THỨ HAI TUẦN VII MÙA PHỤC SINH – Gio-an 16,29-33
Can Đảm Lên! Thầy Đã Thắng Thế Gian
Chuyện kể rằng, Vua Louis XIV nước Pháp có thói quen đi dự thánh lễ tại nhà thờ Versailles. Dân chúng đến dự rất đông. Một Chúa nhật kia, vua tới nhà thờ và rất ngạc nhiên thấy hôm nay lưa thưa ít người. Vua liền hỏi Đức Giám Mục Fénélon lý do. Đức Giám Mục trả lời: Thưa Ngài, chính tôi đã tung ra cái tin là hôm nay Đức Vua không dự thánh lễ ở đây và như vậy, Đức Vua được thấy rõ sự thật: Ai là người đến đây vì Chúa và ai là người đến đây vì Vua!
Câu chuyện trên có một chút liên quan đến bài Tin Mừng hôm nay, cho thấy việc tin vào Chúa Giêsu và đi theo Ngài của các môn đệ là như thế nào. Suốt ba năm theo Chúa đi dọc về ngang, nhưng các môn đệ chưa chắc đã thực sự theo Chúa mà họ còn theo đuổi những mục đích riêng của mình, nên họ không thể hiểu được Thầy Giêsu. Đến giờ sắp chia ly, Chúa Giêsu đã móc hết ruột gan ra trình bày với các ông, lúc này họ mới thú nhận: “Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến.” Chúa Giêsu đáp: “Bây giờ anh em tin à?”
Ngài đáp lại bằng một câu hỏi, ngụ ý chưa chắc chắn về lời tuyên xưng của các mộn đệ. Vì tin vào một Giêsu Kitô đến từ Thiên Chúa thì quả đây là điều không thể phủ nhận, bởi không ai nói và làm được những điều Ngài đã thực hiện. Nhưng các ông hiểu về Đức Giêsu như thế nào thì quả thật còn rất xa vời, khi các ông còn dính chặt vào những gì thuộc thế gian và những ước vọng trần tục. Thánh Kinh cho ta thấy họ vừa xác tín đó, nhưng cơn bách hại tới là bỏ trốn hết.
Thêm nữa, sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh, trước giờ chia tay các môn đệ để về trời cùng Chúa Cha. Trong sách Công Vụ Tông Đồ còn ghi lại cuộc đàm đạo của các ông với Chúa, các ông vẫn còn hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?” (Cv 1,6). Vâng, tin vào Chúa Giêsu là Đấng từ Thiên Chúa mà đến, nhưng liên quan gì với chúng ta? Chúng ta có tin và theo Ngài thực sự như Ngài muốn hay chỉ tin theo vì một mục đích khác, một tham vọng khác? Thậm chí đi theo Chúa với mục đích lợi dụng Ngài để đạt được những tham vọng, những ước muốn ở đời này mà thôi! Nếu không xác tín rõ mục đích, người ta sẽ dễ thất vọng.
Quả thật, Chúa Giêsu không hứa cho các môn đệ một đời sống vinh quang và an nhàn ở đời này nhưng là một chiến thắng vinh quang vĩnh cửu trong Ngài: “Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.” (c.33)
‘Thầy đã thắng thế gian’, nói cách khác, Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết trong thế gian và đã cứu nhân loại khỏi chết. Ngài đã cứu mỗi người trong chúng ta. Sự cứu rỗi đã khởi đầu trong nhân loại. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể chắc chắn rằng mình đã được cứu? Đâu là những dấu hiệu cho thấy sự chắc chắn đó?
Chúng ta có cơ sở để tin rằng, ngay tại trần gian những người tin theo Chúa một cách chính đáng đã cách nào đó được trải nghiệm ơn cứu rỗi của Chúa Kitô. Nếu chúng ta biết mở lòng ra đón nhận Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Giêsu hứa ban cho những kẻ tin. Chỉ trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các môn đệ mới hiểu được giá trị của ơn cứu độ một cách chính xác. Và chỉ trong Chúa Thánh Thần các ngài mới được biến đổi thực sự, mới trở nên người môn đệ thực sự. Và mới tin yêu thực sự như Chúa muốn nơi các ngài và nơi mỗi người chúng ta.
Chính Chúa Thánh Thần đốt lên trong chúng ta lòng mến để thực sự yêu mến các bí tích, để qua đó như một bảo đảm của Ngài cho chúng ta về ơn cứu độ. Đặc biệt qua việc cử hành Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể, ta được đón nhận Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô. Cũng như gặp gỡ Thiên Chúa trong Lời của Ngài.
