BIẾT DÙNG LỜI LẼ CHÂN THÀNH KHÔN KHÉO ĐỂ CHUYỂN TẢI CHÂN LÝ ĐỨC TIN CHO MUÔN DÂN NEWS 

21/05/2023

Suy niệm thứ Hai tuần VII Phục Sinh năm A, Ga 16,29-33

 

Kính thưa quý độc giả, sứ điệp Lời Chúa gửi đến với từng người chúng ta hôm này là biết dùng lời lẽ chân thành khôn khéo để chuyển tải chân lý đức tin cho muôn dân!

Chúng ta có thể đặt câu hỏi rằng: Người rao giảng Tin mừng phải xử dụng ngôn ngữ nào để việc rao giảng có hiệu quả nhất? Xin mạo muội thưa thế này: để chân lý đức tin đến được với nhiều người thì chúng ta cần chú ý đến cả hai phía. Trước tiên, về phía người rao giảng, cần ý thức là người đem lời chân lý của Chúa đến cho muôn người; nên lời của người rao giảng phải chứa đựng sự thật, trình bày với lòng chân thành khôn khéo. Thứ đến, về phía người nghe, cần phải biết là đại đa số đều là thường dân và không mấy người có vốn liếng văn chương nhiều để hiểu biết những lời nói bóng bẩy, văn hoa. Vì thế, ngôn ngữ các nhà giảng thuyết dùng phải làm sao cho thật đơn giản, trong sáng và dễ hiểu. Hơn nữa, mục đích của việc rao giảng Tin Mừng là đưa người nghe tới niềm tin vào Thiên Chúa và thúc đẩy việc ăn năn sám hối nếu còn đang lầm đường lạc lối; chứ không phải là để thưởng thức những áng văn hay. Vì thế, nhà giảng thuyết chỉ cần dùng những lời chân thành, do Thánh Thần hướng dẫn, để đánh động tâm hồn người nghe, giúp nhiều người nhận ra tình thương của Thiên Chúa và nhận ra những yếu đuối và tội lỗi của mình để rồi sẵn sàng lo hoán cải tâm hồn mà sống đúng với Luật Chúa, Luật Giáo hội và Luật Dòng!

Các Bài Đọc hôm nay các thánh sử cho chúng ta những ví dụ cụ thể trong việc loan truyền Tin Mừng. Trong Bài Đọc một, khi thánh Phaolô đến Êphêsô và hỏi các tín hữu ở đó đã lãnh nhận Thánh Thần chưa, họ trả lời: “Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói! Vì thế, thánh Phaolô đành phải với lòng chân thành dùng những từ ngữ khôn khéo khởi đi từ việc giải thích cho họ về sự khác nhau giữa hai phép rửa của thánh Gioan và phép rửa củab Chúa Giêsu và khi họ đã hiểu, thánh nhân mới làm Phép Rửa nhân danh Đức Kitô cho họ và họ được lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Còn trong Tin mừng, khi Chúa Giêsu biết Cuộc Thương Khó đã gần kề, Người xử dụng ngôn ngữ chân thành của tình yêu để khôn khéo giúp các Tông đồ hiểu rõ trước những gì sắp xảy ra để các ông biết cách đối phó khi phải đương đầu với tình thế khốn cùng ấy mà đủ sức kiên trung với Chúa hầu lãnh được niềm vui gấp bội suốt đời.

Quý độc giả kính mến, là kitô hữu thì ai cũng nhận được lệnh truyền của Chúa để ra đi loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tao! Các tu sĩ giáo sĩ triều và các dòng hoạt động đều hăng say đi truyền giáo khắp nơi; Còn chúng ta, những người sống đời đan tu chiêm niệm cũng truyền giáo không ngừng! Bởi vậy, chúng ta không cần dùng những lời lẽ văn chương bóng bảy hay những lời lẽ cao siêu hoặc những hoạt động hoành tráng bên ngoài nhưng chỉ cần sống đúng với linh đạo chiêm niệm bằng những lời nói chân thành, cuộc sống đơn sơ cùng với những hy sinh để dâng lên Thiên Chúa mà cầu nguyện cho công cuộc truyền giảng Tin Mừng của toàn thể Giáo hội. Có như thế thì mọi người đều có thể nhận ra Chúa và hiểu hơn về một Thiên Chúa hằng yêu thương và ở với mọi người trong mọi hoàn cảnh. Ước mong rằng, một khi nghe và hiểu rõ Lời Chúa dạy hôm nay, từng người trong chúng ta đều biết dùng những lời chân thành phát xuất từ trái tim và được sưởi ấm bởi Chúa Thánh Thần hầu giúp nhiều người nhận ra Chúa là Đấng hằng đồng cảm và luôn ở với mọi người. Vì thế, chúng ta đừng sợ bất cứ sự khốn khó gì trong hành trình rao giảng Tin Mừng vì chúng ta tin tưởng Ba Ngôi Thiên Chúa luôn đồng hành để soi sáng, nâng đỡ và bảo vệ chúng ta đến cùng nhất là cho những ai biết dùng lời lẽ chân thành khôn khéo để chuyển tải chân lý đức tin cho muôn dân!

 

Nôbertô – Thiên Phước


Liên quan khác