SUY NIỆM NGÀY TRONG TUẦN, TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN – LM M. Basilio Nguyễn Văn Phán NEWS 

30/05/2023

THỨ HAI TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN – Mác-cô 10,17-27

Người Thanh Niên Giàu Có

 

Một trong những đoạn cuối Tin Mừng tuần trước đã nói: “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi.” Và Tin Mừng hôm nay cũng có thể theo cách này: “Nếu tiền của anh làm cớ cho anh sa ngã, hãy loại bỏ nó bằng cách đưa nó cho người nghèo.” Quả thật tiền của không phải là cái gì xấu nhưng nó cũng là một cái cớ để phải chịu phạt đời đời nếu người ta sử dụng cách ích kỷ, vô tâm, thờ ơ, không biết nhìn đến nhu cầu của tha nhân.

Ta thấy trong dụ ngôn La-za-rô và nhà phú hộ, Chúa Giêsu đã cho thấy điều đó, ông phú hộ không làm gì nên tội ngoại trừ tội thờ ơ, vô tâm với người khác. Đó là thung lũng thẳm sâu ngăn cách con người kết hợp với Thiên Chúa, vì Ngài là tình yêu, thiên đàng là nơi của tình yêu, nếu người ta sống chết trong sự thờ ơ vô cảm với tha nhân thì không thể vào thiên đàng được, hay nói cách khác, thiên đàng không có chỗ của họ.

Vậy phải chăng thông điệp của Tin Mừng hôm nay yêu cầu chúng ta phải từ bỏ mọi của cải vật chất, nếu muốn vào Nước Trời? Câu trả lời chắc chắn là ‘Không’. Vì, trong Kinh thánh, cho thấy có một số người giàu có theo chúa Giêsu như: La-za-rô, Mát-ta và Ma-ri-a, họ sống ở ngôi làng thịnh vượng Bê-ta-ni-a. Như Ni-cô-đê-mô, môn đệ âm thầm của Ngài, là một Pha-ri-sêu giàu có. Gia-kêu, trưởng ban thu thuế ở Giê-ri- cô, cũng là một người giàu có. Chúa Giêsu đã không đòi hỏi rằng những người này phải bán tài sản của họ và cho người nghèo nếu họ muốn trở thành môn đồ của Ngài.

Vậy Tại sao hôm nay Chúa Giêsu yêu cầu chàng trai trẻ này từ bỏ tất cả?

Phải chăng Chúa Giêsu thấy nơi chàng trai trẻ này có một khát vọng đặc biệt, dường như anh ta không thỏa mãn với những gì đang có. Anh ấy muốn đi xa hơn để có được sự sống đời đời làm gia nghiệp, mà Chúa Giêsu là hiện thân của sự sống đời đời. Nên Ngài đã mời gọi chàng trai trẻ này theo Ngài vô điều kiện, nghĩa là không có bất kỳ sự ràng buộc nào kể cả những của cải hợp pháp mà anh ta đang có. Nhưng lời mời gọi của Chúa đã không được đáp trả. Của cải đã ràng buộc không để cho anh ta đến được với Chúa, hiện tại anh ta không có can đảm để từ bỏ vì anh có nhiều của cải.

Tin Mừng cho ta thấy Người thanh niên giàu có này là một người rất ngoan đạo, nhưng cái giá của Nước Trời, của sự sống đời đời không chỉ dừng lại ở chỗ ngoan đạo. Chúa Giêsu yêu cầu anh ta làm nhiều việc hơn là ngoan đạo, nghĩa là làm những việc từ thiện, nhưng anh ta đã làm Chúa Giêsu thất vọng, “anh ta đã xa sầm nét mặt và bỏ đi”.

Ki-tô hữu là những người được kêu gọi thực hiện các hoạt động từ thiện. Đức Giáo hoàng Benedict XVI nhấn mạnh điều này trong tông thư ‘Deus Caritas Est’ rằng; tình yêu tha nhân là một con đường dẫn đến cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, và việc nhắm mắt làm ngơ trước những nhu cầu của tha nhân cũng khiến chúng ta mù quáng trước Thiên Chúa. Theo Đức Thánh Cha: Bác ái Ki-tô hữu trước hết là đơn giản đáp ứng cho những nhu cầu tức thời và những tình huống cụ thể: cho người đói ăn, mặc cho người trần truồng, chăm sóc và chữa lành bệnh, thăm viếng những người bị cầm tù.