Hiến Chế Tín Lý Về Mạc Khải của Thiên Chúa ‘Dei Verbum’, Giáo Hội Công Giáo khẳng định: “Lời Chúa là chính Chúa.” Nhưng Lời Chúa chỉ sống động thực sự khác với các loại văn chương khác là khi ta đọc Lời Chúa dưới tác động và soi sáng của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần mới là Đấng làm cho Lời sống động và hiện hữu nơi chúng ta. Ngài giúp ta gặp gỡ với Thiên Chúa trong Lời Thánh Kinh. Và những dấu chỉ từ các bí tích khác như bí tích rửa tội, bí tích thêm sức, bí tích hoà giải, bí tích sức dầu, chính Chúa Thánh Thần thánh hoá làm cho các bí tích linh nghiệm.
Qua Giáo Hội, Thiên Chúa luôn hiện diện để bảo đảm cho chúng ta ơn cứu độ đời đời và làm cho chúng ta được lưu lại trong Chúa Giêsu Kitô ngay ở đời này, để chúng ta được bình an trong Ngài. Bình an không phải là vắng bóng những gian truân thử thách, nhưng cho dù thế gian có nổi phong ba bão táp thì các tín hữu luôn được ở trong bình an của Đấng đã toàn thắng sự chết và thế gian. Đấng ấy sẽ làm cho chúng ta toàn thắng, không chỉ vượt những khó khăn ở đời này mà vượt qua sự chết để bước vào cõi sống muôn đời.
Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng con đi vào đúng đường lối của Ngài, để sự bình an của Ngài luôn tuôn chảy trong chúng con, để chúng con can đảm đem niềm vui và sự bình an của Đấng đã chiến thắng thế gian đến cho mọi người. Amen.
ӷ
THỨ BA TUẦN VII MÙA PHỤC SINH – Gio-an 17,1-11a
Lời Cầu Nguyện Của Chúa Giêsu
Tin Mừng hôm nay, từ “Tôn Vinh” là một từ khóa trong lời cầu nguyện uy quyền và cao siêu của Chúa Giêsu thay cho Giáo Hội, cũng như cho các môn đồ hiện tại và tương lai của Ngài, để Chúa Cha hoàn thành những gì Ngài đã khởi sự. Từ thế kỷ 16, Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu đã được gọi là Lời Nguyện Hiến Tế Cao Trọng, bởi vì lời nguyện này nói về Chúa Giêsu như một tư tế hiến dâng hy tế. Trong trường hợp của Chúa Giêsu, dĩ nhiên, hy tế mà Ngài dâng lên là mạng sống của chính Ngài. Trong lời cầu nguyện này, Chúa Giêsu nói trực tiếp với Chúa Cha trước sự hiện diện của các Tông Đồ, vì Ngài cố ý cho họ có một khái niệm về mối quan hệ của Ngài với Chúa Cha.
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay có 11 câu, nhưng ta đếm được Sáu lần Chúa Giêsu nhắc đến từ “tôn vinh”. Ngài xin Chúa Cha tôn vinh Ngài để đến lượt Ngài có thể trao lại vinh quang cho Chúa Cha. Nói cách khác, Ngài đang nói với các môn đệ cũng là chúng ta hãy làm tôn vinh Chúa Cha như những gì Ngài đã làm.
Nhưng làm thế nào chúng ta có thể tôn vinh Thiên Chúa mỗi ngày trong cuộc sống của mình? Có ba cách làm cụ thể mà chúng ta có thể áp dụng để tôn vinh Thiên Chúa mỗi ngày đó là: Cầu Nguyện, sẵn sàng vác thập giá và trung thành với Chúa.
- Cầu Nguyện nghĩa là chúng ta mở lòng với Chúa và không ngừng liên lạc với Ngài. Để cho Chúa biến đổi mình. Khi cầu nguyện, Thiên Chúa trở thành trung tâm của đời sống của chúng ta và chấp nhận những gì thực sự quan trọng, đó là yêu Chúa và đón nhận tình yêu mà Ngài dành cho chúng ta. Nhưng khi chúng ta cầu nguyện, hãy nhớ những điều Bill Hybels trong tập sách của ông có tựa đề là, ‘Quá Bận Rộn Không Cầu Nguyện’ đã nói: “Nếu cầu xin sai, Chúa nói, ‘Không’. Nếu thời điểm sai, Chúa nói, ‘Hãy chậm lại’. Nếu bạn sai, Chúa nói, ‘Hãy lớn lên’. Nhưng nếu lời cầu là đúng, thời điểm là đúng và bạn đúng, Chúa nói, ‘Hãy bước đi!’” (IVP, trang 74).
