Sống Căn Tính Đan Tu Biển Đức-Xitô New 

21/10/2021

Sống Căn Tính Đan Tu Biển Đức-Xitô

Dưới ánh sáng Lời Chúa và Giáo Huấn của Giáo Hội

 

LINH ĐẠO ĐAN TU

 

Lm. Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Nam, O.Cist.

       Cha Thomas Merton trong cuốn “Hành Trình Đan Tu” có định nghĩa: “Căn tính đời sống đan tu Biển Đức-Xitô được hiểu như một cam kết bao gồm: đời sống đơn sơ khiêm nhường, tĩnh lặng, cầu nguyện liên lỉ, lao động tay chân, lòng hiếu khách, coi trọng việc đọc sách thiêng liêng, lắng nghe, vâng phục, ăn chay, canh thức và đời sống cộng đoàn…”.

     Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông huấn Ðời Sống Thánh Hiến (Vita Consecrata) nói rằng: “Các dòng hoàn toàn sống đời chiêm niệm là một lý do hãnh diện cho Giáo Hội, và là nguồn mạch đưa lại những ân sủng thiên quốc. Nhờ nếp sống và sứ mạng của họ là bắt chước Đức Kitô cầu nguyện trên núi, họ sống đơn sơ trong cô tịch và thinh lặng, bằng việc lắng nghe Lời Thiên Chúa, cử hành phụng vụ, khổ chế cá nhân, kinh nguyện, hãm mình và hiệp thông vào tình yêu huynh đệ, họ hướng đời sống và toàn bộ sinh hoạt vào việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Họ cống hiến một chứng tá độc đáo về tình yêu của Giáo Hội dành cho Chúa” (VC 8; PC 7).

     Sau đây chúng ta lần lượt tìm hiểu mười điểm căn bản dựa theo Tu Luật thánh phụ Biển Đức, như: Đơn sơ, khiêm nhường; tĩnh lặng; cầu nguyện liên lỉ; học hành và đọc sách thiêng liêng; khổ chế và chay tịnh; lao động chân tay; chứng tá Tin Mừng, đức vâng phục, lòng hiếu khách và đời sống cộng đoàn.

  1. Đơn sơ và khiêm nhường

      Tư tưởng chủ đạo mà thánh Biển Đức đưa ra cho những ai muốn theo đuổi đời sống đan tu là “thực tâm tìm Thiên Chúa” (TL 58,7). Tìm kiếm Thiên Chúa hệ tại sống với sự hiện diện của Ngài. Ý thức trước sự hiện của Thiên Chúa, người đan sĩ mới có thể hiểu được thế nào là khiêm nhường đích thực. Đức Giêsu đã từng dạy: “… hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29).

     Mười hai bậc khiêm nhường được thánh Biển Đức diễn tả nơi tác phong người đan sĩ: trong lời nói, trong nụ cười và trong cách đi đứng… (TL 7). Có thể nói tất cả phương pháp nhân bản và tu đức của thánh Biển Đức được gồm tóm trong việc thực thi đức khiêm nhường và lòng đơn sơ. Nhờ đức khiêm nhường, đan sĩ chu toàn được mọi bổn phận đối với Chúa và tha nhân, qua hai nghĩa vụ nổi bật trong đời đan tu là “cầu nguyện và lao động” (Ora et Labora) trong cô tịch và hy sinh.

  1. Tĩnh lặng

     Sống Tĩnh lặng là yêu sách của đời đan tu, là phương thế cần thiết giúp đan sĩ dễ dàng gặp gỡ Thiên Chúa và sống thân mật với Ngài. Tĩnh lặng là sự bình an sâu lắng của tâm hồn, nơi đó con người sẽ nghe được tiếng nói của Thiên Chúa và của lòng mình. Vì thế, việc thinh lặng không phải là thích hay không thích, nhưng vì lòng mộ mến được ăn rễ sâu trong tâm thức người đan sĩ. Sách Châm Ngôn đã từng dạy: “Nói nhiều, không tránh khỏi tội” (Cn 10,19), một nơi khác: “Sống chết cả ở đầu lưỡi” (Cn 18,21). Người đan sĩ phải thấy sự thinh lặng như một nhu cầu để tiến đức, một phương thế tốt để kết hợp với Chúa từ đáy tâm hồn. Sự đáp trả của con người dành cho Thiên Chúa không thể chỉ là những lời nói suông, nhưng phải được phát xuất từ một sự tĩnh lặng nội tâm. Một sự thinh lặng được ẩn chứa sự sung mãn của con tim, của tình yêu, cho Đấng mà lời lẽ hay ngôn ngữ loài người không thể diễn tả hết. Nếu có diễn tả được thì người ta chỉ diễn tả bằng tâm tình tạ ơn và lời cầu nguyện mà thôi.