Vì vậy, nếu ta bắt đầu chia sẻ và đầu tư tài sản của cải cho lợi ích chung, đặc biệt là cho những người kém may mắn, thì ta tin chắc rằng đây là hành động quan trọng nhất đối với Thiên Chúa.

Thiên Chúa đòi hỏi những ai theo Ngài, phải tách rời khỏi mọi thứ làm cho mình bị ràng buộc. Tâm hồn phải được tự do thanh thản, không quyến luyến. Sự giàu có của chàng trai trẻ này làm cho anh ta bị nô lệ hóa và là một trong những cản trở lớn trong việc theo Chúa Giêsu.

Nếu hôm nay Chúa Giêsu muốn nói với mỗi người chúng ta, Hãy từ bỏ những gì quý giá nhất đối với bạn, và hãy đi theo tôi. Liệu ta có thể nói, vâng, Lạy Chúa con đây!

Lạy Chúa, giữa giá trị thực tế của nhu cầu thể lý và giá trị vĩnh cửu, không có sự mâu thuẫn nhau, nhưng vì lòng tham và thích sở hữu, thích bám víu những giá trị chóng qua nên đã nhiều lần chúng con giả điếc làm ngơ không đáp lại lời mời gọi của Chúa, không dám tiến lên lắm lấy giá trị vĩnh cửu đích thực. Xin hãy giúp con biết sẻ chia, biết nhìn đến nhu cầu cấp thiết của người khác, đó là lúc con đang tích góp và cất giữ kho tàng của chính mình cách chắc chắn nhất cho sự sống đời đời. Amen.

ӷ

 

 

 

THỨ BA TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN – Mác-cô 10,28-31

Một Lãi Một Trăm Mại Zô! Mại Zô!!!

 

Kính thưa ông bà và anh chị em. “đầu tư một nhận một trăm” đây là một canh bạc quá lãi, đầu tư lợi nhuận rất cao, chưa có một công ty nào giám quảng cáo cho thương hiệu đầu tư của mình như vậy trên trái đất này! Kể cả những nhà thầu số đề thì cũng chỉ có một lãi gấp 70. Nhưng đây lại là sổ số, là hên sui may rủi và đa số rủi nhiều hơn may. Thế nên những con ma đề, nghiện đề hầu hết đều bị tan gia bại sản, bán vợ đợ con để lấy tiền chơi đề, và thậm chí có những kẻ vào nhà đá để nghỉ ngơi bóc lịch. Thế mà số người nghiện số đề này vẫn cứ gia tăng ở xã hội việt nam của chúng ta, chung quy lại là cũng do hám lợi mà ra.

Chúa Giêsu hôm nay không chỉ quảng cáo về lợi nhuận để đánh lừa người ta mà Ngài khẳng định cách vô cùng chắc chắn là đầu tư chỉ có lời không có lỗ. Vì Ngài là một ông chủ quyền uy và giầu có, sẵn sàng trả cho người ta gấp trăm những cái người ta trao cho Ngài. Không chỉ thu lợi ở đời sau đâu, mà ngay ở đời này.

Thế nhưng trong Tin Mừng Ngài cũng đã từng mời gọi: “Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Lời quảng cáo này quả thật không mấy hấp dẫn người ta. Và ngay cả các môn đệ đã đi theo Chúa Giêsu cũng cảm thấy chới với vì không biết theo Ngài để được gì đây, đại diện cho các môn đệ là ông thuyền chài, tính tình mộc mạc đơn sơ, nghĩ sao nói vậy, đã đặt vấn đề với Thầy: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” (ngầm hiểu, chúng con sẽ được gì đây?) Đức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con, hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.”

Đây là lời hứa rất hấp dẫn đúng không? Và người ta thường tưởng rằng đây là cái gì đó rất mới lạ, khó tin. Nhưng thực tế lời mời gọi từ bỏ để sinh lãi, để lớn lên đã nằm ngay trong bản chất của vạn vật, và nó là quy luật mà Thiên Chúa đã đặt vào trong vũ trụ này ngay từ khi tạo dựng. Một hạt giống chỉ khi chấp nhận gieo xuống đất, mục nát và thối đi thì mới nẩy sinh một cây mới và trổ sinh gấp trăm hạt khác. Một cây gỗ nếu không chấp nhận thay da thì cũng sẽ không lớn lên được. Một đứa trẻ nếu không thay đổi da thịt thì nó cũng không bao giờ lớn lên được, theo khoa học ngày nay chứng minh, cứ chu kỳ bảy năm thì toàn bộ các tế bào trong con người của chúng ta thay đổi mới hoàn toàn, nghĩa là da thịt và cơ địa tôi đang có ngày hôm nay thì sau bảy năm nó không còn một tế bào nào của ngày hôm nay tồn tại mà hoàn toàn đã đổi mới. Như vậy muốn hay không nó cũng đã loại bỏ các tế bào cũ, nếu tế bào nào không muốn tự hủy diệt đi thì nó sẽ trở thành tế bào ung thư và đem con người đến sự diệt vọng.

