâu vào cho tới những chiều sâu thẳm của lí trí, và làm cho khả năng lý luận phải dừng lại.
Trong khả năng của lí trí, chúng ta có khả năng luận lý và xa hơn, sâu xa hơn và hoàn hảo hơn, có khả năng trực giác. Ánh sáng đến từ ơn trí tri làm dịu khả năng đầu tiên, là năng lực đầu tiên của luận lý. Tâm hồn không còn biết nữa, không thể lý luận được nữa, ít ra khi nó được đặt dưới sự tác động của ơn trí tri. Nhưng này đây năng lực của trực giác được nuôi dưỡng, một cách có ý thức nhiều hay ít, về những ánh sáng mà nó nhận được.
Hương vị trong ý chí: ơn khôn ngoan
Cuối cùng là ơn khôn ngoan, nó cũng là một chiếc cần ăng-ten để nhận sự giao thông của Thiên Chúa: nó là một hương vị. Hương vị này sẽ đi vào trong ý chí, trong tất cả mọi khả năng của tâm hồn và đem lại một sự êm dịu thú vị.
Trong tình trạng này, tâm hồn được êm dịu có thể là một cách đau đớn. Chúng ta đừng nghĩ rằng tác động của Thiên Chúa qua các ơn của Chúa Thánh Linh sẽ luôn luôn là rất êm ái, nói cách khác, sự dịu dàng sẽ thống trị. Có thể đó là một sự đau đớn và thông thường, hành động của Thiên Chúa phải luôn luôn sản xuất ra một thứ đau đớn nào đó, ngay cả khi nó có sự dịu ngọt. Sự tê liệt và sự đau đớn là một dấu chỉ chắc chắn về tác động của Thiên Chúa hơn là tất cả những êm dịu mà người ta có thể được nhận lãnh.
Tuy nhiên lí trí thì được soi sáng bởi những tia sáng này, ý chí nhận được một êm dịu nào đó: chúng ta đừng ngạc nhiên về những mâu thuẫn trong các quan niệm, về những mâu thuẫn bề ngoài của sự đau khổ và êm dịu, về sự tê liệt và êm ái. Tác động của Thiên Chúa trong tâm hồn thì luôn luôn được ghi dấu bởi những mâu thuẫn, và nếu không có chúng, người ta có thể nói rằng đó không phải là tác động của Thiên Chúa. Bởi vì, những sự đối lập này, có nghĩa là những mâu thuẫn bên ngoài, sự nhận thức đồng thời về những sự viêc xem ra trái ngược nhau, là dấu chỉ rất chắc chắn đó là hành động xác thực của Thiên Chúa.
Cuốn hút về phía tối tăm
Dưới tác động của Thiên Chúa đồng thời vừa êm đềm, soi sáng và dịu ngọt, tâm hồn cảm thấy mình bị cuốn hút về phía tối tăm. Nó không nhận thấy gì. Hơn bao giờ hết nó nhận thức được sự siêu viêt của Thiên Chúa trong tối tăm, nhưng đồng thời nó cảm nhận được mình đang lôi kéo bởi sự tối tăm này. Và xem ra, nó nhận được nhiều sự dịu ngọt hơn, nhiều điều đáng ước ao và lôi cuốn hơn tất cả những ánh sáng chính xác và khác nhau mà tâm hồn nhận được bởi sự làm việc đơn thuần của lí trí.
Thánh Tê-rê-sa diễn tả ra điều này: “Tôi càng ít hiểu, tôi càng tin hơn và tôi càng yêu mến hơn”[133]. Lúc ấy, đức tin tiếp tục làm việc, nghĩa là tìm kiếm sự liên lạc với Thiên Chúa, đi sâu vào trong Thiên Chúa. Đức tin đi vào trong người, bởi vì được thúc đẩy bởi mùi vị mà nó gặp thấy, bởi vì bóng tối này không sáng sủa chút nào, nhưng êm dịu cho toàn thể con người. Đức tin càng lôi cuốn đi vào trong sự tối tăm của Thiên Chúa hơn là đi về phía những tia sáng mà thỉnh thoảng nó có thể được soi sáng.
II. ĐỨC TIN SỐNG ĐỘNG, ĐỨC TIN CHIÊM NIỆM
Như thế đức tin được kiện toàn bởi sự dịu êm của các khả năng tự nhiên, nhờ vào lương thực phục vụ cho nó bởi tác động của Thiên Chúa, trở nên điều mà người ta gọi là đức tin sống động (foi vive). Joseph du Saint-Esprit, một trong những thần học gia của dòng Các-men đã làm nên lý thuyết của những thực tại này, lý thuyết đã trở nên cổ điển nói với chúng ta rằng sự chiêm niệm: chính là đức tin sống động đang hoạt động – nó không phải là điều gì khác, nó chính là đức tin được kiện toàn, được soi sáng bởi tác động của các ơn Chúa Thánh Linh[134]. Đức tin sống động đi đến với Thiên Chúa, đó là đức tin chiêm niệm, đức tin này từ nay được lôi kéo bởi sự tối tăm của Thiên chúa và ở lại trong sự giao tiếp với sự tối tăm này, bởi vì tất cả mọi sự trong nó, được trở nên an bình, tuy còn có sự đau đớn, nhưng mà an bình một cách thực sự.
Vậy sự chiêm niệm ở đây là thành quả của hoạt động nhân loại và hoạt động của Thiên Chúa, nghĩa là hoạt động của đức tin – được ban cho chúng ta – kèm theo và được kiện toàn bởi hoạt động của Thiên Chúa qua các ơn ban của Thánh Linh. Sự chiêm niệm không đơn thuần là một sự tiếp xúc, nhưng là sự hợp nhất với Thiên Chúa và trong sự hợp nhất này có sự trao đổi. Tâm hồn tìm kiếm Thiên Chúa với tất cả các khả năng của nó; Thiên Chúa ban mình cho tâm hồn, và Ngài kiện toàn hoạt động của các khả năng của nó và chính người được trao ban.
Sự kiện toàn các cơ năng
Điều gì xảy ra trong sự kết hợp chiêm niệm này? Trước tiên có sự kiện toàn của các cơ năng của chúng ta. Đừng tưởng rằng sự tê liệt nơi đây có ý nghĩa như là bớt hoạt động về phía con người, hoặc tưởng rằng đó là sự sa sút về mặt tâm lý. Khi chúng tôi khảo cứu về các tình trạng khác nhau của chiêm niệm và thị kiến (illumination) với các bác sĩ tâm thần trong các cuộc hội nghị về tâm lý, họ có lý do để nêu lên nhận xét là các tình trạng chiêm niệm, một cách đáng ngạc nhiên, giống như một vài tình trạng bệnh lý. Trên bình diện kinh nghiệm tâm lý thuần túy này, xem ra cũng không khác nhau.
Tuy nhiên, nơi đây có một sự khác biệt đáng kể: trường hợp bệnh lý kéo theo một sự tuột dốc, một sự giảm bớt của cá nhân trong lãnh vực hoạt động của các khả năng, của sức mạnh, và sự phong phú nơi họ. Trái lại với trường hợp này, xem ra bên ngoài giống nhau, nhưng tình trạng của người chiêm niệm, do bởi được Thiên Chúa tác động, có sự phát triển về năng lực nơi các khả năng, và đồng thời có cả sự tăng tiến phong phú nơi những tâm hồn này.
Đó là điều người ta đem so sánh động thái của thánh Tê-rê-sa Avila – điều này đã được làm với một sự ác ý nào đó – so sánh với tình trạng loạn thần kinh chức năng, và người ta đã cho rằng ngài là người mát mát. Để so sánh các tình trạng với nhau, có lẽ chúng ta có thể nói rằng: quả đúng thật như thế, có một tình trạng nào đó mà ngài đã trải qua, trong một số năm trong cuộc đời của ngài, đem so sánh với chứng loạn thần kinh, có lẽ có rất nhiều điều giống nhau. Nhưng chúng ta biết rằng khi bị bệnh này, con người sẽ xuống dốc; còn nơi thánh Tê-rê-sa, sau khi đã trải qua những tình trạng thần bí này, ngài trở nên một trong những con người có trí năng tốt đẹp như chưa bao giờ xảy ra trong thế giới, và ngài đã thi hành những công việc không những do kết quả của một lí trí cao thượng, nhưng còn để làm như thế, cần thiết và đích thực phải là nhân tài.
Đó là những gì cho phép người giải thích về thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su. Tạp chí Các-men công bố về các bài làm mẫu và các bài tường thuật của Tê-rê-sa Mác-tanh (mẹ của Tê-rê-sa) trong hai năm trước khi đưa Tê-rê-sa vào dòng kín Các-men[135], cũng như qua sự đánh giá của các thầy giáo. Bà có thể tóm tắt bằng một câu: “Tê-rê-sa là một học trò giống như các học trò khác, và được xếp hạng trung bình.”
Và này đây, bé gái này nhận được ơn trong đêm No-en[136], và sau đó đi vào dòng kín, rồi trải qua những tình trạng chiêm niệm, có lẽ vài năm sau khi viết lên cuốn Chuyện Một Tâm Hồn (Histoine d’une âme), những trang mà người ta có thể cảm phục xét về phương diện văn chương, nhưng chúng ta phải thán phục sự phong phú siêu nhiên, và cuộc cách mạng tinh thần mà những trang sách đó đã thực hiện trong thế giới này .
Đó là hiệu quả của sự chiêm niệm, của tác động của Thiên Chúa trong linh hồn, Ngài đến để kiện toàn hoạt động tự nhiên, được thi hành do bởi đức tin, một đức tin sống động, Ngài đển để thực hiện sự hiệp nhất, và đồng thời nhờ ân sủng trong sự hiệp nhất, kiện toàn các khả năng.
Biến đổi của tình yêu
Nhờ sự hiệp nhất này, sự trao đổi được thiết lập với Thiên Chúa, và Thiên Chúa đổ xuống ân sủng của Người, để biến đổi tâm hồn này, để nắm bắt nó dưới sự điều khiển của Người và làm cho họ trở nên con của Chúa một cách đích thực. Thánh Phao-lô định nghĩa về vị thánh và về con của Chúa như sau: “Những ai đưọc Thánh Linh của Thiên Chúa tác động, là con cái của Thiên Chúa”[137]. Thánh Linh qua sự hiệp nhất thực hiện trong tâm hồn, có thể thông ban ánh sáng của Ngài xuống để chiếu soi cho họ, như thế các kiến nghị của Ngài đi vào ý chí và điều khiển tâm hồn này.
Thánh nhân là ai? Thánh nhân không cốt thiết là người thi hành những việc hãm mình lớn lao, hay nói cách khác, những sự hãm mình này không làm cho họ nên thánh. Cũng không phải các phép lạ được thực hiện nơi họ làm cho nên thánh, dầu cho các phép lạ làm nên dấu chỉ đích thực cho sự thánh thiện. Sự thánh thiện được hình thành do sự tác động của Chúa Thánh Linh trong tâm hồn, Người soi sáng cho họ, thúc đẩy họ và làm cho tâm hồn này, con người này thành thánh nhân, thành Chúa Ki-tô khác, một nhân tính thêm vào của Chúa Ki-tô (une humanité de surcroît du christ), trong con người đó, Chúa Thánh Linh có thể làm tất cả mọi công việc của Người, và qua họ Người có thể thực hiện công việc của Người ở trong thế giới này.
Sự kết hợp trong chiêm niệm là một sự hiệp thông đích thực. Chúng ta nhìn đến sự rước lễ, trong đó có dự hiệp thông của bí tích Thánh Thể, trong đó chúng ta rước Mình, Máu, linh hồn và thiên tính của Chúa Giê-su. Đây là sự hiệp thông thực hiện do hiệu quả tự nó một cách tất yếu (ex opere operato) trong tâm hồn hội đủ điều kiện, và nuôi dưỡng nó bằng sự sống siêu nhiên. Chúng ta có sự hiệp thông của đức vâng phục; ý muốn con người hiệp thông với ý muốn của Thiên Chúa và do đó làm nên một sự hợp nhất, một mối dây liên lạc, một sự hiệp thông. Tâm hồn, do bởi sự hiệp thông của đức vâng lời nhận được ánh sáng, sức lực và sự phong phú của Thiên Chúa. Cuối cùng chúng ta có sự hiệp thông trong chiêm niệm.
Nơi đây, không những chỉ là một sự cầu nguyện, nhưng còn là sự hạ cố của Thiên Chúa xuống với linh hồn, một sự trao đổi. Bởi đó xảy ra sự biến đổi, không phải là khác thường, nhưng chung cho tất cả mọi tâm hồn, mọi Ki-tô hữu, như thánh Phao-lô đã nêu lên như một chân lý. Chúng ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Thiên Chúa và bằng sự chiêm ngưỡng: “Chúng ta được biến đổi từ ánh sáng đến ánh sáng, cho đến khi nên giống chính Ngôi Lời của Thiên Chúa”[138]. Sự chiêm niệm sẽ thực hiện nơi chúng ta sự thánh hóa, sự thánh thiện. Đó là những hiệu quả của sự chiêm niệm.
Cộng tác với Chúa Thánh Linh
Vậy, trong sự cầu nguyện, chúng ta không phải chỉ đi tìm kiếm sự giúp đỡ của Thiên Chúa cho những ý cầu nguyện, những nhu cầu khác nhau mà chúng ta cần xin, hay hơn nữa, xin ánh sáng soi sáng cho một hoàn cảnh, một dự định cần thực hiện. Nhưng nhất là chúng ta cần phải đi tìm sự hợp nhất, sự hiệp thông sâu xa với Người, để cho Thiên Chúa biến đổi chúng ta từ ánh sáng đến ánh sáng, cho đến khi nên đồng hình đồng dạng với Người.
Sự cầu nguyện đặt chúng ta dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Nó làm sao để cho Chúa Thánh Linh, Đấng đã được ban cho chúng ta qua bí tích Rửa Tội, và một cách đặc biệt trong ngày chịu phép Thêm Sức, trở nên thầy dạy đích thực của tâm hồn chúng ta, và ngự trị trong đó bởi ánh sáng mà Người chiếu soi cho tâm trí chúng ta, bởi các đề xuất để thúc đẩy ý chí của chúng ta vâng theo. Bạn thấy đó, Người can thiệp thực sự, bằng một cách trực tiếp, không những chỉ trong một chốc lát, nhưng là thường xuyên trong cuộc sống của chúng ta: Người dẫn dắt chúng ta theo như ý Người muốn, Người làm cho chúng ta thực hiện ý muốn của Người.