  1. Sống tâm tình cầu nguyện và chiêm niệm

     Đan sĩ là con người tìm Chúa. Con đường để người đan sĩ gặp gỡ Chúa chính là cầu nguyện. Cầu nguyện được coi như là hơi thở của linh hồn, là điều kiện để phát triển đời sống thiêng liêng (Thói Lệ 191). Cầu nguyện là phương thế cần thiết đưa người đan sĩ vào trong mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa và tha nhân. Các đan sĩ sống và cầu nguyện ngay trong cộng đoàn đan viện, nơi đó có sự hiện diện đích thực của Đức Kitô, như Người khẳng định: “Ở đâu có hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy thì Thầy ở giữa họ” (Mt 18,20).

     Có nhiều phương thế khác nhau trong việc cầu nguyện, nhưng Phụng Vụ Thánh Lễ và các Giờ Kinh Thần Vụ luôn được ưu tiên. Nhất là việc cử hành mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô trong các bí tích, đặc biệt là trong bí tích Thánh Thể (EA 23). Các giờ kinh và giờ cầu nguyện được đan kết nhịp nhàng với nhau như hơi thở dành cho linh hồn. Chính vì thế mà thánh Biển Đức dạy: “Đừng lấy gì làm hơn việc Chúa” (TL 43,3). Lòng mộ mến thần vụ được thánh phụ Biển Đức đề cao đến nỗi đã dành ra 16 chương để nói về Thần Vụ “Opus Dei” (TL 8 đến 20; 43; 45 và 47). Lòng mộ mến thần vụ cũng là một trong bốn tiêu chuẩn để trắc nghiệm ơn gọi của ứng sinh muốn sống đời đan tu (TL 58,7).

     Đan sĩ là con người cầu nguyện. Thánh Biển Đức coi đó như là kết quả đương nhiên của đời sống đan tu. Để cho người đan sĩ trở thành con người cầu nguyện, thánh phụ Biển Đức đã vạch ra một chương trình để sống. Chương trình này khởi đi từ ngày gia nhập cộng đoàn và qua từng giai đoạn trong tiến trình huấn luyện để đạt tới mức trưởng thành đan tu (TL. Lời mở 4.41; 4.56; TL 19; 20…).

     Câu chuyện Maria ở làng Bêtania ngồi bên chân Đức Giêsu và nghe lời Người. Còn cô Martha thì tất bật lo việc phục vụ. Cô Martha nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay! Chúa đáp: Martha! Martha ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn ‘phần tốt nhất’ và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,38-42). Ý nghĩa của câu trả lời này muốn nói rằng: “phần tốt nhất” là lắng nghe Lời Đức Giêsu, ở gần bên Ngài, gắn bó cả tinh thần và con tim. Đó là lý do vì sao trong truyền thống Kitô giáo hay một số nhà tu đức dựa vào câu Tin Mừng này để nói, ơn gọi chiêm niệm chiếm chỗ ưu tiên trong đời thánh hiến.

     Thánh Biển Đức đã đặt Phụng Vụ làm nền tảng căn bản cho đời đan tu, ngài dạy: “Không được lấy gì làm hơn việc Chúa (TL 43,3), và “Tuyệt đối không lấy gì hơn Chúa Kitô (TL 72,11). Còn Giáo huấn của Giáo Hội, qua Sắc lệnh Perfecte Caritatis cũng nhắc nhở chúng ta: “Trong các hội dòng hoàn toàn chuyên lo chiêm niệm, các đan sĩ chỉ nhất tâm phụng sự một mình Thiên Chúa trong cô tịch và thinh lặng, trong việc chuyên lo cầu nguyện, đến nỗi dù nhu cầu hoạt động tông đồ có khẩn thiết đi nữa, thì những hội dòng ấy vẫn luôn phải giữ một địa vị cao quí trong Nhiệm Thể Chúa Kitô…. Thực vậy, họ dâng lên Thiên Chúa hy lễ chúc tụng tuyệt hảo, làm vẻ vang dân Thiên Chúa bằng những hoa trái thánh thiện dồi dào…, họ là vinh dự của Giáo Hội và là mạch tuôn trào các ơn thiêng” (PC 7). Tuyên ngôn Hội dòng Xitô Thánh Gia đã minh định rằng: “Theo tinh thần Tổ phụ Henri Denis Benoit, đời sống đan tu Xitô Thánh Gia là một đời tận hiến chuyên về chiêm niệm”[1].