Trong kinh doanh buôn bán cũng vậy không đầu tư thì làm sao kiếm được đồng lời, không đi làm thì cũng khỏi ăn vì ông bà ta có câu: “Có làm thì mới có ăn, ở không ai dễ đem phần đến cho.” Phải bỏ ra mới có thu về, đó là nguyên lý bất biến thưa anh chị em.

Donald Trump một tỷ phú trước khi là một tổng thống, ông có dư tiền bạc để hưởng thụ và ăn chơi, nhưng vì muốn có sức khỏe và muốn giáo dục con cái cách lành mạnh, ông đã từ bỏ tuyệt đối không uống rượu, hút thuốc, dùng ma túy cũng như xăm trổ, (điều mà những tay anh chị lắm tiền của hay vấp phải) và những cái ông thu về là sức khỏe vẫn phong độ mặc dù ở ngoài tuổi 70 ra tranh cử và trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Và con cái của ông đều ngoan hiền và thành đạt, ai cũng ngưỡng mộ.

Thế nhưng đi xa hơn những quy luật của tự nhiên và những khôn ngoan của người đời, Chúa Giêsu hôm nay mời gọi chúng ta không chỉ từ bỏ để kiếm những lợi lộc ở thế gian mà thôi, nhưng còn cả sự sống vĩnh cửu ở đời sau nữa.

Đa số người ta hay nghĩ lời mời gọi này chỉ dành cho các tu sĩ nam nữ, những người đã bỏ lại đằng sau tất cả gia đình cũng như mọi thứ họ có để theo Chúa một cách triệt để. Đây là ơn gọi cách đặc biệt mà Chúa muốn một số người đi theo Chúa cách triệt để hơn, nhưng đã là Ki-tô hữu thì mọi người đều được mời gọi từ bỏ vì Chúa và vì Tin Mừng. Nghĩa là khi thực thì đường lối của Thiên Chúa và giáo huấn của Tin Mừng, tự nó nói lên sự từ bỏ. Ví dụ, thay vì họ có thể sống cách buông thả theo thói đời, thoải mái! Không, các Ki-tô Hữu dám nói không, dám từ bỏ lối sống phù phiếm, sống sự hiện diện của Thiên Chúa qua việc tuân giữ giới răn của Ngài, không ăn gian nói dối, không mánh khóe lọc lừa, không chồng chung vợ chạ, không diếc móc điêu ngoa, không làm hại người khác, thay vào đó là một đời sống yêu thương kể cả kẻ thù… Và cái mà ngay ở đời này người ta sẽ nhận được là ít có nguy cơ mắc những căn bệnh xã hội, là được bình an, là được bạn bè quý mến và tôn trọng, và nếu vì Nước Trời, người ta sống triệt để các mối phúc của Tin Mừng thì họ loại được kẻ thù ra khỏi cuộc sống của mình! Và đó là hình ảnh của Nước Trời đang ở giữa thế gian.

Tuy nhiên, trong lời hứa của Chúa hôm nay có một điều chắc ai cũng thắc mắc đó là “cùng với sự ngược đãi”.

Khi từ bỏ hết vì Chúa và vì Tin Mừng, phần thưởng vô cùng lớn lao, nhưng lại đi kèm với sự ngược đãi, điều này không ai trong chúng ta muốn đón nhận, đúng không? Nhưng xét cho cùng đây là một đặc ân để nhận biết rõ chúng ta đang thực sự thuộc về Thiên Chúa, đang đi đúng đường, đang là môn đệ chân chính của Chúa Giêsu Ki-tô, vì tôi tớ thì không thể hơn Chủ, và môn đệ thì không thể hơn thầy. Hay nói cách khác, Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn trọng đại là được nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô của Ngài. Để rồi ta có cơ hội chết đi thực sự với thế gian và cùng phục sinh vinh hiển với Ngài, nói như vậy không phải là Thiên Chúa muốn người ta chịu đau khổ, nhưng dấu chỉ của sự bị thế gian ngược đãi là vì chúng ta thuộc về Đức Ki-tô, không thuộc về thế gian. Vì những ai thuộc về thế gian thì thế gian tung hô họ. Còn những ai không thuộc về thế gian, không thỏa hiệp với những sự dễ dãi, những bất công, phe nhóm, bè phái của thế gian, thì thế gian ngược đãi họ là điều đương nhiên.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết đầu tư những gì mình có nơi Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài, để chúng con ngày càng trở nên giống Giêsu Con yêu dấu của Chúa hơn, và cùng được phần thưởng gấp trăm ở đời này và sự sống vĩnh cửu với Ngài. Amen.