- Sẵn Sàng Vác Thập Giá Của Mình. Nếu chấp nhận vác thập giá của mình, chúng ta ngợi khen Chúa Giêsu, Đấng bày tỏ tình yêu và sự tận tâm của chúng ta đối với Thiên Chúa Khi chúng ta vác thập giá của mình, đó chính là lúc thực hiện lời giáo huấn của Chúa Giêsu “Nếu ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.”
- Trung Thành Với Chúa. Điều này được thể hiện trong việc yêu mến Ngài bằng cả trái tim và yêu người lân cận như chính mình, thông qua các hành động bác ái và lòng trắc ẩn đối với tha nhân. Đây là cách phản ảnh lại lòng tốt vô hạn của Chúa, Ngài chăm sóc yêu thương cho mỗi người. Và để thực hiện Lời dạy của Chúa mọi lúc, nhà truyền giáo Frederic Brotherton Meyer đã phát biểu: “Đừng lãng phí thời gian của bạn chờ đợi và khao khát những cơ hội lớn, có thể cơ hội không bao giờ đến. Nhưng trung thành thực hiện những điều nhỏ nhặt trước mắt, luôn đòi hỏi sự quan tâm của bạn.” Ai trung thành trong việc nhỏ, người ấy sẽ trung thành trong việc lớn.
Lạy Chúa, xin giúp con trong mọi sự luôn nghĩ đến vinh danh Chúa để chính ước muốn đó cùng với ơn Chúa giúp, chúng con dễ dàng vượt qua khó khăn buồn phiền và luôn gặp được Chúa trong mọi sự vì tất cả cho vinh danh Thiên Chúa mà thôi. Amen.
ӷ
THỨ TƯ TUẦN VII MÙA PHỤC SINH – Gio-an 17,11b-19
Xin Cha Lấy Sự Thật Mà Thánh Hiến Họ, Lời Cha Là Sự Thật
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cầu nguyện cho các mộn đệ, Xin Chúa Cha hiệp nhất, thánh hiến họ, và như Chúa Cha đã sai Ngài đến thế gian, Ngài cũng sai họ đến thế gian.
Cầu xin sự hiệp nhất. Sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ là gì? Quả thật đó không phải là một sự đồng nhất, làm cho mọi người trở nên một khuôn mẫu như nhau, đồng tâm nhất trí, hiệp lực tạo sức mạnh để đối phó với ngoại bang, với những thế lực thù địch, chung sức chung lòng, chung lưng đấu cật mà chống lại thế gian. Nhưng sự hiệp nhất các môn đệ mà Chúa Giêsu đã cầu xin với Chúa Cha vượt ra ngoài tất cả những gì theo kiểu cách của thế gian. Đó là sự hiệp nhất trong danh Cha, trong sự gìn giữ của Cha, trong cái mà chính Chúa Cha đã ban cho Chúa Con thế nào thì cũng ban cho các môn đệ của Ngài như vậy “Để họ nên một như chúng ta”.
Sự nên một của các môn đệ ở đây được phản chiếu lại hình ảnh của sự hiệp nhất trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Nên một trong sự thật và trong tình yêu, vì ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa, ai tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa thì người ấy ở lại trong Thiên Chúa (1Ga 4,12.15). Ai ở lại trong sự thật là ở lại trong Thiên Chúa (Ga 14,6; 16,13; 17,17).
Cầu xin sự thánh hiến. “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ, Lời Cha là sự thật.” Người môn đệ của Chúa Giêsu là người được thánh hiến. Bất cứ ai trở thành môn đệ của Chúa Kitô đều là những người được thánh hiến cho Thiên Chúa Cha. Khi nhận bí tích thanh tẩy là người đó đã được thánh hiến để thuộc trọn về Thiên Chúa. Và ở đây, Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha dùng sự thật mà thánh hiến vì Lời Cha là sự thật. Mà Lời Chúa chính là Đức Giêsu, Ngôi Lời đã làm người. Vì vậy những người thuộc về Thiên Chúa phải là những người được thánh hiến bằng chính Đức Giêsu Kitô. Bằng giá máu của Ngài, bằng cái chết và Phục Sinh vinh hiển của Ngài và bằng chính sự thánh hiến cho Thiên Chúa Cha của Ngài.
“Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến”. Lời cầu xin thánh hiến các môn đệ và những người theo Chúa Giêsu chính là cầu xin cho họ được đứng vào chỗ của Ngài, thay thế Ngài và nên một với Ngài trong sự sức dầu thánh hiến của Chúa Cha trong Thần Khí sự thật. Để rồi họ cũng được sai đi.
Môn đệ là những người được sai đi. “Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian”. Thật là cao cả và vinh dự khi là môn đệ Chúa Kitô. Họ được tuyển chọn và sai đi dựa theo cùng một cách mà Đức Kitô, Thầy của mình được sai đến thế gian. Điều ấy nói lên rằng họ đang mang một trọng trách vô cùng to lớn, đó chính là trọng trách mang ơn cứu độ của Chúa Kitô đến với thế gian. Nói cách khác, họ chính là hiện thân của một Kitô Giêsu khác cho thế gian, để nhờ họ mà thế gian được cứu độ.
Là Kitô Hữu, chúng ta đã được Chúa tuyển chọn, được hiệp nhất nên một trong Danh Thánh Chúa, được thánh hiến nên giống người Con Chí Thánh của Chúa và được Chúa sai đi để mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Thật là ơn vô cùng trọng đại, nhưng ta có ý thức đúng về những ơn đó không? Và đã làm gì để đáp lại ơn kêu gọi đó?
Điều chúng ta có thể làm, trước tiên là tín thác, điều cần phải có trong vai trò của người môn đệ, tuyệt đối tin tưởng phó thác vào tình yêu của Chúa Giêsu vì Ngài đã xin Chúa Cha gìn giữ ta khỏi mọi cạm bẫy của thế gian để ta luôn được bình an trong Thánh Danh của Chúa Cha.
Thứ hai là hy sinh: trong thế gian không bao giờ thiếu gian nan thử thách đặc biệt đối với các môn đệ của Chúa Giêsu. Nhưng Ngài đã yêu thế gian đến độ đã trao nộp mạng sống mình vì nó. Theo gương Thầy Chí thánh, chúng ta cũng hãy tập yêu mến và hy sinh cho tha nhân. Hãy đáp lại sự xúc phạm bằng lời khen ngợi, sự tấn công bằng lòng tốt, hận thù bằng tình yêu. Điều này ghi dấu không thể nhầm lẫn rằng chúng ta là những người thực sự là môn đệ của Chúa Giêsu Kitô.
Thứ ba là niềm vui, “để được hưởng trọn niềm vui của Chúa Giêsu”. Khác với niềm vui của thế gian, niềm vui của Chúa Giêsu là vĩnh cửu trường tồn. Ngay cả khi chúng ta đang chịu đựng bất kỳ thử thánh gian truân nào, niềm vui của Chúa Giêsu vẫn là mãi mãi. Hãy luôn mang Tin Mừng, Tin Vui của Chúa trên khuôn mặt, trong giây phút hiện tại để giới thiệu nó cho mọi người.
Thứ tư là sự thật, đây là khía cạnh rất quan trọng của cuộc sống. Chúa Giêsu thánh hiến hoặc làm cho chúng ta nên thánh với sự thật. Chúa Kitô hy vọng chúng ta là sứ giả của sự thật, bác ái và quan tâm đến các linh hồn.
Lạy Chúa, xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa.
ӷ
THỨ NĂM TUẦN VII MÙA PHỤC SINH – Gio-an 17,20-26
Để Họ Được Nên Một Như Chúng Ta Là Một
Chuyện dân gian kể lại rằng, có một anh què và anh mù ở trong khu rừng đang bốc cháy. Anh mù cắm cổ chạy nhưng lại lao về phía ngọn lửa. Anh què liền la lớn: Đừng chạy về hướng đó. Anh mù đáp: vậy tôi nên chạy đi đâu? Anh què nói: tôi có thể chỉ đường cho anh chạy thoát đám cháy, nhưng anh phải cõng tôi trên vai. Như vậy tôi có thể chỉ đường cho anh và chúng ta có thể ra khỏi khu vực rừng đang cháy này cách an toàn.
Câu chuyện trên nói lên một sự đoàn kết, hiệp lực, bổ sung khiếm khuyết cho nhau và họ đã làm lên kỳ tích là cùng nhau vượt qua hoạn nạn. Tuy nhiên, sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ cũng như những người tin vào Ngài hôm nay thì không chỉ dừng lại ở sự quy tụ đoàn hội, hỗ trợ tương quan để làm nên kỳ tích mà Ngài cầu nguyện cho các môn đệ trở nên một trong Ngài, như Chúa Cha ở trong Ngài và Ngài ở trong các môn đệ, để tất cả được nên một trong Thiên Chúa.
