Suy Niệm Thứ Sáu Tuần XXVI TNC
(Lc 10,13-16)
AI SỐNG YÊU THƯƠNG CHÍNH LÀ THA THỨ
Kính thưa quý độc giả, khi học về Cánh Chung, chúng ta nghe dạy rằng: sau khi linh hồn lìa khỏi xác, người ta phải ra trước tòa Chúa để được phán xét. Hiểu theo phạm trù thế gian thì một khi phải ra tòa thì người phạm tội phải chịu án phạt. Do đó, hầu như ai cũng sợ tòa án; Ngược lại, đối với Thiên Chúa, Người cũng dùng tòa để xét xử loài người nhưng lại khác xa cách xử sự của tòa án trần gian ở chỗ là Chúa chẳng kết án ai bao giờ như trong bài Tin mừng hôm nay, mặc dù thánh Luca có thuật lại sự việc Chúa Giêsu than trách dân các thành: Kho-ra-din, Bet-sai-đa và Ca-phác-na-um vì đã được chứng kiến những phép lạ Chúa làm mà vẫn dững dưng không chịu tin vào Chúa để hoán cải đời sống. Thế nhưng, Chúa vẫn không ra tay thiêu hủy để trừng phạt dân các thành ấy. Bởi lẽ, Thiên Chúa là Tình Yêu mà tình yêu chính là tha thứ!
Chúng ta biết rằng, thông thường tại tòa án ở đời, có công tố viên đọc bản án luận tội phạm nhân, có thẩm phán hỏi cung phạm nhân và các nhân chứng thuận hoặc nghịch cùng với lời biện hộ của các luật sư bảo vệ cho thân chủ. Kế đó, vị thẩm phán dựa vào các bằng chứng để kết án phạm nhân đã phạm phải điều nào trong luật pháp quốc gia. Cuối cùng vị thẩm phán tuyên án kết tội phạm nhân; Ngược lại, trong Giáo hội chúng ta cũng có tòa án nhưng nhằm mục đích giải thoát phạm nhân và giúp phạm nhân cải quá từ tân để tiếp tục được sống và sống tốt hơn theo thánh ý Thiên Chúa chứ không tuyên án để rồi dẫn phạm nhân tới bước đường cùng. Dụ ngôn người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình mà dân chúng ngày xưa đang hăm he chờ Chúa kết án để được ném đá người phụ nữ ngoại tình ấy cho hả giận; Nhưng không, Chúa lại bảo: “Ai trong các ngươi sạch tội thì hãy ném đá chị ấy trước đi” (Ga 8,7). Vừa nghe lời cảnh tỉnh đó, tất cả những người hiện diện lúc bấy giờ đều cảm thấy xấu hổ vì ai trong họ cũng là kẻ tội lỗi nên buộc lòng họ phải bỏ đá xuống và đi về; Còn Chúa Giêsu giải quyết bằng cách khuyên bảo người tội lỗi một cách đầy tình thương là tha thứ như sau: “Này chị, không ai kết án chị ư? Tôi cũng vậy, chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,10-11). Điều đó có ý muốn giới thiệu cho chúng ta thấy rằng, Chúa Giêsu đã lập ra tòa giải tội cốt là để tha tội cho mọi tội nhân sám hối trở về xưng thú để được Chúa tha thứ tất cả. Vì thực tế, con người chúng ta mỗi lần phạm tội, dẫu tội có nhiều và nặng đến mấy đi nữa thì Chúa qua lời xá giải của Cha Giải tội đều tha bổng tất cả mọi tội vạ cho mọi phạm nhân. Vì Thiên Chúa là Tình Yêu mà một khi đã yêu thương thì Chúa sẵn lòng tha thứ tất cả.
Quả thật, Thiên Chúa là Tình Yêu. Một tình yêu bao la vô bờ vô bến. Vì Ngài là tình yêu nên đã dựng nên mọi sự cho loài người hưởng dùng. Cũng vì yêu mà Chúa đã sai Con Một yêu dấu là Chúa Giêsu Kitô xuống thế làm người, giảng dạy khắp nơi, làm nhiều phép lạ, chữa lành các bệnh tật, xua trừ mà quỷ, rồi chịu khổ nạn, chịu chết trên thập giá và sống lại để cứu chuộc loài người. Thật sự, chính vì yêu thương loài người quá bội mà Chúa Giêsu đã không sợ phải thiệt thân để thốt lên những lời than trách dân các thành như trong bài Tin mừng hôm nay. Cũng như cách hành xử vì yêu thương như Chúa Giêsu, trong mỗi cộng đoàn đan tu chúng ta, có những lần Viện Phụ, Cha Kinh Sư hoặc Cha Giáo Tập có khiển trách hoặc ra hình phạt cho những anh em lỗi luật. Ngay lúc đó thì những anh em đó có thể cảm thấy buồn; Nhưng thật ra, chỉ vì tình thương và trách nhiệm mà các vị hữu trách ấy phải hành xử như thế chứ không phải vì ghét bỏ một ai trong cộng đoàn. Tiên vàn, điều các vị ấy muốn là hết thảy mọi anh em chúng ta đều sống tốt để trở nên những đan sĩ thật, đan sĩ thánh như lòng của cha Tổ Phụ vẫn hằng ước mong. Hơn thế nữa, đã nhiều lần Chúa Giêsu đã phải nặng lời quở trách các Kinh sư và Biệt phái vì thói đạo đức giả. Bởi vì lý do đó mà họ đã ghen tức rồi tìm cách chống đối, điệu ra tòa và hô hoán kết tội Chúa đã phạm thượng nên Chúa Giêsu phải bị đóng đinh vào thập giá cho đến chết. Tuy nhiên, vì Chúa là Tình Yêu nên Người luôn sẵn lòng tha thứ tất cả tội vạ cho họ qua lời cầu xin tha thiết với Chúa Cha trước khi trút hơi thở cuối cùng thế này: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34).