ӷ

 

 

THỨ TƯ TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN – Mác-cô 10,32-45

Tham Vọng Của Gia-cô-bê và Gio-an

 

Chúa đã đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10, 45). Khi chứng kiến cảnh mẹ Tê-rê-sa Calcutta chăm sóc những người hấp hối, lau chùi những vết thương lở loét hôi thối, một nhà báo đã nhận xét: thậm chí ai cho tôi một triệu đô-la tôi cũng không làm được như vậy! Mẹ Tê-rê-sa Calcutta đã tiếp lời, tôi cũng không làm với giá một triệu đô-la nhưng tôi làm điều này vì tình yêu Thiên Chúa.

Tông đồ Gia-cô-bê và Gio-an trong Tin Mừng hôm nay, xin Chúa Giêsu cho một người ngồi bên hữu và một người ngôi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang. Nhưng trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu 20, 20 chỉnh sửa câu chuyện; và người nói hộ hai ông đó chính là bà mẹ đã đến để xin Thầy cho hai con của mình. Mười tông đồ khác nổi giận với hai anh em ông này (c.41) có lẽ vì họ có tham vọng tương tự, mà hai anh em ông này đã vượt lên trước họ. Nhân đây, Chúa Giêsu gọi tất cả họ lại và dạy cho họ một bài học về tham vọng và vĩ đại. Bởi vì họ tập trung sự chú ý của mình vào quyền lực mà họ nghĩ mình sẽ sở hữu trong vương quốc mới chứ không phải là những thống khổ sẽ đi kèm cùng với việc phục vụ mà họ sẽ mang đến cho người khác. Thước đo về sự vĩ đại của Chúa Giêsu rất đơn giản: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ phục vụ mọi người.” (c.43-44). Và Chúa Giêsu là mẫu mực của các môn đệ Ngài là chúng ta (c.45).

Có nhiều chính trị gia khi kêu gọi lá phiếu, họ hứa hẹn đủ điều, họ nêu lên khẩu hiệu mà Chúa Giêsu đưa ra hôm nay, họ muốn là người phục vụ cho dân, là tôi tớ của dân. Nhưng khi họ đắc cử rồi thì chuyện gì xẩy ra ai cũng rõ, thường họ là những con sâu mọt đục khoét của dân và ngồi lên đầu lên cổ dân. Còn bạn và tôi, những người đi theo Chúa Giêsu, liệu chúng ta có thấm nhuần được lời dạy và gương lành của Ngài không?

Người môn đệ thực sự của Chúa Ki-tô thì không phải ở vị trí nào, chỗ ngồi nào, mà là ở việc người ta dám dấn thân phục vụ và cho đi. Trong gia đình ở Việt Nam, ta thường bắt gặp người mẹ cặm cụi hy sinh lam lũ, từ trên nhà cho đến xó bếp, việc gì bà cũng làm một cách vui vẻ, và quả thật mặc dù người cha có vẻ oai phong một chút nhưng ở trong nhà, thực sự người phụ nữ mới là người có quyền hành nhất, bà không cần đao to búa lớn nhưng từ cha đến con đều dễ dàng nghe theo sự xếp đặt của bà đó mới là quyền lực thực sự, vì bà đã phục vụ nhiều với tất cả trái tim của người vợ và người mẹ.

Tại thành phố Calcutta, một người nữ tu nhỏ bé nhăn nheo, trong một nơi rất kỳ thị người Công Giáo, nhưng bà đã được mọi người tôn kính gọi là Mẹ không kể họ là tôn giáo nào, và khi bà nằm xuống, hai mươi mốt quả đại bác vang lên để tạm biệt bà trong nghi thức quốc tang của các nguyên thủ quốc gia. Bà thật vĩ đại vì bà đã phục vụ những kẻ bé mọn và tầm thường nhất và cũng bởi vì bà đã yêu mến và nhìn thấy Chúa Giêsu trong mọi tạo vật của Ngài.