Quả thật, không một phàm nhân hay một tạo vật nào có thể cầu nguyện táo bạo như vậy. Vì lời cầu nguyện không chỉ quy tụ các môn đệ đoàn kết, yêu thương hợp nhất lại thành một khối, một cộng đoàn, cùng chia sẻ nâng đỡ nhau trong cuộc sống để mọi người đều được hạnh phúc mà vượt ra ngoài cái hạnh phúc thế gian có thể tưởng tượng được đó là hạnh phúc vĩnh cửu, con người được kết hợp nên một với Thiên Chúa. Nói như thánh I-rê-nê: “Thiên Chúa làm người để con người được nên làm Chúa”.
Đây là điều Thiên Chúa muốn ban cho con người mà không một phàm nhân nào có thể hiểu nổi theo sức riêng của mình. Chỉ có tình yêu của Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa mới có thể thực hiện cho chúng ta điều đó. Ngài là hiện thân của Tình Yêu cao vời của Thiên Chúa Cha và đã dốc hết sự sống của mình ra để cứu nhân loại, với một ước muốn đúng với tên gọi của Tình Yêu đó là: “Con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành” (c.24).
Tình yêu không muốn chia lìa, hai người yêu nhau muốn về chung một nhà và dùng chung một tên. Tình yêu nam nữ kết hợp nên một vợ một chồng đã giúp ta phần nào có được khái niệm về tình yêu không muốn xa lìa của Đức Kitô với các môn đệ, cũng như với những người tin vào Ngài. Nhưng dù sao nó vẫn không diễn tả hết được một tình yêu chung thuỷ của Thiên Chúa. Vợ chồng có thể về cùng nhau chung một nhà, có thể gọi cùng một tên, nhưng dù sao họ vẫn là hai cá thể độc lập. Nhưng tình yêu của Thiên Chúa thì quyền năng có thể kết hợp nên một và ở lại trong tạo vật là mỗi chúng ta. “Con đã tỏ cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ.” (c.26). Ở lại trong nhau để chung hưởng vinh quang của Thiên Chúa.
Như vậy, lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong ‘Lời Nguyện Hiến Tế’ của Chúa Giêsu cho ta thấy, sự hiệp nhất ở đây không chỉ giới hạn trong mỗi gia đình, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, hay trong các cộng đoàn, một Giáo Hội riêng biệt mà là bao gồm tất cả những ai tin vào Đức Giêsu Kitô, những ai qua lời Ngài mà tin nhận Chúa Cha. Thiên Chúa chân thật và duy nhất và Đấng Cha sai đến là Giêsu Kitô. Đức tin cho người ta nhận biết được Tình yêu mà Chúa Cha dành cho họ thật vĩ đại và cao vời bằng chính tình yêu mà Ngài dành cho Người Con Một Duy Nhất của Ngài (c.23).
Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho sự hiệp nhất nên một ở đây ví thể như những mạt sắt quy tụ quanh thỏi nam châm là chính Thiên Chúa. Quả thật, sự hiệp nhất nên một mà Chúa Giêsu đề cập đến là nên một trong Chúa. Chỉ khi người ta kết hợp với Thiên Chúa thì người ta mới thực sự nên một với nhau. Cho dù họ là ai, có những khác biệt về ngôn ngữ, giai cấp, sắc tộc, phái tính, kể cả các tôn giáo người ta vẫn có thể quy tụ nên một trong niềm tin và trong tình yêu của Thiên Chúa.
Tin Mừng hôm nay là lời kết của ‘Kinh Nguyện Hiến Tế’ của Chúa Giêsu. Nội dung lời cầu nguyện của Ngài là cho sự hiệp nhất của tất cả các Kitô hữu. Đặc biệt ngày nay, chúng ta thường thấy sự đổ vỡ của những mối tương quan trong gia đình, sự thù hằn giữa các thành viên của cùng một cộng đồng đức tin, sự bất đồng trong xã hội dân sự và sự thù địch giữa các quốc gia. Chúa Giêsu cũng cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các thành viên trong thân thể của Ngài là Giáo Hội. để tất cả chúng ta được nên một như Ngài với Chúa Cha là một.
