TỪ HỮU HÌNH ĐẾN VÔ HÌNH (Rm 1,20) New 

12/01/2021

Theophane Vénard Phạm Hữu Ái


“Quả thật, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa” (Rm 1,20).

Khẳng định của thánh Phaolô trong đoạn văn trên phải chăng là một điều hiển nhiên theo nghĩa: lý trí có khả năng nhận biết Thiên Chúa qua vạn vật? Xa hơn một chút có thể ngầm hiểu: từ thế giới hữu hình có thể nhận ra “Đấng vô hình” được không? Bài chia sẻ không nhằm giải đáp vấn nạn này vì đã được các triết gia và thần học gia trình bày:

  • Trên bình diện triết học, các triết gia như Leibniz, dựa trên nguyên lý túc lý[1] đã chứng minh lý trí có khả năng để nhận ra thực tại vô hình qua vạn vật hữu hình, mặc dù không có chứng cứ mà chỉ có chứng lý hay luận chứng. Nhưng dù sao nó cũng làm thoả mãn một phần nào lý trí.
  • Với thần học, đây là một điều hiển nhiên cho dù các nhà vô thần phản đối, nhưng phản đối của họ rất yếu, vì tất cả đều dựa trên những chứng lý, luận chứng. Do đó, điều họ đưa ra để thuyết phục mọi người là Thiên Chúa không hiện hữu cũng chẳng rõ ràng hơn điều mà các tín hữu tin xét về mặt lý trí.

Bài chia sẻ chỉ muốn trình bày một số kinh nghiệm đã được biết đến để đối chiếu với kinh nghiệm sống của thánh Phaolô, biết đâu với công việc này giúp chúng ta có được những hiểu biết hữu ích khi đối diện với thế giới đang hiện hữu “ở đây và vào lúc này”?

I. Kinh nghiệm sống của chúng ta

Dầu là Kitô hữu hay người chưa tin thỉnh thoảng cũng cảm thấy mình sống trong tình trạng giữa ranh giới tin và nghi ngờ về sự hiện hữu về Đấng Tạo Hóa. Với trí khôn, ta không thể không chấp nhận về sự hiện hữu của “Đấng vô hình” khi nhìn vào vũ trụ thiên nhiên. Cũng với trí khôn đó, nhiều lần ta nghi ngờ hay phủ nhận điều này. Thật mâu thuẫn, nhưng đó chính là kinh nghiệm trong cuộc đời của mỗi người.

Trước hết, trật tự thế giới thật kỳ diệu và được tổ chức vô cùng phức tạp. Theo từng cấp độ, từ sự hiện diện của sự sống, nhiều tác nhân đồng loạt xảy ra làm cho sự sống trở nên có thể. Trái đất có một khoảng cách lý tưởng với mặt trời, một khoảng cách làm cho trái đất không nóng mà cũng không lạnh quá để cho muôn vật sinh sống được. Bầu khí quyển được tổ chức càng kỳ lạ hơn làm cho sự sống sinh mầm, luân chuyển theo sự tuần hoàn nhịp nhàng của từng chu kỳ.

Kế đến, liên hệ nhân quả là một nguyên lý đang xảy ra trong trái đất này, không thể phủ nhận, mặc dù đôi khi không lý giải được, nhưng bắt buộc phải giả định là nó có mới có thể giải thích được các hiện tượng. Luôn luôn có một điều gì đó tạo nên những điều này hay điều kia. Những tác nhân này không phải là ngẫu nhiên, vì người ta thấy có một mối liên hệ, chịu trách nhiệm cho việc làm một điều gì đó hay nguyên cớ cho một điều gì đang xảy ra.

Ngoài ra, tính bất tất của vạn vật cũng là một vấn nạn để ta truy vấn. Tất cả đều có khởi đầu và sẽ kết thúc. Con người được sinh ra và rồi sẽ chết, trở thành tro bụi; cây hoa mọc lên, ra hoa, rồi sẽ héo tàn. Nếu tất cả vạn vật đều bất tất nghĩa là đồng ý rằng: chấp nhận một chuỗi nguyên nhân bất tất mãi về quá khứ mà không có tận cùng? Điều này không thể chấp nhận được, vì đặc tính của sự bất tất là phải có một sự khởi đầu, nên cần phải có một nguyên nhân để giải thích cho sự khởi đầu của nó. Ngay cả cách khoa học giải thích về sự xuất hiện vũ trụ qua vụ nổ “Big bang”, nhưng cũng không thể có một giải thích hoàn hảo là làm thế nào mà đám vật chất có tính bất tất trong vụ nổ này đã có một khởi đầu như thế nào? Đến từ đâu?