Kể từ lúc Chúa Giêsu tha bổng cho những người giết Chúa năm xưa ấy, theo gương yêu thương là tha thứ của Chúa, đã có nhiều người kitô hữu biểu lộ được tình yêu như thế với tha nhân. Điển hình như: thánh Stêphanô phó tế tử đạo tiên khởi đã xin Chúa tha thứ cho những người ném đá ngài cho đến chết (x. Cv 8,10). Ở thời đại chúng ta hiện nay cũng vậy, vẫn có nhiều nhân chứng tình yêu như: thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị đã đến thăm và tha thứ cho Aka là người đã nã súng ám sát người vào năm 1981 tại quảng trường thánh Phêrô. Nhờ nghĩa cử bao dung của thánh Giáo hoàng mà làm cho tù nhân ấy biết sám hối rồi trở thành người hoàn lương. Tại Việt Nam, Tôi tớ Chúa là Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận cũng đã thể hiện tình thương với viên cai tù tại Giang Xá – Hà Nội trong thời gian 13 năm người bị biệt giam. Do Lòng yêu thương và tha thứ mà Vị Tôi tớ Chúa là coi viên cai tù ấy như bạn để rồi sau đó từ một viên cai tù vô thần đã trở thành một người kitô hữu trong Giáo hội chúng ta.
Cũng vậy, trong cộng đoàn chúng ta đây vẫn có những anh em tốt lành thánh thiện. Cụ thể là những anh em ấy đã sẵn sàng bỏ qua những xúc phạm lớn nhỏ trong cuộc sống cộng đoàn của người anh em khác hầu mong giúp họ biết lỗi rồi sống tốt hơn trong bậc sống đan tu mỗi ngày. Đó chính là những chứng nhân của tình yêu thương là tha thứ! Phải nói được rằng, nhờ yêu thương là tha thứ mà giúp cho nhiều tội nhân được an tâm để chỉ biết dành thời gian còn lại trên cõi đời tạm này mà chăm lo việc theo Chúa cách hữu hiệu. Đúng như lời đức thánh Giáo hoàng Phaolô đệ lục đã khẳng định mà được đức thánh Giáo Hoàng Phaolô đệ nhị trích lại để nói với tu sĩ tại nhà thờ chính tòa Manila ngày 17 tháng 2 năm 1981: “Con người ngày nay sẵn sàng lắng nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy”. Phần chúng ta, đang sống đời tu tại các đan viện, kẻ ít người nhiều hầu như đều là những tội nhân nhưng đều đã được Chúa cứu chuộc bởi giá máu trên thập giá của Người vì Đạo Chúa là Đạo Yêu thương. Chúng ta cần nhìn nhận rằng, hằng ngày, Chúa vẫn làm phép lạ cả thể cho từng người chúng ta qua bí tích Thánh Thể để tỏ lòng yêu thương và hiệp thông với mọi người chúng ta. Đặc biệt là bí tích Giao Hòa, nhờ đó, dẫu hàng ngàn lần chúng ta đã phạm tội, đã xúc phạm đến Chúa, đến tha nhân và bản thân trong tư tưởng, lời nói đến việc làm cùng những điều thiếu sót, tất cả đều được Chúa yêu thương tha thứ đến hết mọi tội vạ cho chúng ta. Có lẽ nhờ thấm nhuần lời Chúa dạy hôm nay mà cha nhạc sĩ Ân Đức đã sáng tác nên bài hát: Khúc Hát Một Loài Hoa với lời ca thế này: “Con sẽ là tình yêu trong cung lòng Hội thánh tình yêu. Con muốn dâng cuộc đời làm tình yêu đốt cháy mọi nơi. Một tình yêu cao siêu. Một tình yêu đền đáp tình yêu …”
Quý độc giả kính mến, thiết nghĩ rằng, từng người chúng ta cần quý trọng lòng yêu thương là tha thứ của Thiên Chúa đến hết mức có thể để rồi thời gian còn lại ai cũng biết ra sức đáp đền ơn trọng của Chúa bằng việc hoán cải đời sống nên tốt theo thánh ý Người như Luật Chúa, luật Hội thánh và Luật dòng quy định; Đồng thời, biết trao ban tình thương bằng việc sẵn lòng tha thứ những sai lỗi của anh chị em đang sống chung quanh để sớm được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu. Vì yêu thương chính là tha thứ!
Nôbertô – Thiên phước