TÌNH VÀ LÝ New 

26/06/2020

Theophan Phạm Hữu Ái

Con người là con vật xã hội, đồng thời cũng là con vật ích kỷ. Trong tư cách “con vật xã hội’, con người cần xã hội như môi sinh, như chất sống để hoàn thiện chính mình. Ngược lại, xã hội không thể thiếu con người để cùng kiến tạo một xã hội công bằng, huynh đệ. Và cả hai cùng hướng về mối tương quan hài hòa. Sự hài hòa này dựa trên một chữ “Lý”. Không có “Lý”, các mối liên hệ sẽ bấp bênh, dễ vỡ. Thế nhưng, là “con vật ích kỷ”, con người không thích chữ “Lý” mà yêu chữ “Tình”. Lý giúp con người hướng về tha nhân, lấy khách quan để nhắm đến sự nhất quán, thống nhất. Tình chỉ thích mình là mình, riêng biệt, đặc thù, chủ quan và nhằm làm thỏa mãn “Cái Tôi” của mỗi người.

Tình là thế; lý là thế, luôn đối kháng, ngay cả diệt trừ nhau, nhưng lại cùng sống, cùng hoạt động và phát triển trong mỗi khoảnh khắc của cuộc sống đến nỗi khó phân biệt rạch ròi đâu là tình; đâu là lý trong từng hoạt động. Vì đối kháng nên lắm lúc khiến dỡ khóc, dỡ cười khi phải phân định đúng sai. Thật vậy, kinh nghiệm của thánh Phaolô là một minh chứng điển hình trong muôn vàn trải nghiệm của con người: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Chính vì thế, cần có một sự dung hòa, hòa hợp giữa tình và lý. Nhờ đó, mỗi người được đón nhận và có khả năng đón nhận người khác, để cuộc sống vừa có tình, vừa có lý; vừa rất ích kỷ, nhưng lại vô cùng vị tha.

Tình – lý ở đây không hẳn là tâm lý mà cũng chẳng phải hoàn toàn theo nghĩa triết học; trái lại được nhìn theo lăng kính: Con người là một toàn thể, nghĩa là không thể xác định, không thể đồng hóa với bất cứ cái gì và cũng không thể được biểu tượng. Tại sao? Vì con người vừa xuất hiện như một chân trời mở rộng, vừa ở trong những điều kiện đặc thù. Tuy nhiên, chủ ý bài viết này chỉ muốn tìm kiếm một sự dung hòa tình – lý mang tính thực tiễn, mà cụ thể là nơi cuộc sống của những người tin, đang sống cuộc sống thánh hiến.

  1. Tình và Lý: hai con đường, một dòng suối và cùng một đích đến

Thông thường, trong cuộc sống hàng ngày, người ta nhận xét về nhau dựa trên tâm tư và trên vấn đề giao tiếp, nghĩa là trên bình diện cá nhân và xã hội. Nếu một người có đời sống cá nhân hoàn hảo, nhưng tính xã hội thấp, thì người đó chỉ tốt ở mức độ 50% và đôi khi có thể chỉ là con số không, nếu chấp nhận sự thật này: “Không ai là một hòn đảo”; ngược lại, một con người có mức độ xã hội rất cao, cá nhân lại thấp, họ sẽ thiếu những sự hỗ trợ cần thiết. Thật ra, thực tế cho thấy người nào hướng tha (tính xã hội cao), người đó rất dễ thành công trên bình diện cá nhân, xét về khía cạnh sự nghiệp, lẫn nhân bản. Theo các nhà xã hội, để là người thành công,  không phải do hệ số IQ cao, nhưng hệ số EQ. Đúng hơn là hệ số AQ (hệ số thử thách), vì chính hệ số AQ làm tăng hệ số EQ. Mới đây, Jack Ma, người giàu nhất Trung Quốc còn thêm vào hệ số LQ (hệ số quan tâm)[1], là yếu tố tạo nên sự thành công của ông ta trên thương trường. Như vậy, khi tính xã hội ở mức độ cao, người ta dễ trở thành một cá nhân tốt hơn, nghĩa là “lý” là yếu tố hỗ trợ cho “tình”; nhưng lý luôn cần tình, vì không tình mà chỉ có lý, con người chỉ là một con robot, một “mảnh đất khô cằn”.