Ki-tô hữu làm tông đồ, khi làm công việc của Chúa trong trần gian, đương nhiên là phải dâng cho Người các hoạt động, chính bản thân mình, và đồng thời dâng các khả năng của mình để Người sử dụng. Nhưng nếu họ muốn làm cộng tác viên của Chúa trong công trình của Giáo Hội, trong mục đích cứu rỗi các linh hồn, họ cần thiết phải đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh là linh hồn của Giáo Hội, Người là kiến trúc sư, là Người thợ xây dựng Giáo Hội.
Chúa Thánh Linh đương nhiên yêu cầu chúng ta hoạt động, dùng cả lí trí và ý chí mà cộng tác trong công việc, nhưng nhất là Người đòi hỏi chúng ta hãy tôn trọng quyền lợi của Người. Người luôn luôn muốn chính Người là kiến trúc sư chính yếu, là người thợ cả. Người muốn và mong chờ sự cộng tác nơi chúng ta, nhưng tiên vàn chúng ta vẫn là những cộng sự viên của công trình, của công việc của Người và chỉ có thế công việc của chúng ta mới đem lại thành quả dồi dào.
III. THÁNH LINH SỐNG TRONG TÂM HỒN CHÚNG TA
Có lẽ, khi nghe tôi nói rằng những điều kỳ diệu này không có gì đặc biệt, các bạn sẽ nói rằng tất cả những điều đó dành riêng cho một số người, dành riêng cho các thánh, và sự chiêm niệm không thể được thực hiện bởi toàn thể các Ki-tô hữu, có đúng thế không? Xin cho phép tôi, để kết thúc, tôi sẽ nói lên một số điều xác định về vấn đề này.
Tất cả được kêu gọi
Có một thời gian trong những tạp chí bàn tới các vấn đề về sự sống thiêng liêng, người ta đã tranh luận với nhau, về ơn gọi chiêm niệm, có khá nhiều tác giả xem ra nói rằng sự chiêm niệm chỉ dành riêng cho một số tâm hồn nào đó thôi. Ý kiến hiện nay, càng ngày càng phổ biến vì nó được kiểm chứng bởi kinh nghiệm, cho rằng sự chiêm niệm, các ơn chiêm niệm, nói cách khác, hoạt động của Thiên Chúa trong các tâm hồn, Ngài đến để kiện toàn sự cầu nguyện, hoạt động tự nhiên của các năng lực của chúng ta trong sự cầu nguyện, như thế họ cho rằng tác động của Thiên Chúa là rất thường xuyên nơi các tâm hồn.
Một kinh nghiệm dàn trải khá lâu nơi dòng thời gian trong những môi trường khác nhau cho phép tôi – tôi tin như vậy – khi khẳng định rằng những ơn chiêm niệm, tác động của Thiên Chúa nơi các tâm hồn, hiện thời khá phổ biến. Chúng tôi cũng không cần chống lại với những ý kiến của ngày xưa. Chúng tôi chỉ có thể nói lên về những gì nhận thấy trong thời hiện tại, và chúng tôi cũng muốn kêu mời đến kinh nghiệm riêng của các bạn.
Các ơn huệ của Thiên Chúa, ơn chiêm niệm thì phổ thông. Vừa rồi, khi nghe nói về sự dịu dàng một đôi khi gặp thấy trong lúc cầu nguyện, về cảm giác tối tăm êm đềm đã trải qua, tôi thiết nghĩ rằng có nhiều người trong các bạn cũng cảm thấy trong tâm hồn mình đã có những kinh nghiệm tương tự về những hồng ân đã nhận được. Ở đây không có gì là ngoại thường, cũng không có thị kiến, mà cũng chẳng có sự xuất thần và nâng bổng thân xác lên khỏi mặt đất: nói một cách đơn giản, đó chỉ là cảm tưởng của sự hồi tâm mà người ta có thể cảm nhận được trong một hoàn cảnh nào đó, hay người ta có thể cảm nhận được khá thường xuyên.
Tôi xác tín rằng, giữa các bạn, có nhiều người đã từng một lần, hoặc có lẽ thường xuyên và hoặc đã trở thành thói quen, đi vào trong một nhà thờ, quỳ gối và chăm chú nhìn lên nhà tạm, mở sách kinh lễ (missel) trước khi thánh lễ bắt đầu, hay cầm lấy một cuốn sách suy niệm, đã cảm thấy được sự êm dịu này nên muốn xếp sách lại, và nhìn lên nhà tạm. Bạn sẽ làm gì trong lúc đó. Xem ra không cần làm gì cả, ngoại trừ ra là muốn nếm thử ấn tượng mà bạn đang cảm nhận được.
Cảm giác này, một cách thông thường, có được do bởi ơn Chúa Thánh Linh. Người ta không nên cho rằng nó bởi những hoàn cảnh bên ngoài đem lại, vì lý do rất đơn giản là nó không xảy đến luôn luôn, cho dầu các hoàn cảnh bên ngoài vẫn là như thế và vẫn còn như thế. Nhưng cảm giác này – tôi xin nhắc lại – là hoa quả đích thực do ơn ban của Thánh Linh. Tâm hồn nào không để ý đến nó, không tin rằng đó là ơn siêu nhiên, sẽ hờ hững với nó.
Đối với tôi, xem ra ơn chiêm niệm không phát triển được trong các tâm hồn, chính xác vì họ không lưu tâm đến chúng, không thẩm định đúng về giá trị của chúng và không dùng các phương thế để làm cho chúng phát triển. Thánh Tê-rê-sa ám chỉ về điều này khi ngài nói với chúng ta: “Chúa nhân lành kêu gọi tất cả thế giới”[139].Và Chúa nói lên lời kêu mời thực sự để con người ý thức về những ân huệ Người ban cho họ trong một lúc nào đó, thí dụ như nhờ những dịp tĩnh tâm, mà những ánh sáng này, hương vị này được ban cho trong một dịp lễ nào đó, như ngày rước lễ lần đầu, hay trong một lần rước lễ sốt sắng hơn, hoặc trong một ngày cầu nguyện nào đó, nói tóm lại là Người ban cho khi Ngài muốn. Nhưng Người không còn ban cho nữa, hay không khai triển ơn đó khi tâm hồn không đáp ứng lại bằng thái độ thích hợp đối với những ơn huệ như thế.
Trong trường hợp ấy cần có những phương thế phải làm. Không cần phải thay đổi hoàn cảnh, cũng không cần phải làm những việc khổ chế ngoại thường, cần dùng những phương thế chính xác thích hợp với những ân huệ này, được trình bày trong các sách thiêng liêng, nghĩa là thinh lặng và êm dịu trong hoạt động. Cần xếp đặt có giờ cầu nguyện thích hợp trong cuộc sống của mình. Thời giờ cầu nguyện cần thiết cho ơn Chúa được phát triển và chinh phục chúng ta. Đây là sự khổ chế thần bí đích thực[140] mà người ta cần nhận biết và phải đem ra thực hành.
Lòng xót thương tràn trề
Vậy lời kêu gọi đến ơn chiêm niệm, đối với tôi, xem ra là bình thường (général), tôi không dám nói là phổ thông (universel), bởi vì người ta không thể quy trách cho những ai chưa nghe nói tới, chưa nhận biết nó, nhưng, đó là một tiếng mời gọi cho đại chúng. Cho phép tôi được lặp lại điều tôi vừa nói: vào thời đại của chúng ta, hồng ân chiêm niệm được ban cho nhiều người và rất thường xuyên. Vì lý do gì mà chúng ta phải làm điều này? Có lẽ vì sự dữ lan tràn .
Khi chúng ta nhìn đến thế giới hiện thời, chúng ta thấy đúng là những thế lực của sự dữ đang biểu lộ ra những hành động thật đáng sợ hãi của chúng, nhất là khi nhìn đến vùng Viễn Đông, nơi đây chúng ta thấy những chiến thắng mới của chúng, những hành động xâm lược của bè phái vô thần. Hẳn chúng ta phải lo sợ cho tương lai, nếu chúng ta quên rằng Giáo Hội thì thánh thiêng và được nâng đỡ bởi Chúa Thánh Linh. Và Chúa Thánh Linh hành động chống lại sự tràn ngập của sự dữ, Người phản ứng theo cách thức của Người là đổ tràn ánh sáng và ân sủng của Người ra. Sự phản kháng của Người luôn luôn vẫn là lấy tình thương đáp lại hận thù. Và trong miền Cựu Thế giới (Vieux-monde), cũng như trong vùng Viễn Đông – chúng ta có thể thấy rõ điều này khi đọc đến những gì viết về Thượng Hải[141]. – Để thấy hành động thật đáng thán phục của Thiên Chúa, của Chúa Thánh Linh.
Vâng hành động của Người thật đáng thán phục và chúng ta không nên bỏ qua ơn thánh. Khi Chúa Ki-tô giáng trần tại xứ Pa-lét-ti-na, những người Do Thái đang mong đợi Người, vì họ là những người được chọn để chờ đợi và sửa soạn cho Vương Quốc của Người, lại không nhận biết Người. Họ chờ đợi chuyện khác. Chúng ta mong ước rằng sự việc ấy không phải là của chúng ta. Chúa Ki-tô quang lâm, Chúa Thánh Linh biểu lộ ra trong các tâm hồn, sẽ không gặp thấy nơi chúng ta khi chưa được chuẩn bị, hay đang mong đợi chuyện khác, thí dụ như mong đợi một cuộc chiến thắng tạm thời, một cuộc chiến thắng có lẽ thuộc về lãnh vực chính trị, một cuộc chiến thắng chiều theo sở thích và lối suy nghĩ của chúng ta.
Vâng, Chúa Thánh Linh sống trong các tâm hồn, sống trong thế giới, và Người tỏ lộ sự sống của Người ra, Người tỏ lộ ra bằng ân sủng của Người, bằng ảnh hưởng của Người là tiếng kêu mời mỗi người chúng ta. Và ảnh hưởng của Thiên Chúa mà một đôi khi chúng ta đã có kinh nghiệm, và cảm nhận được trong khối dân Ki-tô giáo, hiện nay điều này quả thật là sự mong ước và lo lắng của Người. Vâng, có nhiều tâm hồn tìm kiếm phương thế để đáp lại tiếng mời gọi của Chúa, vun tưới ân sủng mà họ đã nhận lãnh và đã có kinh nghiệm, một cách rõ ràng hay mờ tối. Họ đi tìm những phương pháp, giáo thuyết để làm phát triển ơn thánh, để đi đến những vùng mà họ cảm thấy mình được mời gọi tới bằng một cách âm thầm.
Chúng tôi cố gắng xác định một phần của giáo thuyết này, để nói lên chúng ta phải làm gì để đón nhận ân sủng Chúa .
Cuối cùng, để làm sáng tỏ giáo thuyết này một cách thực tiễn, chúng ta sẽ chạy đến với Thầy Giê-su. Người đã đến trần gian để đem lại cho chúng ta ánh sáng của trời cao, để chiếu soi cho đường đi của thế nhân. Chúng ta nhìn chăm chú vào Đức Ki-tô trong sự chiêm niệm của Người để học biết cầu nguyện như thế nào, học biết chiêm niệm như Người đã chiêm niệm, nghĩa là biết đi trong đường lối của Người, để đi tới nơi mà Người muốn lôi kéo chúng ta đi tới, đó là sự chiêm niệm tối cao trong Chúa Ba Ngôi Cực Thánh.
CẦU NGUYỆN HẰNG NGÀY
Chương: “Cầu nguyện hằng ngày”. Không phải là một bài thuyết trình đúng nghĩa, nhưng là cuộc đối thoại trong đó Cha Marie-Eugère trả lời cho những khó khăn thường gặp, hay những vấn đề trực tiếp được đặt ra cho các thính giả: xem ra, đối với chúng ta, khía cạnh rất cụ thể của việc thực hành cầu nguyện này có thể đem lại nhiều lợi ích cho tất cả những ai ước ao kiên trì dấn bước trong đường lối cầu nguyện âm thầm.
Tôi sẽ bắt đầu để nêu lên một cách khái quát, một vài khó khăn của việc cầu nguyện, và tôi xin trả lời vắn tắt cho mỗi khó khăn đó. Và rồi, tôi biết ơn các bạn đã xác định cho tôi những khó khăn này một cách cụ thể.
Tìm thời giờ để cầu nguyện
Xét trên quan điểm cầu nguyện, khó khăn đầu tiên là tìm đâu ra thời giờ để làm việc này. Đó là vấn nạn đầu tiên mà người ta nêu ra cho việc thực hành thiêng liêng này:
“Tôi không có thời giờ, tôi không có thời giờ để cầu nguyện đâu.”
Để biện hộ cho mình, người ta nói:
“Chúng tôi đã làm những việc đạo đức, đi lễ ngày Chúa Nhật, đã đọc kinh đầu hôm, sớm mai rồi.”
Căn cứ theo cấp độ và hình thức của việc đạo đức, thánh lễ, rước lễ và một chuyện gì khác nữa, cuối cùng người ta sẽ nói:
“Chúng tôi không có thời giờ để làm thêm nữa đâu.”
Và tất cả điều này đương nhiên nêu lên rõ ràng, chính xác:
“Tôi là người mẹ trong gia đình mà, tôi có con cái cần săn sóc.”
Hoặc là :
“Tôi có văn phòng làm việc, tôi có công việc của tôi, và tôi không thấy có cách nào để đem việc cầu nguyện chen vào trong cuôc sống của tôi, vì nó đã được lên chương trình và đã được tổ chức như hiện nay, làm sao mà tìm ra thời giờ để cầu nguyện đây.”
Chắc chắn là như thế, nếu người ta muốn đem sự cầu nguyện vào trong đời sống, trước tiên là phải tính đến vấn đề tổ chức đời sống cá nhân. Để thêm vào trong đời sống đã được lên chương trình, dành ra nửa giờ, một giờ hay thậm chí hai giờ cho việc cầu nguyện, xem ra vấn đề này không thể giải quyết được, bởi vì chúng ta đều là những người rất bận rộn, quá tải (surmenés), người ta nói rằng:
“Nếu tôi còn thêm vào một giờ, hay nửa giờ cầu nguyện, là làm nặng nề thêm sự quá tải của tôi, và có lẽ điều này sẽ làm cho tôi không thể trung thành mà chu toàn những bổn phận chính yếu trong đời sống của tôi, những bổn phận trong gia đình và ngay cả những bổn phận của nghề nghiệp, của đấng bậc.”