Cuối cùng, chúng ta cùng suy ngẫm một công thức mà ai đó đã tải lên mạng như với tựa đề: Công thức cuộc sống lành mạnh:

CỘNG (+) Chúa Giêsu vào cuộc sống của bạn; TRỪ () tất cả nỗi sợ hãi của bạn;

NHÂN (X) những hành động tốt của bạn lên; CHIA (:) phước lành của bạn với người khác;

KẾT QUẢ (=) một CUỘC SỐNG TUYỆT VỜI.

Lạy Chúa xin giúp chúng con luôn có khát vọng vươn lên để được ở bên hữu bên tả Chúa bằng đời sống yêu thương, dấn thân phục vụ. Amen.

ӷ

 

 

THỨ NĂM TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN – Mác-cô 10,46-52

Người Mù Ba-ti-mê

Tin Mừng hôm nay nói về việc Chúa Giêsu chữa lành người bị mù tên là Ba-ti-mê.

Là một người mù ngồi ăn xin nhưng Chúa phú bẩm cho anh một đôi tai rất thính, vì vậy anh đã nghe và hiểu được những gì đang xẩy ra quanh mình. Và chính vì hiểu nên anh đã tin và khao khát được gặp Đấng mà anh đã nghe người ta nói chuyện với nhau về Ngài, mặc dù anh không biết đi đâu để tìm Ngài với đôi mắt mù lòa của mình. Nhưng hôm nay, khi nghe tiếng ồn ào, như có linh tính mách bảo, anh đã dò hỏi cho biết có chuyện gì đang xẩy ra. Và khi vừa nghe biết về sự xuất hiện của Đức Giêsu người Na-da-rét, khát vọng vỡ òa, anh đã bắt đầu kêu lên: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi” (c.47). Bằng cách gọi Đức Giêsu, Con vua Đa-vít đây là danh hiệu tuyên xưng niềm tin cách rõ ràng rằng: Ngài là Đấng Thiên Sai. Đám đông khó chịu vì tiếng hét của anh. Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi nhưng anh lại càng la lớn hơn. Tiếng kêu của anh đã xé toạc tiếng ồn của đám đông và đã vọng tới Đức Giêsu. Ngài cho gọi anh lại và chữa lành đôi mắt mù lòa của anh. Nhưng trước khi chữa cho Ba-ti-mê, Ngài hỏi ‘Anh muốn tôi làm gì cho anh?’ Và Ba-ti-mê thưa với Đức Giêsu, ‘Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy’.

Qua anh mù Ba-ti-mê cho ta bài học về nguyên tắc của sự cầu nguyện. Trước tiên, bền bỉ kêu xin lòng thương xót của Thiên Chúa. Thứ hai, cách thể hiện bản thân trong lời cầu nguyện của mình. Thứ ba, sức mạnh của đức tin trong lời cầu nguyện.

  1. Bền bỉ kêu xin lòng thương xót của Thiên Chúa, mặc dù hoàn cảnh có thế nào, bị nhiều người ngăn cản, anh mù cũng không nản lòng. Điều này, Tin Mừng theo thánh Lu-ca 18,1-8, Chúa Giêsu đã dùng những dụ ngôn như bà góa và quan tòa bất lương để dạy chúng

Nhưng để bền bỉ trong lời cầu xin thì phải có lòng tin. Chỉ khi tin rằng Đức Giêsu Na-da-rét có thể chữa lành thì anh mù mới kêu cách tha thiết và bề bỉ mặc ai cản ngăn. Đức tin sẽ giúp người ta vượt qua mọi trở ngại để đến với Thiên Chúa. Nhưng muốn tin trước hết phải nghe. Thánh Phao-lô đã khẳng định, “có đức tin là bởi nghe giảng” (Rm 10,17). Anh mù Ba-ti-mê là một gương mẫu về khả năng lắng nghe, nhờ đó anh đã nhận biết Đức Giêsu đang đi ngang qua đời anh và có khả năng chữa lành sự tăm tối của anh. Trái lại, con người ngày nay thích nói nhiều hơn nghe nên đức tin của người ta cứ lỏng lẻo không xác tín được như anh mù.