  1. Học hành và đọc sách thiêng liêng

     Lectio divina: Đọc và suy niệm Lời Chúa cũng được thánh Biển Đức nhấn mạnh, vì đó là điều cần thiết giúp đời sống thiêng liêng của đan sĩ. Chính trong Lời Chúa mà đan sĩ tìm được lẽ sống, “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv [118] 119,105). Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chú giải lời Thánh Vịnh này như sau: “Người cầu nguyện ngây ngất ca tụng Luật Chúa, và nhận Luật ấy như ngọn đèn soi cho bước chân của mình trên con đường nhiều khi tăm tối của cuộc sống”[2].

     Vì Lời Chúa là lương thực bồi dưỡng linh hồn và là kim chỉ nam dẫn đưa đan sĩ đến nguồn sự sống, nên thánh Biển Đức đã dành cho việc đọc Sách Thánh một tầm quan trọng đặc biệt. Ngài không những khuyên mà còn buộc các đan sĩ phải đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày. Ngài căn dặn viện phụ hãy tạo những giờ khắc và nơi chốn và đặt một hay hai anh em cao niên trông chừng kẻo có ai lười biếng không chăm chỉ đọc sách, gây thiệt hại cho mình và cho cả người khác, nhất là trong Mùa Chay (TL 48,10-18; 49,4).

     Ở chương 38 thánh Biển Đức còn qui định, trong khi dùng bữa, đừng bỏ đọc sách bao giờ. Kẻ vào phiên đọc sách phải xin cộng đoàn cầu nguyện cho mình khỏi tính phô trương (TL 38). Đọc sách mỗi ngày để Lời Chúa sẽ nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của các đan sĩ. Thánh Biển Đức muốn đan sĩ phải coi việc đọc sách như là một bổn phận hơn là tìm kiếm những gì theo sở thích cá nhân.

  1. Khổ chế và Chay tịnh

     Trong Tu Luật, khổ chế và chay tịnh là một điểm son trong đời sống của người đan sĩ. Thánh phụ Biển Đức đề cập rất nhiều đến việc hy sinh mà đan sĩ cần phải thực hành trong đời sống như: khổ chế trong giấc ngủ để đào luyện đan sĩ khỏi tính mê ngủ (TL 4,36), mau mắn thức dậy ca tụng Chúa (TL 16). Yêu thích trong việc chay tịnh (TL 4,13), một sự kiêng chay để tinh thần được tỉnh thức và sáng suốt.

     Việc giữ chay thể hiện qua nếp sống khó nghèo tự nguyện, giúp ta chế ngự các tật xấu, thống thiết cầu nguyện, đọc sách, thành tâm sám hối và thực hành khổ chế để tâm hồn được hân hoan đón mừng lễ Phục Sinh (TL 49,4-7). Đức Giêsu không bao giờ coi thường việc ăn chay, Ngài đã từng ăn chay ròng rã bốn mươi ngày trước khi thi hành sứ vụ, Ngài cảm thấy đói, thậm chí còn bị ma quỉ cám dỗ (Mt 4,2-3). Hội thánh tiên khởi cũng gắn liền cầu nguyện với ăn chay (Cv 13,2-3).

     Ăn chay là tập cho ta có khả năng làm chủ được bản thân mình, thoát khỏi tình trạng nô lệ với những giá trị trần thế, để trở lại làm hòa với Thiên Chúa, vì đã xa lìa bất tuân. Mùa chay là một cuộc trở về. Trở về với Chúa trong chay tịnh và sám hối, trong sự hy sinh, cầu nguyện và bố thí. Tập sống đơn sơ và khiêm nhường theo gương Đức Giêsu Kitô, “vốn giàu có, lại trở nên nghèo khó vì chúng ta, để chúng ta trở nên giàu có nhờ sự nghèo khó của Ngài” (2Cr 8,9). “Đấng đã đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để  phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người” (Mc 10,45).