Tôi cũng nghĩ như thế, khi muốn thêm giờ cầu nguyện vào trong cuộc sống, cần phải đặt lại vấn đề tổ chức đời sống của mình. Thế nên, có nên nói rằng người ta phải thay đổi nghề nghiệp, gác qua một bên những công việc thường ngày, hay lơ là với những bổn phận của đấng bậc mình để thi hành việc cầu nguyện? Không, tôi không nghĩ như thế. Kinh nghiệm làm chứng rằng có những người rất bận rộn công việc mà có vẫn có giờ cầu nguyện. Người ta kể lại rằng thánh Phan-xi-cô Bóc-gi-a (François borgia) một trong những bề trên cả của dòng Chúa Giê-su (Compagnie de Jésu), kể từ ngày lên chức bề trên tổng quyền, đã tăng thêm thời giờ để cầu nguyện và thay vì để ba tiếng mỗi ngày để cầu nguyện, ngài tăng lên sáu tiếng. Có những người khác, mà tôi được biết đã dùng một hay hai giờ để cầu nguyện cho mỗi ngày.
Chúng ta đừng lo sợ bởi hai giờ cầu nguyện này, chỉ cần nhớ rằng một ngày gồm hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Trong hai mươi bốn giờ này, cần phải tám, hoặc chín tiếng để nghỉ ngơi. Còn lại mười sáu tiếng. Tôi không được biết bạn dành bao nhiêu thời giờ cho công việc của bạn? Hiện giờ, thời giờ làm việc mỗi ngày là tám tiếng đồng hồ. Trên mười sáu tiếng bạn còn lại tám tiếng, sau khi đã trừ đi tám tiếng làm việc: bạn có thể để ra hai tiếng mỗi ngày để cầu nguyện.
Không nên coi cầu nguyện như là việc phụ thuộc, mà phải coi nó như là một hoạt động quan trọng, quý hóa, nếu không muốn là công việc chính yếu của mỗi ngày, như là giấc ngủ hay nghỉ ngơi, ít ra bạn hãy coi đó như là một hoạt động rất hữu ích.
Tôi tin rằng để làm căn bản cho việc tổ chức cuộc sống, cần phải xác tín rằng cầu nguyện là một hoạt động hữu ích. Có nhiều khi người ta tránh né nó và coi nó như là một việc đạo đức không quan trọng, có thể bỏ qua. Người ta tin rằng mình có thể lên trời mà không cần phải bỏ ra hai tiếng để cầu nguyện mỗi ngày. Điều này đúng, nhưng, xin lặp lại một lần nữa, người ta chưa thâm tín rằng cầu nguyện một việc tập luyện cần phải thi hành.
Nhất là, người ta không thấy được điều này, khi đem cầu nguyện vào trong cuộc sống của mình, nó sẽ mang lại sự quân bình. Trong ngày, một giờ cầu nguyện, tôi không có ý nói đó là một giờ bổ túc cho việc nghỉ ngơi, nhưng nó chắc chắn làm nên một giờ của cân đối hài hòa.
Người ta thường nói – đặc biệt thánh Phan-xi-cô đệ Sa-lê (François de Sales) cũng nói thế – là các nhà chiêm niệm sẽ hoạt động nhanh hơn, nhiều hơn, bởi vì sự cầu nguyện cho phép người ta trải qua một thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, làm cho các khả năng trở nên tinh tế, và kiện toàn chúng ngay cả trên phương diện tự nhiên của con người. Nói tóm tắt, cầu nguyện duy trì sự quân bình. Thời gian dành cho cầu nguyện xem ra bị mất đi, nhưng người ta được đền bù lại do bởi sự tăng thêm cường độ và hiệu quả khi làm việc.
Để giải quyết vấn đề thêm giờ cầu nguyện vào cuộc sống, chúng ta cần phải xét đến những hoàn cảnh khác nhau: mức độ của đời sống thiêng liêng, mức độ của khuynh hướng của chúng ta, nói tóm lại là mức độ của cái gì đó mà chúng ta muốn đặt sự cầu nguyện vào trong đó. Để ra hai giờ, đối với một số người, xem ra đã là quá nhiều, và nó nhiều thật. Đối với những người khác, một giờ là tốt rồi, đối với những người khác nữa, nửa giờ là tạm đủ.
Xem ra, nếu muốn cho việc cầu nguyện gây nên một ảnh hưởng nào đó trên cuộc sống, người ta cần phải đạt tới mức nửa giờ.
Làm sao tổ chức được điều này? Người ta có thể chia giờ cầu nguyện làm đôi, làm ba, hay làm tư, tùy theo khuynh hướng của họ. Chính tôi đã từng gặp nhiều người bận rộn, những người mẹ trong gia đình, chị nuôi trong những cư xá, những tu sĩ với những công tác bận rộn (absorbantes), với những lo lắng trong lĩnh vực quản trị, kèm vào đó còn có những chức vụ nặng nề trong việc giao tiếp, và họ đã dành ra hai giờ, hoặc ba giờ trong một ngày để cầu nguyện.
Khi bà thánh Tê-rê-sa nói về việc đưa cầu nguyện vào trong đời sống, bà nói đến nó như một quy luật (règlment)[142]. Điều này không có ý nói rằng người ta phải tổ chức tất cả mọi chi tiết cho cuộc sống của mình, nhưng muốn nói lên cần phải có một sự tổ chức chung chung cho cuộc sống của mình, khi ấn định một giờ, một lúc cho việc cầu nguyện.
Cầu nguyện và lao động
“Người ta có thể cầu nguyện trong khi làm việc?
Có phải công việc thủ công làm cho người ta không thể cầu nguyện sâu xa?”
Không, trái lại, người ta biết rằng công việc lao động chân tay, nói một cách chính xác, giúp cho việc chiêm niệm (le tranvail manuel favorisait précisément la contemplation). Thực vậy, nó để cho tâm trí được tự do và do đó cho phép người ta có thể cầu nguyện. Các nhà chiêm niệm yêu thích việc lao động chân tay hơn là công việc trí óc. Công việc trí óc làm bận rộn tâm trí, không cho phép người ta chú ý tới Thiên Chúa. Vậy, người ta có thể cầu nguyện trong khi lao động chân tay.
Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng người ta có thể bằng lòng với việc cầu nguyện trong khi làm việc. Cần phải thực tập cầu nguyện ngoài giờ cầu nguyện, và chỉ chuyên tâm vào việc cầu nguyện mà thôi. Ngay cả công việc thủ công cũng cần sự chú ý, và do đó, không cho phép người ta cống hiến cho Thiên Chúa, cho sự cầu nguyện tất cả thời gian và tất cả sự chú ý mà nó đòi hỏi. Thỉnh thoảng, chúng ta gặp thấy những người nói với chúng ta:
“Đối với tôi, tôi nghĩ đến Chúa suốt ngày, ít ra tôi cũng nghĩ đến Người thường xuyên. Tôi không cần phải thực tập cầu nguyện”
Chúng tôi nói với họ: “Không, tôi nghĩ rằng phải thực tập cầu nguyện; nếu như bạn nhớ đến Chúa một cách dễ dàng, bạn sẽ như thế nào nữa nếu bạn cống hiến cho Thiên Chúa một thời gian đặc biệt chỉ để cầu nguyện?”
Hồi tâm
Trong việc cầu nguyện, còn gặp sự khó khăn khác nữa. Sự cầu nguyện đòi có sự hồi tâm. Trong sự hồi tâm gồm có sự chú ý đến Thiên Chúa, sự tập trung mọi năng lực để hướng về Ngài. Cầu nguyện là sự trao đổi thân tình với Thiên Chúa. Về phía chúng ta, sự trao đổi này đòi hỏi chúng ta mang tất cả khả năng để làm việc này. Chúng ta đã hiểu điều này khi nói về phần tích cực mà con người phải đóng góp vào trong việc cầu nguyện, bằng cách quy hướng lí trí và các giác quan về với Chúa. Để có sự hồi tâm, cần có một khung cảnh, cần có những điều kiện đặc biệt. Và, người ta nêu lên đây vấn nạn thứ hai :
“Tôi không thể nào hồi tâm cho được, tôi không thể quy tụ tất cả các năng lực của tôi. Hay ít ra, nếu tôi có thể tập trung trong vòng hai phút, các năng lực hay thay đổi của tôi lại mau chóng bị phân tán”.
Khó khăn để hồi tâm, nhất là lúc bắt đầu của đời sống cầu nguyện – về sau, nó còn có một hình thức khác nữa – nó cần phải được khắc phục bởi một cách tổ chức nào đó. Trước tiên, sự tổ chức này sẽ là: chọn thời điểm và nơi chốn để cầu nguyện. Thánh Tê-rê-sa nhấn mạnh về điều này.
Chọn thời điểm
Cần phải để ý đến việc cầu nguyện, nhất là trong những lúc khởi đầu. Cần có sự chú ý các năng lực: chúng ta nói đến một công việc lí trí nào đó khá bận rộn. Chúng ta là những người chuyên làm những công việc trí óc, kinh nghiệm cho biết rằng trong những lúc nào đó trong ngày, chúng ta có thể làm công việc đó hăng say hơn, trong khi những lúc khác thì không được như vậy. Một vài người làm việc lúc sáng sớm, những người khác từ lúc chiều tối; có những người hồi tâm dễ dàng vào lúc tối hơn lúc sáng sớm và ngược lại.
Thánh Tê-rê-sa nói:[143] khi gặp khó khăn trong việc hồi tâm để cầu nguyện, việc đầu tiên cần làm, đó là thay đổi thời giờ cầu nguyện, hãy cầu nguyện vào một lúc khác để coi điều này có tốt hơn không. Về việc này, không có một quy luật chung nào: mỗi người chúng ta có tính khí và khuynh hướng riêng của mình.
Chọn khung cảnh
Các dòng tu khác nhau, tùy theo hình thức chiêm niệm, sẽ không chọn các nơi chốn giống nhau. Dòng Xi-tô, như ở Sénanque, chọn thung lũng; hầu như tất cả các dòng Trappes đều chọn các thung lũng để lập dòng. Các dòng Biển Đức, thường chọn núi đồi. Dòng kín Các-men, sẽ chọn nơi sa mạc thanh vắng, cho dầu đó là núi hay thung lũng và tùy theo xứ sở. Các dòng Chartreux không bận tâm đến khí hậu, họ chọn sống trên đồi núi. Tất cả những nơi chốn ấy được chọn vì thuận lợi cho việc cầu nguyện.
Các khung cảnh cầu nguyện có một tầm quan trọng lớn lao. Các lối kiến trúc của Xi-tô và Biển Đức đều khác nhau. Phần nhiều các đan viện Biển Đức chọn lối kiến trúc gô-tíc (gothique), còn các dòng Xi-tô thường được xây dựng theo lối Ro-man (Roman). Đây không phải là vấn đề sở thích của đấng sáng lập dòng, nhưng đúng hơn dựa trên sự hài hòa thích hợp nào đó giữa khung cảnh và sự cầu nguyện. Tại sao dòng Biển Đức xây dựng theo lối gô-tic? Bởi vì họ tìm kiếm sự tráng lệ (splendeur) của phụng vụ, và lối kiến trúc rực rỡ của gô-tic, byzantin thuận lợi cho sự diễn tả sốt sắng của phụng vụ.
Trái lại, dòng Trappiste Xi-tô cần đến vẻ đẹp của thiên nhiên, cũng như nét kiến trúc của rô-man, mang tính khắc khổ và khiêm tốn. Dòng kín Các-men tìm kiếm sa mạc, tìm kiếm sự rỗng không của thánh Gio-an Thánh Giá để tìm gặp được cái tất cả nơi Thiên Chúa. Giống như thánh nhân, dòng kín Các-men đòi hỏi trước tiên nơi khung cảnh phải có một vẻ tráng lệ, cộng thêm là một sự khắc khổ nào đó. Nhưng khi xây cất, đan viện tuyệt đối không thiết kế điều gì có thể cầm giữ họ. Bởi lẽ, nếu như họ dùng cảm giác để đi đến Chúa, họ cũng đòi hỏi cảm giác của họ phải bị bóc lột để khỏi bị dính bén với nó.
Những điều này có một tầm quan trọng đáng kể, nhưng các bạn sẽ nói với tôi:
“Nhưng chúng tôi không thể xây dựng cho chúng tôi một nhà thờ kiểu gô-tic hay xây dựng một ẩn viện cô tịch (ermitage ) trong vườn của chúng tôi!”
Chúng tôi nói lên những điều này để kêu mời các bạn đừng coi thường khung cảnh cầu nguyện. Vậy chúng tôi phải chọn cái gì để làm khung cảnh thuận lợi cho việc cầu nguyện? Điều này tùy thuộc nơi mỗi người. Khung cảnh phải là nơi tiếp nhận chúng ta một cách tốt nhất, nơi đây chúng ta là chủ của chính chúng ta, và không phải là nạn nhân của sự xốn xang (non victime de l’évernement); nơi mà chúng ta làm chủ tốt nhất những năng lực của chúng ta, và có thể chế phục bản thân của mình một cách hữu hiệu nhất.
Một số người hồi tâm khá tốt trước bí tích Thánh Thể. Có những người khác, trái ngược lại, không thể hồi tâm trong một nhà thờ, bởi vì, khi họ muốn bắt đầu cầu nguyện, và nếu họ hiện diện trong một nhà mở ra đón nhận tất cả mọi người, họ có cảm giác sợ bị người ta nhìn thấy. Các bạn sẽ nói rằng: “Nhưng họ phải khắc phục điều này mà!” Nhưng không, người ta không thể chiến thắng tất cả những ấn tượng này; họ sẽ không thành công để hồi tâm được.
Vậy thì nên hồi tâm trước Thánh Thể hay tìm đến nơi thanh vắng? Một số người thích ở trước Thánh Thể hơn, bởi vì họ biết được ảnh hưởng làm cho bình an của Thánh Thể, điều này là có thực. Tuy nhiên, có người không cầu nguyện trước Thánh Thể, vì dễ gặp gỡ đám đông và người ta không có cảm thức về sự thinh lặng, là điều cần thiết cho sự an tĩnh. Mỗi người, tùy theo những điều kiện của cuộc sống, sẽ chọn khung cảnh thuận lợi và dễ tiếp cận cho mình.