Lý đóng vai trò hỗ trợ đi tìm sự thật và trợ giúp tiến tới chân lý, mặc dầu không có gì là tuyệt đối, vì lý trí cũng có những giới hạn của nó. Tuy nhiên, lý soi sáng và dẫn đường cho tình, cho cảm tính. Nó đóng vai trò điều tiết, kìm hãm sự mạnh mẽ của tình để đi đến một sự quân bình. Trong khi đó, tình là động lực cho tất cả mọi hoạt động. Con người sẽ khó hoạt động và không đi đến đích được nếu không được thúc đẩy bởi các động lực. Động lực càng mạnh mẽ, con người càng khao khát hành động và đạt được điều mình muốn. Thế nhưng, tất cả động lực đều phát xuất từ tình yêu. Nếu tình yêu đó là ái tình, động lực mang tính ích kỷ. Tình yêu là tình bạn, động lực hướng tha để cả hai cùng được lợi. Tình yêu là ân tình thì chỉ là ơn nghĩa. Tình là đức ái, người ta mới có khả năng hướng thượng. Xem ra, tình có một vị trí vô cùng quan trọng trong cuộc sống của ta.

Thế nhưng, “Tình là gì”? Nó là cảm tính, là tình cảm, là tình yêu, với nghĩa hướng về mình và cho mình. Thế giới Hy Lạp diễn tả tình yêu bằng ba từ ngữ: Eros, Philia và Agape. Theo đó, tình có thể là ái tình, tình bạn bè, tình thân, ngay cả ân tình và đức ái (agape). Ngoại trừ, đức ái, tất cả các loại tình đều ít nhiều đụng chạm đến dục tình, nghĩa là vẫn có một chút gì đó quy ngã. Vì thế, để vượt qua tình yêu vị ngã này, người ta phải theo đuổi một cuộc thanh luyện rất dài và cam go. Thánh Benado phân chia con đường thanh luyện đó thành bốn cấp độ của tình yêu mà mức độ cao nhất là mức độ thần hóa: yêu mình vì Chúa. Đây là mức độ nằm ngoài khả năng con người, phải cần đến ơn Chúa. Trong khi đó, lý cũng được hiểu rất rộng, được hiểu là định lý vật chất, cơ cấu của thật thể gọi là sinh lý, tâm lý, chân lý. Ở đây, lý hiểu theo nghĩa lý trí, khách quan, phổ quát, nhất thể và hướng tha.

Hai chức năng này không chỉ là những chức năng mà ta nhận biết được qua các hiện tượng, nhưng trước hết nó thuộc về cấu tạo thiết yếu của giải phẩu học, nghĩa là những chức năng cần thiết để là một con người. Theo các nhà thần kinh, não bộ chúng ta được chia làm hai  phần với hai chức năng riêng biệt:

– Bán cầu não trái hướng về tư duy trừu tượng, thiên về ngôn ngữ, viết, tính toán, sắp xếp, tri giác thời gian. Người có khuynh hướng về bán cầu này thường thiên về lý tính.

– Bán cầu não phải sử dụng hình tượng tổng quát, các khái niệm không gian, phân biệt hình vẽ và có khả năng cảm thụ âm nhạc, nghiên về phân tích trực quan. Người có khuynh hướng này là người mạnh về cảm tính.

Hai bán cầu phải và trái cần hỗ trợ cho nhau, giúp cho các sinh hoạt của con người được hài hòa với mình và với người khác. Nó như nguyên lý âm – dương trong vũ trụ, luôn bổ túc theo phương cách “âm thịnh, dương suy; âm suy, dương thịnh”. Có khác chăng là nó không tự điều tiết mà phần lớn phụ thuộc vào sự hiểu biết và sự khéo léo của ta trong từng hoàn cảnh cụ thể, để tự điều chỉnh với chính mình và với tha nhân.