Hơn nữa, kinh nghiệm luân lý nơi con người cho thấy: con người luôn hướng đến sự thiện. Ý thức luân lý vốn tồn tại trong cuộc sống, vì những phán đoán luân lý là tiêu chuẩn để con người phân biệt phải trái, hướng dẫn cuộc sống mình. Cũng như phải tuân theo những bổn phận luân lý, nó không chỉ tồn tại trong tôn giáo, nhưng nằm ngay trong bản tính tự nhiên của con người. Điều đó khởi từ hiện tượng con người có khuynh hướng thấy bản thân mình là “tốt” và muốn trở nên tốt hơn. Thế mà, dễ nhận ra nơi con người sự hiện diện của một ý thức về một sự tốt lành tuyệt đối. Điều này nuôi dưỡng niềm hy vọng và thúc đẩy con người hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, người ta không tìm thấy một sự tuyệt đối nào trong thế giới này. Do đó, đời sống luân lý dẫn chúng ta vượt ra thế giới hữu hạn để đến với “Đấng Tuyệt Đối”.

Từ những dẫn chứng trên cho ta một kinh nghiệm, một cảm nhận về “Đấng Vô Hình”, nhưng chưa hẳn giúp ta sống đức tin trọn vẹn, nghĩa là đụng chạm được “Đấng Ấy” đang hiện diện. Bởi lẽ thiên nhiên cũng có “gương mặt” của sự dữ. Trí khôn bị thuyết phục bởi sự huyền bí của thiên nhiên để chấp nhận “Đấng Vô Hình”, nhưng thiên nhiên cũng là nguyên cớ để trí khôn nghi ngờ về sự hiện hữu của một Thiên Chúa.

Sự dữ mà con người thường xuyên phải đối diện chính là đau khổ. Khổ vì bệnh tật, khổ vì bị bỏ rơi, và nhất là có những cái khổ mà người ta không thể lý giải được. Mặc dầu có nhiều giải thích hợp lý, và ngay cả Chúa Giêsu cũng đã đưa ra câu trả lời cho chúng ta (x. Ga 9,1-41). Thực tế, người ta vẫn đau đáu cho thực tế này, đôi khi phản loạn và đánh mất đức tin. Một bé gái 13 tuổi đã hỏi Đức Phanxicô khi ngài đến dự đại hội giới trẻ tại Phi Luật Tân: “Tại sao người ta bỏ rơi chúng con? Tại sao Thiên Chúa bỏ rơi chúng con?”. Đâu đó, có những người không còn chấp nhận có Thiên Chúa khi đối diện với một đau khổ không thể vượt qua. Nếu có Thiên Chúa, tại sao có những người vô tội phải đau khổ. Một đôi vợ chồng đang hạnh phúc thì đột nhiên, chị vợ bị bệnh mất trí nhớ. Không còn nhớ chồng mình là ai, sống như một đứa trẻ thiểu năng. Người chồng vừa làm việc, vừa chăm lo vợ. Anh đã mất đức tin và chống lại Thiên Chúa, vì theo anh chấp nhận Thiên Chúa đầy lòng yêu thương hiện hữu là phi lý. Anh nhìn Thiên Chúa như một ông vua đang “hằm hằm sát khí” muốn giết người vợ yêu quý của anh. Chị phải chết dần chết mòn mà không hiểu tại sao mình phải chịu nỗi bất hạnh này. Anh muốn dành lại chị, nhưng không dành được, vì y khoa cũng bất lực, nên anh chỉ còn cách “lao thẳng” vào Thiên Chúa để dành lại bằng sự phản kháng và từ bỏ Người[2].