Hiểu biết về tính khí của mình
Xét về sự hồi tâm, chúng ta gặp ai đó nói rằng:
“Tôi thì hay bị kích động, tự tôi, tôi không thể yên tĩnh được.”
Các bác sĩ hiện nay, các nhà thần kinh học, các nhà phân tâm học, nói với chúng ta rằng tất cả chúng ta đều hơi có chút bệnh tật. Đương nhiên, tất cả chúng ta không cần phải vào bệnh viện, nhưng chắc chắn là tất cả chúng ta đều có một thứ khuynh hướng nào đó. Phần nhiều, khuynh hướng rõ ràng không phải là một tình trạng bệnh lý, nghĩa là có thể gây ra một tình trạng bất quân bình thực sự; có ảnh hưởng trên các chi thể mạnh khỏe, trên lí trí, hay trên một điểm nào đó. Lúc ấy, chúng ta có hơi lo âu…
Khuynh hướng lo âu, hay sầu muộn này, chúng ta gặp thấy nó trong việc cầu nguyện, nó sẽ làm phát sinh ra một thứ xung động nào đó. Cần phải nắm vững điều này. Chính vì thế mà phải cần đến một kỹ thuật nào đó. Người ta có thể lợi dụng những kĩ thuật đã được trình bày: kỹ thuật của hít thở, của hơi thở có thể đem lại một sự giãn xả thực sự, tôi không nói rằng nó làm biến mất hoàn toàn khuynh hướng bị kích động, nhưng cuối cùng nó cũng trợ giúp được khá nhiều. Cũng có những hoạt động khác.
Tôi nghĩ rằng không nên thái quá trong lĩnh vực này, nhưng cũng không nên gạt ra ngoài việc mình cần phải được giúp đỡ, nhờ những kỹ thuật dựa trên sự tìm hiểu cơ thể của chúng ta (khoa giải phẩu học = anatome), dựa trên những chức năng của các bộ phận trong con người của chúng ta (khoa sinh lý học = physiologie). Chúng ta hãy lợi dụng những điều tốt, mà cũng đừng tưởng rằng, chỉ với kỹ thuật tự nhiên, người ta có thể đạt đến một sự cầu nguyện đích thực, và nhất là đạt tới một sự chiêm niệm siêu nhiên.
Trong lãnh vực này, người ta có thể yêu cầu những lời khuyên để giúp mình trong một trường hợp nào đó. Vả lại, những khuynh hướng này, như đã xảy ra trong nhiều trường hợp, không nên đi quá xa, và chỉ cần nhận biết chúng là đủ rồi. Lúc ấy, người ta hãy tự vận động bổ túc lại. Thí dụ, nếu như có ai lo lắng, và có hơi bối rối, hãy nói với họ rằng: “Đừng chú ý đến điều đó”. Một cách thực tế, người đó sẽ vứt bỏ được nó và không còn bận tâm đến nó. Một người khác nữa hơi thiên về sự ưu sầu: mặc kệ nó, người ta cứ tiến bước. Cũng giống như thế đối với nhiều chuyện khác. Chúng ta cũng sẽ thành công trong việc hướng dẫn cuộc đời mình mặc cho sự mệt mỏi định kỳ (hay kéo dài) nào đó (nou arrivons bien à mener notre vie malgré telle ou telle indisposition chronique). Điều đó không được ngăn cản chúng ta tiếp tục làm các công việc thường ngày.
Những khuynh hướng bệnh lý khác nhau này, xem ra là điều cần bàn tới, tùy theo mức độ tiến bộ của chúng ta trong việc cầu nguyện. Sẽ xảy ra là, khi sự cầu nguyện trở nên thụ động và có một tác động nào đó của Chúa trên tâm hồn, thì những khuynh hướng bệnh lý này sẽ trồi lên bề mặt.[144]
Thánh Gio-an Thánh Giá so sánh nó với sự kiện quặng mỏ đặt trong lò nóng cháy để tinh luyện, khi chảy ra, nó sẽ để cho những cứt sắt (scories) trồi lên trên bề mặt. Những cứt sắt này không những tượng trưng cho tội lỗi, đời sống của quá khứ, nhưng còn tượng trưng cho những khuynh hướng khác nhau. Tâm hồn khi ý thức được điều này, sẽ thấy chúng một cách rõ ràng hơn. Vả lại, tâm hồn ấy, trong lúc này, thấy mình ở trong miền đất hơi mới lạ cho nó, và điều này, thông thường các khuynh hướng sẽ gây nên một ảnh hưởng lớn lao trên đời sống tâm lý của nó.
Lúc ấy, đương nhiên người ta phải cần đến một lời khuyên thích hợp. Người ta hãy ý thức và nhìn thấy các khuynh hướng của họ, đó là phương thuốc hữu hiệu chữa trị cho họ trong lúc này. Một khi người ta nhìn thấy chúng, và chấp nhận chúng là người ta đã được chữa lành phân nửa rồi. Bởi vì điều gì làm cho khuynh hướng trở nên tệ hại, chính là sự không biết về động cơ nào, lý do nào, đã thúc đẩy nó (Car ce qui rend la tendance funeste, c’est précsément l’inconscience de la motivation).
Vậy, hồi tâm là một vấn đề khá tế nhị khi tâm hồn tiến triển trên đường chiêm niệm. Trong giai đoạn khởi đầu, chỉ cần có một vài sự đề phòng, chọn lựa khung cảnh để cầu nguyện và chắc chắn cần phải được ơn Chúa trợ giúp nhiều lắm (on sera notablement aidé par Dieu).
Cầu nguyện trong phụng vụ và cầu nguyện trong tâm hồn
Còn phải đặt ra vấn đề liên quan đến việc cầu nguyện, đó là cầu nguyện trong tâm hồn trong khi cầu nguyện với phụng vụ, nghĩa là thốt nên lời. Thánh Tê-rê-sa có một quan điểm rất rõ ràng trong lãnh vực này. Quan điểm hiện thời của Giáo Hội là giải thích về giáo thuyết của thánh nữ, chúng tôi có thể nói như thế. Nghĩa là, xin đừng làm chuyên gia phụng vụ đến độ tin rằng chỉ có phụng vụ là đủ rồi (Il est demandé qu’on ne soit pas liturgiste au point de croire que la liturgie suffit), và đàng khác, mỗi Ki-tô hữu đừng chỉ chuyên chú vào lời cầu nguyện cá nhân, nhưng hãy chú tâm đến lời cầu nguyện của phụng vụ, vì đó, nói một cách chính xác, chính là lời cầu nguyện của Chúa Ki-tô, thân mình mầu nhiệm Giáo Hội.
Cần phải làm cả hai việc này. Thánh Tê-rê-sa nói lên điều này. Căn cứ theo quan điểm lý thuyết trong giáo huấn, và căn cứ theo đời sống thực tế của ngài, chúng ta gặp thấy cả hai: hoạt động cầu nguyện phụng vụ và hoạt động cầu nguyện nội tâm. Trong tu viện Nhập Thể, ngài sống trong những căn phòng, có một nguyện đường nho nhỏ, nơi đây ngài long trọng mừng lễ những vị thánh được ngài tôn kính cách đặc biệt[145]. Ngài không nguyên chỉ tôn kính các ngài bằng lời cầu nguyện riêng tư nhưng còn bằng lời cầu nguyện mà phụng vụ đã soạn ra.
Đàng khác, ngài nói rất rõ ràng rằng không hiểu được tại sao lời cầu nguyện phụng vụ – được thốt nên lời, lại không được kèm theo lời cầu nguyện trong tâm trí[146]. Bởi lẽ, nếu chúng ta không chú tâm những gì môi miệng chúng ta thốt lên, nếu chúng ta không thực sự ý thức rằng chúng ta đang nói với Chúa, thì lời cầu nguyện như thế không phải là lời cầu nguyện của con người, đó chỉ là một lời cầu nguyện hoàn toàn vật chất và ở bên ngoài. Bởi vậy, phải suy tưởng những gì người ta đọc, hát lên, và hợp nhất với Giáo Hội khi cử hành phụng vụ.
Đó là sự kết hợp cả hai, cầu nguyện tâm lòng và khẩu nguyện, cầu nguyện cả hai cách cùng một lúc khi cầu nguyện trong phụng vụ. Người ta không làm trở ngại sự cầu nguyện phụng vụ, nếu cùng với lời ca tiếng hát, họ để tất cả mọi sự chú tâm vào trong đó, để cho sự cầu nguyện được trở nên hòa hợp.
Hành động trong cầu nguyện
Đây là một vấn đề khác, một sự khó khăn khác nữa:
“Cầu nguyện là gì? Cầu nguyện như thế nào? Cầu nguyện hệ tại nơi điều gì?”
Tôi nghĩ tôi đã trả lời các câu hỏi này qua những lần trao đổi trước đây; tuy nhiên các bạn hãy cho phép tôi tóm tắt lại và nhấn mạnh một vài điểm, nhưng nhất là để bác bỏ những ý kiến sai lầm mà người ta có thể có về sự cầu nguyện.
Suy niệm và cầu nguyện
Trong nước Pháp, vào thế kỷ XVII, chúng ta biết đến một linh đạo mới, cùng với trường phái của Pháp (L’École Francaise), đã đem lại những ích lợi lớn lao. Monsieur Brémond, tác giả của cuốn Sentiment religieux[147] (cảm tính tôn giáo), đã nói về một thứ “xâm lăng thần bí” vào đầu thế kỷ XVII. Khi đọc lại lịch sử, người ta ghi nhận rằng sự xâm lăng thần bí này đã được phát khởi lên một cách đặc biệt do bởi việc phiên dịch các tác phẩm của thánh Tê-rê-sa A-vi-la.
Sự xâm lăng thần bí này lan tràn một cách rộng rãi nơi hàng giáo sĩ với Monsieur Olier, cha Condren, thánh Vincent de Paul. Lúc ấy họ lấy cách diễn tả trong ngôn ngữ của người Pháp, cách diễn tả của thời bấy giờ, và cần phải làm như thế: một linh đạo phải thực tiễn, do đó, phải thích ứng với các cá tính khác nhau. Linh đạo ấy đã mang lấy một hình thức hợp lý. Lúc ấy có một cuộc tranh luận gắt gao giữa Fénelon và Bossuet. Bossuet đại diện cho Đại Thế Kỷ cổ điển hoàn toàn suy lý (le Grand Siècle classique tout à fait raisonnable). Trái lại, Fénelon đại diện cho một khuynh hướng thiên về tình cảm hơn, có lẽ có tính chất thần bí hơn. Bossuet thì thắng thế hơn vào thế kỷ XVII. Monsieur Brémond xem ra muốn nói lên rằng, vì chúng tôi tự mình làm điều này nên điều này hầu như đáng tiếc.
Một cách rõ ràng, có lẽ Fénelon để cho mình bị lôi kéo bởi Madame Guyon, nhưng cuối cùng có lẽ Fénelon trong lãnh vực này có lý hơn là Bossuet. Dầu sao đi nữa, nền linh đạo trở nên suy lý và lí trí, và nó được truyền lại cho chúng ta theo cách thức này, như được thích nghi với tinh thần của chúng ta, được phiên dịch, được diễn tả và giải thích bởi tinh thần của Đại Thế Kỷ.
Người ta nhận thấy rằng chúng tôi đã gìn giữ – tôi nói “chúng tôi”, nhất là hàng giáo sĩ được huấn luyện trong các chủng viện với các phương pháp của thánh Francois de Sales, Monsieur Olier và của trường phái Pháp quốc – chúng tôi đã giữ gìn những hình thức cầu nguyện, nhất là những hình thức cầu nguyện thiên về lí trí, suy niệm. Kết quả là người Pháp chúng tôi đồng hóa cầu nguyện với suy niệm. Cầu nguyện là gì với chúng tôi, những người Pháp? Đó là suy niệm: đây là một sự sai lầm.
Thánh Tê-rê-sa nhấn mạnh về điểm này. Khi ngài nói về cầu nguyện như là một sự suy niệm, một sự thẩm định, một công việc thiết yếu thuộc về lí trí, ngài nói: đây là một sự khởi đầu tốt đẹp cho những tri thức, nhưng cần phải nhắc lại cho tri thức – ngài không biết rằng giáo thuyết của bà lấy hình thức này trong nước Pháp, bởi vì ngài đã qua đời khi khai sinh ra trường phái Pháp quốc – rằng cầu nguyện không hệ tại nơi suy tư nhưng hệ tại nơi yêu mến[148].
Cần nhắc nhớ lại lời của thánh Tê-rê-sa: cầu nguyện không phải là suy niệm, nhưng bắt liên lạc với Thiên Chúa, trao đổi với Thiên Chúa. Tôi nghĩ là đã nhấn mạnh về điều này. Đây là ý tưởng chủ chốt cần phải giữ gìn và bám chặt vào nó. Tại sao người ta phải cầu nguyện? Để tìm gặp Thiên Chúa, để có một cuộc đàm thoại với Người, để đi đến việc bắt liên lạc với Người. Làm thế nào để liên lạc với Người? Tôi xin lập lại những gì đã nói với các bạn: chúng ta làm điều này do bởi đức tin, bởi sự thực tập đức tin đối thần: “Lạy Chúa, con tin rằng Chúa đang hiện diện và con yêu mến Chúa”.
Bây giờ, hành vi đức tin và yêu mến này cho phép chúng ta liên lạc, trao đổi với Thiên Chúa, tôi phải duy trì nó, tôi muốn đem lại cho nó một thức ăn nuôi dưỡng nó. Đâu là thức ăn này? Nếu tôi là một tinh thần, tôi có thể dùng đến sự suy niệm. Nhưng, chú ý: Trong khi cầu nguyện đừng làm những suy tư nghị luận triết học, hay là những nghị luận thần học, bởi vì cầu nguyện không phải thế. Chúng ta đừng nghĩ rằng đã cầu nguyện tốt sau khi đã suy niệm, đã tìm ra nhiều lời hay ý đẹp và những lập luận hay ho: nếu chúng ta chỉ làm như thế, chúng ta không cầu nguyện.
Phương thế để bắt liên lạc với Chúa
Cần phải bắt liên lạc với Chúa. Sự liên lạc này, tôi sẽ nắm bắt lấy nó bằng sự suy tư. Nếu như tôi là một con người duy lí. Nếu tôi không là như thế. Tôi sẽ lấy một hình ảnh, như thánh Tê-rê-sa đã khuyên bảo, và tôi nhìn đến hình ảnh đó. Đó là điều thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su đã thi hành. Thánh nữ có một hình ảnh mà chị yêu thích, diễn tả một nhà tạm được làm bởi lưới sắt và chị nói: “Đây là Thiên Chúa tù nhân”[149] (C’est le divin Prisonnier). Bạn muốn gì đây? Cần đến một điều gì giúp đỡ cho sự tiếp xúc với Thiên Chúa.