Theo dòng tư tưởng nhân loại từ cổ chí kim, có thể nói tư tưởng nhân loại là những chuỗi đặt vấn đề của các triết gia về: Điều gì là căn bản và thiết yếu nhất của vũ trụ: khả giác hay nhất thể, lý trí? Dầu khẳng định theo hướng nào đi nữa, người ta cũng không thể phủ nhận một điều là: khả giác và lý tính luôn cần nhau, bổ túc cho nhau, đến nỗi không thể loại trừ một trong hai mà thế giới, con người và vũ trụ lại không bị xáo trộn. Ngày nay, các triết gia hướng về thân phận và ý nghĩa cuộc sống con người với việc nhấn mạnh đến tự do nhiều hơn, thì các vấn đề khả giác, cảm tính, lý tính được nhìn dưới khía cạnh hiện sinh. Vấn đề bây giờ không phải là gì mà là sử dụng tự do của ta thế nào, dưới ánh sáng của lý trí và sự cảm nhận của mình để làm cho cuộc sống có ý nghĩa. Nói theo cách thông thường: kiến tạo nên một cuộc sống đáng sống. Thế mà, một cuộc sống đáng sống là một tổng hợp hài hòa giữa tình và lý.

Nói như vậy, không có nghĩa là trong cuộc sống không có xung khắc, đối đầu giữa hai yếu tố này. Thật ra, cuộc sống của ta không thể vượt ra ngoài quy luật biện chứng, vốn chi phối vạn vật. Do đó, tình và lý cũng phải tuân theo quy luật này, nghĩa là đối đầu, xung khắc và hòa hợp là một tiến trình tạo nên nét đẹp, nhưng cũng đầy đau đớn, vì phải mất, phải thay đổi. Có một điều hết sức mâu thuẫn ở đây là ta cảm thấy tiếc vì mất, nhưng lại rất vui đón nhận một điều gì rất mới mẻ và khác lạ. Từ đó, bước vào một niềm vui mới để chuẩn bị cho một cuộc lột xác khác mà ta không thể đoán định và xác định được. Nó giống như ta đứng trước một chân trời, càng tiến tới, chân trời càng mở rộng ra. Ta càng dấn bước sâu vào chân trời, ta sẽ có một kinh nghiệm hoàn toàn mới mẻ, khác lạ. Sự mới mẻ này giúp ta cảm nhận sâu sắc kinh nghiệm của các chân trời mà mình đã từng bước qua. Cũng thế, tình và lý luôn là một kinh nghiệm mới mẻ, khác lạ mà ta phải chấp nhận tính “chơi vơi” của nó trong bản thân, trong cộng đồng và trong thế giới ta sống, nghĩa là không bao giờ chắc chắn rằng tình là tốt hay lý là siêu việt. Điều quan trọng không phải là cái này trổi vượt hơn cái kia, nhưng là sự hài hoà. Một sự hài hoà phải do con người kiến tạo, vì chính họ là người tạo nên sự bất cân xứng với một thực tế là: con người thường sống phi lý trí.

  1. Phi lý trí, sự trổi vượt của Tình trên Lý

Chúng ta thường nhận xét: người Á Đông, nhất là dân tộc chúng ta sống với chữ tình. Nhận xét này không phải là sai, vì Việt Nam thuộc nền văn hoá lúa nước, nặng âm tính. Với hoạt động nông nghiệp, tình làng nghĩa xóm là yếu tố không thể thiếu, tạo ra nét dễ thương và hiền hoà. Tuy nhiên, khi nhận định Tây Phương duy lý, khô khan và thiếu chữ tình thì có lẽ hơi vội vã, cảm tính. Thật ra, Đông cũng như Tây tưởng rằng rất lý trí nhưng trong thực tế luôn sống phi lý trí.

Phi lý trí được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày qua việc chọn lựa một điều gì đó. Khi chọn lựa, người ta thường theo tiêu chí dựa trên việc so sánh giữa hai sự vật, ít khi theo tiêu chí cần thiết hay chất lượng phù hợp với mình hay không. Tại sao? Vì tâm trí con người có xu hướng tìm kiếm sự so sánh, nhưng với sự lười biếng của mình, các quyết định không hoàn toàn dựa trên phân tích khách quan, rạch ròi với đầy đủ lý chứng, mà chỉ dựa trên sự so sánh giữa hai vật cùng loại để từ đó đưa ra quyết định. Thông thường khi chọn lựa một mặt hàng, ta thường dễ lựa chọn dựa trên một phép so sánh với mặt hàng đắt nhất để đưa ra quyết định của mình, chứ không xem xét nó có chất lượng và phù hợp với sở thích của mình ra sao. Do đó, theo Dan Ariely, nhiều người bán hàng đã lợi dụng điều này để đánh lừa khách hàng, khi đưa ra mức giá rất cao cho món đồ mình không cần bán để người mua chấp nhận chọn mặt hàng họ muốn bán với một giá rẻ hơn[2].