     Khổ chế và chay tịnh đan tu còn là một sự tự đồng hóa với người nghèo, nó được cụ thể hóa bằng việc cần cù lao động cùng với hành động chia sẻ và tình bác ái.

  1. Lao động chân tay

     Đối với thánh Biển Đức, lao động chân tay chiếm một vị trí khá quan trọng trong đời đan tu. Ngài còn nhấn mạnh “Ở nhưng là thù địch của linh hồn, thế nên đan sĩ phải có giờ lao động chân tay” (TL 48,1). Lao động không chỉ nhằm mưu sinh, nhưng còn giúp đan sĩ lấy lại quân bình lại trong đời sống và để tôn vinh Thiên Chúa. Thánh Biển Đức có kinh nghiệm về nếp sống của đan sĩ thời ngài là có một số đan sĩ không muốn ở yên một chỗ để mưu sinh, họ thích sống đi lang thang, nay đây mai đó, sống nhờ vào người khác (thích ăn cơm khách). Vì vậy, thánh Biển Đức đã thành lập cộng đoàn đan tu, có lời khấn vĩnh cư để bớt tình trạng đan sĩ du tu. Họ phải tự làm việc mưu sinh và có thể chia sẻ cho người nghèo. Thánh Biển Đức còn dạy: “chỉ khi nào đan sĩ sống bằng thành quả của mình mới thật là đan sĩ” (TL 48,8).

     Tuy nhiên, ngài cũng khuyên các đan sĩ đừng ham mê làm việc quá mà sao lãng các bổn phận khác. Ngài nói: “dù sao, mọi sự phải giữ chừng mực, vì còn có những người yếu sức” (TL 48,9). Để đề phòng tính tham lam và phô trương về thành quả công việc mình làm, ngài khuyên “những đan sĩ thạo nghề hãy làm việc trong tinh thần khiêm tốn và xây dựng. Đừng để tật xấu hà tiện lẻn vào, và khi bán sản phẩm, anh em hãy bán rẻ hơn người đời một chút, để trong mọi sự Thiên Chúa được tôn vinh” (TL 57, 8-9).

     Tóm lại, đối với thánh Biển Đức, lao động không chỉ để mưu sinh, nhưng còn mang nhiều ý nghĩa khác như: chia sẻ với người nghèo, giúp đan sĩ quân bình, thăng tiến trong đời sống thiêng liêng, nhất là để tôn vinh Thiên Chúa và tham gia vào chương trình cứu sáng tạo của Người.

     Hội dòng Xitô theo gương gia đình Thánh Gia và các tổ phụ làm việc nuôi sống mình, đóng góp vào việc truyền giáo. Thêm vào đó, lao động còn biểu lộ sự hiệp thông bác ái huynh đệ và cộng tác với nhau trong đời sống cộng đoàn (Di Ngôn 11), như thế họ mới thực sự trở thành chứng tá của đời sống đan tu giữa lòng Giáo Hội.

  1. Sống chứng tá Tin Mừng

     Sắc lệnh về Đức Ái Trọn Hảo đã nói gì về ơn gọi chiêm niệm? “Trong các hội dòng hoàn toàn chuyên lo chiêm niệm, các tu sĩ chỉ nhất tâm phụng sự một mình Thiên Chúa trong cô tịch và thinh lặng, trong việc chuyên lo cầu nguyện và hoan hỷ hãm mình. Nhờ đó, họ dâng lên Thiên Chúa hy lễ chúc tụng tuyệt hảo, làm vẻ vang dân Thiên Chúa bằng những hoa trái thánh thiện dồi dào, lấy gương lành lôi cuốn và làm cho dân ấy thêm lớn mạnh bằng việc tông đồ tuy âm thầm nhưng phong phú… Họ là vinh dự của Giáo Hội” (PC 7). Tông huấn Ðời Sống Thánh Hiến cũng nhìn nhận: “Các dòng hoàn toàn sống đời chiêm niệm, là lý do hãnh diện cho Giáo Hội, họ là một chứng tá độc đáo về tình yêu của Giáo Hội dành cho Thiên Chúa” (VC 8). Còn Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu khẳng định, “Tất cả những ai dấn thân vào đời sống thánh hiến, đều trở nên những người hướng dẫn người khác trên con đường tìm kiếm Thiên Chúa, một sự tìm kiếm đã luôn làm lay động con tim loài người, đặc biệt những người hiến mình trong đời sống chiêm niệm và khổ tu, rất được kính trọng, chứng tá của họ có một khả năng thuyết phục đặc biệt qua đời sống trong cộng đoàn, qua chứng tá thầm lặng và bình an” (EA 44). Nếu nhìn trong bối cảnh này, thì “ơn gọi chiêm niệm được nhìn nhận như một trong những kho tàng quý báu nhất của Hội Thánh nhờ đặc sủng của họ đã chọn phần tốt hơn” (Lc 10,40; LG,46).