Những người khác dùng đến lời cầu nguyện được đọc (hát) lên trên môi miệng. Bà thánh Tê-rê-sa A-vi-la kể lại: “Có một người nói với tôi là họ không biết cầu nguyện, họ không thể đọc lên kinh Lạy Cha, nhưng tôi nhận thấy rằng, nhờ kinh Lạy Cha mà họ đạt tới bậc chiêm niệm rất cao”[150].
Tôi có thể kể với các bạn chuyên này đã xảy ra tại một tu viện của chúng tôi.
Một nữ tu phụ trách việc liên lạc với bên ngoài (soeur tourìere) suốt gần bốn mươi hai năm, trong một thành phố trên miền đồi núi thuộc miền trung du nước Pháp. Đây là một con người luôn bận rộn với công việc nhưng xem ra ít chiêm niệm. Người ta thấy chị chạy lăng xăng hết nơi này đến nơi khác với chiếc giỏ cầm trên tay. Chị chu toàn nhiệm vụ một cách đáng phục. Lúc cuối đời chị nói với tôi: “Thưa Cha, con không thể nào suy niệm được; con thật là vô phúc bởi vì ngay cả việc cầu nguyện mà con cũng không thể làm được.
_ Thưa sơ, sơ làm việc gì?
_ Con không thể đọc kinh Lạy Cha được nữa.
_ Sơ làm như thế nào? Sơ không thử đọc kinh này sao?
_ Ô có chứ, con luôn luôn thử đọc mà. Nhưng khi con bắt đầu. Con nói Lạy Cha chúng con, và khi nói “Lạy Cha chúng con”, con không thể nói thêm được nữa. Thật là tốt đẹp, con lập tức cảm thấy như thế… Một đôi khi, con nhắm mắt và cố ép mình, con nói: lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng… Con không thể nói tiếp được nữa. Cha coi, con không thể nào cầu nguyện được.”
Tôi hiểu được rằng, sơ này, khi đọc kinh Lạy Cha, đã chìm ngập vào trong cung lòng của Chúa Ba Ngôi. Tôi mau mắn nói với mẹ bề trên: “Nếu như mẹ muốn dạy một cua vắn tắt về sự chiêm niệm, mẹ hãy hỏi chị phụ trách công việc ngoại giao, xem chị này đã làm như thế nào”. Các bạn hãy chú tâm nhìn đến sự giao tiếp với Thiên Chúa bởi sự chiêm niệm.
Có những phương thế khác có thể dùng được. Những con người tốt lành thuộc thế hệ cổ xưa, khi làm việc, mà miệng vẫn đọc kinh mân côi. Người ta thấy tay họ lần chuỗi, và nếu có hỏi họ: “Ông đang làm gì? – Tôi đọc kinh mân côi – Ông có chú ý đến điều đang đọc không? – Ô, không”. Nhưng bởi vì họ có một đời sống hoạt động, các cơ năng của họ cần phải làm một công việc vào đó; nếu không họ sẽ bị kích động. Người ta được an tĩnh như người ta có thể. Để được như thế, họ làm cho mình được an tĩnh với kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng. Họ nghĩ đến Thiên Chúa, nghĩ đến các mầu nhiệm, họ đạt đến sự chiêm niệm. Đây là một phương thế không tốt? Không! Đó là một phương thế tuyệt vời. Mỗi người tìm thấy phương thế cho riêng mình để đạt tới sự liên lạc với Thiên Chúa và để nói chuyện với Người. Người ta có thể thay đổi các phương thế. Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, khi nằm trên giường bệnh, một chị đi vào phòng của chị và hỏi: “Chị đang làm gì đó? – Em cầu nguyện – Chị nói với Chúa điều gì vậy? – Em không nói gì cả”[151]. Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su đã làm một sự liên lạc với Chúa: đó là cầu nguyện. Bởi vậy, chúng ta phải thâm tín về điều cốt yếu của cầu nguyện: bắt liên lạc với Chúa để nhờ Người chúng ta trở nên giàu có, để thiết lập một sự hiệp thông với Người nhờ đức tin và bằng tác động yêu mến.
Mục đích của Người là cho phép chúng ta, lấy ở nơi Người điều Người là, và chính Người muốn thông giao với chúng ta và ban cho chúng ta, cho dầu chúng ta không cảm nhận được đối với chúng ta, điều mà Ngài có, nghĩa là ân sủng của Người. Nhưng xin biết cho rằng, đây không phải là suy niệm. Vả lại, những sách nói về suy niệm, cách đây ba mươi năm10a, đã thành công đáng kể, ngày nay đã hơi lỗi thời. Chúng ta hãy đi cho tới một sự trao đổi sống động với Thiên Chúa, và chúng ta hãy bảo trì sự liên lạc với Chúa với những phương thế nằm trong khả năng của chúng ta, thích hợp với cá tính chúng ta, cho những trạng thái của chúng ta trong lúc này.
Từ điều này, người ta thấy được rằng cầu nguyện ban sáng sẽ không được thi hành bằng một cách thức như cầu nguyện lúc chiều hôm. Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su kể lại rằng, trong lúc đọc kinh trong ca tòa, có một chị nữ tu cứ gây tiếng động bằng cách lay động tràng hạt của chị và chị còn có thói quen thở dài khi cầu nguyện. Tê-rê-sa làm thế nào đây? Chị tự bảo với mình: “Lạy Thiên Chúa của con, con không thể nào hồi tâm để cầu nguyện bên cạnh chị đó, con phải làm sao đây? Con sẽ lấy làm thích thú – Tê-rê-sa nói – để nghe tiếng động rất khó chịu mà chị đó gây ra mà dâng cho Thiên Chúa nhân lành”[152]. Tê-rê-sa đã biến trở ngại thành một phương thế để tìm gặp Chúa và chắc chắn chị đã thực hành cầu nguyện cách tuyệt hảo. Người ta có thể lợi dụng mọi chuyện với điều kiện đừng có thiên kiến và có những ý niệm không tốt về sự cầu nguyện.
Đương nhiên, để cầu nguyện, cần phải sửa soạn trước, đọc một đoạn sách vắn tắt, thư giãn và hồi tâm. Sau đó, cần phải để ý đến những gì giúp chúng ta trong việc cầu nguyện: nhìn lên Chúa, đọc Tin Mừng, hay đọc một đoạn sách nào đó, thỉnh thoảng thốt lên một lời cầu nguyện. Nếu bạn gặp phải khó khăn trong một giai đoạn chuyển tiếp nào đó, bạn hãy bàn hỏi với nhà chuyên môn, với những người có một kinh nghiệm về những đường lối cầu nguyện và họ sẽ chỉ cho bạn cách làm sao để bạn được tiến lên trong lúc đó. Đương nhiên, cầu nguyện là một nghệ thuật, một khoa học cần phải được học hỏi. Trong nhà thờ, để ca hát, để làm đúng những nghi thức, cần phải tập nhiều lần. Đối với việc cầu nguyện là một công việc tế vi, rộng lớn, trong đó các cơ năng của chúng ta cùng hành động, nên cần phải được huấn luyện; có kiến thức và những lời khuyên thích hợp.
Nhưng không có tình trạng nào, cho dầu tình trạng mệt nhọc có thể chuẩn chước hay ngăn cản chúng ta cầu nguyện. Ngay cả đối với những con người, trong một lúc nào đó, gặp phải trầm uất, thần kinh xuống dốc, hay một sự bất lực hầu như hoàn toàn của các khả năng hoặc vượt quá khả năng, chúng ta còn có tác động của đức tin. Thánh Tê-rê-sa nói với chúng ta: “Tôi biết rằng, chỉ với hành động của đức tin, tôi có thể đặt mình vào trong sự liên lạc với Thiên Chúa”[153]. Thực vậy, người ta có thể đặt mình vào trong sự liên lạc với Thiên Chúa bằng cách này và do đó tìm thấy được sự liên lạc với Người và Người đáp lời. Từ kết quả này, đem lại một sự bình an nào đó, và nếu sự bình an không có mặt vẫn còn có thể thiết lập sự hiệp thông với Thiên Chúa.
Gương mẫu của thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su
Phần nhiều thời gian, những khó khăn trong chính việc cầu nguyện có thể vượt thắng được một cách dễ dàng nhờ sự dứt khoát trong việc cầu nguyện, khi chấp nhận các sự việc như chúng là thế. Chúng ta gặp thấy điều này nơi thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, cách riêng trong thư của chị gởi cho chị Marie du Sacré-Coeur, một lá thư tuyệt vời được viết vào tháng chín năm 1896. Lá thư này làm nên tài liệu thứ hai[154] trong những tài liệu tự thuật. Nó mỏng hơn tài liệu thứ nhất, nhưng có lẽ là quan trọng nhất xét theo khía cạnh về giáo thuyết.
Tê-rê-sa đã nói lên cho chúng ta làm thế nào mà chị cầu nguyện trong lúc khô khan, ngay cả khi buồn ngủ, bởi vì chị đang mệt nhọc và không thể đương đầu với nó. Chị ở trong tình trạng đó – chị nói – như ở trong sương mù. Không có sự an ủi, không có lấy được một tư tưởng tốt lành nào. Tuy nhiên chị vẫn luôn luôn trở lại với Chúa bằng một hành vi đức tin, bằng một tác động của tình yêu. Chị đã cầu nguyện bằng cách này. Đây là một cách thức xem ra không bao giờ lỗi thời, và người ta không thấy nói đến nơi trường phái nào, ấy vậy mà chính chị đã viết ra cho chúng ta dựa trên kinh nghiệm của chị (c’est une façon qui ne paraît pas du tout classique, et qu’elle nous décrit cependant elle-même expérimentalement).
Với cách cầu nguyện mà thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su diễn tả ra, làm cho người ta ngạc nhiên khi nghe rằng, ngay cả bậc thầy lớn lao cũng nói rằng chị không phải là con người chiêm niệm. Tuy nhiên, thế nào là con người chiêm niệm? Đó là con người tìm thấy Thiên Chúa, nhìn ngắm Thiên Chúa, và kín múc được ánh sáng nơi Thiên Chúa. Thánh Tê-rê-sa đã làm được điều này một cách đáng phục. Nếu chị đã không tìm thấy Chúa bằng chiêm niệm, làm sao mà chị tìm thấy Người được? Vả lại, chúng tôi nhận thấy nơi chị ngay cả trong lối diễn tả này, một cái nhìn của tâm hồn chị quy hướng về Thiên Chúa, và chị quy hướng về với Thiên Chúa.
Chính chị nói lên rằng, chị không bao giờ quá ba phút mà chị không nhớ đến Chúa[155]. Cái nhìn lên Thiên Chúa là gì? Đó đương nhiên là sự chiêm niệm. Thánh Tô-ma nói rằng chiêm niệm là cái nhìn đơn giản hướng về Thiên Chúa: chị đã thường nhìn lên Chúa và bởi vậy, chị thường xuyên chiêm niệm. Chiêm niệm, không phải là ơn ngoại thường, cũng không phải là xuất thần, không phải là những kinh nghiệm về Thiên Chúa, đó chính là cái nhìn. Tôi thiết nghĩ điều này rất quan trọng để kéo chú ý về định nghĩa này để chính chúng ta sẽ thực hành việc cầu nguyện.
Đừng nói rằng chúng ta không có học thức, không có khả năng này nọ. Dĩ nhiên để cầu nguyện, phải học biết giáo lý, đọc Phúc Âm, phải nuôi dưỡng mình bằng việc đọc sách thiêng liêng. Nhưng nói cho cùng, người ta không cần phải là nhà thần học, nhà trí thức lớn lao. Ngay cả nền thần học cao siêu cũng rất ít tiếp cận đến sự chiêm niệm đích thực, hơn là một sự cầu nguyện tâm tình đơn thuần (même la haute théologie est beaucoup moins rapprochée de la contemplation véritable, qu’une oraison simplenment affective).
Đây là điều khá ngạc nhiên. Người ta có thể tin rằng một nhà thần học lớn sống trong những tín điều và đã quen nhìn đến nó, đào sâu nó, sẽ dễ dàng hơn để thực hành việc cầu nguyện. Trong thực tế, còn có một khoảng cách to lớn cần phải vượt qua và có lẽ họ cũng gặp nhiều chướng ngại hơn, ngăn trở họ trong việc cầu nguyện. Bởi vậy, có lẽ họ thấy mình xa sự chiêm niệm siêu nhiên đích thực hơn là một tâm hồn hoàn toàn đơn sơ yêu mến Thiên Chúa, tâm hồn này có biết đến giáo lý nhưng không có kiến thức về khoa thần học. Xin đừng nhìn vào điều này như là một khuyến khích cho việc lười học hỏi. Không, cần phải học, cần phải nhận biết, cần phải có một căn bản cho đức tin và cho sự cầu nguyện của mình, nhưng không cần thiết phải có một nền thần học cao siêu[156].
Vấn đề kinh nghiệm
“Nếu như người ta không đích thực cảm nhận được tình yêu mạnh mẽ của Thiên Chúa nơi mình, làm sao biết được mình yêu mến Thiên Chúa?”
Các bạn không cần biết điều này, các bạn chỉ cần thực hành nó. Đức tin không hệ tại nơi cảm giác. Chúng ta sẽ gặp thấy nơi đây một vấn đề khó khăn hơn, vấn đề của cảm tính và kinh nghiệm. Đứng trên bình diện đức tin và đức ái, kinh nghiệm là điều phụ thuộc, ngay cả khi điều này ngược lại với xác tín của nhiều người hiện này, nhất là căn cứ vào các tác giả hiện thời của chúng ta.