  1. Cách thể hiện bản thân trong lời cầu nguyện của mình. Đức Giêsu biết trước những gì Ba-ti-mê muốn. Nhưng tại sao Ngài hỏi trước khi chữa lành cho anh ta? Và ta thấy, anh mù không trình bày vòng vo kể nể mà nói ngay anh đang cần Chúa làm gì cho anh. Có lẽ Chúa muốn chúng ta phải học nơi anh mù về cách cầu Đó là cách thẳng thắn chân thành và tin tưởng; “xin cho tôi được thấy” một người mù bẩm sinh mà xin được thấy một cách ngắn gọn đơn sơ, điều này nói lên một niền tin cực mạnh, rằng Thầy Giêsu có toàn quyền trên sự khiếm khuyết của anh và sẽ làm cho anh. Hay nói cách khác, anh tin hoàn toàn thầy Giêsu chính là Đấng Thiên Sai đến để cứu con người khỏi bệnh tật và sự chết. Đôi khi cầu xin với Chúa mà ta đưa ra đủ mọi lý do như thể Chúa không hiểu mình muốn gì và cần được nghe ta giải thích. Điều này nói nên sự kém tin và thiếu tinh thần phó thác. Muốn được thực sự tin và tín thác như anh mù ta cần phải ở gần Đức Giêsu, ở lại trong Ngài, lắng nghe nhịp đập tình yêu của Ngài, những thổn thức trong trái tim của Ngài, không lắng nghe ai ngoài Đức Giêsu và tiếp cận với Ngài trong nhữmg thử thách hàng ngày. Đây phải là thái độ đức tin đặc trưng trong đời sống của các Ki-tô hữu.
  2. Sức mạnh của đức tin trong lời cầu nguyện. Đức Giêsu chỉ ra sức mạnh của đức tin nơi người mù cho các tông đồ và đám đông dân chúng. Chính đức tin này đã đốt cháy khát vọng được gặp Đức Giêsu của Ba-ti- mê và anh đã dõi theo Ngài, nhận biết Ngài đang đi ngang qua nơi anh ngồi. Và rồi đức tin ấy đã lên tiếng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đức Ki-tô đến để chữa lành cho anh. Sau khi nhận được ân huệ chữa lành, anh đã rảo bước theo Chúa với một niềm tín thác, như con trẻ đi theo mẹ và cao rao những công trình mà Ngài đã thực hiện cho anh.

Lạy Chúa Giêsu Ki-tô, chúng con đã nhận được biết bao ân huệ từ Chúa sau những lời cầu nguyện, chúng con đã có lần quên dừng lại để cảm ơn và ca ngợi quyền năng và lòng xót thương của Chúa. Và đôi khi không đủ kiên trì để tìm cách đi theo bước chân của Ngài. Xin giúp con biết học trọn bài học của anh mù Ba-ti-mê biết sống tâm tình cầu xin cũng như tạ ơn, để được Chúa mở mắt cho chúng con biết sống xứng đáng là con cái Chúa. Amen.

ӷ

 

 

THỨ SÁU TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN – Mác-cô 11,11-26

Chúa Giêsu Nguyền Rủa Một Cây Vả

 

Đời sống đức tin đôi khi cũng xuất hiện trong đầu ta những vẫn nạn như, nếu hai tín hữu chân thành xin những điều trái ngược cùng một lúc, Thiên Chúa sẽ đáp lại lời cầu nguyện của họ như thế nào? Ví dụ như, một người đang xin mưa và người kia đang yêu cầu một ngày nắng cùng một lúc, làm sao Chúa có thể trả lời hai điều ngược lại này? Cha Basil Pennington trong cuốn sách, Những thách thức trong cầu nguyện, Viết về đàng thiêng liêng đã trả lời câu hỏi này như sau:

Thiên Chúa sẽ cho chúng ta bất cứ điều gì chúng ta muốn, thử hỏi trong lời cầu nguyện những gì chúng ta thực sự muốn, không phải những gì chúng ta nói chúng ta muốn hoặc thậm chí nghĩ rằng chúng ta muốn. Chúa lắng nghe trái tim, không lắng nghe đôi môi. Ngài biết rõ, sự hiểu biết và kiến thức của chúng ta hạn chế đến mức nào. Ngài thấu suốt những mong muốn chân thật nhất của chúng ta và biết làm thế nào để thực hiện tốt nhất. Và đó là những gì Ngài ban.

Tin Mừng hôm nay là một câu chuyện thú vị về việc Chúa Giêsu nguyền rủa cây vả. Có vẻ như Ngài đang trở nên vô lý khi hy vọng một cây vả sẽ ra trái khi chưa đến mùa. Và điều tồi tệ nhất, Ngài cảm thấy đói và không tìm thấy trái, và Ngài lại nguyền rủa nó. Đang khi Ngài đi vào khu vực đền thờ. Và sau vụ việc, khi Thánh Phê-rô nhắc nhở về lời nguyền mà Ngài đã làm với cây vả vào hôm qua và hôm nay đã khô héo, Ngài đã không đề cập đến chuyện đó. Ngài chỉ đơn giản nói: “Tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý.” (c. 24). Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường và tại sao lại như vậy? Tại sao Chúa của chúng ta đã nguyền rủa cây vả?