     Các đan sĩ không làm chứng cho Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài bằng máu như các vị tử đạo hay là bằng việc hoạt động tông đồ khác, nhưng bằng chính chứng tá đời sống âm thầm, hy sinh và vâng phục. Họ làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa qua việc cầu nguyện, sống mầu nhiệm thập giá, khổ chế, thống hối, cô tịch và đời sống cộng đoàn huynh đệ. Họ được coi như là “tử đạo trắng”, bởi lẽ đời đan tu cũng là một cuộc tử đạo liên lỉ, qua việc bỏ mình vác thập giá theo Chúa Kitô.

  1. Đời sống Vâng phục

     Vâng phục: Khởi đầu bản Tu Luật, thánh Biển Đức đã vạch ra cho đan sĩ một linh đạo rõ ràng và minh bạch, là hãy trở về với con đường vâng phục theo gương Đức Kitô “Tôi không đến để làm theo ý Tôi, nhưng là theo ý Đấng đã sai Tôi” (Ga 6,38; Tu Luật 5,13; 7,32).

     Theo thánh Biển Đức, muốn vâng phục trước hết phải từ bỏ ý riêng. Chính vì thế thánh nhân đã nhắc đi nhắc lại điều kiện cơ bản này nhiều lần trong bản Tu Luật. Ở chương 4 ngài viết: “Hãy gớm ghét ý riêng”; còn ở chương 5 khi nói về đức vâng phục thánh nhân nói: “Những người vâng phục như thế, họ bỏ ngay những gì thuộc về mình và từ khước ý riêng”. Chính trong khi thi hành vâng phục như vậy, đan sĩ sẽ gặp Đức Kitô: nơi Viện phụ, nơi anh em, trong lề luật và nhất là trong Phúc Âm. Chính khi vâng phục, người đan sĩ tạo cho mình được sự bình an nội tâm, họ sẽ hân hoan chạy trên đường hoàn thiện, và chẳng mấy chốc họ sẽ đạt tới đỉnh trọn lành. Như Đức Giê su Kitô “vốn dĩ là Thiên Chúa Mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá. …” (Pl 2, 6-8). Nơi khác, thư gửi tín hữu Dothái còn nói: “Dầu là Con Thiên Chúa, Đức Kitô đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8). Như vậy, khi vâng phục, người đan sĩ biết từ bỏ chính mình, chết đi cho tội lỗi, là chấp nhận đi vào con đường hẹp (Mt 7,13) để chia sẻ cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô, hầu đáng được dự phần trong Nước Ngài.

  1. Lòng hiếu khách

     Mọi khách đến đan viện phải được đón tiếp như Chúa Kitô (TL 53,1), như Đức Giêsu nói: “Ta là khách lạ và các con đã đón tiếp Ta” (Mt 25,35).  “Thật, Thầy bảo thật anh em, ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Lc 13,20). Không bao giờ đan viện thiếu khách. Viện phụ chọn anh em khôn ngoan, đạo đức, chín chắn để đón tiếp và phục vụ khách (Hp 146). Nên cắt cử hai anh em phụ trách bếp khách. Phòng khách thì trao cho một anh em có lòng kính sợ Chúa coi sóc.

     Việc đón tiếp khách tĩnh tâm là một hình thức tông đồ của đan viện nên tạo bầu khí thuận lợi cho những người đến với đan viện, nhất là lo về đời sống thiêng (Hp 149).