Thêm vào đó, ta cũng dễ rơi vào tình trạng phi lý trí khi đối diện với những gì miễn phí. Trước những mặt hàng “bán như cho” hay “mua hai bán một”, hình như lý trí ta như biến đâu mất đến nỗi mình bị lừa mà không hề hay biết. Người ta không đủ sáng suốt để nhận ra sự thật trong câu nói cửa miệng: “không có gì là miễn phí”. Ta chỉ được miễn phí hoàn toàn từ cha, từ mẹ hay có chăng từ các nhà từ thiện, những người hảo tâm; không bao giờ có một sự miễn phí từ các nhà kinh doanh. Lẽ thường tình đó ai cũng biết mà lắm lúc ta cũng bị lừa.

Ngoài ra, trong sinh hoạt hàng ngày, tình cũng luôn lấn át lý. Người ta được nhắc nhở về chứng  béo phì có liên quan đến những vấn đề tim mạch, là nguyên nhân của bệnh tiểu đường và một số bệnh ung thư. Nguyên nhân là do người ta thích ăn những thức ăn nhanh, nhiều chất béo và đồ nướng… Vậy mà, theo các cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tại Mỹ (CDC) công bố: bệnh béo phì ngày càng trở nên nghiêm trọng tại đất nước của họ, với tỉ lệ 38% người trưởng thành và 17% trẻ em và thiếu niên[3].

Ngay cả trong lãnh vực tri thức, đặc biệt là khi lý luận, người ta vẫn thường lầm tưởng là duy lý, cứng ngắt, tách rời với cảm tính. Thật ra, khi dùng lý trí để lý luận nhằm thuyết phục một cử toạ hay một ai đó, người ta thường sử dụng lý lẽ, cách lập luận để biện minh cho chủ ý của mình. Vì khi luận lý, người ta lý luận theo một ý hướng mà chủ thể muốn đề cập đến. Chính ý hướng này phân định rõ phạm vi và giới hạn của vấn đề. Ý hướng đó không bao giờ là thuần lý mà cả một vốn sống. Do đó, lý luận bao giờ cũng bị cảm tính dẫn dắt cách này hay cách khác. Và có thể không ngoa khi khẳng định: chủ thể sử dụng lý lẽ để biện minh cho cảm tính của mình.

Đặc biệt trong lãnh vực lịch sử, người viết sử phải luôn khách quan khi sử dụng những sử liệu để tái tạo lịch sử hầu để lại cho các thế hệ tương lai. Tính khách quan là ưu tiên của một sử gia và là tiêu chuẩn để đánh giá một bộ sách lịch sử. Đây là tiêu chuẩn lý tưởng, nhưng thực tế, hai sử gia đều sưu tập và viết cùng một sự kiện lịch sử theo hai cách nhìn và hướng đi khác nhau. Vì khi viết,  sử gia luôn ở trong một vị trí lịch sử nhất định, nên bị chi phối bởi không gian, thời gian, ý thức hệ, quan điểm sống và kể cả cảm tính của mình.