Trào lưu trở về với đời sống thiêng liêng đã được bắt đầu vào đầu thế kỷ XX bởi một số người thời danh trở lại đạo như Péguy, Claudel, Jacques Rivière, Psichari. Những cuộc trở lại này được hình thành phần nhiều là do bởi một kinh nghiệm. Claudel hoán cải ở nhà thờ Đức Bà. Khi nghe bài Magnificat (Linh hồn tôi ngợi khen Chúa) trong ngày lễ Nô-en: ông đã cảm nhận được. Đối với Jacques Rivière, có hơi giống như trường hợp của Claudel ; Jacques Rivière đã cho chúng ta một định nghĩa về đức tin (theo cha Marie-Eugène, định nghĩa này không chính xác): đức Tin – Jacques nói – là một con chim mà người ta cảm nhận được trong đêm tối[157]. Tôi (cha Marie-Eugène) không trích được nguyên văn một cách chính xác, nhưng chỉ nói lên ý tưởng của định nghĩa đó. Người nào cảm nhận được tiếng lướt nhẹ qua của con chim (le frôlement de l’oiseau), kẻ ấy có đức tin, còn người khác không có. Đây là một điều sai lầm, sai lầm về thần học.
Đức tin là một tác động bám vào Thiên Chúa, một tác động của nhân đức tin: “Lạy Chúa con, con tin”. Tôi có cảm thấy được gì không? Không. Cảm giác có thêm vào đó được cái gì, đó là điều phụ thuộc. Ánh sáng thêm vào trong một trường hợp nào đó là điều không quan trọng. Hành vi đức tin là sự đính kết vào sự khuất phục trong lí trí của tôi, sự bám vào bởi nhân đức tin, bởi khả năng được ban cho tôi qua bí tích Rửa Tội, nhờ đó tôi nói lên: “Tôi tin”.
Chính nhân đức này thích hợp để giúp ta nhảy vọt qua khoảng cách bao la giữa tôi và Thiên Chúa, và làm cho tôi thấm nhập vào trong Người. Khi tôi thấm nhập vào trong Người, có phải tôi được thêm ánh sáng? Tôi đã có ánh sáng của tín lý được ban cho tôi trong công thức của tín lý, nghĩa là: Lạy Chúa con, con tin nơi Chúa, con tin Chúa hiện diện; con tin có Ba Ngôi nơi Chúa. Nhưng có phải tôi có một kinh nghiệm về ánh sáng? Không nhất thiết như thế. Dầu sao đi nữa, kinh nghiệm về ánh sáng mà tôi có thể có, không nói lên phẩm chất của đức tin nơi tôi.
Chúng ta lấy ví dụ nơi thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su. Vào cuối đời của chị, chỉ có Chúa mới biết chị có đức tin, cậy, mến hay không. Chị đã đạt tới đỉnh cao của đời sống thiêng liêng, tuy nhiên, chị khó tưởng nhớ đến Chúa theo ý nghĩa là, mỗi lần chị thi hành một hành vi đức tin, chị có cảm tưởng như chị đang bám vào cái hư vô[158]. Đó chính là sự đau khổ lớn lao của chị, chị càng lớn, nó càng lớn theo trong suốt cuộc đời của chị, khi chị nhớ tưởng đến Trời và Thiên Chúa. Chị đã có một kinh nghiệm. Chỉ cần nghĩ đến Trời đã đủ để cho chị được an ủi. Ngược lại vào cuối đời, chị chỉ thấy có đau khổ và chị chỉ sợ mình thốt nên lời phạm thượng. Lúc đó chị có một đức tin tuyệt hảo, một đức tin bám vào Chúa càng hoàn hảo khi nó không cảm thấy được điều gì.
Đây là chuyện khó làm, nhưng đó là sự thật. Đối tượng của đức tin thì tối tăm; vậy chúng ta đừng nhầm lẫn đức tin với ánh sáng. Có lẽ đây là một trong những sai lầm, một khuynh hướng của thế kỷ XIX, khi người ta biện hộ cho ánh sáng. Người ta muốn chứng minh cho chúng ta thấy mọi sự đều hữu lý, mọi sự đều rất sáng sủa ; và thật là vô phúc, vì người ta dần dần rơi vào tình trạng vô thần. Khi dạy giáo lý trẻ em, dĩ nhiên người ta mang lại cho chúng chân lý, tín lý và dạy cho chúng biết tất cả những gì con người có thể biết và hiểu về Thiên Chúa. Nhưng tôi thiết tưởng rằng, điều cốt yếu cần làm, đó làm đem lại cho chúng cảm thức về mầu nhiệm, cảm quan về sự vô biên.
Có lẽ sự ca tụng của thế kỷ XIX – tôi chỉ nói lên ý kiến cá nhân, chỉ có thế thôi, tôi có thể sai lầm, tôi mong ước chỉ sai lầm một chút thôi – đối với lí trí và sự sáng đã dẫn đưa chúng ta đến một sự vô thần nào đó. Bởi vì nếu chúng ta xác tín rằng đức tin tương đương với sự sáng sủa, hay với ánh sáng, nếu chúng ta nói điều này với một đứa trẻ, đến lúc nó lên 19 tuổi nó sẽ suy nghĩ lại về đức tin của nó. Đến lúc ấy, khi tìm thấy chân lý, nó sẽ nói rằng: “Người ta đã kể cho tôi nghe những chuyện hư cấu, những điều này không đúng”. Tôi không chỉ nói về ông già Nô-en, tôi nói ngay cả những chân lý khác, đối với nó, chỉ là một biểu tượng (symbole). Khi nó còn tính chất dễ tin của một đứa con nít, nó sẵn sàng nghe theo những gì người ta nói cho nó. Nhưng khi lớn lên, nó nghe theo những dục vọng dẫn nó đến những đòi hỏi lớn hơn, và hầu như đến độ chối từ những gì đã nghe từ hồi còn bé thơ, nó sẽ nói: “Tôi không còn có đức tin”.
Trái lại, nếu các bạn huấn luyện đứa trẻ tin vào mầu nhiệm khi nói với nó: “Này bạn trẻ, tôi sẽ không giải thích cho bạn về Thiên Chúa nhân lành; chính vì Thiên Chúa là Đấng vô biên”, trẻ em có cảm quan về mầu nhiệm. Bây giờ, chúng ta nhận biết một điều gì đó về mầu nhiệm này; phải bám vào đó bằng cách nào? Bạn trả lời, hãy dùng ý muốn mà bám vào. Tôi thấy là tôi phải bám vào, nhưng khi bám vào tôi không hiểu.
“Tôi hiểu vì đức tin, nhưng cho lòng mến thì sao đây?”(Je comprends pour la foi, mais pour l’amour?)
Lòng mến yêu siêu nhiên được ban cho chúng ta qua bí tích Rửa Tội không phải là một thứ tình yêu cảm tính. Tại sao bạn lại muốn nó nằm lại trong cảm giác? Chúng ta không thể thay đổi các giá trị, chúng ta không thể bắt được các luồng sóng điện từ bằng chiếc xẻng của người thợ đào đất! Các bạn hãy dùng đến dụng cụ thích hợp. Nếu tôi nói với người thợ đào đất đi lượm lặt những luồng sóng điện từ trên đường phố, có phải vì không thể làm được điều này để nói rằng các luồng sóng điện từ không có?
Đức mến siêu nhiên, như tôi đã nói với các bạn, không phải là cảm giác: nên đừng nói rằng nó không có, vì không thể nắm bắt nó bằng cảm giác? Nó thuộc về một bản chất khác. Đức mến siêu nhiên là một sự gì đó mà chúng ta sẽ nắm bắt được ở trên Trời, khi chúng ta có cặp mắt kiếng phải có để nhìn thấy nó, nghĩa là ánh sáng vinh quang (lumen gloriae); dưới trần gian chúng ta có cặp mắt kiếng đen tối. Đức tin cho chúng ta mắt kiếng đen tối, hay như thánh Gio-an Thánh Giá đã nói, đức tin làm cho chúng ta chói mắt[159]: Chúng ta chỉ có cặp mắt của chim cú để nhìn lên mặt trời. Lúc ấy, các bạn càng nhìn, các bạn càng chảy nước mắt, nói chi đến việc hiểu được. Thánh Tê-rê-sa nói: “Càng ít hiểu, tôi càng tin hơn và yêu mến hơn”[160]. Yêu mến hơn không có nghĩa là cảm thấy hơn.
Thế giới siêu nhiên được ban cho chúng ta qua bí tích Rửa Tội không phải là một vấn đề của nước làm cho mát mẻ, cũng không phải là lửa để chúng ta cảm thấy nóng nảy, đó là thực tại mà chúng ta bám vào bởi đức tin, một đức tin không giải thích được cho chúng ta. Thánh Gio-an Thánh Giá nói rằng: “Kiến thức cao siêu nhất mà chúng ta có thể có về Thiên Chúa là biết rằng chúng ta không thể hiểu về Thiên Chúa”[161].
Đời sống cầu nguyện đặt trên căn bản của sự tối tăm này. Bạn có biết ai là người hiểu rõ nhất về sự tối tăm nơi Thiên Chúa? Đó là Đức Trinh Nữ Maria: chính Mẹ đã sống gần nhất trong mầu nhiệm của Thiên Chúa vì Mẹ đã ở xa nhất (c’est elle qui a le plus vécu dans le mystère de Dieu parce qu’elle a été le plus loin), đồng thời Mẹ nhận được ánh sáng nhiều nhất. Càng dấn sâu vào, người ta càng ít thấy. Trong thế giới siêu nhiên, có một điều mà người ta gọi là nghịch lý, mâu thuẫn: có cả ánh sáng và có cả tối tăm. Chúng ta giả thiết gặp được một tâm hồn có những ơn đặc biệt nếu như họ giải thích cho bạn hiểu được hoàn toàn những gì họ đã thấy, và nếu họ không có ấn tượng của tối tăm và của vô biên, bạn đừng tin họ, họ đã hư cấu nên nó. Bởi vì, họ đã không đụng chạm đến Thiên Chúa, họ đã không chạm đến được Đấng vô biên, họ không có kinh nghiệm về Đấng vô biên, nếu họ đã không có một ấn tượng về sự tối tăm và sự vượt quá khả năng của con người (Elle (l’âme qui aurait des grâces extraordinaires) n’a pas une expérience de l’infini si elle n’a pas une impression d’obscurité et de dépassement).
Sự cầu nguyện phải có ý niệm cốt yếu này: sự siêu nhiên vượt quá khả năng của chúng ta. “Chưa bao giờ mà tôi đã làm nhiều tác động của đức tin và đức mến đến như vậy”, thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su nói với chúng ta như vậy[162]. Chị đã viết kinh Tin Kính (credo) bằng máu của chị. Chị đã mang nó trên ngực và để đơn giản, chị đã sờ đụng đến kinh[163]. Hãy nhìn đến hành vi của đức tin nơi chị. Chưa bao giờ mà chị phải trải qua trong một tình trạng tối tăm như vậy.
Một chứng cớ trực tiếp
Xin cho phép tôi kể lại một câu chuyện xảy ra cách đây hơn hai mươi năm, về một nữ tu trước khi vào dòng kín Các-men, đã từng làm giám đốc của một trường nội trú. Đây là một tâm hồn rất đặc biệt. Vậy mà chị đã từng sống trong những tình trạng khô khan và tăm tối, đến độ chị không thể kêu tên Chúa mà không đau khổ, chẳng có được một ấn tượng nào, chị như ở trong đêm tối, một bóng tối đáng sợ hãi. Chị đã sống với điều này qua nhiều năm dài, khoảng chừng hai mươi hay ba mươi năm.
Chị đương nhiên nằm ngoài tình trạng mà các nhà thần học đã nói tới: thánh Gio-an Thánh Giá nói đến mười hai năm, mười lăm năm…Nhưng đến ba mươi năm thì chưa bao giờ nghe nói tới. Trong lúc đó tôi cũng được bàn hỏi tới. Tôi nói: khi người ta không hiểu, thì có một việc phải làm là chấp nhận nó. Này đây là một con người quân bình, rất thông thái và có nhân đức đáng phục. Người ta buộc phải tin rằng Chúa nhân từ đang hiện diện ở đó. Người ta không hiểu điều này xảy ra như thế nào, nhưng rốt cuộc phải chấp nhận rằng Thiên Chúa không bị bó buộc phải giải nghĩa tất cả mọi sự cho chúng ta.
Chị dòng kín mà tôi vừa đề cập đến, là người rất tế nhị và chị nói với tôi: “Khi con qua đời, xin cha đừng kể lại tình trạng của con cho cộng đoàn biết, vì người ta sẽ rất khổ tâm khi thấy con phải chịu đựng một tình trạng như thế trong một thời gian lâu dài! Để làm một tác động của đức tin, chị sử dụng một công thức mà người ta đã mớm cho chị, trong đó không có tên Chúa, vì tên này gợi nên nơi chị sự đau khổ. Có lẽ bạn sẽ cho đây là một trường hợp bệnh lý. Người ta nói ngay: là bệnh lý, khi người ta không hiểu. Có hơi ngây thơ để nói lên rằng đây là một người bệnh, chỉ vì người ta không biết và điều này hay xảy ra. Tóm lại, trường hợp của chị là như thế. Chị nói với tôi: “Trong lúc chết, làm sao con có thể qua thế giới bên kia với tình trạng này?” Tôi nói: “Chị cứ yên lòng, Chúa nhân từ sẽ thu xếp”. Và quả thực, Người đã thu xếp.
Tôi đã được gọi đến trong lúc đó. Khi tôi bước vào trong phòng chị, nơi chị sắp sửa qua đời, chị nói với tôi: “Thưa cha, thực là quá đẹp đối với tất cả những gì cha đã nói với con”. Chị đã có kinh nghiệm này vào ngày trước khi chị qua đời. Chị đã chết vào sáng hôm sau. Chị nói với tôi: “Từ ba mươi năm nay, từ khi con bước vào trong đêm tối tăm này, con có ấn tượng về sự tối tăm, về đêm đen, về một loại hỏa ngục, và điều này xảy ra cho đến phút cuối cùng”. Chị nói thêm: “Thưa cha, chính vì thế mà con kể lại cho cha nghe: Xin cha kể lại câu chuyện của đời con để khích lệ những tâm hồn trong đêm tối. Con đã nói với cha rằng đừng nói gì hết, nhưng con xin cha, hãy nói lên những gì đã xảy đến cho con, để các tâm hồn đang phải đối diện với đêm tối được biết rằng có điều gì đó ở thế giới bên kia”.
Đó là một tâm hồn trở về hầu như từ thế giới bên kia, và chị đã qua đời mà lòng tràn đầy hân hoan. Đương nhiên, sự đau khổ này, đêm tối này đã được tẩy xóa trên gương mặt của chị. Chị có bộ mặt của một con người bình an, nhưng đồng thời, đau khổ đã ghi lại ấn dấu trên khuôn mặt của chị. Tất cả những thái độ bên ngoài của chị biểu lộ ra một con người trải qua đau khổ lớn lao. Tâm hồn này đã phải đau khổ vì một ý định nào đó. Giáo Hội cần đến những đau khổ như thế.