  1. Đời sống cộng đoàn

     Thánh Vịnh 132 diễn tả: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em chung sống vui vầy bên nhau”. Cộng đoàn đan viện là “Trường học phụng sự Thiên Chúa (TL. Lời mở 45). Trong “trường học” này, các môn sinh học cách sống với những người mà Chúa trao ban mình, chấp nhận những yếu đuối xác hồn, sự khác biệt và hạn chế của nhau. Sự bất đồng quan điểm là điều không thể tránh khỏi. Một cách nào đó, chúng ta có thể nói những xung khắc cần phải xảy ra, để cộng đoàn được lớn lên và đâm rễ sâu trong đức tin, sự hy sinh và phục vụ. Nói cách khác, một cộng đoàn không có thử thách trong đời sống chung, chưa hẳn là một cộng đoàn trưởng thành hay là hoàn hảo.

     Tuy nhiên, khó khăn hay thử thách ấy chúng phải được đặt trên nền tảng đức tin, phải lấy Đức Kitô làm trung tâm điểm, như thánh Biển Đức đề nghị: “Tuyệt đối không được lấy gì hơn Chúa Kitô” (TL 72,11). Cùng cách thức đó, thánh Biển Đức muốn dạy các đan sĩ tập sống dưới sự hiện diện của Thiên Chúa xuyên qua đời sống và các sinh hoạt hằng ngày, vì “chúng ta tin rằng Thiên Chúa hiện diện khắp nơi và mắt Người hằng theo dõi người lành kẻ dữ” (TL 7, 26; 19,1).

     Thay lời kết

     Đời sống đan tu chiêm niệm đóng một vai trò đặc biệt và quan trọng trong Giáo Hội. Vì lý đó mà Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu nhấn mạnh: “Tương lai việc truyền giáo phụ thuợc phần lớn vào đời sống chiêm niệm” (EA 23). Điều đó không chỉ là vinh dự, mà còn là động lực thúc đẩy các đan sĩ sống trọn vẹn và hữu hiệu hơn về căn tính đan tu của mình. Để ta có thể sống hiệu quả hơn về ơn gọi của mình trong một thời đại với nhiều thử thách cam go, đòi hỏi các đan sĩ phải trở về với đặc sủng của Đấng sáng lập để nhận dạng mình là ai, ơn gọi mình là gì?

     Tu Luật thánh Biển Đức là một tổng hợp về đạo lý và tu đức. Linh đạo của ngài mang tính thực tiễn và quân bình. Thánh Biển Đức muốn các đan sĩ ý thức tầm quan trọng của các giờ kinh phụng vụ, thực hành đời sống khổ chế, đức khiêm nhường và nếp sống cộng tu. Đan viện như là “trường học phụng sự Thiên Chúa” (TL. Lời mở, 45), và đan sĩ phải biết “Không được quí gì hơn lòng mến Chúa Kitô” (TL 4,21).

     Cuối cùng, tác giả xin được trích lời của Đức Thánh Cha Phanxicô để kết thúc bài. Trong một lần gặp các bề trên dòng chiêm niệm tại Giáo Hoàng học viện Laterano ở Roma năm 2018, Đức Phanxicô phát biểu: “Các đan sĩ giống như những ngọn hải đăng làm dấu chỉ cho những người bị lạc trên biển khơi nhận thấy hải cảng đang gần tới, và giống như những ngọn đuốc soi sáng trong đêm đen của nhân loại. Tôi xin cám ơn anh chị em đan sĩ vì sự đóng góp của anh chị em cho Giáo Hội, cho thế giới: đó là nâng đỡ những người yếu, là hải đăng, là đuốc sáng, là người lính canh. Tôi xin cám ơn vì anh chị em làm cho Giáo Hội được phong phú đời sống thiêng liêng, dồi dào hoa trái thánh thiện, lòng từ bi và ơn thánh”.[3] Amen!

[1] Tuyên Ngôn HDXTTG, số 3.

[2] Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Giáo lý, XXIV/2, 2001, p.715.

[3] Tại Giáo Hoàng Học Viện Laterano ở Roma hôm 21-11-2018, Lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh và cũng là ngày cầu nguyện lần thứ 65 cho các đan sĩ chiêm niệm.


Liên quan khác