Là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải dấn thân cho sự hiệp nhất Kitô giáo. Công đồng Vatican II trong Sắc Lệnh về Đại Kết (1964). Đã chỉ cho chúng ta cần thực hiện như thế nào khi nói:
Tiến trình đại kết đích thực luôn đòi hỏi phải có hoán cải nội tâm. Thật vậy, những ước vọng hợp nhất khởi phát và thành tựu được chính là nhờ vào sự đổi mới tâm hồn, từ bỏ chính mình và quảng đại thực thi bác ái. Vì thế, cần phải cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn biết thành thật từ bỏ, khiêm nhường và hiền hoà trong khi phục vụ, quảng đại trong tình huynh đệ đối với tha nhân. Vị Tông Đồ dân ngoại đã nói: ‘Đang bị xiềng xích trong Chúa, tôi khuyên anh em hãy tiến bước cho xứng với ơn kêu gọi anh em đã được, với tất cả lòng khiêm nhường và hiền hậu, hãy nhẫn nại chịu đựng lẫn nhau trong đức ái; hãy lo lắng duy trì sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần trong mối dây hoà thuận’ (Ep 4,1-3)…Tất cả các Kitô hữu hãy luôn nhớ rằng, khi nỗ lực sống trọn vẹn theo Phúc Âm, họ sẽ cổ vũ, hơn nữa sẽ thực hiện sự hợp nhất các Kitô hữu cách tốt đẹp hơn. Thật vậy, khi càng kết hiệp mật thiết với Chúa Cha, Ngôi Lời và Chúa Thánh Thần, họ lại càng dễ dàng thắt chặt tình huynh đệ với nhau hơn.” (SL ĐK số 7)
Lạy Chúa, xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa, như Ngài luôn liên kết với Chúa Cha. Để chúng con luôn được nên một trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Amen.
ӷ
THỨ SÁU TUẦN VII MÙA PHỤC SINH – Gio-an 21,15-19
Chúa Giêsu và Thánh Phê-rô
Thánh Gio-an Tông Đồ đã định nghĩa “Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4, 16). Tình yêu của Ngài là vô điều kiện, không giới hạn và bất diệt. Nó là khởi nguyên và là cùng tận; là bản chất của Kitô giáo. Tình yêu lôi kéo chúng ta đến trái tim của Thiên Chúa, nó buộc chúng ta đáp lại trọn vẹn lòng trung thành bằng chính cuộc sống của mình. Điều gì có thể dập tắt một tình yêu như vậy? Đó chắc chắn là những thờ ơ, không tin hoặc từ chối Thiên Chúa và Lời Ngài.
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu ba lần hỏi thánh Phê-rô: “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến thầy hơn các anh em này không?”
Chúa Giêsu thấy rằng Phê-rô đã trả lời cách khẳng định: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Những câu hỏi về tình yêu này được lặp đi lặp lại tới ba lần. Có ý kiến cho rằng, đây có thể là một tham chiếu đến việc từ chối Thầy ba lần của Phê-rô trước biến cố vượt qua. Sự lặp lại ở đây như thể Chúa Kitô đang cho Phê-rô cơ hội để bù đắp cho hành vi phản bội trước đó của mình.
Nói cách khác, Chúa Giêsu không nản lòng về sự phản bội của Phê- rô để xây dựng Giáo Hội của Ngài trên ông. Điều này không có nghĩa là Chúa Giêsu bỏ qua sự phản bội của ông. Trên thực tế, Ngài rất cẩn thận để cho Phê-rô cơ hội vô hiệu hóa sự phản bội của mình bằng ba câu hỏi về tình yêu và khiến ông trở nên khiêm tốn hơn. Theo nghĩa này, Thiên Chúa sử dụng ngay cả những tội lỗi và lỗi lầm trong quá khứ của chúng ta vì lợi ích của chính chúng ta nếu chúng ta thành tâm sám hối. Chúa kêu gọi ngay cả trong sự yếu đuối và tội lỗi của con người, để chúng ta có thể yêu Ngài hơn tất cả những thứ khác.
Adrian Van Kaam, một nhà tâm lý học, trong cuốn sách ‘Động Lực Của Sự Tự Định Hướng Tâm Linh’, đã viết: Thiên Chúa có thể giúp chúng ta tận dụng tốt nhất quá khứ để không có gì bị lãng phí trong cuộc sống. Trong những năm mà có lẽ chúng ta chưa hoàn toàn phù hợp với định hướng bản thân thực sự của mình, chúng ta đã thu thập kinh nghiệm, thông tin và sự hiểu biết, của chính mình và của xã hội trần thế xung quanh chúng ta. Thiên Chúa đã sử dụng nhận thức ngày càng tăng đó để dẫn từ điểm bất lợi của quá khứ đến nhận thức về những khả năng mới và tốt hơn của cuộc sống. Chúng ta nên thể hiện lòng biết ơn và tin tưởng vào Ngài bằng cách không dừng lại than vãn những gì đã xảy ra, trong khi lãng phí các khả năng của hiện tại và tương lai. Thật vậy, không ai có thể thay đổi quá khứ; tất cả mọi người có thể thay đổi tác động của quá khứ đến tương lai. Ngay cả những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ cũng có thể giúp chúng ta ngăn chặn những sai lầm tương tự trong hướng sống mới của mình.” (Trang 266-267).