Hơn một tháng nay, những trận bão liên tiếp đổ vào Miền Trung nước ta, gây ra thiệt hại về người, về của. Con mất cha, vợ mất chồng; vợ chồng mất con chỉ trong nháy mắt. Của cải bao năm tháng chịu thương, chịu khó gây dựng đã tan tành theo dòng nước. Chưa nói đến việc người dân phải đối diện với đói rét, bệnh tật trước mắt… Lý trí có thể lý giải về một “Đấng Vô Hình” yêu thương chăng?

Ngay trong mỗi người chúng ta cũng có sự dữ như những khiếm khuyết và yếu đuối của bản tính. Sự hèn nhát của chúng ta ngăn cản mình đối diện với cuộc sống cách tròn đầy. Những tham, sân, si hỗn loạn khiến chúng ta không có sự khôn ngoan trong lựa chọn. Hơn nữa, khi lấy mình làm trung tâm, chúng ta vô cảm với người khác, với thiên nhiên và với cả Thiên Chúa.

Ngoài ra, xã hội với rất nhiều khiếm khuyết giữa người với người, giữa bạn với bạn. Gia đình nền tảng của xã hội lại bị lung lay với những mâu thuẫn, nhất là những bất công lớn lao trong xã hội khiến người ta không thể lý giải được nguyên do. Bất công xảy ra khắp nơi, trong mọi tầng lớp. Người bất lương vẫn bình an vô sự, kẻ thật tâm phải chịu thiệt. Sinh ra cùng một môi trường, một hoàn cảnh, người khỏe mạnh, thành đạt; kẻ thì dị tật bẩm sinh, cuộc sống như ở trong địa ngục. Vấn nạn này tiếp nối vấn nạn khác khiến cho trí khôn phải bất lực thường rơi vào tâm thế giao động khi đứng trước những thực tại hữu hình hỗn độn.

II. Quan điểm của người vô thần

Có nhiều dạng vô thần khác nhau tuỳ vào việc họ nhấn mạnh vào lý trí, nhân bản, duy vật hay đạo đức. Một điều chung nhất mà họ khẳng định: việc hiện hữu của Thiên Chúa thì không hợp lý, tha hoá con người.

Với những người theo chủ nghĩa duy lý, họ đề cao sức mạnh của lý trí, nhấn mạnh trên việc thực nghiệm. Điều được coi là chân lý, là thật khi chúng ta thực nghiệm được nó. Điều gì không thể thực nghiệm thì không thể khẳng định gì về nó được. Auguste Comte được xem là ông tổ của duy thực chứng đã chia lịch sử thế giới thành ba thời kỳ: siêu hình, thần học và khoa học. Thời kỳ đầu, con người gán cho các hiện tượng thiên nhiên như sấm sét, bão tố là dấu chỉ sự tức giận của các vị thần. Người ta chạy đến các thần xin cứu chữa khi bệnh tật, đau khổ. Dựa vào quyền phép các thần để giải thích các hiện tượng thiên nhiên. Thời kỳ thần học là thời kỳ tôn giáo ra đời, có tổ chức, có giáo lý, luật lệ nhưng nhấn mạnh Đấng Tối Cao, tuyệt đối tạo nên vũ trụ và tất cả vạn vật chỉ có thể tồn tại khi phụ thuộc vào Đấng Tạo Hóa. Đến thời khoa học, nhờ lý trí con người tìm ra được các nguyên lý để giải thích các hiện tượng thiên nhiên. Lý trí giúp làm chủ được những vấn đề bệnh tật với việc khám phá ra những kỹ thuật y khoa hiện đại, những phương thuốc tốt; vấn đề đói kém, thiên tai có thể được khắc phục và giảm nhẹ; có thể làm mưa nhân tạo hay dự báo được thời tiết mưa bão ra sao để phòng ngừa… Tất cả nhưng gì ngày xưa tin là quyền năng của Thượng Đế, ngày nay lý trí con người có thể lý giải và thực hiện được mà không cần phải cầu xin.