Không có nghi ngờ rằng, có một ý nghĩa sâu sắc hơn ở đây. Đó là bởi vì sự nguyền rủa ngay lập tức sau khi Ngài đi vào khu vực Đền thờ, nơi Ngài mong đợi sẽ tìm thấy những người bận rộn về các vấn đề của Thiên Chúa. Thay vào đó, Ngài thấy họ bị chiếm đóng bởi hoạt động trần tục và thường hoạt động gian lận và bất công. Ngài nói: “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp.” (c.17). Sự nguyền rủa cây vả và xua đuổi các kẻ buôn bán trong đền thờ, có mối liên hệ chặt chẽ đến nỗi Chúa Giêsu thực sự kêu gọi hãy sinh hoa trái trong lời cầu nguyện của chúng ta. Nói cách khác, nếu ta vào nhà Chúa mà không cầu nguyện, lại còn biến nó thành nơi trú ngụ của những tên trộm, thì chẳng thể sinh hoa trái thiêng liêng nào. Và nếu không có trái, Chúa sẽ nguyền rủa, giống như Ngài làm với cây vả, cũng như Ngài đã lấy dây thừng làm roi để đánh đuổi các con buôn ra khỏi đền thờ.

Ngoài việc tục hoá các đền thờ gỗ đá mà ta cũng từng gặp, khi không ít những người giáo hữu vô ý thức không nghiêm trang trong cách ăn mặc, cũng như gây ồn ào hoặc nói chuyện riêng trong nhà thờ làm cản trở việc cầu nguyện của người khác. Thêm nữa ta còn thường xuyên xúc phạm đến một đền thờ thiêng liêng, đền thờ của Thiên Chúa. Nói như Thánh Phao-lô: “Vì chính chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa Hằng Sống, như Lời Người Phán: Ta sẽ đến cư ngụ và đi đi lại lại giữa họ. Ta sẽ là Thiên Chúa của họ và họ sẽ là dân của ta” (2Cr 6,16). Thế nhưng không ít lần ta đã làm cho đền thờ của Ngài ra nhơ bẩn khi ở trong tội, và đầy những toan tính bon chen, những ngổn ngang trăm sự, chất chồng mọi thứ trừ Thiên Chúa! Căn nhà ngổn ngang không có chủ, nó sẽ hôi hám và lạnh lẽo biết chừng nào. Nó sẽ chẳng khác gì cây vả không sinh hoa trái và sẽ bị Thiên Chúa nguyền rủa cho chết lụi tàn.

Thiên Chúa mong đợi cây đức tin của chúng ta sinh nhiều hoa trái khi Ngài ghé thăm. Trước tiên là hãy dọn sạch căn nhà tâm hồn của mình cho Thiên Chúa ngự trị. Tẩy trừ tội lỗi và những tham vọng ngổn ngang, những tiếng ồn ào của âm thanh trần tục, để nó thực sự là nơi cầu nguyện, nghĩa là luôn kết hợp với Thiên Chúa Đấng đang hiện diện trong cung lòng mỗi người. Hãy chắc chắn rằng ta không lấy đi nơi Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài cách hợp pháp. Hãy cầu nguyện đủ để được ở với Thiên Chúa.

Một điều quan trọng nữa là, cầu nguyện phải luôn đi đôi với sự hoà giải. Đây là điều tiên quyết mà ta phải làm, công thức khởi đầu mỗi thánh lễ là nghi thức sám hối xin ơn tha thứ và cũng nhắc nhở ta hoà giải, tha thứ cho bất kỳ ai mà ta có chuyện bất bình, để Cha Trên Trời cũng sẽ tha thứ cho ta. (x. Mc 11,25-26) Và khi được tha thứ, ta sẽ có thể sinh hoa trái khi cầu nguyện, nhờ vào sự có thể tiếp cận với Thiên Chúa với một trái tim trong sạch.

Lạy Chúa, qua mọi biến cố trong cuộc sống, xin giúp con biết nhìn lại chính mình mà sửa đổi để tâm hồn chúng con xứng đáng là đền thờ của Chúa, và có thể sinh nhiều hoa trái thiêng liêng trong đời sống đức tin. Amen.