Như vậy, thực tế, tình luôn lấn át lý. Việc trổi vượt này không phải là nhất thời, ngẫu nhiên mà là lẽ đương nhiên xét theo phương diện tâm lý học. Vì theo tâm lý chiều sâu, Freud đã chứng minh tầm quan trọng của vô thức trong việc định hình nhân cách mỗi người, dĩ nhiên nó không phải là tất yếu, nhưng chi phối chúng ta hết sức mạnh mẽ. Việc hình thành vô thức trải qua một giai đoạn dài trong cuộc sống với nhiều biến động, đối kháng. Nó được hình thành dần theo năm tháng, và có thể là tích cực hay tiêu cực. Do đó, Đây là yếu tố quan trọng để có động lực tốt hay động lực xấu, là nguồn sinh động hoá các hoạt động của chúng ta. Nếu phần tiêu cực nổi trội, nguy cơ hướng về hành động hạ đẳng cao; nhưng tích cực chiếm ưu thế, khó để cho có sự quân bình là điều kiện để không thái quá hay bất cập. Chính vì thế, cần phải có một sự điều chỉnh để cuộc sống quân bình đạt tới mức độ lý tưởng mà Khổng Tử gọi là “đạo”,  đạo trung dung hay Trung đạo trong giáo lý Phật giáo: sắc sắc-không không (không chấp, không bám víu), nghĩa là không chọn có, cũng không chọn không mà đứng ở giữa; trong Ki-tô giáo là đạo yêu thương: mến Chúa, yêu người, trục thẳng và trục ngang. Đụng chạm đến nguồn cội chân lý để hoà đồng các mối tương quan. Thực hiện công việc này dĩ nhiên phải nhờ đến giáo dục, và với một động lực mạnh mẽ để làm sao cho bản năng sống vượt lên trên bản năng chết.

  1. Dung hoà Tình và Lý

Tình và lý đối kháng nhau, nhưng song hành với nhau. Tâm tư tốt, giao tiếp cũng phải tốt là một điều tuyệt vời và là niềm mơ ước của tất cả mọi người. Vì lý qúa mạnh, cuộc sống khô cứng, thiếu sức sống, vắng động lực; tình quá nổi trội, con người thường cầu lợi, ích kỷ và tìm sự an toàn, thiếu dấn thân. Vấn đề không phải loại trừ nhau mà là tìm cách dung hoà để tạo nên sự hoà hợp. Phương cách tốt nhất chính là giáo dục.

Trước hết, giáo dục giúp ta biến cách xử sự giữa người với người thành một nghệ thuật, nghệ thuật sống với nhau, sống với những người mà ta không hề chọn lựa; ngay cả kẻ đối nghịch. Nghệ thuật này giúp điều hoà thay vì bạo lực, tương tác hơn là đối đầu; tránh diệt trừ, sợ hãi và hung tàn. Dầu thế, “một con én không làm nên mùa xuân”, nghệ thuật sống phải được nâng lên tầm mức của một nhóm, một cộng đoàn, một xã hội, ngay cả một đất nước và trong hoạt động của một tôn giáo, thì mới tạo nên được một sự thay đổi toàn diện và triệt để hơn. Ở tầm mức này, nghệ thuật sống chung với nhau được gọi là chính trị. Chính trị ở đây không theo nghĩa là một cuộc chiến tranh dành lợi ích, một hình thức chế tài, nhưng theo Rousseau như là một thoả thuận chung, một giao ước, để tạo nên những tương quan mạnh mẽ, vững chắc. Một khi chấp nhận đồng thuận cùng có lợi, người ta sẽ hy sinh riêng tư để được hưởng lợi nhiều hơn. Vì tình yêu đầu tiên nơi con người là tình yêu vị kỷ. Người ta chỉ chấp nhận mất đi điều gì khi có một cái lợi cao hơn. Mặt khác, một khi đã cùng thoả thuận, con người đương nhiên phải chấp nhận tín trung để thoả thuận đạt tới thành công. Sự trung tín này khiến họ phải ra khỏi mình, hướng tha và chấp nhận quy luật của cuộc chơi. Như thế, lý tạo cho tình phát sinh động lực đạt được ước muốn; ngược lại, tình được lý bảo đảm về một thành công nằm trong tầm tay. Tuy nhiên, giáo dục chính trị chỉ giúp cho con người ý thức về lợi ích của cái chung trong tương quan với mình, nhưng để tạo được sự hài hoà giữa tình và lý cần phải nhờ đến đạo đức. Thật vậy, con người chỉ chấp nhận một thoả thuận chung khi họ thấy có một sự bảo đảm. Sự bảo đảm càng lớn thì sự chấp nhận sẽ dễ dàng hơn. Thế mà sự bảo đảm lệ thuộc vào việc xác định ai là người ra lệnh, ai tuân phục và ai thiết lập nên luật.  