Chủ nghĩa duy vật không chấp nhận một thế giới được sáng tạo, vì cơ sở hạ tầng là vật chất, nghĩa là từ khởi đầu là vật chất bất tất. Vật chất phát sinh ra tinh thần là kiến trúc thượng tầng. Trải qua quá trình lịch sử phát triển của con người, sự biến đổi xã hội không tuỳ thuộc vào một sức mạnh “siêu nhiên” mà tuỳ thuộc vào công cụ và phương thức sản xuất. Công cụ và phương thức sản xuất nào thì sẽ hình thành nên xã hội đó, tạo đà phát triển của lịch sử con người. Chủ trương này coi tôn giáo chỉ là sản phẩm của giai cấp thống trị, có tính cách bảo thủ, làm trở ngại cho mục tiêu phát triển. Chủ nghĩa duy vật coi Kitô giáo là “thuốc phiện của con người” vì mang đến cho Kitô hữu một niềm hy vọng hão huyền vào thiên đường, bị ru ngủ và quên rằng phải tìm kiếm tình yêu, công bình và bình an trong thế giới họ đang sống.

Những người khác theo chủ nghĩa nhân bản như Feuerbach tấn công tôn giáo vì tôn giáo tha hoá con người. Theo ông, tôn giáo chỉ là một sự phóng chiếu của con người vào trong Thượng Đế tất cả những phẩm chất mà đáng lẽ ra là thuộc về họ. Con người gán cho Thượng Đế nào là hoàn hảo, tốt lành, quyền năng và vinh quang. Sự phóng chiếu đặt con người vào tư thế nhìn mình như là đối nghịch với Thượng Đế, nghĩa là nhận vào mình những gì là không hoàn hảo, xấu xa, yếu đuối và thấp kém. Con người tự làm giảm giá trị của mình bởi tôn giáo. Ngược lại, J.P.Sartre chủ trương phải chối bỏ Thượng Đế, vì Thượng Đế là một nhà lập pháp, xác định bản tính của con người, thiết lập một trật tự thần linh về luân lý và giá trị hợp lý. Nếu chấp nhận sự hiện hữu của Thượng Đế, con người bị tước mất tự do, là quyền lực tuyệt đối mà họ dùng để xác định phương hướng và đặc tính của đời sống. Mất tự do, con người không còn là chính mình.

Dầu theo lập trường nào, vô thần phủ nhận “Đấng Vô Hình”. Thế giới vật chất hữu hình không nói lên được điều gì cả. Nó nằm trong tầm tay của con người, là đối tượng của nghiên cứu. Con người có thể sử dụng nó cho những mục đích của mình và giải mã được những gì người xưa gọi là huyền bí. Trí khôn chỉ nhìn thấy hữu hình và có thể tìm ra được những nguyên lý “tự nhiên” tạo ra cái mà người ta gọi là huyền diệu.

III. Trở về với kinh nghiệm sống của thánh Phaolô

Khi đọc thư Rôma (1,20) nhiều người lầm tưởng thánh Phaolô đã trình bày chứng lý vũ trụ học. Một chứng lý mà thánh Tôma Aquinô và một số triết gia sau này đã xây dựng và dùng để chứng minh thế giới là công trình sáng tạo của một “Đấng Vô Hình”. Thật ra xét về nội dung, khẳng định của thánh Phaolô và các triết gia rất giống nhau, nhưng về nền tảng lại hoàn toàn khác. Các triết gia dựa trên nguyên lý túc lý để chứng minh về sự hiện hữu của một Thiên Chúa. Nó chỉ có giá trị theo nguyên lý của lý trí, vì nó chỉ chứng minh về sự khẩn thiết phải có một “Đấng” tạo nên vũ trụ hữu hình, chứ không nói lên được điều gì. Trong khi đó, thánh Phaolô đã được Chúa thu phục trên đường đi Đamát, được Người dạy dỗ, được sai đi và được đưa lên tầng trời thứ ba. Ngài đã gặp gỡ một Đấng đang sống đến nỗi cuộc sống của ngài là Đức Kitô: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20) và ngài nhất quyết: “Tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô” (Pl 3,8). Trong kinh nghiệm sống đó, thánh nhân đã nhấn mạnh trí khôn nhận biết “quyền năng vĩnh cửu và Thần tính của Thiên Chúa” qua công trình sáng tạo. Như vậy, việc nhận biết của trí khôn được diễn tả trong Rm 1,20 là một nhận biết sau khi gặp gỡ và sống chính sự sống của Đức Kitô. Nó không đơn thuần là một nhận biết thuần lý, mà là “cái biết” từ một cuộc gặp gỡ, đã trải qua một kinh nghiệm sống và đã tin.