ӷ

 

 

THỨ BẢY TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN – Mác-cô 11,27-33

Chính Quyền Của Do Thái Vào Thời Chúa Giêsu Đặt Câu Hỏi

 

Tôi đã bắt gặp hai quy tắc này trong khi đọc sách: Quy tắc số 1: Ông chủ luôn luôn đúng. Quy tắc số 2: Khi ông chủ sai, hãy tham khảo quy tắc số 1.

Đối với những người luôn cho mình là đúng mà họ lại đang nắm quyền lực trong tay thì quy tắc trên đây thật phù hợp với họ, cũng như cơ quan quyền lực của Do Thái vào thời Chúa Giêsu. Luôn cho mình là đúng nên cuộc đối thoại giữa họ và Chúa đã đưa họ đến thất bại.

Cơ quan quyền lực tối cao của Do Thái giáo thời Chúa Giêsu gồm ba bộ phận cấu thành: các thượng tế, các kinh sư và các kỳ mục. Tuy nhiên, Tin Mừng hôm nay đã trình bày họ như những người có đức tin sai lầm. Đức tin sai lầm này được thể hiện trong hành vi cư xử. Họ đang nghi ngờ thẩm quyền giảng dạy của Chúa Giêsu, họ đặc biệt là không tìm kiếm sự khôn ngoan và hiểu biết mà tìm cách làm mất uy tín và giá trị của Chúa Giêsu. Thay vì lắng nghe sự khôn ngoan mà Chúa Giêsu đưa ra hoặc vui mừng trong những việc chữa lành mà Ngài đã thực hiện, sự tha thứ mà Ngài đã giải thoát, họ chỉ đơn giản là đặt một câu hỏi để gài bẫy Ngài và nhằm làm mất uy tín tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm và giảng dạy. Ở đây cho thấy, Chúa Giêsu đã xoay chuyển tình thế bằng cách dùng chính câu hỏi họ đặt cho Ngài để hỏi về Gio-an Tẩy Giả. Rằng, “Phép rửa của Gio-an là do Trời hay do người ta?” Thay vì tìm kiếm sự khôn ngoan thông qua câu hỏi của Chúa Giêsu, họ chỉ đơn giản đo lường hậu quả của những câu trả lời, do đó câu hỏi của họ đã trở nên cái bẫy cho chính họ.

Thông thường, quyền hành được định nghĩa là thứ gì đó khiến người khác làm điều mà kẻ có quyền muốn họ làm. Ví dụ như, Phiên bản 2007 của Từ điển Encarta định nghĩa về quyền bính là: “Quyền hay sức mạnh để thực thi các quy tắc hoặc ra lệnh.” Có thể hiểu quyền bính như là sự kiểm soát hoặc định hướng hành động của người khác.

Trong bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy những người đại diện cho luật pháp để chất vấn Chúa Giêsu. Nhưng thực sự họ chỉ có danh mà không có quyền vì họ đã không đi đúng luật pháp và đường lối của Thiên Chúa, không nhận ra được sự thật và cũng không có khả năng đón nhận sự thật, không dám mở lòng ra, không bỏ đi được thành kiến cũng như thói kiêu căng tự tôn, cho mình là người lắm giữ lề luật và thực thi quyền bính. Trong bối cảnh của cuộc đối thoại của đoạn Tin Mừng này, Chính Chúa Giêsu mới là người có quyền thực sự, là Người đang điều hành và dẫn dắt cuộc chất vấn. Ngài đã cho họ một cơ hội để trả lời cũng như nói lên lời chân thật. Nhưng sự thật không có nơi họ, nên họ cũng không được Chúa Giêsu mạc khải thêm điều gì về quyền bính của Ngài.

Cũng giống như họ, nhiều lần trong đời ta đóng kín tâm trí và trái tim của mình, và sẽ không mở lòng với bất kỳ quan điểm nào khác. Nhưng qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta biết cởi mở hơn với người khác và với Thiên Chúa. Ngài nói: “Đừng cứng lòng nữa.” Thánh Augustine cũng nói cách rõ ràng: “Thiên Chúa đã gọi, Ngài đã hét lên và Ngài đã thắng vượt sự điếc lác của tôi. Ngài đã chiếu sáng, đã tỏ hiện và Ngài đã xua tan sự mù quáng của tôi.

Xin Chúa mở mắt tâm trí con để con biết nhận ra chính mình, và qua đó cũng soi sáng cho con biết nhận ra chân lý, tôn trọng sự thật vì chính sự thật sẽ giải thoát con người. bởi “Chúa là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống” (Ga 14,6). Chỉ có ai ở trong sự thật mới nhận biết và gặp gỡ được Chúa mà thôi. Amen.

ӷ


Liên quan khác