Suy Niệm Lễ Truyền Tin (Lc 1,26 – 38)

25/03/2021

Lòng Vâng Phục Tuyệt Đối 

 Lễ Truyền Tin, Lc 1,26 – 38


Kính thưa quý độc giả,/ hôm nay ngày 25 tháng 3 năm 2021, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta cử hành trọng thể lễ Truyền Tin. Ngày mà thiên sứ báo tin Con Thiên Chúa khởi đầu công trình cứu độ. Giáo Hội lập ra lễ này để kính nhớ một trong ba mầu nhiệm chính trong đạo Công giáo chúng ta, đó là mầu nhiệm Nhập Thể như lời của câu xướng trước bài Tin mừng: “Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể và Người đã cư ngụ giữa chúng ta”. Quả thật, Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Nhập Thể là một mẫu gương cho chúng ta về lòng vâng phục tuyệt đối.

Vâng, nói đến vâng phục thì trước hết, phải nói đến lòng vâng phục của Chúa Kitô. Đây là một sự vâng phục căn bản và nền tảng, một sự vâng phục tuyệt đối. Sự vâng phục ấy đã được thánh Phaolô tóm tắt rất hay trong một ca vãn gởi tín hữu Philipphê: “Ngài, phận là phận của một vì Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không nghĩ phải giành cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa … Ngài đã hạ mình đến mức thấp hèn, trở thành con chiên hiền lành vâng phục cho đến chết và là cái chết thập giá!”. Như thế, người con mà Đức Maria sắp sinh ra không những là con của Mẹ trong tư cách là một con người, nhưng còn là Con Thiên Chúa như lời thiên sứ truyền tin hôm nay: “Đấng Bà sẽ sinh ra là Đấng Thánh và được gọi là Con Đấng Tối Cao”. Hay nói theo cách nói của phụng vụ qua các lời nguyện trong Thánh lễ hôm nay thì người con đó vừa là “Thiên Chúa thật và là người thật”. Như thế, việc Nhập Thể của Ngôi Hai là kết quả một lòng vâng phục hoàn toàn của Chúa Con đối với Thánh ý Chúa Cha. Đây không phải là một sự vâng phục miễn cưỡng nhưng là một sự vâng phục hoàn toàn trong tự do như lời tác giả thư Do thái chúng ta vừa nghe: “Khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: “Lạy Chúa, này con xin đến để thi hành thánh ý Chúa”. Chính Chúa Giêsu trong cuộc đối thoại với các môn đệ tại bờ giếng Giacóp cũng đã tuyên bố: “Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta”. Và tác giả thư Do thái còn khẳng định: chính nhờ sự vâng phục này, Đức Kitô trở thành một của lễ có giá trị tuyệt đối đến muôn đời trước mặt Thiên Chúa, tác giả viết: “nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ”. Quả thật, Chúa Giêsu chỉ hiến dâng thân mình một lần là đủ đem lại ơn cứu độ cho muôn người thuộc mọi thời đại, bởi lẽ “của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn, cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật”. Kế đến là sự vâng phục của Đức Maria mà thánh sử Luca đã thuật lại trong Tin mừng hôm nay. Thật vậy, dù trọng tâm của ngày lễ hôm nay là việc Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, chúng ta cũng không thể không nói đến sự cộng tác tích cực của Đức Maria. Mẹ chính là “thiếu nữ Sion”, là “người trinh nữ”, người được Thiên Chúa tuyển chọn từ muôn thuở để làm Mẹ của Con Thiên Chúa. Điều này được thánh sử Luca diễn tả cách khéo léo qua lời chào của sứ thần: ‘Kính chào Bà đầy ơn phước”. Bởi vì, theo bình thường, đúng ra sứ thần phải chào: “Kính chào bà Maria”, nhưng ở đây, tên Maria đã được thay bằng “đầy ơn phước”. Như thế, Mẹ đã được đổi tên, mà việc đổi tên trong Thánh Kinh là dấu chỉ cho thấy một người được Thiên Chúa tuyển chọn cách đặc biệt để làm công việc của Ngài. Hơn nữa ở đây, sứ thần còn thêm: “Thiên Chúa ở cùng Bà”. Mẹ được đầy ơn phước, vì luôn có Chúa ở cùng. Mẹ là “thiếu nữ Sion” được Thiên Chúa tuyển chọn thay thế cho dân cũ là Israel để sinh ra Đấng Messia, khởi đầu cho một dân mới là Giáo Hội.