Tin Mừng tường thuật cho ta thấy, sau mỗi lần Phê-rô xác nhận về tình yêu của mình đối với Thầy, Chúa Giêsu đều giao cho ông nhiệm vụ chăn dắt chiên của Thầy, nhưng ba lần với ba câu nói ngụ ý khác nhau:
Đầu tiên, “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy” Chiên con, ám chỉ sự yếu ớt và mỏng manh, không có khả năng tự vệ, vì vậy nó phải được cho ăn và chăm sóc như một đứa trẻ. Nói cách khác, giống như Chúa Giêsu, chúng ta phải hướng dẫn và khuyến khích người khác trong đức tin của họ, giúp họ đạt đến sự trưởng thành mà Chúa muốn ở họ.
Thứ hai, “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. Khi chiên con trở thành một con cừu, nó có thể thả ra đồng để tìm thức ăn, vì vậy người chăn phải canh chừng kẻo nó đi lạc đàn và cũng phải đi tìm các con lạc về đàn kịp thời kẻo bị thú dữ ăn thịt. Nói cách khác, theo Chúa Giêsu, chúng ta phải chăm sóc quan tâm đến người khác. Và thông qua câu hỏi này, “con có yêu mến Thầy không?” Chúa muốn chúng ta phải có câu trả lời trong cuộc sống hàng ngày.
Thứ ba, “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” Cuối cùng, con chiên trở nên già yếu và vì thế nó phải được giữ sức khỏe trong những năm còn lại bởi bàn tay yêu thương của người chăn. Nói cách khác, chúng ta phải theo Ngài vô điều kiện.
Không chỉ với riêng thánh Phê-rô, mỗi người chúng ta sau khi đã được đón nhận ơn đức tin. Thì câu hỏi “Con có yêu mến Thầy không?” của Chúa Giêsu vẫn được hỏi với mỗi người chúng ta. Nếu đáp là ‘có’, cần chứng minh tình yêu đó bằng việc làm cụ thể là chăm sóc và quan tâm đến đức tin và đời sống của tha nhân. Còn ngược lại thì đức tin của chúng ta là một đức tin chết vì nó vắng bóng tình yêu.
Sau khi giao phó cho Phê-rô sứ vụ chăn dắt đoàn chiên của Chúa. Ngài nói với ông: “Hãy theo Thầy”. Phải chăng ba năm qua cho đến lúc này Phê-rô không theo Thầy? Không phải thế, nhưng theo ở đây mang một ý nghĩa mới đó là theo đường lối và hành động của Thầy. Làm những gì Thầy đã làm, nói những gì Thầy đã nói. Hay hiểu cách khác là hãy sống như Thầy đã sống, hãy là hiện thân của Thầy cho đoàn chiên là Giáo Hội. Lời kêu gọi này không chỉ dành riêng cho thánh Phê-rô mà cho mỗi người chúng ta, những người mang danh Kitô hữu là phải có bổn phận minh hoạ lại cuộc đời của Chúa cho nhân loại. Để rồi có thể nói như thánh Tông Đồ dân ngoại: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2,20).
Lạy Chúa, hôm nay Chúa nhắc nhở cho chúng con biết đức tin phải luôn đồng hành với tình yêu và thể hiện ra qua hành động. Xin giúp chúng con khi tuyên xưng niềm tin của mình, cũng luôn biết đáp lại bằng những việc làm cụ thể của tình yêu đối với tha nhân. Vì đó cũng chính là Tình yêu mà Chúa muốn thấy nơi chúng con. Amen.
ӷ
THỨ BẢY TUẦN VII MÙA PHỤC SINH – Gio-an 21,20-25
Người Môn Đệ Đức Giêsu Thương Mến
Lời kết luận của Tin Mừng theo Thánh Gio-an đã viết: “Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.” (Ga 21,25). Giống như các tác giả Tin Mừng khác, Thánh Gio-an chỉ chọn những dấu tích về Chúa Giêsu phù hợp với mục đích của mình mà trình bày lại bằng văn bản. Mục đích của ông khi viết Phúc Âm là cho thấy Chúa Giêsu là Thiên Chúa; Thiên Chúa là tình yêu; và rằng với những ai tin theo Ngài, Chúa Giêsu ban cho họ sự sống thần linh của Ngài. Chúng ta cũng có thể khẳng định rằng mặc dù có những khám phá và phát minh khoa học hiện đại, chúng ta sẽ vẫn tiếp tục gặp phải những bí ẩn trong thế giới này, đặc biệt là trong cuộc sống và đức tin của mình. Bởi vì thế giới này mãi mãi mang dấu ấn của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa.