Trong ngày qua đời, chị muốn gọi các nữ tu trong cộng đoàn của chị, từng người một đến với chị, để chị biếu họ bó hoa thiêng liêng của thế giới bên kia, khi nói về Trời cao một cách dường như thể chị đã ở đó rồi. Và các nữ tu của dòng kín Các-men hoàn toàn kinh ngạc khi nghe chị nói với một cung cách như thế, vượt ra ngoài cung cách bình thường của chị.
Tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện này mà tôi đã từng kể nhiều lần. Đối với tôi, đây là một trong những câu chuyện mang lại ánh sáng cho cả một tín điều. (c’est une de ces histories qui donnent une lumière sur tout un dogme). Người ta thực sự như có cảm tưởng rằng giáo huấn của thánh Gio-an Thánh Giá được minh họa bởi kinh nghiệm của một tâm hồn đã cảm nghiệm được điều này.
Chúng tôi cũng gặp trường hợp này xảy ra cho người khác và dưới những hình thức khác nhau. Người ta tin rằng, trong các tu viện chiêm niệm, cũng thường gặp được những tâm hồn sống trong niềm hân hoan phấn khởi, bởi vì họ đã ở trong cõi Trời. Người ta nói “Trời đã bắt đầu” (ciel commencé) hay bằng tất cả mọi thứ kiểu nói tốt đẹp như thế. Tôi có thể chia sẻ với các bạn về chứng từ của tôi. Tôi đã biết rằng đến hai trăm, có lẽ đến ba trăm tu viện chiêm niệm. Nói chung chung nơi những tu viện này, là lãnh vực, là quê hương, là xứ sở của sự khô lạt, của đêm đen, của bóng tối đức tin22a.
Thánh Tê-rê-sa nói lên điều này: “Nếu bạn gặp một tâm hồn luôn luôn vui tươi, bạn hãy coi chừng, người này có thể là mang tâm bệnh”[164]. Điều này có hơi giống định nghĩa về tình yêu của bạn. Tuy nhiên, đây là những tâm hồn (các tu sĩ) yêu mến Thiên Chúa. Nếu tình yêu là sự gì đó về cảm giác, họ hẳn đã bay lên tới trần nhà (Si l’amour était quelque chose de sensible, elles devraient toutes monter au plafond!) Không, họ chỉ sống những chân lý thuộc tín lý, những chân lý trong sách giáo lý.
Đây không phải là một loại thần học dùng cho các nhà thông thái, nhưng đó là giáo lý dùng cho tất cả các tín hữu, thánh Tô-ma nói với chúng ta như thế[165]: đối tượng của đức tin – Thiên Chúa – nói một cách cốt yếu thì mờ tối. Nếu có một sự sáng sủa nơi Thiên Chúa, đó là quầng sáng, đó là những tín điều thứ yếu (ce sont les dogmes secondaires) đó là những công thức tín điều; nhưng đối tượng của đức tin thì tối tăm. Bởi vậy, hãy nhất quyết khi bước vào đường lối cầu nguyện, hãy kiên trì. Bạn hãy kiên vững cho dầu bạn không thấy gì, và bóng tối càng tăng thêm khi bạn càng tiến tới!
Các nghịch lý
“Nhưng Thiên Chúa đã nói rằng người ta được triển nở trong niềm vui”
Thế giới thiêng liêng được làm nên bởi những nghịch lý. Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su có nói vào lúc cuối đời của chị: “Chỉ có tình yêu mới đáng kể”[166]. Chị yêu mến Thiên Chúa, nhưng chị cũng nói rằng: “Các chị hãy nhìn đến lỗ hổng tối tăm trong vườn không? Đó là hình ảnh tâm hồn của em”; nhưng chị nói thêm liền: “Em ở nơi đó trong một sự bình an lạ lùng”[167]. Vậy, thế giới thiêng liêng được ghi dấu bởi những nghịch lý.
Bạn có thể đối chiếu với tình trạng của Chúa chúng ta trong vườn Cây Dầu và trên đồi Can-vê. Đây là tình trạng “thần bí”, một tình trạng thiêng liêng. Chúa Giê-su vui hưởng thị kiến hạnh phúc. Người luôn luôn vẫn là “Người-Chúa”, với thị kiến hạnh phúc, và đồng thời, có đau khổ lớn lao: đó là tình trạng hoàn hảo. Trên đồi Can-vê, cũng xảy ra nghịch lý ấy: “Lạy Cha, nhân sao Cha bỏ Con?”[168]và đồng thời Người vui hưởng thị kiến hạnh phúc: đó là điều nghịch lý.
Giáo Hội trình bày cho chúng ta thập giá như là lý tưởng, là kiểu mẫu của nhân loại được tái sinh. Chúng ta đang tiến lên đồi Can-vê bằng nhiều cách thức khác nhau. Bởi vậy, đây là những điều mâu thuẫn. Tôi muốn nói đến tình trạng tối tăm trong phấn khởi, để nhấn mạnh về tình trạng tối tăm này; và tôi cũng đã nói rằng có bình an và hân hoan trong bóng tối tăm. Tuy nhiên, đây không phải là một niềm vui trọn vẹn đến độ tất cả đều biến thành ánh sáng, hoan lạc và phấn khởi.
Điều mà tôi gọi là “nghịch lý”, những tình trạng đối lập nhau, vẫn là một trong những dấu chỉ của đời sống thiêng liêng. Khi có niềm hân hoan, có tình trạng viên mãn trong một tâm hồn mà nếu chúng không được kèm theo bởi đòi hỏi thập giá, người ta có thể hồ nghi về tính chất xác thực và về nguyên nhân của đời sống siêu nhiên nơi tâm hồn ấy. Cần phải diễn tả ra rõ ràng những tình trạng đối nghịch này, hai thái cực này, từng điều một. Khi người ta diễn tả ra sự đau khổ, đồng thời người ta không thể nói tới niềm vui; cần phải chờ đợi để nói xong điều này rồi mới nói điều kia. Nhưng chúng có thể hiện diện đồng thời với nhau, cho dầu người ta chỉ có ý thức về từng điều một.
Nơi đây, chúng ta bị lôi kéo đến sự diễn tả những cấp độ cao nhất của đời sống thiêng liêng, và diễn tả chúng ra là một điều tốt, bởi vì những đỉnh cao của các tình trạng này soi sáng cho những bước khởi đầu dẫn đưa người ta đi theo đường hướng này.
Tất cả mọi người có thể cầu nguyện: Thiên Chúa thì tín trung
“Thí dụ: một người mẹ trong gia đình có thể sống đời cầu nguyện được không?”
Trong sự cầu nguyện luôn luôn phải ghi nhớ nguyên tắc lớn lao này: cầu nguyện là sự bắt liên lạc với Thiên Chúa. Luôn luôn cần phải có hai phía để làm việc này. Và Thiên Chúa nhân lành sẽ ban hồng ân thích hợp cho tình trạng của bà để thi hành việc cầu nguyện.
“Nếu như đây không phải là vấn đề cảm giác, vậy phải cần đến một sự cố gắng của ý chí?”
Tôi đã nói rằng điều này có thể không cảm nhận được, tuy nhiên tôi cũng không nói rằng, cảm nhận được nó là có tội! Tôi tin rằng một bà mẹ sẽ cầu nguyện được và sẽ kiên trì. Vả lại, như thánh Tê-rê-sa đã nói: “Trong việc cầu nguyện người ta không thể thành công bằng sức lực của cánh tay”[169], cần phải cẩn trọng nhiều trong vấn đề này. Nếu có người nào cần đến sự an ủi, cần đến cảm giác, người ta có thể nhân danh Chúa mà hứa điều đó cho họ, rằng họ sẽ cảm nhận được tùy theo mức độ họ cần đến. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là cầu xin cho được cảm thấy, Thiên Chúa sẽ dàn xếp một cách khác cho họ, tùy như ý Người muốn, nhưng Người sẽ nâng đỡ họ.
Thánh Tê-rê-sa nói với chúng ta: hãy kiên trì, hãy vững tâm, tôi bảo đảm với bạn rằng Chúa nhân lành sẽ chu toàn công việc của Người và do đó bạn sẽ được Người giúp đỡ. Kinh nghiệm chứng minh cho thấy rằng, dầu sao đi nữa bạn sẽ được thành công mà tâm hồn bạn không biết tại sao, có cảm nhận được, hay không cảm nhận được. Trải qua một thời gian, họ không còn bận tâm đến nó nữa, bởi vì, trên bình diện chiêm niệm, bạn sẽ có được một kinh nghiệm còn cao hơn, vượt trên điều mà thánh Tê-rê-sa gọi là những yên ủi cho bình diện cảm giác.
Tâm hồn sẽ thấy được sự bình an vượt trên mọi cảm giác – như thánh Phao-lô đã nói[170] – điều này không nói về cường độ, nhưng là về phẩm chất.
Kinh nghiệm này sẽ thay thế cho sự an ủi mà người ta mong ước thuở ban đầu lúc bước vào con đường cầu nguyện. Kinh nghiệm đó lấp đấy tâm hồn và nâng đỡ nó một cách hiệu nghiệm hơn nhiều.
Trong lãnh vực này, tôi vừa nói về sự khô lạt, vậy là tôi đang nói về một tình trạng của bình diện cảm giác và của bình diện tinh thần thuộc cấp thấp. Trên bình diện cao hơn, tình trạng này được kèm theo bởi một kinh nghiệm có tính chất thiêng liêng hơn, được gặp thấy luôn luôn. Lúc đó, người ta sẽ gọi nó là “sự nhận biết của sự “cộng thông bản tính” (connaissance de la connaturalité)”, được ban cho bởi tình yêu. Đây không phải là một sự nhận biết hoàn toàn có tính chất lí trí, và rõ ràng. Nó càng không phải là một sự yên ủi cảm nhận được nơi các giác quan. Sự nhận biết do tính chất cộng thông bản tính cảm nhận được trong những chiều sâu thẳm của tâm hồn và đương nhiên đây là sự toàn vẹn sung mãn. Ngay cả khi con người mà tôi vừa nói tới, không thể đối diện với tín điều mà lí trí của chị không cảm thấy bối rối, xao xuyến, nhưng dầu sao chị vẫn đứng vững trong tâm hồn của chị. Chị cần phải được nâng đỡ bởi sức mạnh mà không cảm thấy, và bằng hương vị mà chị không cảm nghiệm được trong các giác quan.
Nơi đây còn có chỗ cho những điều khác cần phải triển khai trên bình diện kinh nghiệm thần bí, nhưng nó lại nằm trên một bình diện khác. Dầu sao đi nữa, Thiên Chúa tốt lành đang làm công việc của Người khi chúng ta làm công việc của chúng ta. Đương nhiên, là sẽ có nhiều nguy hiểm, nhưng sự nguy hiểm thường xảy đến là người ta chờ đợi một sự yên ủi nơi cảm giác, và cố gắng đi tìm nó. Khi cầu nguyện để đến với Chúa, người ta thực hiện một sự tương giao với Người, và người ta thưa với Người: “Như thế đó, Chúa biết rõ con là gì, Chúa biết con đáng được điều gì, Chúa biết con cần điều gì”. Và, xin lập lại một lần nữa – Thiên Chúa sẽ ban cho điều người ta cần đến.
(HẾT PHẦN I –
XIN XEM TIẾP PHẦN II)
Chữ viết tắt
I Co = Première aux Cotinthiens (I Cô-rin-tô)
II Co = Deuxième aux Corinthens (II Cô-rin-tô)
Col = Colossiens (thơ Cô-lô-xê)
Ep = Ê-phê-sô
Ex = Exode (sách Xuất Hành)
Gn = Genèse (sách Xuất Hành)
He = Hébreux (thơ gởi tín hữu Do Thái)
Jn = Jean (Phúc Âm theo thánh Gio-an)
I Jn = Première Epîte de Saint Jean (I Gio-an)
Lc = Luca
Mc = Mác-cô
Mt = Mát-thêu
Ps = Psaume (sách Thánh Vịnh)
Rm = Rô-ma
[1]. P. Marie.Eugène de l’E.J., Conférence du 18 mai 1958, publiée dans Carmel, 1988/3-4, n° 51 , p. 342.
[2]. Cf. M.PILA “Le fondateur” , dans Carmel, n° spécial “Le Père Marie-Eugène de l’Enfant-Jésus”, mars 1968, p. 112.128.
[3]. Cf. “La grâce baptismale”, p. 69.
[4]. Ibid., p. 88.
[5]. “La Grâce baptismale”, p. 80.
[6]. Jean-Paul II, Exhort. Ap. Chrítifideles laici, du 30 décembre 1988, notée C.L.
[7]. Je veux voir Dieu, éd. du Carmel, Venasque, 19887(1957), p. 47.
[8]. C.L., n° 16.
[9]. Cha P. Marie-Eugène giải thích về bổn phận này: “Mỗi người trong chúng ta có một bổn phận nghiêm túc với ơn thánh, với tác động, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Linh để chu toàn những phận sự được giao phó cho họ qua ơn Thánh Linh” (“L’apôtre parfait”, p. 346).
[10]. Cf. C.L., n° 17.
[11]. “L’activité de Dieu dans la Prière”, p. 47.
[12]. “Le mystère de Dieu”, p. 47.
[13]. Conférence du 18 août 1966.
[14]. Cf. Conférence du 18 août 1957: “Thiên Chúa là tình yêu, Ngài hành động bởi tình yêu, Ngài trao ban tình yêu. Định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu” dẫn đưa chúng ta đi vào Thiên Chúa một cách sâu xa hơn là những ưu phẩm khác của Ngài, thí dụ như: Thiên Chúa là Toàn Tri -Thiên Chúa là hữu thể siêu việt, Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu. Định nghĩa này đưa chúng ta vào trong đời sống thân mật với Thiên Chúa”.
[15]. “Le mystère de Dieu”, p. 51.
[16]. Ibid., p. 55.
[17]. Conférence du 18 août 1957.
[18]. Conférence du 18 août 1966.
[19]. “Le mystère de Dieu”, p. 56, 59.
[20]. “Le mystère de Dieu”, p. 58.
[21]. Je veux voir Dieu, p. 37.
[22]. Cf. 2 P 1,4: con người được tham dự vào ân sủng của Thiên Chúa, nghĩa là chính Thánh Linh cư ngụ nơi chúng ta.