Điều này cũng đúng ngay cả trước khi “ngã ngựa trên đường Đamát”, vì ngài là một người Do thái, và cũng là một Pharisêu nhiệt thành. Những gì người Do thái đã sống, đã tuyên xưng đức tin thì đó cũng chính là môi sinh nuôi dưỡng Saolô trở thành một Pharisêu nhiệt thành, thông hiểu đạo lý.

Chắc hẳn Saolô hiểu rất rõ các mối tương quan giữa Thiên Chúa và vũ trụ, cũng như lý do mà mối tương quan này bị rạn nứt, gãy đổ như thế nào. Mối tương quan giữa Thiên Chúa và vũ trụ là mối tương quan giữa Đấng Tạo Thành và thụ tạo, được mặc khải chứ không phải dựa trên chứng cứ hay chứng lý. Với người Do thái, đây là một chân lý. Chân lý được Thiên Chúa thực hiện và cha ông họ đã nhận lãnh, đã sống và truyền lại cho con cháu[3]. Họ nhìn, họ đụng chạm vũ trụ hữu hình nhờ ngũ giác, nhưng nhận biết thực tại sâu xa của nó bằng kinh nghiệm tôn giáo. Kinh nghiệm này giúp họ nhận ra “Đấng Vô Hình” từ những gì “hữu hình” với một “ánh nhìn” trực giác siêu nhiên, mặc dù họ vẫn đụng chạm, cảm nhận nhờ giác quan như mọi người.

Chính vì thế, họ có thể dễ dàng ca ngợi Thiên Chúa và hoà chung lời tụng ca với vạn vật, với đất trời: “Ca tụng Chúa đi, này vầng ô bóng nguyệt, ca tụng Người muôn tinh tú rạng soi. Ca tụng Chúa đi, hỡi cửu trùng cao vút, cả khối nước phía trên bầu trời. Nào ca tụng thánh danh Đức Chúa, vì Người ra lệnh, thì hết thảy được tạo thành” (Tv 148,3-5). Họ ca tụng vì xác tín rất rõ ràng và quyết liệt: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời” (Tv 33,6). Nó là kết quả của một quyết định khôn ngoan và yêu thương, chứ không phải là ngẫu nhiên: “Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên” (Kn 11,24). Bởi thế, họ như cảm nhận trực tiếp Đấng “trải mặt đất này trên làn nước bao la, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136,6). Cứ thế mà dân tộc Do thái phát triển và lớn mạnh nhờ tâm tình tôn giáo trong tiếng hát tạ ơn, được nuôi dưỡng từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Thánh Phaolô không những đã cùng với dân tộc mình chúc tụng Thiên Chúa qua các thánh vịnh tạ ơn, ngài còn vươn lên và vượt xa hơn sau khi gặp gỡ Đức Kitô trên đường Đamát. Gặp Đức Kitô, thánh nhân nhận ra ơn cứu độ đích thực nhờ tin vào Đấng cứu độ trần gian. Do đó, việc trí khôn khám phá ra “quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người” nơi (Rm 1,20) không chỉ dừng lại việc nhận ra Thiên Chúa là ai, hay mối tương quan giữa Người và vạn vật thế nào, nhưng dẫn chúng ta vào một chiều kích mới, chiều kích sự sống. Trong chiều kích này, việc biết được “thần tính Thiên Chúa” không phải để thoả mãn lý trí, mà là biết để được biến đổi, trở nên con người mới trong Chúa Kitô và sống sự sống mới (x. Rm 1,18-3,31).