Xác định ai là người tạo nên luật là yếu tố then chốt để nghệ thuật sống chung với nhau đạt tới mức độ cao nhất, ngay cả ở mức độ viên mãn. Kinh nghiệm cho hay không một thể chế nào ở trần gian, kể cả thể chế được thực hiện nơi các tôn giáo cũng không tạo nên được những luật lệ hoàn hảo giúp con người có được một nghệ thuật sống chung viên mãn, vì tất cả đều giới hạn. Mức độ viên mãn đòi hỏi phải chấp nhận một Đấng là Chân, Thiện, Mỹ. Đấng đó cũng được gọi là Đấng Tối Cao. Không chấp nhận Đấng tối cao thì tất cả mọi nghệ thuật sống chỉ là đắc nhân tâm, chứ không thể mang lại một sự biến đổi từ bên trong, là nhân tố tạo nên một sự hoà hợp giữa tình và lý nơi mỗi cá nhân, trong cộng đoàn và đất nước được. 

Từ đây, vâng phục luật không phải sợ hình phạt, sợ bị kết án, cũng không vì “cái nhìn” của người khác, mà là nhân danh điều thiện hảo và không chấp nhận sự dữ. Nó là một yêu sách đến từ bản thân trong tương quan với tha nhân khi đối diện với Đấng tối cao. Dưới góc độ này, tuân phục là sống đạo đức.

Đạo đức không có nghĩa tuân theo một số luật lệ mà là tạo nên sự hoà hợp giữa tình và lý, giữa chung và riêng, là tạo nên một mối tương quan tốt với tha nhân. Tương quan đạo đức phải là tương quan lệch đối xứng, tha nhân không ngang bằng ta, mà ưu tiên hơn ta. Theo Emmanuel Lévinas, quan niệm này không phải khiên cưỡng mà là một sự thật. Vì, con người trước hết là một “hữu thể nhu cầu”. Khi lọt lòng mẹ nhu cầu đầu tiên của đứa bé là bú mớn, âu yếm, tương tác. Con người cần người khác để sống, tồn tại, phát triển và là chính mình. Nhu cầu này đồng hành với con người trong suốt cả cuộc đời, cho đến giây phút cuối cùng. Bởi thế, Lévinas nhấn mạnh tha nhân tạo nên tôi và nhờ tha nhân mà tôi chính là tôi. Ông gọi tha nhân là ân nhân, là sư phụ. Đứng trước tha nhân, chúng ta đánh mất óc sáng kiến của người chỉ huy nơi ý thức của mình. Do đó, không phải chỉ kính trọng mà tôi phải trách nhiệm trước những nỗi bất hạnh của họ, để sẵn sàng đáp lại lời cầu xin, van nài không theo cách “bố thí” mà là một mệnh lệnh phải thực hiện.

Hơn nữa, tha nhân là một “mầu nhiệm”, vì qua họ ta nhận ra ý tưởng vô cùng. Ta gặp được Đấng ấy không phải ở trong ta như chủ trương của Descartes (Trong tôi có một ý tưởng Đấng vô cùng), nhưng qua sự gặp gỡ tha nhân. Một cuộc gặp gỡ diện đối diện, gương mặt đối diện với gương mặt. Chính trên gương mặt của tha nhân, ta nhận ra dấu vết của Đấng vô cùng chứ không phải chỉ là ký hiệu. Gương mặt không phải là đối tượng để ta nhận biết, gương mặt thuộc về một trật tự của siêu việt, vượt trên chúng ta. Do đó, khi nhận ra dấu vết của Đấng vô cùng nơi tha nhân, ta không thể nào không có một ước ao vô cùng. Chính ở đây đạo đức cho ta nhận ra ai là người thiết lập luật lệ thật sự và ta phải là người tuân phục. Tuân phục trong đạo đức không phải là một sự phục tùng nô lệ mà là “Tin”. Một lòng tin thật sự là “Tin Vào”, không phải “Tin Có”, vì hành vi tin đi liền với một sự phó thác, một sự buông bỏ hoàn toàn nơi mình.