[23]. Giáo huấn của cha Marie Eugène về ân sủng được khai triển rất rộng rãi. Người ta có thể gặt hái được nhiều lợi ích khi đọc những trang bàn về những vấn đề này trong cuốn “Je veux voir Dieu” (Tôi muốn nhìn thấy Thiên Chúa). (cf.infra, p. 83, n. 9).
[24]. “La grâce baptismale”,p. 78 – 79.
[25]. “Grandes vérités Chrétiennes” , p. 217.
[26]. R. RÈGUE, Père Marie-Eugène de l’Enfant-Jésus, maître spirituel pour notre temps, éd. du carmel, Venasquè, 1978, p. 122.
[27]. “La grâce baptismale”, p. 81.
[28]. P. Marie-Eugène DE. L’E.J., Père d’une multitude – Lettres autobiographiques, Fayard, Pareis, 1988, p. 162.
[29]. “Le don de soi”, dans Carmel, 1988/3-4, n0 51, p. 328.
[30]. CJ. Je veux voir Dieu, P.328
“Thái độ căn bản của Chúa Ki-tô, Ngài dâng hiến trọn vẹn con người của Ngài, cũng là thái độ căn bản của người Ki-tô hữu. Nhờ đó, họ được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô trong những chiều kích sâu thẳm. Không có thái độ này tất cả mọi sự bắt chước của Chúa Giê-su chỉ nằm ở trên bề mặt, và có thể trở nên một thứ vụ hình thức bề ngoài . Để nên giống Chúa Ki-tô, cần phải dâng hiến cho Ngài như Ngài đã dâng hiến cho Thiên Chúa, bởi vì chúng ta thuộc về Đức Ki-tô và Đức Ki-tô thuộc về Thiên Chúa.”
[31]. “Le don de soi”, dans Carmel, 1988/3-4, p. 329.
[32]. Ibid., p. 330.
[33]. Cf. Je veux voir Dieu, p. 33.
[34]. “La grâce baptismale”, p. 85.
[35]. Cf. Je veux voir Dieu, p.1034. Cf. aussi F.M. LÉTHEL, “Dans le christ Jésus”, Carmel, 1988/3-4, n0 51, p. 271
[36]. Je veux voir Dieu, p. 1075.
[37]. Ibid.
[38]. “L’oraision au quotidien”, p. 173.
[39]. “La grâce baptismale”, p. 88.
[40]. Ibid., p. 87.
[41]. Cf.P.Marie-Eugène de L'E.J. Ton amour a grand aviec moi. Un génie spirituel, Thérèsa de Lisieux, éd. du Carmel, Venasque, 1987, p.168-169.
[42]. “Pour une transformation d’amour”, p. 95, người ta nhận ra nơi câu nói này điều cốt yếu mà thành Tê-rê-sa định nghĩa về sự cầu nguyện , đó là “một sự trao đổi diện đối diện với Thiên Chúa , Đấng mà họ biết rằng Ngài yêu thương họ” (Ibid., n.3).
[43]. Cf. Je veux voir Dieu, p. 56.
[44]. “La prière contemplative du Christ”, p. 206.
[45]. “La prière contemplative du Christ”, p. 196.
[46]. Ibid., p. 197.
[47]. Ibid., p. 199.
[48]. Ibid., p. 213.
[49]. “La prière contemplative du Christ”, p. 213.
[50]. Ibid., p. 200.
[51]. Cité par F.-M. LÉTHEL, “Dans le Christ Jésus”, Carmel,1988/3-4, n0 51,p. 275.
[52]. Cf. “La prière contemplative du Christ”, p. 203.
[53]. Cf Marie Pila, “Le fondateur”, p. 121.
[54]. “L’oraision au quotidien”, p. 163.
[55]. “L’activité de Dieu dans la prìere”, p. 133.
[56]. “L’ oraision au quotidien”, p. 163.
[57]. MARIE PILA, “Le fondateur”, p. 121.
[58]. Je veux voir Dieu, p. 1032.
[59]. Cf. P. Marie-Eugène de L'E.J., “Le don de soi”, conférence du 2 août 1961, publiée dans Carmel, 1988/3-4 n0 51, p. 329
[60]. Cf. R.REGUE, “Croire en l’Esprit Saint – L’expérience du Père Marie-Eugène de L'E.J”, dans Viens Esprit Saint, éd du Carmel, Venasque, 1988, p. 268.
[61]. Cf. MARIE PILA, “Le fondateur”, p. 125.
[62]. “Présence et témoignage”, p. 297.
[63]. Ibid., p. 295.
[64]. “L’apôtre parfait”, p. 347.
[65]. “Le mystère de Dieu”, p. 64.
[66]. “La primauté de L’Esprit Saint”, p. 260.
[67]. Rm 8,14.
[68]. “La primauté de L’Esprit Saint”, p. 260.
[69]. “Construire le Royaume”, p. 234.
[70]. “La primauté de L’Esprit Saint”, p. 270.
[71]. “Présence et témoignage”, p. 301.
[72]. Je veux voir Dieu, p. 1022.
[73]. “L’apôtre parfait”, p. 353.
[74]. Je veux voir Dieu, p. 1034.
[75]. Je veux voir Dieu, p.1032.
[76]. Confévence du 22 août 1959 (R.59) (innédit).
[77]. Cf. Lc 10,29-37.
[78]. R.59.
[79]. R.59.
[80]. Ibid.
[81]. Je veux voir Dieu, p.1039.
[82]. R.59.
[83]. R.59.
[84]. Some théologique, IIa IIae, q.180, a. 3.
[85]. Ibid.,a. 4.
[86]. Cf. Nuit obscure, p. 661 s., et Vive flamme. str. 2, p. 957s.
[87]. Ex 3, 14.
[88]. Ps 102, 28.
[89]. Jn 1, 1.4.
[90]. Ernest Psichari, là một sĩ quan và văn sĩ người Pháp (1883-1914). Trong thời gian lưu trú tại Mauritanie (1909-1912), ông theo đạo Công Giáo. Ông có ý đinh đi tu dòng Đa Minh, nhưng ông đã bị kẻ thù giết chết vào lúc thế chiến thứ I bắt đầu. Ông để lại ít nhất là hai tác phẩm : l’Appel des armes(1913) và le Voyage du centurion (công bố năm 1916) kể lại kinh nghiệm của ông.
[91]. Câu chuyện về Bụi Gai bốc cháy được kể lại trong Ex, ch. 3.
[92]. Cf. Cantique spiritituel, str. 13 et 14, p.758-762; str. 32, p. 862.
[93]. Cf. Jn 3, 11-21.
[94]. Cf. I Jn 1, 1-3.
[95]. Jn 3, 16.
[96]. Cf. He 1, 3.
[97]. Cf. Gn 1, 31.
[98]. Cf. Château de l’âme, VII Dem., p.1030-1031
[99]. Trên Trái Đất chúng ta chỉ có thể nhận biết mầu nhiệm của Thiên Chúa và sống sự hiện diện của Người bằng đức tin, điều này là đúng thật nhưng mờ tối, bởi vì lí trí của chúng ta không thích ứng được với sự nhận biết sáng sủa và trực tiếp với mầu nhiệm Thiên Chúa. Sau cái chết, ở trên trời, Thiên Chúa ban cho con người sự nhận biết siêu nhiên về Ngài, cho phép chúng ta chiêm ngưỡng Người diện đối diện. Khả năng của sự chiêm ngưỡng này gọi là Lumen gloriae (ánh sáng vinh quang).
[100]. Jn 1, 3.
[101]. Cf. Cantique Spirituel, str. 5, p. 714.
[102]. Gn 1, 26.
[103]. Cf. Rm 8, 19-23.
[104]. Cf. Je veux voir Dieu, p. 1012.
[105]. Cf. Vive flamme, str. 3, p. 968 s.
[106]. Inchoatio vitae aeternae = “sự bắt đầu của đời sống vĩnh cửu”.
[107]. Cf. Ep 1,9-10 et Col 1, 15-20.
[108]. Cf. Jn 16, 33.
[109]. Cf. Cantque spritiuel, str. 5.
[110]. Gn 2, 7.
[111]. Cf. I Co 13, 12.
[112]. Cf. ghi chú 16 của chương “những căn bản” ( les fondements).
[113]. Về thứ ngôn ngữ loại suy, xin xem ở chương sau.
[114]. Cf. S. THÉRÈSE DE JESUS, Château de l’âme, I Dem., ch. 1.
[115]. Cf .Je veux voir Dieu, p. 33-34 et p. 1001-1002.
[116]. Cf. S . JEAN DE LA CROIX, Vive Flamme d’Amour, str. 1.
[117]. Confessions, I, 1.
[118]. Định nghĩa truyền thống của sách giáo lý: “Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa để tôn thờ, cám ơn, cầu xin ơn tha tội và xin Người ban ơn phúc”.
[119]. Vie, ch. 8, p. 82.
[120]. Cf. S. JEAN DE LA CROIX, montée du Carmel, II, 7. p. 126.
[121]. Cf. Jn 3, 11-14.
[122]. Cf. Rm 12, 1.
[123]. Thí dụ, hai người mù trong Mt 9, 27-29; người bị bại liệt trong Lc 5,20; Mátta chị của Lazarô trong Jn 11,26.
[124]. Mc 5, 28.
[125]. Cf. Mt 15, 21-28.
[126]. Cf. Mt 8, 15-13.
[127]. Mt 8, 10.
[128]. Cf. Chemin de la Perfection, ch. 34, p. 752; voir aussi Je veux voir Dieu, p. 1074-1077.
12a. Chúng tôi xin được dịch các tiếng: direction, diriger, gouverner, gouvernement bằng tiếng “phục vụ” thay vì dịch là hướng dẫn, điều khiển, cai quản để thích hợp với ý hướng và lời dạy bảo của Chúa Giê-su, và để tránh sự ngộ nhận và sự mích lòng của “ai” đó.
[129] . Cf. Manuscrit C, 25 ro.
[130]. Về vấn đề ngôn ngữ loại suy, xin xem lại chương trước.
[131]. Xin coi lại chương nói về ơn thánh sủng của bí tích Rửa Tội đã trình bày trên đây.
[132]. Cf. Somme Théologique, IaIIae, q. 68.
[133]. Cf. Relations, 22 september 1572, p. 551.
[134]. Cf. Je veux voir Dieu, p. 307.
[135]. Voir effectivement , “Devoirs de style et narrations de Thérèse Martin” dans Carmel , avril-mai-juin 1957 II, p. 81-107.
[136]. Cf le récit de Thérèse elle-même, ManuscritA 44 V0 et s.
[137]. Rm 8.14.
[138]. 2Co 3, 18.
[139]. Cf. Chemin de la Perfection, ch. 21, p. 682-683.
[140].“Tu đức thần bí”, có nghĩa là “đáp ứng với tác động của Thiên Chúa (Je veux voir Dieu, p. 32) hay “thái độ tâm hồn cần phải có để sửa soạn và đáp trả lại tác động của Thiên Chúa” (p. 556). (xin xem lại giải thích chi tiết trong cuốn Je veux voir Dieu, p. 318-321 et p. 554s).
[141]. Ám chỉ đến cuốn sách của J.LEFEUVRE, Les enfants dans la ville, Coll. Église vivante, Casterman, Tourinai-Paris: 1957, mục thời luận nói về sự phản kháng anh hùng của các sinh viên Công giáo của Đại Học Aurore Thượng Hải (1952-1955), chống lại bạo lực bách hại.
[142]. Cf.Château de l’âme, II Dem., p. 835 et s.
[143]. Cf. Vie, p. 113-115.
[144]. Cf. Nuit Obscure, p. 565-567.
[145]. Cf. Vie, ch. 6, p. 57-58.
[146]. Chemin de la Perfection, p. 704-707.
[147]. Cf. H.BRÉMOND, Histoire littéraire du sentiment religieux en France, II, L’invasion mystique (1590-1620), Paris, Bloud et Gay, 1930.
[148]. Cf. IV Dem., ch. 1, p. 867-868.
[149]. Cf. ManuscritA, 31 vo.
[150]. Cf. Chemin de la Perfection, ch. 32, p. 735.
[151]. Cf. J’entre dans la vie, p. 205.
10a.Cuốn sách của cha Eugène xuất bản vào năm 1990. Như thế thời điểm ngài muốn nói đến là khoảng năm 1990, 30 năm trước khi ngài xuất bản cuốn sách này.
[152]. Cf. Manuscrit C, 30 ro.
[153]. Cf. Chemin de la Perefection, ch. 28, p. 712.
[154]. II s’agit du ManuscritB.
[155]. Cf. Conseils et Souvenirs, p. 77.
[156]. Về vấn đề này, xin đọc hai chương trong cuốn sách Je veux voir Dieu: “Les lectures spirituelles” (p.196-212) và “Théologie et contemplation surnaturelle” (p.433-454). Cha Eugène viết: “Cầu nguyện, đặc biệt là trong thời gian khởi đầu, cần đến chân lý mặc khải. Chân lý mặc khải chỉ có thể thiết lập sự tương giao thân tình với Thiên Chúa bằng đức tin. Vậy, nếu như đức tin chỉ có thể đạt tới Thiên Chúa bằng cách bám vào với công thức của chân lý được mặc khải, càng có lý do mạnh hơn nữa, là đức tin cần được nuôi dưỡng bằng của ăn dồi dào và đa dạng để duy trì sự liên lạc thường xuyên với Thiên Chúa trong việc cầu nguyện” (p. 198).
[157]. Cf. J. RIVIÈRE, A la trace de Dieu, Paris, Gallimard, NRF, 1925, p. 335.
[158]. Cf. Manuscrit C, 5 vo et s.
[159]. Cf. Montée du Carmel, livre II, ch. 6, p. 130-131.
[160]. Relation 26,p. 551.
[161]. Cf. Cantique Spritituel, str. 7,p. 723.
[162]. Cf. Manuscrit C,7 ro.
[163]. Conseils et Souvenirs, p. 147.
22a. Đây là ý kiến của tác giả, cha Marie-Eugène (chú thích của người dịch).
[164]. Cf. IV Dem., p. 888 et s.
[165]. Cf. Somme théologique, IIaIIae , p. 8.
[166]. Cf. J’entre dans la vie, p. 226.
[167]. Cf. CJ. 28.8.3
[168]. Mt 27, 46.
[169]. Cf. Chaêteau de l’âme, p. 843.
[170]. Cf. Ph 4 ,7.