Thế nhưng, cần phải có đức tin, vì “người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô” (Rm 3,22). Tin ở đây không phải là tin có, mà “đón nhận” Thiên Chúa (x. Ga 1,12). Tin có Đấng tạo thành là chuyện hiển nhiên (x. Rm 1,19), kẻ ngu si tự nhủ: làm chi có Chúa Trời! (Tv 14,1). Tự bản chất, tin là đón nhận Thiên Chúa vào cuộc sống chúng ta. Đón nhận là một cuộc tiếp đón, thân tình và trao hiến, nên cần mở rộng cõi lòng. Mở cõi lòng không phải chỉ là mở rộng cánh cửa mà còn là một sự thay đổi để sống một kinh nghiệm mới. Khi tin ai, người đó chấp nhận ra khỏi mình và hướng về người mình tin; giao cho người đó quyền nắm giữ một bí mật, một công việc làm ăn hay ngay cả vận mệnh của mình. Người nào mà ta càng yêu mến, càng tín thác, ta sẽ càng giao phó bí mật của mình mà không do dự. Giao phó cho ai có nghĩa là sẵn sàng đón nhận người đó, và có thể nói rằng: để cho người đó “chiếm hữu” mình.

Điều này đồng nghĩa với việc ta mở lòng ra đón nhận một kinh nghiệm mới. Chân trời của ta được hoà vào trong chân trời khác để mở ra một chân trời mới rộng lớn hơn: chân trời ơn cứu độ, được nên công chính nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô. Ở đây, sau khi gặp Đức Kitô, ngài chỉ biết một Đức Kitô chịu đóng đinh, và sẵn sàng thực hiện một cuộc mạo hiểm: “Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3,13-14).

Như thế để có thể đi “từ hữu hình đến vô hình”, chúng ta cần phải sống kinh nghiệm sống của thánh Phaolô. Lúc đó, chúng ta mới thực sự siêu vượt trên trí khôn nhân loại để đến với trí khôn đã được cứu độ. 

 Kết

Thực tế, có nhiều kinh nghiệm khi đối diện với thế giới hữu hình: do dự, chối bỏ hay nhận ra và tin nhận “Đấng Vô Hình”. Những gì diễn ra trong kinh nghiệm thường ngày đôi khi làm cho chúng ta dao động. Dao động vì ta không nắm bắt được nó một cách chắc chắn, nên có thể xem niềm tin như là một điều phi lý. Từ phi lý để đi đến vô thần chỉ là một làn ranh rất nhỏ. Tuy nhiên, hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa như một người vô thần là một hành động liều lĩnh, vì Thiên Chúa mà người tin xác tín là có và vô thần bảo là không có, là một thực tại mà cả hai không thể hiểu được bằng lý trí. Do đó, không thể chỉ dựa trên niềm tin vào một kinh nghiệm nào đó về cuộc sống, về tình yêu, về nỗi đau của nhân loại để từ chối có một “Đấng Vô Hình” mà chúng ta không nắm bắt được hay công nhận là có. Điều quan trọng là phải gặp gỡ, đụng chạm được.

Theo các nhà hiện tượng học như Merleau Ponty, con người không có sự phân tách giữa lý trí, tình cảm và thân xác. Tất cả mọi hành động con người đều được nhìn trong một toàn thể. Con người tiếp xúc với thế giới trước hết không phải bằng lý trí, trí khôn mà qua thân xác. Suy nghĩ, hành động, vui, giận, hận… đều trong thân xác và với thân xác. Nên sự hiểu biết căn bản nhất là một thông hiểu trong cảm nghiệm sống, kinh nghiệm sống. Đây là con đường dài cần phải được giáo huấn, thực hành và sống “hết lòng, hết trí khôn và sức lực” đầy say mê.

 

[1]  Nguyên lý của lý trí, theo đó mọi vật đều có lý do đủ để hiện hữu hay tồn tại và đều có thể hiểu được.

[2] Câu chuyện có thật, anh chị sống tại California

[3] Xh 12,25-27:  “Khi được vào đất mà Đức Chúa ban cho anh em như Người đã phán, anh em sẽ giữ nghi lễ đó. Khi con cháu anh em hỏi anh em : ‘Nghi lễ này có ý nghĩa gì đối với quý vị?’, anh em sẽ trả lời: Đó là lễ tế Vượt Qua mừng Đức Chúa, Đấng đã vượt qua các nhà của con cái Ítraen tại Aicập, khi Người đánh phạt Aicập và cho các nhà chúng ta thoát nạn.” Dân quỳ xuống và phủ phục”.

 


Liên quan khác