Mặc dù được Thiên Chúa ưu ái tuyển chọn từ đời đời, nhưng qua việc gởi sứ thần đến báo tin, cho thấy Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của Mẹ. Ngài chờ đợi nơi Mẹ một lời đáp trả trong tự do. Và Thiên Chúa đã không uổng công chờ đợi. Sau khi đã nghe lời giải thích của sứ thần: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Đấng Bà sinh ra, sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa”, mặc dù chưa hiểu hết, nhưng trong niềm tin, Mẹ đã cất lời thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần Chúa truyền”. Mẹ đã thưa hai tiếng “Xin vâng” trong tư cách của một con người tự do. Và với lời thưa “xin vâng” này, Mẹ Maria đã gắn chặt cuộc đời mình với Con Thiên Chúa qua việc thụ thai. Mẹ xứng đáng với tước hiệu là “Đấng hiệp công cứu chuộc”. Tóm lại, nhờ sự vâng phục của Ngôi Hai Thiên Chúa và Mẹ Maria, việc Nhập Thể đã được thực hiện. Con Thiên Chúa đã mặc lấy bản tính nhân loại, ở cùng nhân loại, để nhờ đó, con người được thông phần vào bản tính Thiên Chúa như lời chúng ta kêu xin trong lời nguyện nhập lễ: “Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Ngôi Lời của Chúa mặc lấy xác phàm trong lòng Đức Trinh Nữ Maria để cứu độ loài ngườiXin cho chúng con cũng được thông phần bản tính Thiên Chúa của Người”. Như thế, với mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa đã hoàn tất lời hứa cách đó hơn 700 năm mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc một được trích từ sách ngôn sứ Isaia: “Này một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Quý độc giả kính mến, nghe lời Chúa trong ngày mừng kính mầu nhiệm Nhập Thể hôm nay, Chúa mời gọi từng người chúng ta cũng cần biết sống tinh thần vâng phục tuyệt đối như Đức Giêsu và Mẹ Maria đã sống khi xưa. Hai chữ “Xin vâng” mới nghe qua thật dễ, nhưng thực hiện lại không dễ chút nào. Nó đòi hỏi từng người chúng ta phải bỏ ý riêng của mình để thực hiện thánh ý Thiên Chúa. Mặt khác, con người thời nay cũng thường bị dị ứng khi nói đến hai chữ “vâng phục”. Bởi lẽ, chúng ta thường nghĩ rằng, vâng phục làm mất tự do. Nhưng thực ra, chính khi vượt thắng những đam mê tội lỗi, và những dục vọng của bản thân, để sống vâng phục theo Thánh Ý Chúa, chúng ta mới thực sự là người tự do. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 1731, 1733 khẳng định: “Tự do đạt tới mức hoàn hảo khi quy hướng về Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc của chúng ta. Chỉ có tự do đích thực khi con người phục vụ cho điều thiện và công bằng. Khi bất tuân ý Chúa và chọn điều ác, con người lạm dụng tự do và trở nên “nô lệ tội lỗi”. Đối tượng đầu tiên chúng ta cần vâng phục đó là Thiên Chúa. Chúng ta hãy can đảm tuân giữ các giới răn của Người, nhất là giới răn bác ái. Chúng ta hãy tuân giữ các giới răn không phải như một người nô lệ, nhưng như một phương thế để biểu lộ tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa. Kế đó, chúng ta hãy vâng phục cha mẹ, và những người hướng dẫn mình trong chân lý, để làm được việc đó, mỗi người chúng ta cần bỏ đi những tự ái, kiêu căng và cả những mặc cảm tự ti. Nhờ đó, tâm hồn chúng ta xứng đáng đón Con Thiên Chúa trong bí tích Thánh Thể nhờ việc hiệp lễ. Rồi khi trở về nhà, chúng ta hãy sống yêu thương nhau như Chúa đã yêu. Sống được như vậy, chúng ta đã cùng với Mẹ Maria góp phần làm cho mầu nhiệm Nhập Thể được tiếp tục kéo dài và trở nên hiện thực trong đời sống hàng ngày. Ai làm được như thế thì đều được công nhận là người có lòng vâng phục tuyệt đối như Ngôi Hai Thiên Chúa vậy!

F.M. Nôbertô 

      

 


Liên quan khác