Như thế, đạo đức thanh luyện chữ tình, làm cho “tình” nhận ra không thể thiếu “lý” để dung hoà và tạo nên sự hoà hợp, từ đó biến những động lực đi đúng hướng, gieo phước lạc cho mình và cho tha nhân. Tuy nhiên, đạo đức chỉ có ý nghĩa thực sự khi có một tự do đúng nghĩa. Tự do đó là gì? Lévinas trả lời: tự do là trách nhiệm. Tôi chỉ có thể sống đạo đức và tuân thủ sự đồng thuận của một nhóm, một tổ chức khi tôi dám trách nhiệm với mình trong tương quan trách nhiệm với tha nhân. Trách nhiệm mở ra chân trời tự do thực sự hơn, tự do làm con cái Chúa. Chỉ trong tự do này, tình và lý, nghệ thuật sống chung mới triển nở được trọn vẹn và đạt tới mức hoàn hảo. Mức độ mà Isaia đã vén mở cho thấy phần nào đó: “Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ sống chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy. Bò con và gấu sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô. Trẻ con còn măng sữa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc. Các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi thánh của Thiên Chúa. Bởi vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Chúa như nước tràn đầy đại dương” (Is 11, 6-9).  

Kết luận

Tình và lý không thể tách rời nhau, nhưng cũng vì hai chữ này mà nhân loại đã bao lần điêu đứng. Tình tạo nên động lực để hành động, thiếu tình thế giới sẽ không sinh động. Tình cần cho cá nhân, cộng đoàn và cộng đồng; cần cho tổ quốc và cho mọi tổ chức. Thực tế, tình có mặt trong mọi ngõ ngách, ở đâu cũng có dấu vết của tình. Vì ai cũng yêu mình, tổ chức nào cũng muốn bảo vệ cho mình, đất nước nào cũng muốn “trở thành vĩ đại hơn”. Do đó, lý rất khó để chỉ đường cho tình và càng khó hơn khi cùng đi tới sự hoà hợp giữa tình và lý, nếu như tâm trí ta không hướng về trời cao, về Đấng tuyệt đối. Đây là điều rất thật, vì thế gian này đang trôi qua và chẳng có gì bền vững. Nếu đã không bền vững, làm sao có thể trở thành bệ đỡ để nâng đỡ cho tình và lý.

Điều đó cho ta phải suy nghĩ, cho ta phải đắn đo, nhất là khi nhìn lại đời sống của ta, sinh hoạt của cộng đoàn ta đang sống. Những vấn nạn cứ mãi đặt ra: tại sao và tại sao? Đặt ra mãi nhưng và chưa bao giờ có một câu trả lời thiết thực và thoả đáng bằng chính hành động. Phải chăng không tìm ra giải đáp hay ta không đủ phương tiện? ngẫm lại cũng vì ta vẫn còn sống chữ tình trên chữ lý. Do đó, ta cứ biện minh, dùng hết khả năng để biện minh. Nghe rất thú vị, rất hay, nhưng tất cả cuối cùng vì chữ “tình” mà ta yêu quý, không phải vì chữ “lý” mà ta phải làm. Ta vẫn cứ vậy và ta tự an ủi cuộc đời là thế, cộng đoàn là thế. Người ta sống và mình cứ sống, vì mình chẳng mất gì, thiệt hại gì. Cứ như vậy, ngày qua ngày, tình vẫn là tình, lý vẫn là lý. Ta thấy vui rồi lại cảm thấy buồn; buồn và chẳng bao lâu lại có một chút niềm vui. Ta bằng lòng một cuộc sống miễn sao ta vẫn là ta, không ai làm ta “sứt mẻ”, mà cũng chẳng làm thiệt hại ai.

Tâm tư đó, lối hành động đó là tâm tư và hành động của người phú hộ mà Chúa Giêsu đã dùng để dạy. Ta biết vậy, nhưng ta vẫn muốn trở thành “phú hộ”. Ta muốn thành “phú hộ” vì có lẽ ta ái ngại cái “Lý” của Lời Chúa, của đời sống Đan tu mà ta được mời gọi để gieo chữ tình. 

 

[1]  www.vnexpress.net, Mục Giáo Dục, ngày 22/12/2019, lúc 16h35

[2] Dan Ariely, Phi Lý Trí, Hồng Lê và Phương Lan chuyển dịch, NXB Lao động-Xã hội, 2009

[3] www.baoquocte.vn. 09/06/2016, 9h58


Liên quan khác