Có người đã cho rằng những lời Tin Mừng trên là bằng chứng hộ giáo, nói nên sự phụ thuộc của Giáo Hội vào truyền thống thiêng liêng. Nguyên tắc của ‘Duy Kinh Thánh’, vẫn duy trì rằng Kinh Thánh là nguồn duy nhất của niềm tin Kitô giáo của chúng ta. Điều này không hoàn toàn đúng theo cách diễn tả của Thánh Gio-an. Kinh Thánh không giới hạn hoạt động khác của Thánh Thần Thiên Chúa đang làm việc trong Giáo Hội của Ngài.
Vì thế, chúng ta phải trông chờ vào sự dạy dỗ của Giáo Hội, đặc biệt qua lịch sử của Giáo Hội, những nhân chứng của một vài thế kỷ đầu tiên, phụng vụ và việc thực hành đạo đức của Giáo Hội, để khai thác tất cả sự phong phú về niềm tin của mình. Niềm tin phải được luân chuyển dựa vào một thực tại sống động trong sự hỗ trợ liên tục của Chúa Kitô, qua hành động của Chúa Thánh Thần. Đây là truyền thống của Giáo Hội Công Giáo, được Chúa Kitô giao phó cho các mục tử hợp pháp của Giáo Hội, những người kế vị của mười hai Tông đồ.
Tin Mừng hôm nay cũng cho ta thấy một khía cạnh thật hấp dẫn trong cuộc đối thoại của Phê-rô và Chúa Giêsu khi Phê-rô đặt vấn đề với Ngài về vai trò của Gio-an: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao? Chúa Giêsu đáp: Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho đến khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy.” (c.21-22).
Câu trả lời rõ ràng và dứt khoát của Chúa Giêsu cho thấy rằng, mỗi người môn đệ được Chúa an bài theo cách riêng của Ngài, Ngài không muốn chúng ta lo lắng về bản thân so sánh với những người khác, ngay cả trong các vấn nạn về sự thánh thiện và khả năng tông đồ cũng là một sai lầm. Chúa muốn chúng ta quan tâm đến nhiệm vụ được giao phó của chính mình, phát triển nó trong tình yêu của chúng ta với Ngài và sự cống hiến cho những hoạt động tông đồ.
Học hỏi các gương lành nơi người khác làm động lực thúc đẩy chúng ta tiến tới sự thánh thiện và sự dâng hiến chính mình ngày một hơn. Đồng thời, học cách vui mừng với những chiến thắng của người khác, nhìn thấy Chúa sống trong họ, làm việc trong họ, yêu thương họ. Tính ghen tị và cạnh tranh sẽ dẫn ta đến quan điểm lệch lạc về công việc của người khác, nhưng nếu chúng ta xây dựng cho mình tầm nhìn đức tin, nhìn thấy Chúa trong mọi người, chúng ta sẽ vui mừng.
Giống như thánh Phê-rô, Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy theo Ngài thay vì so sánh bản thân với người khác về sự thánh thiện và hoạt động tông đồ. Và cuối cùng, như Nathan C. Schaeffer đã từng nói: chúng ta hãy nhớ rằng vào cuối đời, câu hỏi sẽ không là:
“Bạn đã nhận được bao nhiêu?” nhưng “bạn đã cho bao nhiêu?”
Không phải “bạn đã thắng bao nhiêu?” nhưng “bạn đã hoàn thành bao nhiêu?”
Không phải “bạn đã tiết kiệm được bao nhiêu?” nhưng “bạn đã hy sinh bao nhiêu?”
Đó sẽ là “Bạn đã yêu thương và phục vụ bao nhiêu,” không phải là “bạn được vinh danh bao nhiêu?
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết ‘theo Chúa’ và chỉ một mình Chúa mà thôi, để chúng con có thể chu toàn sứ vụ mà Chúa muốn chúng con thực hiện. Để chúng con cũng trở thành chứng nhân của Chúa cho mọi người, và có thể nói như Thánh Gio-an: “Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực.” Amen.