ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – LỄ HIỂN LINH

27/11/2018

I. Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót (x. Ep 2,4). Thiên Chúa muốn hiển linh (tỏ bày) Lòng Thương Xót của Người cho nhân loại (x.Ep 1,9). “Lòng Chúa Thương Xót không phải là một  điều gì trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể, qua đó Thiên Chúa tỏ bày tình yêu của Người, như tình yêu của một người cha hay một người mẹ, tan nát ruột gan vì con của mình”. (ĐTC Phanxico, MV,6). Xưa, Lòng Thương Xót được hiển linh trong việc TC phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nay, Lòng Thương Xót được hiển linh trong việc TC phán dạy chúng ta qua Hài Nhi Giêsu (x. Dt 1,1-2), để hiển linh thành Vị Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (Emmanuel) (x. Is 7,14; Mt 1,23). “Ai đón nhận Ngài (Chúa Giêsu), thì Ngài ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa” (Ga, 1,12; x. Ep 2,18; 2 Pr 1,4; Hiến chế Dei Verbum,2).

           II.    Xưa, các cuộc hiển linh Lòng Chúa Thương Xót, thường diễn ra trong cảnh hùng vĩ của miền núi Sinai (x. Xh 19,16-25). Sách Xuất Hành cho thấy Lòng Chúa Thương Xót như một Thiên Chúa oai nghiêm. Chỉ trừ ông Môsê, mọi người dân Israel đều sợ hãi và không được phép đến gần Đức Chúa.

Nay, giữa cảnh nghèo nàn hang đá Bêlem, Thiên Chúa cất bỏ tất cả vẻ oai nghiêm, hiện thân là một trẻ sơ sinh yếu đuối và tầm thường. Thánh Phaolô gọi đây là “mầu nhiệm tự hủy – Kenosis” (x. Pl 2,6-8). Một cuộc “tự hủy” để minh chứng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

        So sánh giữa hai cách hiển linh, chúng ta thấy rõ hiển linh trong Cựu Ước nhằm giới thiệu một Đức Chúa oai nghiêm, độc tôn. Còn hiển linh trong Tân Ước là để tỏ ra tình yêu của Thiên Chúa, và bảo đảm của Thiên Chúa là hễ ai tin nhận tình yêu ấy, sẽ được sống đời đời. Thiên Chúa không đến trong sấm chớp mây mù khiến chúng ta sợ hãi, nhưng Người đến bằng một con người tầm thường, trong cảnh nghèo nàn, để chúng ta dễ dàng tiếp nhận Người và được sống muôn đời.

            Ba Vua thấy được ánh sao, đã nhìn hiểu ra vương quyền của một Vị Chúa đang giáng trần. Các ngài lên đường và đi cả một chuyến đi ngàn dặm, để cuối cùng làm một cử chỉ hết sức đơn sơ, là sấp mình bái lạy và dâng tiến tất cả những gì mình có trước Hài Nhi Giêsu. Ý thức vương quyền của Chúa Giêsu đã trở nên động lực thúc đẩy các ngài đi tìm gặp Người.

      Đức tin đưa các ngài đến gặp Chúa Giêsu, đức tin giúp các ngài sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp dâng tiến Người tất cả những gì các ngài có.  Sấp mình bái lạy, là cử chỉ dành riêng cho Thiên Chúa.  Chỉ có Thiên Chúa là Đấng duy nhất chúng ta phải bái lạy phụng thờ (x. Mt 4,10). Và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, chính là mục đích của các cuộc hành trình đức tin.

          III.          Lòng Chúa Thương Xót hiển linh giữa nhân loại qua Hài Nhi Giêsu (x. MV, 1).  Người đã chọn một cách thức tầm thường thành Đấng Emmanuel, để chúng ta nhận ra sự hiện diện đầy Lòng Thương Xót yêu thương của Người. Để từ đây, Thiên Chúa không chỉ hiển linh trong Bí Tích Thánh Thể, mà còn hiển linh trong đời thường nơi mỗi người anh chị em chúng ta gặp hằng ngày.

Ba Vua đã sấp mình bái lạy Hài Nhi Giêsu, và mở bảo tráp dâng tiến Người tất cả những gì các ngài có. Chỉ khi chúng ta tôn trọng và quan tâm lo lắng đến đời sống của tha nhân, khi ấy mới thực sự chúng ta nhận ra sự hiển linh đầy Lòng Thương Xót Yêu Thương của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta. Chỉ khi chúng ta biết mình có được ‘hiện tại’ đều là ‘quà tặng’ của Thiên Chúa, khi ấy Hài Nhi Giêsu mới thực là Đấng “Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta” hiển linh trong tha nhân qua các dấu chỉ đời thường.

Đức tin thúc đẩy Ba Vua lên đường tìm Chúa. Gặp được Chúa, các ngài sấp mình thờ lạy và mở bảo tráp dâng tiến của lễ để diễn tả đức tin. Chúng ta gặp Chúa trong tha nhân, không chỉ tay bắt mặt mừng mà còn cần mở ‘ví’ ra. Vì như thánh Giacôbê nói : “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no’, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2,16). Chúng ta cũng đừng lấy cớ mình đang nghèo túng, cha ông mình dạy “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”; hoặc như cụ Nguyễn Công Trứ dạy “Tri túc, đãi túc, tiện túc, hà thời túc, Tri nhàn, đãi nhàn, tiện nhàn, hà thời nhàn” (Biết là đủ, cho là đủ, thì nó là đủ. Biết là nhàn, cho là nhàn, thì nó là nhàn).

 Vì, vinh quang của Thiên Chúa chiếu tỏa trên nhân loại (x. Is 60,1-6), và ơn cứu độ đã được ban cho mọi người không trừ ai (x. Ep 3,6). Nên Lòng Chúa Thương Xót vẫn luôn hiển linh trong đời thường chúng ta, để chúng ta luôn cảm nghiệm sự hiện diện rất thân thương của Đấng Emmanuel trong người anh chị em chúng ta gặp hằng ngày. Chúng ta cầu nguyện cho nhau luôn được Ánh Sao dẫn đường chỉ lối, để gặp được Chúa Hài Nhi Giêsu đang là Đấng Emmanuel trong anh chị em.


Liên quan khác