Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam- Lc 9,23-26
Kính thưa quý độc giả, người trẻ là tương lai của xã hội và của Giáo Hội. Đó cũng là lý do mà chúng con ngày hôm nay đang hưởng nhờ những thành tựu của các thế hệ cha ông để lại. Thế nhưng, nhiều khi chúng con chỉ mải mê với những ước mơ của riêng mình mà chưa nhận ra hoặc chưa trân trọng cho đủ di sản của các người. Hôm nay mừng lễ các thánh tử đạo Việt Nam cũng là dịp để chúng con cùng nhau cảm tạ Thiên Chúa và cùng nhau tái khám phá những di sản quý giá mà các thánh tử đạo đã để lại.
Dù ở bất cứ thời nào, bất cứ nơi nào, bất cứ địa vị nào, Chúa Giêsu cũng đều thẳng thắn đòi hỏi nơi các môn đệ mình rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23). Thập giá có thể là hi sinh mạng sống mình vì Đức Tin, có thể là thờ phượng Chúa trong âm thầm, có thể là quên mình phục vụ tha nhân .. v.v. Dù là cách nào, từ bỏ chính mình, vác thập giá theo Chúa là dâng hiến cuộc sống của mình cho thánh ý Thiên Chúa.
Ngày nay, dù khoa học kỹ thuật mang đến cho chúng ta những phương tiện lưu trữ, chia sẻ nhanh chóng và tiện lợi nhưng liệu chúng có thể mang chúng ta đi sâu vào bên trong tâm hồn nơi chúng ta được kết nối với Thiên Chúa và với tha nhân cách mật thiết nhất hay không? Liệu chúng ta có đủ kiên nhẫn và đủ can đảm để dấn thân cho cuộc phiêu lưu khám phá kho tàng di sản của cha ông không? Liệu chúng ta có tín thác vào Chúa Kitô như các vị thánh tử đạo Việt Nam đã tin và làm gương cho chúng ta hay không?
Để kết thúc bài suy niệm hôm nay, con xin mượn lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong bài giảng trong đại lễ tuyên thánh 117 vị tử đạo Việt Nam:
Một lần nữa, hỡi giáo đoàn Việt Nam, chúng tôi nói lại cho anh em rằng: Máu các vị Tử Đạo là nguồn ân sủng cho anh em trước tiên, để anh em thăng tiến trong Đức Tin. Giữa anh em, Đức Tin của Tổ Tiên vẫn tiếp tục và còn lan truyền sang nhiều thế hệ tương lai. Đức Tin này tồn tại để làm nền tảng xây dựng sự kiên trì cho tất cả những người là Việt Nam thuần tuý sẽ trung thành với quê hương đất nước, nhưng đồng thời vẫn là người tín hữu của Chúa Kitô. Ai là người tín hữu đều ý thức rằng: lời kêu gọi của Phúc Âm vẫn là phải tuân phục các thể chế loài người, để tôn thờ tình yêu Thiên Chúa bằng cách làm việc thiện, sống xứng đáng con người tự do, kính nể tha nhân, yêu thương anh em, kính yêu Thiên Chúa cũng như tôn trọng công quyền và thể chế quốc gia (1 Pr 2,13-17). Do đó, công ích của quốc gia vẫn là điểm người công dân có Đạo phải dấn thân, nhưng đồng thời phải được tự do tuyên xưng chân lý của Chúa, được cảm thông với các vị chủ chăn và anh em đồng tín ngưỡng, như thế là để sống an bình với mọi người và thực tâm xây dựng hạnh phúc cho toàn dân.
Tạ ơn Chúa. Cám ơn Đức Mẹ. Cám ơn các thánh tử đạo Việt Nam.
Hilariô – Thiên Phước